Sinh nhật Ngôi Sao 15 năm - Thứ bảy, 20/4/2019, 00:06 (GMT+7)

Kỷ nguyên phim Việt kiều, vua phòng vé, ngọc nữ điện ảnh

Năm 2019, khi Ngoisao.net tròn 15 tuổi, mục Phim tái xuất. Thực tế, Ngoisao.net luôn đồng hành với phim Việt trong 15 năm qua. 

Đó cũng là 15 năm điện ảnh nội địa nhiều biến động, nhiều đột phá nhưng cũng còn những nuối tiếc.

Năm 2003, đạo diễn Lê Hoàng cho ra mắt phim Gái nhảy do Mỹ Duyên và Minh Thư đóng chính. Lựa chọn đề tài thuộc diện cấm kỵ của màn ảnh Việt - mại dâm và ma túy, bộ phim làm nổ ra cuộc tranh cãi gay gắt trong giới chuyên môn và dư luận.

Nhiều người chê phim tục tĩu, cũng không ít người ghi nhận cách phản ánh xã hội trực diện mà không đánh mất tính giải trí của phim. Hơn hết, đây được xem là tác phẩm mở lối tiên phong cho dòng phim thương mại của điện ảnh Việt Nam tái sinh, sau gần một thập niên dòng phim "mỳ ăn liền" diễm tình bốc hơi khỏi màn bạc. 

Sau các cô "gái nhảy" là các anh Việt kiều

Theo chân Gái nhảy, phim thương mại Việt Nam nối tiếp ra đời, giai đoạn đầu còn manh mún nhưng cũng có thể điểm ra một số cái tên: Những cô gái chân dài, Nữ tướng cướp, 2 trong 1, Hồn Trương Ba, da hàng thịt...

Năm 2007, Dòng máu anh hùng (Charlie Nguyễn đạo diễn, Ngô Thanh Vân, Johnny Trí Nguyễn đóng chính) xuất hiện như một cú nổ của điện ảnh Việt. Đi trước xu hướng thưởng thức của đại chúng, phim thất bại ở phòng vé nhưng bù lại được đánh giá cao về chất lượng, mở màn cho làn sóng phim Việt kiều nở rộ. 

Trailer Dòng máu anh hùng
 
 

Dòng máu anh hùng mở màn cho làn sóng phim của các đạo diễn Việt kiều cuối những năm 2000

Đương thời, ở mảng phim "thuần Việt", Nguyễn Quang Dũng với biệt hiệu Dũng "Khùng" và Vũ Ngọc Đãng với nickname Đãng "Trọc" là hai gương mặt tiêu biểu; còn trên địa hạt phim Việt kiều, Charlie Nguyễn và Victor Vũ là hai tên tuổi hàng đầu. 

Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, màn ảnh Việt vẫn do phim nhà nước chiếm lĩnh. Bước qua năm 2010, dòng phim này dần rệu rã và tạm dừng chân với bộ phim Cuộc đời của Yến sản xuất năm 2015. 

Đổi lại, phim thương mại lên ngôi sôi nổi, trong khi dòng phim nghệ thuật - độc lập có những bước đi kín kẽ nhưng vững vàng. Chơi vơi, Bi, đừng sợ, Đập cánh giữa không trung, Đảo của dân ngụ cư... gây tiếng vang ở đấu trường quốc tế. Bẫy rồng, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em là bà nội của anh... tạo thiện cảm trên màn ảnh sân nhà. Trong khi, Bụi đời Chợ Lớn bị cấm chiếu là một dấu lặng. 

Từ 2004 tới 2019, điện ảnh Việt Nam trải qua 15 năm chuyển đổi cơ chế, dần hình thành một thị trường điện ảnh non trẻ nhưng tiềm năng. Có những năm, khán giả bới hoài không tìm thấy phim tốt, ví như năm 2016: hài nhảm tràn lan, ngay cả Charlie Nguyễn cũng sảy chân ngã ngựa với Fan cuồng. 

Lại có những năm, nhiều tác phẩm dán nhãn nội địa được đánh giá cao, chẳng hạn 2017 và 2018. Năm 2017, lần đầu tiên Việt Nam có tác phẩm đoạt ngôi quán quân phòng vé trong nước. Đó là phim Em chưa 18 với doanh thu 171 tỷ đồng, vượt mặt loạt bom tấn Hollywood. 

