Showbiz - Thứ sáu, 24/12/2021, 01:05 (GMT+7)

Vì sao 'Last Christmas' luôn được nghe nhiều dịp Giáng sinh

Lời ca thấm đẫm nỗi buồn, hờn trách nhưng mỗi dịp Giáng sinh về, ‘Last Christmas’ lại trở thành bài hát được ngân vang khắp nơi trên thế giới.

"Giáng Sinh vui vẻ", tôi gói nó lại và gửi đi với một lời nhắn rằng: "Tôi yêu em". Tôi thật lòng như thế. Giờ thì tôi biết mình đã luôn là kẻ ngốc. Nhưng nếu lúc này em lại hôn tôi, tôi biết em sẽ lại lừa được tôi.

Có lẽ không có ca khúc Giáng Sinh nào cay đắng như Last Christmas. Khác hoàn toàn những bản nhạc Giáng Sinh truyền thống ấm áp và an lành dành cho "khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm", Last Christmas thấm đẫm nỗi buồn, sự giận dữ, hờn trách và cả nuối tiếc.

Tất cả giấu sau một giai điệu rộn ràng, tiếng trống điện tử và tiếng chuông ngân nga của chiếc xe trượt tuyết.

'Last Christmas' - Wham
 
 
MV 'Last Christmas' - Wham!

Nhưng tại sao ta lại cần một bài hát như vậy vào Giáng Sinh, ngày vốn để ta hạnh phúc?

"Tôi chỉ cần nghe bản demo một lần để nhận ra Last Christmas sẽ là một bản hit lớn". Trong hồi ký George và tôi, Andrew Ridgeley, thành viên còn lại trong nhóm Wham! nhớ lại lần đầu tiên khi anh được George Michael, người bạn nối khố từ thời trung học, kéo ra khỏi phòng khách và trận bóng đá trên truyền hình để lên lầu nghe một giai điệu mà George mới sáng tác trong chớp nhoáng.

Trên lầu là buồng ngủ của George, nơi hai chàng trai nổi tiếng bậc nhất nước Anh thập niên 80 từng dành bao ngày của tuổi thiếu niên ngồi nghe các bảng xếp hạng âm nhạc và ước ao một ngày kia tên mình cũng lọt vào đó. Bản nhạc kinh điển của hàng chục mùa Giáng Sinh sau này thực ra được ghi âm phần lớn ở đây, trong một chiều năm 1984.

Thời điểm ấy, Wham! đã có kế hoạch tan rã. Nói như Andrew thì ban nhạc của họ không được sinh ra để tồn tại dài lâu. Nó sẽ như một màn pháo hoa của tuổi trẻ, đẹp đẽ nhưng phù du, sáng một lần rồi tắt đi vĩnh viễn. Cả Andrew lẫn George đều lờ mờ cảm nhận được rằng sắp đến lúc khép lại mọi thứ và Last Christmas có lẽ giống như một trong những cao trào làm nên cái kết cho màn pháo hoa của họ.

Vào thời điểm ra đời, Last Christmas thành công nhưng không thể lên được ví trí số một trên bảng xếp hạng âm nhạc ở Anh. Đánh bại ca khúc này là một ca khúc Giáng Sinh khác, Do They Know It’s Christmas, với sự tham gia của dàn ngôi sao âm nhạc nổi tiếng nhất thời bấy giờ, trong đó có cả George Michael, và được viết ra với mục đích gây quỹ cho nạn đói ở Ethiopia. Nhưng ta đều biết rằng Last Christmas thuộc về một kiểu âm nhạc khác.

Nó không phải thứ âm nhạc cho người khác, không phải thứ âm nhạc để tất cả cùng hòa giọng và mang lại niềm hy vọng cho ai đó, không phải thứ âm nhạc dấy lên trong ta một niềm thỏa mãn về mặt đạo đức. Nó là thứ âm nhạc để gặm nhấm, đôi khi hát theo, thứ âm nhạc cho phép ta chìm vào những buồn bã thắt tim ngay cả trong một dịp hướng thiện như Giáng Sinh. Ta vẫn có thể cảm nhận được Last Christmas khi nghe trong một đám đông nhưng nó hay nhất là khi nghe một mình, trong căn phòng riêng, đúng như cách nó được sáng tác trong đơn độc.

