Colm (Brendan Gleeson thủ vai) – một nghệ sĩ violin - và Pádraic (Colin Farrell thủ vai) – một người nông dân - là đôi bạn thân. Sống trên hòn đảo Inisherin yên bình xinh đẹp, ngày nào hai người cũng rủ nhau đi uống vào lúc hai giờ chiều. Để rồi một ngày như mọi ngày, Pádraic tới gặp Colm và bị người bạn thân dội cho một gáo nước lạnh. Colm tuyên bố tình bạn của cả hai đã kết thúc, Colm không muốn nói chuyện với Pádraic nữa.
Tóm lại, Colm nghỉ chơi với Pádraic.
The Banshees of Inisherin của đạo diễn người Ireland Martin McDonagh bắt đầu với một tình huống đơn giản như thế. Hai người đàn ông rạn vỡ tình bạn, và khi đặt trong bối cảnh một hòn đảo hư cấu nơi gần như là một thế giới khép kín với sự lưu thông duy nhất là những lá thư từ đất liền, một rạn nứt có vẻ nho nhỏ thế thôi cũng không thể nào tan loãng, để rồi tích tụ lại thành những cơn bột phát điên cuồng.
Vì sao Colm cạch mặt Pádraic? Làm sao mà người ta có thể đơn giản là bỗng nhiên thấy chán một người bạn đã ở bên mình bằng ấy năm?
Lý do của Colm: vì "mày thật nhạt nhẽo" – một lý do tưởng chừng cũng nhạt nhẽo không kém.
Nhiều nhà phê bình khi xem The Banshees of Inisherin đã coi tình bạn đổ vỡ suýt dẫn tới giết chóc của Colm và Pádraic là ẩn dụ cho cuộc Nội chiến đẫm máu ở Ireland trong giai đoạn 1922 – 1923, bởi bộ phim cũng được đặt vào thời điểm đó. Từ hòn đảo Inisherin yên bình, những người dân vẫn thấy khói đạn và bom nổ ở đất liền xa xôi. Dẫu đó là một nhận định không thể hợp lý hơn, chắc chắn là còn nhiều hơn thế trong bộ phim này.
Bầu không khí tựa một tích truyện dân gian cùng một nhân vật kỳ bí dự báo trước các tai họa, lấy cảm hứng từ linh hồn banshee trong truyền thuyết cổ của người Ireland, khiến The Banshees of Inisherin không nên bị giới hạn trong cách diễn giải lịch sử.
Martin McDonagh, người giành giải "Kịch bản gốc hay nhất" tại giải thưởng Quả Cầu Vàng năm nay nhờ tác phẩm này, thực chất không phải người đầu tiên kể chuyện về sự kết thúc đường đột của một tình bạn tưởng không thể tan vỡ.
Gần chục năm trước, nhà văn người Nhật Haruki Murakami từng viết tiểu thuyết Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương kể về một nhóm bạn thân thiết gồm 5 người, một vòng tròn đang hài hòa hoàn hảo, thế rồi bỗng dưng một ngày Tazaki Tsukuru bị bốn người còn lại cắt đứt liên lạc mà không rõ nguyên do.
Suốt thời gian dài, Tsukuru sống bên mép vực một hố đen, cảm thấy mình chẳng có ích gì cho ai, như một chiếc bình trống không, và thân xác này chỉ còn là một vật đựng với nội hàm đã bị đánh tráo. Anh suy đoán mình bị loại ra vì mang một cái tên "không màu", trong khi bốn người kia đều có tên chỉ màu sắc, và sự "không màu" này chính là cách mô tả khác về sự nhạt nhẽo như ở Pádraic.
Hai tác phẩm mang hai bầu không khí khác nhau. Cuốn tiểu thuyết của Murakami u sầu hoài niệm. Còn bộ phim của Martin McDonagh, trái lại, hài hước rớm máu.
Trong lần tái hợp từ sau vai cặp sát thủ một già một trẻ trong In Bruges – tác phẩm đầu tay của Martin McDonagh, Colin Farrell và Brendan Gleeson một lần nữa chứng minh họ xứng đáng được coi như một phiên bản đen tối của nhóm hài huyền thoại thế kỷ 20 Laurel và Hardy, khi có thể làm người xem vừa bật cười, vừa rùng mình kinh hãi. Nhưng cả hai câu chuyện của Murakami và McDonagh dường như đều cố gỡ rối một nút thắt về tồn tại, rằng "Tôi có là ai không nếu không ai thừa nhận tôi?", khi mà trong chốc lát, cả Pádraic và Tsukuru đều rơi vào trạng thái bị phủ định toàn phần.