Một năm sau đó, tình hình doanh thu không khả quan bằng nhưng bù lại, Việt Nam có một năm đa dạng màu sắc điện ảnh từ thể loại (tâm lý, tình cảm. hài, kinh dị) tới dạng thức sản xuất và phát hành (thương mại, độc lập); có Song lang đẹp duy mỹ, Người bất tử đầy tham vọng, Tháng năm rực rỡ duyên dáng, Chàng vợ của em thể hiện độ chín của đạo diễn, Nhắm mắt thấy mùa hè mang theo sự liều lĩnh của người trẻ làm phim... 

Kỷ nguyên của đạo diễn triệu đô, 

ông hoàng phòng vé và ngọc nữ điện ảnh 

Trở lại ồ ạt vào cuối những năm 2000, phim thương mại sản sinh ra một lứa thần tượng điện ảnh mới, sau những Như Quỳnh, Lê Vân, Thế Anh... của thời kỳ phim Cách mạng và hậu chiến hay những Lê Công Tuấn Anh, Diễm Hương, Việt Trinh, Lý Hùng... của dòng phim "mỳ ăn liền". 

Các ngọc nữ, nam thần của màn ảnh cũng từ đây được "khai quật". Khách quan mà nói, loạt danh xưng hoa mỹ này được báo chí tán tụng chủ yếu nhờ nhan sắc của diễn viên, ít người trong số họ tài sắc vẹn toàn. Nam có Hứa Vĩ Văn và gần đây thêm Liên Bỉnh Phát; nữ thì có phần nổi bật hơn nhưng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay với Ninh Dương Lan Ngọc, Miu Lê, Thanh Tú, Kaity Nguyễn, Phương Anh Đào. 

Trong dòng phim nghệ thuật, Đỗ Thị Hải Yến và Thùy Anh là hai gương mặt nổi bật. Riêng Hồng Ánh và Ngô Thanh Vân là hai cái tên đặc biệt nhất. Xuất hiện ở thời điểm giao thoa giữa phim hậu chiến và phim giải trí, Hồng Ánh góp mặt ở cả hai mảng phim, được xem là bảo vật của điện ảnh Việt. Vân Ngô thì một mình một cõi, trở thành đả nữ duy nhất cho tới nay. 

Cũng với dòng phim thương mại, khái niệm đạo diễn triệu đô và ông hoàng phòng vé ra đời. Sở hữu loạt tác phẩm có doanh thu từ vài chục tỷ đồng tới hơn trăm tỷ đồng, Charlie Nguyễn và Victor Vũ là hai nhà làm phim kiếm bộn tiền ở thị trường phim Việt. Đồng hành với họ trong nhiều dự án thắng lớn là Thái Hòa – vua phòng vé đầu tiên của Việt Nam. 

Thái Hòa (giữa) và Charlie Nguyễn (phải) tạo thành cặp bài trùng thắng lớn ở phòng vé qua nhiều phim.

Tín hiệu khởi sắc

Năm 2019 mới đi qua ba tháng đầu tiên, nhưng phim Việt đã hai lần xô đổ kỷ lục phòng vé, với Cua lại vợ bầuHai Phượng

15 năm trước, doanh thu một phim điện ảnh ở ta quanh quẩn mười mấy, hai chục tỷ đồng. Còn hiện tại, Hai Phượng – phim tạm thời ăn khách nhất lịch sử Việt đã vượt mốc 200 tỷ đồng.

15 năm trước, mỗi năm chúng ta phát hành trên dưới 10 phim. Còn hiện tại, số lượng đó chỉ bằng phim ra rạp trong một quý. 

Trailer Hai Phượng
 
 

Phim hành động Hai Phượng hiện dẫn đầu lịch sử phòng vé nội địa

Thế hệ đạo diễn quen thuộc Bùi Thạc Chuyên, Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Nguyễn Quang Dũng... tiếp tục làm phim. Thế hệ đạo diễn trẻ Phan Gia Nhật Linh, Leon Quang Lê, Nguyễn Hoàng Điệp... còn nhiều đất để dụng võ. 

Không còn đơn thuần là các hot boy, hot girl, phim Việt ngày càng chú trọng khả năng cảm thụ và diễn xuất của diễn viên, tạo nên những viên ngọc quý như Thanh Tú hay Liên Bỉnh Phát...

Điện ảnh Việt còn nhiều hạn chế ở kịch bản, đạo diễn, diễn viên, song rõ ràng có tiềm năng phát triển. 

Phong Kiều

Đánh giá phiên bản mới