- Anh từng tràn đầy hy vọng về tương lai trên đất Mỹ khi đưa gia đình đi định cư hồi cuối năm 2019. Vì sao mới chưa đầy bốn năm, cả nhà đã quyết định quay về?
- Ba năm trước, tôi từng đưa ra quyết định rất lớn đó là từ bỏ công việc đang tốt, khép lại hào quang sân khấu và cả cuộc sống sung sướng ở Việt Nam để dắt các con sang Mỹ. Tôi luôn hy vọng ở đất nước phát triển, các con sẽ được hưởng môi trường giáo dục và y tế tốt hơn.
Nhưng vì ở Mỹ, chúng tôi không có nhiều sự hỗ trợ trong khi vợ tôi chưa quen chịu đựng vất vả. Cùng với việc cô ấy khó hòa nhập cuộc sống mới, nên hai vợ chồng đã xảy ra bất hòa. Tôi vẫn muốn ở Mỹ vì có sẵn định hướng cho đến lúc các con 18 tuổi, nhưng không muốn không khí gia đình căng thẳng, nên đành chiều ý vợ.
Hiện tại, gia đình tôi đang chuẩn bị về nước. Dự kiến trong năm sau, các cháu sẽ bắt đầu đi học tại Việt Nam.
- Cuộc sống ở Mỹ khó khăn thế nào mà vợ anh không thể thích nghi được?
- Ngay từ đầu, định cư Mỹ là lựa chọn của tôi. Khi đó cô ấy chưa hiểu nhiều về cuộc sống bên đây nên lưỡng lự nhưng sau đó đồng ý vì cả hai đều muốn các con có tương lai tốt. Qua đây, vợ tôi sinh con trai út mà bé có vấn đề sức khỏe. Một mình cô ấy quán xuyến 5 đứa trẻ, dù bé út được y tá phụ chăm sóc, cô ấy cũng rất cực. Chưa kể khi ở Việt Nam, cô ấy không phải làm gì, gia đình lúc nào cũng có 4-5 người giúp việc.
Vợ tôi cũng buồn vì xa gia đình, không có người thân và bạn bè. Lúc mới qua, thỉnh thoảng cô ấy đứng trông ra đường và khóc.
- Anh đã làm gì để tháo gỡ những vấn đề của vợ trước khi thỏa hiệp và chọn về nước?
- Sau khi các con đi học, cô ấy đỡ được một phần vì không phải trông nom chúng vào ban ngày. Tôi thuê người giúp việc để lo dọn dẹp còn mình đảm nhiệm nấu nướng. Thậm chí, trước khi đi diễn, tôi còn nấu sẵn thức ăn chia vào các hộp chứa trong tủ lạnh để mấy mẹ con ở nhà không phải vào bếp. Tôi cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để vợ không vất vả, mong cô ấy bớt căng thẳng.
Vậy nhưng vấn đề của vợ tôi không chỉ nằm ở việc nhà, đó là vì cô ấy cảm thấy cuộc sống Mỹ quá buồn chán. Lúc ở Việt Nam, cuộc sống của cô ấy vui vẻ, nhiều màu sắc hơn. Vợ tôi cũng là một người hay quyết định theo cảm tính. Cô ấy mong muốn và đề nghị những điều theo cảm tính đó. Còn tôi mới là người phải thực hiện nên rất mệt.
Mỗi lần dịch chuyển phải lên một kế hoạch chi tiết mất bao nhiêu công sức và tâm huyết. Đâu dễ gì đưa một gia đình bảy người sang Mỹ sống, rồi giờ lại về Việt Nam.
- Vợ anh đề cập chuyện về nước từ khi nào?
- Mới sang được vài tháng, cô ấy đã kêu chán và đòi về. Nhưng lúc đó, sức khỏe bé út không tốt nên tôi nghĩ, điều này đã níu cô ấy ở lại. Hiện tại, con trai tôi đã ổn định, có thể đi máy bay nên tôi nghĩ, cô ấy cảm thấy đây là thời điểm thích hợp để về nước.
- Các con anh cảm thấy sao khi một lần nữa phải thay đổi môi trường sống?
- Tất nhiên chúng tôi cũng hỏi ý kiến các con, tụi nhỏ nói thích về Việt Nam để... chơi. Tôi nghĩ, trẻ con dễ thích nghi môi trường mới nên không quá lo lắng. Chỉ riêng bé út hiện đã ổn định nhưng vẫn cần sự theo dõi và can thiệp kịp thời của các bác sĩ. Trước đó, chúng tôi đã cho con đi chơi xa và đi thử máy bay để xem bé có đáp ứng được không.
