Xem - Thứ tư, 23/12/2020, 00:00 (GMT+7)

Trần Ngọc Vàng: 'Nụ hôn với Hoàng Yến khó, với Tú Hảo thì... đau'

Trần Ngọc Vàng chia sẻ nhiều chuyện hậu trường thú vị khi đóng phim cùng ký ức đáng nhớ về gia đình và những ngày mới vào nghề.

Trần Ngọc Vàng sinh năm 1998, tốt nghiệp ngành diễn viên trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM. Sau khi giành ngôi quán quân Gương mặt điện ảnh 2020, anh có liên tiếp hai phim ra rạp là Chồng người ta (đã chiếu hồi tháng 11) và Người cần quên phải nhớ (phát hành dịp Giáng sinh).

Trailer Người cần quên phải nhớ
 
 
Trailer phim Người cần quên phải nhớ

Nụ hôn với Hoàng Yến Chibi và Tú Hảo đều đáng nhớ

Ảnh: Mai Nguyễn Hưng.

- Sau khi phim ‘Chồng người ta’ chiếu rạp và những hình ảnh đầu tiên của phim ‘Người cần quên phải nhớ’ được công bố, anh được kỳ vọng là gương mặt tiềm năng mới của điện ảnh Việt. Anh đón nhận những niềm vui này thế nào?

- Sau phim Chồng người ta, các cô chú, anh chị trong nghề rất thương tôi, chờ đợi phim thứ hai của tôi là Người cần quên phải nhớ.

Lúc làm việc, đạo diễn Đức Thịnh và nhà sản xuất Charlie Nguyễn không bao giờ khen tôi đâu. Tôi thấy như vậy là may cho tôi. Vì không biết chừng, lời khen sẽ làm tôi tự phụ. Khi đọc báo và biết các anh dành lời khen cho mình, tôi vui nhưng chỉ dám đón nhận mọi thứ thật bình tĩnh và từ tốn, không dám quá tự tin hay ngạo mạn. Tôi mong được các tiền bối và khán giả yêu quý, chỉ dạy.

- Vai diễn anh chàng giang hồ ngây thơ Bình trong ‘Người cần quên phải nhớ’ có gì đồng điệu hay khác biệt với anh ngoài đời?

- Bình giống tôi ở tính cách tưng tửng, thỉnh thoảng có những hành động kỳ quặc (cười). Nhưng tôi tự thấy mình chững chạc, hiểu chuyện, biết suy nghĩ hơn Bình. Bình khá bồng bột, ngây thơ và dễ bị dụ. Trong tình yêu, tôi và Bình đều có khao khát chinh phục và tiếc nuối khi kết thúc một mối quan hệ.

- Lần đầu anh và Hoàng Yến Chibi casting chung, đạo diễn Đức Thịnh đã cảm thấy hai người xứng đôi. Còn anh thì từng thú nhận sợ Hoàng Yến trong lần đầu gặp mặt. Anh đã vượt qua cảm giác này thế nào để trở thành người yêu của cô ấy trong ‘Người cần quên phải nhớ’?

- Thực ra, tôi là fan của Yến gần 10 năm nay, từ hồi nghe bài ‘Ngây ngô’. Sau này, tôi rất thích vẻ ngây thơ, trong sáng của Yến trong phim Tháng năm rực rỡ. Lần đầu gặp Yến ở buổi casting, tôi rơi vào cảm giác e dè đúng kiểu fan gặp thần tượng. Hơn nữa, Yến lại làm tôi sợ vì Yến có phong thái chị đại với đàn em. Tôi không dám bắt chuyện với Yến. Lúc chụp bức ảnh Yến ngả đầu vào vai tôi mà anh Thịnh đăng lên, tôi đã gồng dữ lắm để giấu đi cảm xúc bối rối của mình (cười).

Trần Ngọc Vàng đóng cặp đàn chị Hoàng Yến Chibi trong Người cần quên phải nhớ.

Khi làm việc, anh Thịnh muốn Yến gọi tôi là "anh" để hai đứa quen dần với nhân vật. Nhưng Yến đâu có chịu, vì tôi kém Yến ba tuổi. Thế là, chúng tôi xưng hô với nhau bằng tên của nhân vật. Có lúc, Yến xưng "mày – tao" với tôi, thậm chí mỗi lần muốn gọi tôi thì chỉ nói "Ê!". Tôi thì đến bây giờ vẫn quen miệng xưng tên với Yến.

Trước ngày quay phim Người cần quên phải nhớ, tôi và Yến trò chuyện với nhau nhiều, tạo cảm giác thân thiết để dễ diễn cặp, vì chúng tôi có nhiều cảnh thân mật lắm.

Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định là một cặp trên phim. Hai đứa chuẩn bị rất kỹ, cùng các diễn viên khác đọc kịch bản, tập diễn với đạo diễn. Đến bối cảnh, chúng tôi chỉ cần thả thêm cảm xúc là hoàn thành cảnh quay. Các cảnh phim của tôi và Yến hầu như đều không tốn thời gian.

- Ở hai phim ‘Chồng người ta’ và ‘Người cần quên phải nhớ’, anh lần lượt có nụ hôn màn ảnh với người mẫu Tú Hảo và diễn viên – ca sĩ Hoàng Yến Chibi. Hai nụ hôn này có kỷ niệm gì đáng nhớ với anh?

Trần Ngọc Vàng kể nhiều kỷ niệm vui trong cuộc trò chuyện với Ngoisao.net. Ảnh: Mai Nguyễn Hưng.

- Trong Chồng người ta, tôi là cậu học sinh và có nụ hôn vô tình với Tú Hảo. Còn trong Người cần quên phải nhớ, tôi đóng vai trưởng thành hơn và nụ hôn đến từ tình yêu thực sự, có chủ đích. Nụ hôn với Yến khó hơn vì cảnh quay đòi hỏi cảm xúc, nội tâm phức tạp.

Nhưng nụ hôn với Tú Hảo khiến tôi... đau hơn. Tình huống đó miêu tả Tú Hảo ngã đè lên người tôi làm hai đứa bất đắc dĩ môi chạm môi. Cảnh quay thực hiện lúc khoảng 4 – 5h sáng. Tôi được buộc dây bảo hộ từ chân lên hông để được kéo lơ lửng. Khi bị treo một mình, tôi đã đau hết cả hông và lưng. Khi Tú Hảo ngã đè lên tôi, tôi càng đau, chịu không nổi. Nhưng tôi không dám kêu vì sợ liên lụy cả đoàn phải làm lại từ đầu. May mà cảnh đó chỉ quay hai lượt là xong. Đạo diễn vừa hô cắt, tôi đi thẳng ra xe nằm.

'Bằng cấp không quan trọng với diễn viên,

nhưng là niềm vui của ba mẹ'

- Đam mê nào đưa anh tới lựa chọn trở thành diễn viên?

- Từ bé, tôi đã rất thích diễn xuất, hay có thói quen bắt chước các diễn viên khi xem tivi. Nhưng hồi đó, tôi chỉ dám lén diễn một mình thôi, không dám để ai thấy. Khi tôi học hết lớp 10, một người chị tôi quen biết làm việc trong ngành truyền thông nói nếu tôi chưa từng biểu diễn thì tôi không thể thi đỗ vào trường Sân khấu – Điện ảnh. Tôi rất sợ thi trượt đại học sẽ làm ba mẹ buồn. Vậy là tôi nản chí, chuyển hướng ôn thi khối A để nối nghiệp một người thân trong nhà học ngành cơ khí địa chất.

Dù vậy, tôi chỉ học tốt Toán và Lý, còn môn Hóa tôi học dốt lắm. Đến ngày đăng ký nguyện vọng thi đại học năm 2016, tôi đấu tranh tâm lý suốt hai tiếng rồi quyết định điền tên trường Sân khấu – Điện ảnh TP HCM vào tờ đơn. Một người anh đồng hương làm nghệ thuật hướng dẫn tôi cách thi. Hai ngày trước ngày thi, tôi tới trường Điện ảnh, xem các anh chị học và tập diễn để học lỏm. Ngày thi cũng chính là lần đầu trong đời tôi diễn trước đông người. Vậy mà, tôi may mắn đỗ thủ khoa vòng đầu tiên. Tuy nhiên, vì môn Văn không tốt, tôi chỉ được học hệ cao đẳng.

- Trước ‘Chồng người ta’ và ‘Người cần quên phải nhớ’, anh tìm kiếm cơ hội diễn xuất thế nào?

- Từ năm nhất, tôi đã chịu khó đi casting. Tôi trượt nhiều phim và cũng may mắn được chọn vào một số dự án. Nhưng sau cùng, tôi từ chối hết. Vì thời gian quay của mỗi phim đều kéo dài. Nếu đóng phim, tôi phải bỏ dở việc học. Với nghề diễn viên, tấm bằng tốt nghiệp không quá quan trọng. Nhưng với bố mẹ tôi, đó là niềm vui lớn. Ba năm sinh viên, tôi chuyên tâm học, chỉ thỉnh thoáng đóng quảng cáo để kiếm chút tiền trang trải cuộc sống. Tôi cũng từng lo mình thiếu kinh nghiệm làm nghề, đi chậm hơn các bạn. Nhưng hơn hết, tôi muốn tốt nghiệp đúng hạn để ba mẹ không phiền lòng.

Ảnh: Mai Nguyễn Hưng.