Có rất nhiều ca sĩ nữ đã cover Last Christmas và điểm chung dường như là họ luôn cover nó khi còn rất trẻ. Ashley Tisdale năm 21 tuổi, Taylor Swift năm 18 tuổi, Ariana Grande năm 20 tuổi, Hilary Duff năm 24 tuổi, may ra có Carly Rae Jepsen hát nó khi đã 30.

Last Christmas là một sáng tác của George Michael, một nam ca - nhạc sĩ. Nhưng nếu không xét đến bản gốc thì tất cả bản cover đáng nhớ nhất của bài hát này đều thuộc về phụ nữ, chính xác là phụ nữ vào thời họ còn là những cô gái. Ariana Grande hát nó vào đúng thời điểm khi chớm nổi tiếng, khi tất cả những gì đang trải ra trên chặng đường âm nhạc phía trước còn mới mẻ. Hay với Taylor Swift, sẽ khó lòng tin nổi nếu nếu Swift của hôm nay thu âm Last Christmas. Phải là cô của năm 18 tuổi, hát chỉ để hát, hoàn toàn ngây thơ và vì vậy cũng dễ bị tổn thương.

'Last Christmas' - Ariana Grande
 
 
Phiên bản 'Last Christmas' của Ariana Grande

Last Christmas, có gì đó gói gọn một thứ tính nữ thời tuổi trẻ, khi họ còn có thể "trao trái tim của mình" cho một ai đó như Ông già Noel dúi vào tay mỗi người một món quà Giáng Sinh, khi họ còn chưa đủ bản lĩnh để mặt đối mặt với "tâm hồn đá lạnh" của người họ yêu tha thiết, hay để cho ai đó "xé toang trái tim" mà vẫn biết chắc sẽ tiếp tục ngã vào vòng tay tình yêu dù biết trở thành kẻ ngốc lần nữa. Vì vậy, dù đau khổ đến phát khóc, Last Christmas vẫn hết sức nồng ấm, với nhiệt lượng chỉ phát ra từ một người trẻ tuổi còn tràn trề tình yêu để cho đi phung phí.

Dẫu cho gần như từ đầu tới cuối phần điệp khúc luôn có câu: "Năm nay, để cứu mình khỏi những giọt lệ, tôi sẽ trao tim mình cho ai đó đặc biệt" song đến khi khép lại bài hát, câu ấy lại được lùi thời điểm về "có lẽ năm sau". Sự biến tấu đột ngột và thiếu dứt khoát ấy biến Last Christmas trở thành bản tình ca tan vỡ hoàn hảo của tuổi đôi mươi, với toàn bộ sự vấn vương và nỗi giận dữ hòa quyện vào nhau để tạo nên một cảm xúc rối bời.

Hồi ký 'George và tôi' của Andrew Ridgeley - thành viên còn lại của nhóm Wham! - xuất bản ở Việt Nam mùa Giáng sinh năm nay.

"Tôi vẫn nhớ khi ca khúc này ra đời những năm 1980. Lúc đó, tôi là một phi công và bạn gái tôi là tiếp viên trưởng. Chúng tôi thường đùa nghịch trong tuyết. Trái tim tôi vẫn... Bài hát này gợi lại cho tôi biết bao ký ức. Cảm ơn Wham!", đó là một trong những bình luận mới nhất trong số cả chục nghìn bình luận trên MV Last Christmas được đăng tải lại trên Youtube.

Rất nhiều trong số bình luận đều nói Last Christmas gợi nhớ về một kỷ niệm đẹp đã qua.

MV của Last Christmas không thể giản dị hơn. Andrew và George cùng một hội bạn thân đích thực ngoài đời lôi nhau lên một khu nghỉ dưỡng trên núi ở Saas-Fee, Thụy Sĩ tháng 11/1984. Hầu như toàn bộ MV là cảnh những người bạn trẻ trang hoàng cho bữa tiệc Giáng Sinh trong ngôi nhà gỗ ấm áp với ngọn lửa sưởi bập bùng hoặc mọi người đi ném tuyết.

Có tất cả những gì mà người ta mong đợi của một bữa tiệc cuối năm: cây thông Noel, pháo bông, rượu, bàn tiệc – bối cảnh mà trong hồi ký George và tôi, Andrew mô tả như "một câu chuyện mùa đông đồng hành hoàn hảo với thứ chủ nghĩa khoái lạc mùa hè".