- Anh chuẩn bị gì cho cuộc sống sắp tới ở Việt Nam?
- Rất nhiều thứ phải làm. Mấy tháng trước, vợ chồng tôi đã về lo thủ tục xây nhà và tìm trường cho các con. Ngôi nhà ở quận 9 tiện nghi, sang trọng nhưng không đủ tiện ích như bể bơi, sân vườn. Chúng tôi khởi công xây nhà mới ở huyện Bình Chánh để làm tổ ấm, cũng nhân đó lấy địa điểm tổ chức đám cưới. Nhà tôi xây có chi phí dự kiến 10 tỷ đồng, tầm sang năm sẽ hoàn thành.
Về nước, các con tôi sẽ khó theo trường công mà phải xin vào trường quốc tế. Học phí cho cả bốn bé (một bé học mẫu giáo và ba bé học tiểu học) chưa kể các phát sinh khác là khoảng một tỷ đồng mỗi năm. Điều tôi lo nhất là bé út. Ở Mỹ, cháu có một êkíp y tá thay phiên chăm sóc, cộng người đến tận nhà dạy đi đứng, ăn nói. Nhưng rời Mỹ, những phúc lợi đó không còn nữa.
- Vợ anh nói sao khi anh phân tích những điều được và mất như trên?
- Vợ tôi suy nghĩ đơn giản lắm. Cô ấy cho rằng về nước, các con học trường quốc tế cũng chẳng khác gì bên Mỹ. Ngoài ra, chúng tôi đưa y tá sang Việt Nam để theo dõi bé út trong vòng một tháng xem con có thích nghi được môi trường, thời tiết ở đây không. Nếu tình hình chuyển biến xấu, chúng tôi sẽ bàn bạc và tính toán tiếp.
- Anh cảm thấy thế nào khi quyết định chiều ý vợ nhưng trong lòng vẫn tâm đắc cuộc sống Mỹ?
- Tôi không cho rằng cuộc sống ở Mỹ sung sướng, tốt đẹp hoàn toàn. Tôi chỉ nhìn ra điều gì cần cho các con nhất trong giai đoạn bé học hành và phát triển. Nhưng vợ chồng không thể mãi tranh cãi và bất hòa được. Tôi chọn theo ý vợ để gia đình êm ấm, chúng tôi còn tâm trí làm việc và nuôi dạy các con.
- Anh nghĩ sao nếu ai đó nói bà xã không hy sinh cho các con nhiều như anh?
- Nói vậy không đúng. Vợ tôi rất thương con, nhất là bé út. Chính vì sức khỏe của bé không tốt nên đã giữ chân vợ tôi ở Mỹ thêm ba năm, dù từ ngày đầu cô ấy đã muốn về nước.
Tôi nghĩ chúng tôi chỉ không có cùng quan điểm về việc nên sống ở Mỹ hay ở Việt Nam. Trong suy nghĩ của vợ tôi, cuộc sống ở đâu cũng tốt, chỉ cần mình vui vẻ và hạnh phúc. Cô ấy cũng thúc giục tôi xây nhà mới, tạo cho các con không gian vui chơi thoải mái không thua kém gì ở Mỹ.
Bảo Ngọc - vợ ca sĩ Quách Thành Danh - cho biết đến giờ, cô vẫn chưa thể hòa nhập cuộc sống Mỹ. "Lúc đầu, tôi hào hứng vì cũng muốn trải nghiệm môi trường mới nhưng qua đến nơi, thấy mình không thực sự phù hợp. Tôi cũng cố gắng thích nghi mỗi ngày nhưng luôn nhớ Việt Nam và thỉnh thoảng thấy cô đơn", cô nói.
Theo cô, Quách Thành Danh là người chồng tâm lý, luôn chủ động chia sẻ việc nhà, tạo niềm vui để vợ thấy được an ủi. Nhưng điều đó, với cô, không đủ khỏa lấp nỗi trống vắng nên sau ba năm, khi con út ổn định sức khỏe, cô quyết tâm về nước.
Bảo Ngọc cho biết thêm một trong những lý do khác thúc đẩy cô trở lại Việt Nam là muốn các con học lối sống tình cảm, gần gũi gia đình của người Việt. Cô sợ các con lớn lên xa cách cha mẹ, không quấn quýt hay thể hiện tình cảm với người thân.
Về việc các con học tập, sử dụng dịch vụ y tế tốn kém khi rời Mỹ, theo Bảo Ngọc, cô hiểu rõ tình hình tài chính của gia đình mình và tin tưởng khả năng của hai vợ chồng hoàn toàn đáp ứng được.
Lam Trà