Ăn chơi - Thứ hai, 24/6/2024, 00:12 (GMT+7)

Trà đá và những hàn huyên nơi vỉa hè Hà Nội

Nếu muốn biết dáng vẻ của Hà Nội trông thế nào, hãy ghé quán trà đá vỉa hè để lắng nghe, ngắm nhìn và cảm nhận trọn vẹn thành phố này.

Ở Hà Nội, có lẽ chẳng có gì dễ dàng nhận được lời đồng ý của đối phương bằng lời mời rủ nhau đi trà đá. Ly trà đắng chát, thêm vài ba viên đá mát tê tái, xua đi cái nóng 40 độ C ngoài hè phố, không đơn thuần chỉ là một thức uống giải khát, còn là nét văn hóa đặc trưng của đất kinh kỳ.

Nếu như Sài Gòn có cà phê sữa đá thì Hà Nội luôn gắn liền với trà đá vỉa hè.

Người ta có thể bắt gặp các quán trà đá ở bất kỳ đâu trên đất Hà Nội, từ trong khu phố cổ đường sá ngoằn ngoèo như ô bàn cờ, trong các khu chợ dân sinh tấp nập ồn ã, dưới chân các khu tập thể cũ mang dáng dấp lịch sử của thủ đô những năm 1960 hay quanh các khu cao ốc văn phòng hiện đại.

Người uống trà đá cũng không phân biệt già - trẻ, giàu - nghèo, đóng bộ cổ cồn hay quần short áo phông. Tất cả, khi đã ngồi trên chiếc ghế nhựa quây quần quanh bàn nước của chủ quán, đều có chung niềm yêu thích với không gian văn hóa rất riêng của Hà Nội - trà đá vỉa hè.

Ngay cả những người sống ở Hà Nội lâu năm có lẽ cũng chẳng biết trà đá bắt đầu xuất hiện ở thủ đô từ bao giờ. Chỉ biết qua năm tháng, thức uống này đã trở thành một phần không thể tách rời với nhịp sống thường nhật phố thị.

Quán trà đá là nơi tâm giao hàn huyên câu chuyện của lối xóm, là nơi quây quần của cộng đồng dân cư. Thậm chí, quán trà đá còn được xem là kênh tin tức nhanh nhạy, tin cậy tới mức thành thương hiệu: "Có gì cần biết, cứ hỏi bà bán trà đá là ra".

Đây là nơi tập trung đủ mọi thành phần trong xã hội. Khách không quá đông nhưng rải rác, đều đặn, lúc nào cũng có khách, từ tinh mơ tới tối khuya. Khách du lịch phương xa tới thủ đô lần đầu có lẽ sẽ ngỡ ngàng tự hỏi: "Vì sao người Hà Nội lại rảnh rỗi tới vậy?". Đi tới đâu cũng bắt gặp bóng dáng các quán cóc vỉa hè, nơi có những vị khách từ từ chậm rãi nhâm nhi ly trà, lật giở trang báo in đầy hoài cổ, thư thả đàm đạo chuyện chính trị xã hội, chuyện đời sống dân sinh, chuyện giá điện, giá xăng, chuyện cô này anh kia gây xôn xao cõi mạng.

Bởi thế người ta mới nói, nếu muốn biết dáng vẻ của Hà Nôi trông thế nào, hãy ghé một quán trà đá bất kỳ trên hè phố để lắng nghe, trò chuyện, ngắm nhìn và cảm nhận trọn vẹn mọi lát cắt về thành phố này.

Quán trà đá cũng là kế sinh nhai của biết bao gia đình thời kỳ vất vả. Từ một quán hàng nhỏ của người cha người mẹ lam lũ, nhiều thế hệ người Hà Nội đã có điều kiện học hành, thành đạt, phát triển, đi đây đi đó. Giá một ly trà đá cũng được tính là một loại "đơn vị tiền tệ" rất riêng ở Hà Nội. Người ta thường ví von một sản phẩm, một dịch vụ nào đó "rẻ chỉ bằng vài ly trà đá". Thế mới thấy thức uống này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân thành phố tới mức nào.