- Những ngày đầu bước vào nghề diễn, anh trải qua những khó khăn nào?

- Khó khăn lớn nhất với bất cứ ai từ xa đến TP HCM lập nghiệp cũng là kinh tế. Tôi là con út trong gia đình 10 anh chị em. Khi tôi Nam tiến đi học, ba mẹ tôi đã lớn tuổi, nên các anh chị thay phiên nhau nuôi tôi. Tới năm hai đại học, tôi bắt đầu tự lập. Tôi đi làm thêm nhiều công việc để trang trải phí sinh hoạt.

Tôi nhớ hồi làm lễ tân ở trung tâm tiệc cưới, mỗi ngày tôi đứng vài tiếng, thu nhập chưa tới 100.000 đồng. Bình thường, sau khi thay đồng phục làm việc, tôi đều cầm ví tiền và điện thoại theo người, vì tôi nghe nói đồ của chúng tôi dễ bị lục lọi, lấy trộm. Nhưng có một hôm tới trễ, tôi vội quá nên để luôn ví tiền cùng với quần áo. Kết quả, tôi bị lấy gần hết tiền. Tên trộm có vẻ cũng có lương tâm, để lại cho tôi 50.000 đồng đổ xăng (cười). Những ngày sau đó, tôi đành mượn tiền của bạn để chi tiêu.

Khó khăn thứ hai với tôi là chất giọng đặc sệt Ninh Thuận. Ngày đầu tiên nhập học, cả lớp cười ầm khi nghe tôi giới thiệu bản thân. Tôi tưởng các bạn thấy mình hài hước nên tôi cười theo. Đến khi đứa bạn nói giọng tôi vùng miền quá làm các bạn cười, mặt tôi như biến sắc. Tôi buồn lắm. Sau này, mỗi lần đi casting, tôi cũng hay bị phàn nàn về giọng nói.

Hồi đầu, tôi rất tự ti. Nhưng chính vì tự ti, tôi cố gắng thay đổi. Ăn uống, nghỉ ngơi, tôi đều tập nói giọng Nam. Tôi thường xuyên nhờ đứa bạn người TP HCM sửa cách phát âm. Tôi tập suốt ba năm đi học và tới giờ vẫn cố khắc phục.

Trần Ngọc Vàng trong phim Người cần quên phải nhớ.

- Không đi diễn nhiều thời sinh viên, vậy mà sau khi tốt nghiệp, anh được giao ngay vai thứ chính trong ‘Chồng người ta’ và vai chính trong ‘Người cần quên phải nhớ’. Hai cơ hội này đến với anh thế nào?

- Lúc mới làm kịch bản Chồng người ta, đạo diễn Nguyễn Hữu Tiến đã mời tôi đóng một vai giới tính thứ ba. Khi đó, tôi từ chối vì sợ mình không đủ sức đảm nhận. Nửa năm sau, thầy liên lạc lại, mời tôi vai khác. Được thầy ngỏ lời tới hai lần, tôi không dám từ chối. Tôi tới casting và được giao vai Hải (con trai của Trịnh Xuân Nhản và Yaya Trương Nhi).

Với Người cần quên phải nhớ, tôi vốn tới thử vai phụ, nhưng phó đạo diễn đưa tôi kịch bản của vai Bình. Lúc ấy, tôi không hề biết Bình là nam chính. Ngay hôm sau, tôi được gọi đến casting vòng kế tiếp, diễn chung với vài diễn viên nữ và được chọn vào vai Bình.

Đợt đó, tôi đang tham gia cuộc thi Gương mặt điện ảnh. Lịch trình làm phim Người cần quên phải nhớ trùng rất nhiều ngày với lịch tập và lịch thi. Tôi đã nghĩ sẽ phải bỏ một trong hai dự án, dù cả hai đều là cơ hội lớn trong nghề. Đoàn phim và BTC cuộc thi đều cố gắng điều chỉnh lịch trình, hỗ trợ tôi hết mức có thể. Tôi thật lòng rất biết ơn về điều đó.

Trước chung kết Gương mặt điện ảnh, tôi chỉ kịp tập ba ngày. Đến thi chung kết, tôi mang cúp quán quân về đến nhà, thấy ba mẹ ngồi thức đợi tôi. Nhưng tôi không nói chuyện được với ba mẹ nhiều. Tôi phải ngủ liền để hơn 3h sáng đi quay phim. Sáng sớm dậy, tôi đã thấy ba mẹ ngồi sẵn đợi tiễn tôi ra xe. Ngay hôm đó, ba mẹ cũng phải về quê luôn. Từ đó tới giờ là hơn nửa năm, tôi vẫn chưa gặp ba mẹ. Thấy ba mẹ vất vả vì mình, tôi thương lắm.

Phong Kiều thực hiện

Đánh giá phiên bản mới