'Last Christmas' - Emilia Clarke
 
 
Diễn viên Emilia Clarke thể hiện 'Last Christmas' trong bộ phim cùng tên ra mắt năm 2019, lấy cảm hứng từ bài hát Giáng sinh kinh điển của Wham!.

Nhưng cũng có cả những thứ không đáng mong đợi lắm, như những cuộc tình ngang trái. Trong MV, nhân vật cô bạn gái của Andrew lại là người tình cũ của George, và đôi khi họ ngước nhìn nhau đầy lưu luyến.

Một MV với cốt truyện hoàn toàn đơn giản như thế, không chút thách đố hay khoa trương nhưng cuộc vui náo nhiệt ấy là kiểu ký ức mà bất cứ ai cũng từng có trong đời, thời ta sẵn sàng uống say khướt mà không biết mệt, thời ta quậy tung trời, thời ta chẳng ngại làm trò lố trước những người bạn thân.

Có lẽ vì thế mà dù kiểu đầu bồng bềnh lãng tử của George ngày nay đã trở nên lỗi thời sến súa, chiếc băng cài áo đính ước của George và cô bạn gái cũ trong MV cũng đã lạc mốt từ lâu, ta vẫn có thể xem lại MV Last Christmas và tưởng nhớ về một thời đã mất.

Với những ai yêu văn hóa nghệ thuật, hẳn còn nhớ năm 2016, một năm của rất nhiều lời chia biệt. Riêng trong âm nhạc, đầu năm, ta mất đi David Bowie, rồi lần lượt mất đi Glenn Frey (một trong những nhà sáng lập của ban nhạc The Eagles), George Martin (producer của The Beatles), Keith Emerson, Prince, Leonard Cohen và cả George Michael.

Ông mất đúng ngày Giáng sinh, ở tuổi 53.

George yêu Giáng sinh. Năm nào ông cũng có một buổi tụ tập Giáng sinh, ăn tối no say xong thì cả đám mang một con búp bê cỡ lớn đi gõ cửa thăm hỏi hàng xóm. Vào đúng ngày Giáng sinh định mệnh ấy, Andrew kể lại vào lúc 16h, ông nhận được một cuộc điện thoại.

Ông mới nhận được quà Giáng sinh mà George gửi và cũng mới gửi lời cảm ơn bạn: "Yog! Cảm ơn nhá, vì hộp quà, như luôn vậy. Tao mong mày có kỳ nghỉ lễ vui. Mong gặp vào năm mới, cho tao biết lúc nào mày rảnh". (Andrew vẫn gọi George bằng tên thật mật mà ông đặt cho bạn từ thuở thiếu niên – Yog). Vậy mà chỉ năm phút sau khi tin nhắn gửi đi, ông nhấc điện thoại lên và nghe em gái George nói rằng George đã qua đời.

Last Christmas đã luôn là một sáng tác vượt thời gian. Nhưng cái chết của George vào đúng ngày Giáng sinh, sự trùng hợp này khiến nó bất tử theo một cách khác nữa. Dù vô tình hay cố ý, bài hát cũng đột nhiên mang sức mạnh của một lời tiên cảm, một ẩn dụ, một biểu tượng cho một cuộc đời. Nó là bản nhạc tuyệt vời nhưng không chỉ thế, nó còn là một lời chia tay như chính nội dung của nó và ta không thể nghe nó mà không nghĩ đến tất cả những chiều kích ấy: những thời đại đã qua, những con người đã xa.

Vòng lặp thời gian 30 năm từ khi bài hát ra đời đến khi người viết nó lìa xa cõi thế cũng hô ứng với vòng lặp thời gian mà Last Christmas tạo ra: "Giáng sinh năm ngoái, tôi trao tim mình cho em. Có lẽ năm sau, tôi sẽ trao cho ai đó khác đặc biệt". Nhưng năm nào là năm sau?

Theo một cách hiểu, năm sau là mốc thời gian không bao giờ đến. Cuối cùng thì chính Giáng sinh cũng là một vòng lặp, bởi có năm nào mà ta không trải qua một mùa Giáng sinh.

Và có năm nào ta trải qua một mùa Giáng sinh mà không nghe Last Christmas:

Last Christmas, I gave you my heart
"Giáng Sinh năm ngoái, tôi trao trái tim mình cho em."

Hiền Trang

Đánh giá phiên bản mới