Trước đây, có lúc một ly trà đá chỉ 500 đồng, rồi lên 1.000-2.000 đồng, rồi tới 5.000 đồng, tương ứng với từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội. Đây được xem là mức giá rẻ nhất với một loại đồ uống ở Hà Nội. Cũng chính vì giá thành "không thể bình dân hơn được nữa", trà đá có thể tiếp cận mọi đối tượng, thành phần trong xã hội, từ những người dân lao động tới giới trí thức và cả những vị khách phương xa muốn trải nghiệm văn hóa Hà Nội.

Nơi quán cóc, những vị khách xa lạ cũng không còn khoảng cách, chỉ cần "bắt được sóng" là có thể bàn luận đủ chuyện trên trời dưới biển, thân tình như bạn bè lâu năm. Nơi này có cả những ông bà cụ lớn tuổi, không muốn ru rú trong nhà khi con cháu đi làm hết nên ra đầu ngõ ngồi ghé quán trà đá, nhìn dòng người qua lại, buôn dăm ba câu chuyện tuổi xế chiều. Đây cũng là điểm hẹn của dân văn phòng sau những giờ làm việc căng thẳng trong bốn bức tường, dù điều hòa máy lạnh cả ngày, vẫn không thể tránh được những bức bối thường nhật.

Nhắc tới trà đá, không thể không nói tới tầng lớp học sinh - sinh viên. Thời xưa, khi chưa dư dả kinh tế, không có tiền để hò hẹn chốn sang chảnh thì dĩ nhiên, trà đá cổng trường luôn là điểm hẹn kinh điển, nơi hỏi han nhau chuyện học hành, trao đổi bài vở, tá túc trước giờ thi. Lắm khi chẳng nghiện trà đâu nhưng uống mãi cùng thành quen, thậm chí quen thân luôn với chủ quán. Có những thế hệ sinh viên sau khi ra trường nhiều năm, thầy cô bạn bè có thể người nhớ người quên, chứ chị chủ quán hay cho uống chịu, ghi sổ nợ thì chẳng thể nào quên được.

Bàn một chút về hương vị của thức uống này, nó có gì đặc biệt mà ai cũng có thể uống được, dù có người nghiện, người không. Xưa kia, có những giai đoạn trong lịch sử, trà là thức uống cao cấp chỉ dành cho vua chúa, quý tộc. Bởi trà quý, đắt đỏ, đi kèm những lễ nghi, cung cách cầu kỳ từ ướp trà, pha trà, thưởng trà, vốn là những tác phong kiểu cách không dành cho người dân lao động.

Nhưng theo năm tháng, trà dần trở thành thức uống dung dị dành cho người người nhà nhà. Cách uống trà cũng dần được bình dân hóa, gần gũi hơn, trong số đó có sự xuất hiện của trà đá.

Trong khi văn hóa uống trà của người Việt được hình thành hàng nghìn năm thì việc kết hợp trà và đá chỉ là câu chuyện của trăm năm trở lại đây. Thời kỳ Pháp thuộc, người Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng mới lần đầu tiên biết tới sự hiện diện của đá lạnh. Những người Pháp sang xâm lược không thể chịu được cái oi bức mùa hè ở miền Bắc nên đã cho xây dựng nhà máy sản xuất nước đá trên phố Trần Nhật Duật để làm mát đồ ăn, thức uống. Nhưng thưở ban đầu, đá chỉ được dùng cho quân đội thực dân, các khách sạn, quán rượu cao cấp phục vụ người Tây.

Đến những năm đầu 1920, người dân thủ đô mới quen dần với việc sử dụng đá cho vào thức uống để giữ lạnh như cà phê, nước cam, chanh, sấu. Có những thời kỳ đá lạnh từng là mặt hàng xa xỉ vì nhu cầu tăng cao nhưng sức sản xuất của nhà máy không đủ. Thời đó, ly siro xanh đỏ có thêm đá đã là niềm mơ ước của bao em nhỏ. Đá còn không đủ, lấy đâu ra để bỏ vào trà. Sau thời bao cấp, kinh tế đất nước phát triển, đời sống đi lên, các gia đình bắt đầu có tủ lạnh, các cơ sở sản xuất đá cũng dần mọc lên khắp nơi, kéo theo thói quen uống trà thêm đá.