Hai nhân vật có những phản ứng khác nhau khi bị gạt ra ngoài. Tsukuru không gặng hỏi, không cố lý giải và chung sống với bế tắc ấy. Pádraic thì cố làm mọi cách để giảng hòa và bầu bạn với người bạn của mình. Tsukuru chấp nhận coi như tinh thần mình đã chết, còn Pádraic vẫn "giãy giụa" không tin được Colm hết thích anh. Cả hai đều cần sự nhìn nhận của người khác để cảm thấy sự hiện diện và ý nghĩa của bản thân trên cõi đời này. Không có sự nhìn nhận ấy, họ thành ra trong suốt.
Colin Farrell đã có thêm một vai diễn đỉnh cao trong vai người nông dân ngây thơ mới đầu còn tràn trề hy vọng và niềm tin vào tình cảm không đổi thay của người bạn già. Và rồi bao giờ cũng vậy, những người tử tế luôn là những người cuồng nộ nhất một khi phát điên, Colin Farrell đã diễn tả một cách đáng tin cậy sự chuyển tiếp trong tâm lý nhân vật từ khi van nài bạn quay lại đến tình cảnh tuyệt vọng vì bạn không quay lại, cuối cùng sẵn sàng trút giận lên người bạn ấy.
Nhưng không phải chỉ những người bị lìa bỏ mới rơi vào nỗi hoang mang về sự hiện diện của mình. Cả người chủ động lìa bỏ cũng có nỗi hoang mang của họ.
Colm là một nghệ sĩ âm nhạc có vẻ tài hoa, đã nghe mùi kết thúc của cuộc đời trong không bao lâu nữa nên sẵn sàng từ bỏ tình bạn để dành thời gian phấn đấu sáng tác ra một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao trong những tháng ngày còn lại. Trong khi đó, Pádraic chỉ là một người chăn nuôi hiền lành tử tế, có vẻ hơi trẻ con khi vẫn còn sống chung với em gái, luôn miệng kêu ca kể lể chuyện tầm phào và cả đời anh chỉ là tổng hợp của những thứ vặt vãnh cộng lại.
Colm tất nhiên biết rằng để trở thành một nghệ sĩ lớn, người ta không được để sự tầm thường ngáng đường. Mà Pádraic thì tầm thường quá đỗi. Trong nỗ lực cắt đứt cái đuôi tầm thường cứ lẽo đẽo theo mình ấy, Colm xô đổ sự cân bằng mong manh giữa hai người và quả quyết Pádraic mà còn cố tình lân la thì Colm sẽ tự chặt những ngón tay của ông - một nghịch lý với đam mê chơi đàn – và ông đã xẻo ngón tay mình thật, trong sự sững sờ của Pádraic.
Nhưng việc gì phải cực đoan đến thế chỉ để quay lưng một người bạn tuy hơi phiền phức một tí song không đến nỗi tồi tệ gì, nếu không phải vì Colm cũng trải qua một cuộc khủng hoảng đánh mất bản thân? Colm cũng cần một sự thừa nhận để cảm thấy mình đang sống có ích, giống hệt như Pádraic. Chỉ là nếu Pádraic cần "tấm vé" xác thực sự tồn tại từ ông thì ông lại cần "tấm vé" ấy từ âm nhạc, từ nghệ thuật, từ một điều gì đó lớn lao và vĩ đại hơn con người.
Nghệ thuật luôn đòi hỏi sự cực đoan, và phải chăng để trở thành một nghệ sĩ thực thụ, Colm đã cố tình lựa chọn tự hoại bản thân, tự chặt ngón tay mình chứ không phải ngón tay kẻ phiền nhiễu mình. Bởi hơn tất cả, phải chăng sự đổ máu ấy giống như một cách hiến tế, một lời hứa trung thành với nghệ thuật? Rốt cuộc, chẳng ai trong cả hai có thể sống chỉ để sống, sống một cách độc lập khỏi mọi kết nối, không cần kẻ khác nhìn ngắm mà vẫn tồn tại với trọn vẹn ý nghĩa của từ này. Rốt cuộc, cả hai đều mang nỗi sợ trở nên không màu.
Trớ trêu thay, để chống lại sự không màu, trong khi Colm tự chặt ngón tay thì Pádraic quyết định trả thù bạn mình vì cái chết vô tình của con lừa khi nuốt phải ngón tay bị chặt của Colm, bằng cách phóng hỏa ngôi nhà của ông. Anh chất củi quanh nhà Colm, trong khi ông vẫn ung dung ngồi bên trong với ý định thiêu rụi tất cả. Martin McDonagh dường như rất ưa hành động phóng hỏa.
Còn nhớ trong Three Billboards Outside Ebbing, Missouri, một tác phẩm tuyệt vời khác của McDonagh, nhân vật Mildred của Frances McDormand cũng phóng hỏa một đồn cảnh sát vì phẫn nộ trước sự thờ ơ của công lý. Với cả hai câu chuyện, ngọn lửa đều không đến từ bên ngoài, mà đều là ngọn lửa nổi giận phừng phừng bắt cháy bên trong chính các nhân vật này, tìm được cách để lan ra thế giới và trả hận thế giới.
Với riêng Pádraic, giây phút ném mồi lửa đốt nhà bạn cũng là giây phút mà về lý thuyết, anh không còn nhạt nhẽo với những bực dọc tủn mủn nữa. Anh trở thành một kẻ sống quyết liệt với hành động của mình, bất chấp hậu quả tàn khốc. Hay nói cách khác, anh đã mang tâm thức của một nghệ sĩ.
Tất nhiên, có thể nhìn nhận The Banshees of Inisherin như một bộ phim về cuộc khủng hoảng tuổi trung niên (thực ra Tazaki Tsukuru cũng là một người đàn ông chớm bước vào tuổi trung niên hồi tưởng lại cuộc đời đã qua của mình). Nếu như tuổi trẻ tôn thờ nỗi cô đơn thì khi bước vào quãng giữa cuộc đời, người ta sợ bị ngoảnh mặt, sợ bị quay lưng, sợ bị bạn bè bỏ lại như Pádraic hay sợ đời sẽ kết thúc khi còn chưa làm được điều gì để lại mãi cho đời, như Colm.
Nhưng điều gì đáng sợ hơn? Sự lẻ loi cô đơn không ai làm bạn hay việc không thể mang "danh gì với núi sông"? Trong Tazaki Tsukuru không màu, có một câu chuyện ngụ ngôn mà một người bạn kể cho Tsukuru về một người chịu đe dọa bị lột hết móng tay, hoặc bị lột hết móng chân, nhưng tin tốt là người đó sẽ được lựa chọn giữa bị lột móng tay hay móng chân – đây chính là cuộc đời thực, luôn tàn bạo dù ta lựa chọn điều gì. Nhưng chí ít, ai cũng nắm trong tay tự do được lựa chọn nỗi đau của riêng mình.
Nỗi sợ của Pádraic và nỗi sợ của Colm cũng từa tựa nỗi sợ bị lột móng tay và nỗi sợ bị lột móng chân. Chúng đáng sợ như nhau, và lựa chọn theo cách nào cũng đem lại những niềm đau.
Cuộc Nội chiến Ireland dường như đã kết thúc vào đoạn cuối bộ phim. Kết thúc, xong không có nghĩa những vết thương đã được chữa lành. Colm không chết, một cách thần kỳ, ông không chết bởi ngọn lửa của Pádraic. Những tưởng mối thù hai bên đã nguôi ngoai khi ai cũng đã trả đủ tổn thương cho nhau, nhưng Pádraic bảo không, có những thứ người ta không thể cứ thế mà gác lại.
Cũng như Nội chiến sẽ mãi là một vết cắt phân rẽ người Ireland, ta khó tưởng tượng hai người bạn cũ còn quay lại được với nhau như thuở nào.
Colm và Pádraic có tìm được màu sắc của mình thay thế cho cuộc đời không màu trên hòn đảo Inisherin không? Ta không biết, ta không biết họ có tìm được ý nghĩa của đời mình không, nhưng một điều chắc chắn là họ đã mất nhau.
Ngay cả những điều từng tốt đẹp đến mấy rồi cũng có hạn sử dụng của nó. Và tình anh em, tình bạn có thể là một trong số đó.
Hiền Trang