Các quán vỉa hè thường có menu khá giống nhau gồm những thức uống truyền thống là trà, nước vối, nhân trần, đôi khi có cả nước mơ, nước sấu, đi cùng dăm ba chiếc kẹo lạc, keo cao su, bim bim, kẹo mút - những món quà vặt dung dị tuổi thơ.

Trà cũng thường có hai loại là trà mạn và trà tươi. Trà mạn phổ biến hơn cả, làm từ lá trà qua chế biến, sao khô, có mùi thơm tự nhiên, mộc mạc, khi ra thành phẩm có màu đen, lá trà quăn thành hình móc câu. Hương vị trà mạn rất đậm đà và thơm, thích hợp với những người sành trà, "gu nặng" bởi thức uống này giúp tỉnh táo cả ngày. Trong khi đó, trà tươi được pha trực tiếp từ lá trà, không trải qua quá trình chế biến. Vị nước trà thơm nhẹ, không chát và cũng không gây mất ngủ bằng trà mạn nên được nhiều người ưa chuộng, nhất là những người trẻ và hội chị em phụ nữ.

Đi kèm với trà không thể thiếu kẹo lạc. Năm tháng qua đi, dù khẩu vị ăn uống của người dân có nhiều thay đổi, các quán trà đá vẫn luôn bày bán kẹo lạc. Thứ kẹo bùi bùi, ngậy ngậy của lạc, vị ngọt của mạch nha, mùi thơm của vừng, hòa quyện với ly trà đắng chát, hợp nhau đến lạ, càng ăn càng ghiền.

Với những người trẻ, trải qua trào lưu trà chanh, trà sữa "càn quét" suốt tuổi thơ, tới khi lớn hơn một chút, họ dường như muốn đi tìm lại nhịp sống chậm rãi thời "ông bà mình". Trà đá không chỉ là thức uống, quán trà đá cũng không chỉ là nơi đàm đạo, kết giao bạn bè bốn phương, mà trở thành địa điểm check in du lịch không thể đặc trưng hơn của Hà Nội.

Nhiều quán trà đá lâu đời đã trở thành "tọa độ sống ảo" nhờ khung cảnh hoài cổ, mang đậm dấu ấn và màu sắc Hà Nội như quán trên phố Châu Long, Hàng Bún hay các quán trà đá view đẹp ở ven hồ Tây, Hồ Gươm, hồ Trúc Bạch, Nhà thờ Lớn.

Góc phố rêu phong, tòa nhà Pháp cổ, khung cửa chất đầy bim bim, bánh kẹo đủ loại, nằm trên vỉa hè đơn sơ nhưng khi lên ảnh, bạn sẽ phải thốt lên rằng: "Sao lại Hà Nội đến thế?", giống như gom cả thành phố gói trong góc quán nhỏ vậy.

Dẫu có bao của ngon vật lạ, mới mẻ hấp dẫn xuất hiện mỗi ngày ở thủ đô, trà đá vẫn mãi bền bỉ, âm thầm bám trụ, trở thành một phần ký ức không dễ phai mờ của người Hà Nội.

Vào một ngày như hôm nay, khi trời nóng như đổ lửa, hãy thử bắt chước ca sĩ Đinh Mạnh Ninh trong một ca khúc đã làm nên tên tuổi của anh, cùng bạn bè lên một cái hẹ nơi góc phố quen, chia sẻ cùng nhau những vui buồn và thưởng thức ly trà nhiều đá mát lịm tâm hồn.

"Cho tôi xin một ly trà đá
Góc phố nơi tôi hay về qua
Cho tôi quên tạm những vội vã
Nghe anh em chuyện đời vui buồn...
Mấy chiếc ghế thấp bên ly trà ai bảo là không sang?
Nghe anh nghêu ngao khúc ca đời vui là mấy
Và có những lúc đắng cay muốn quên đời bao nỗi tính toan
Gọi tôi sẽ đến ngay, gặp nhau! Hà Nội trà đá vỉa hè".

(Hà Nội trà đá vỉa hè - Đinh Mạnh Ninh)

Nguyên Chi

Ảnh: Tùng Đinh

Đánh giá phiên bản mới