Nam diễn viên, MC đắt show truyền hình từng trải qua tuổi thơ cơ cực, vừa học, vừa bán bánh phụ mẹ để chăm lo năm em nhỏ.
Là anh cả trong gia đình, từ nhỏ, Quyền Linh đã phải làm quen với cuộc sống tự lập, chăm sóc cho năm đứa em để bố mẹ bươn chải chạy ăn từng bữa. Cậu bé cao tầm hơn một thước thức dậy từ 4-5h mỗi ngày. Trong màn sương sớm, Linh chăm từ cây lúa đến bờ đê, xong lại về nhà cơm nước, lợn gà. Hoàn thành việc vặt, công việc chính là cậu là phụ mẹ làm bánh đúc, rồi mang chiếc mâm đi khắp xóm. "Ai bánh đúc hôn?", tiếng rao của Linh đánh thức bọn trẻ khác dậy khỏi cơn ngủ say sưa của tuổi nhỏ.
Có hôm, Linh vừa ăn bánh ế, vừa học bài để kịp giờ vào lớp ban trưa. Cực khổ hơn hầu hết bạn bè đồng trang lứa, nhưng Linh không bỏ học buổi nào. Không có xe đạp, Linh buộc phải đi đường tắt để rút ngắn thời gian. Ấy vậy, con đường tắt này bắt cậu bé phải mặc quần đùi lội qua một con sông. Gần đến trường, cậu tìm bụi chuối um tùm nhất để chui vào thay đồ đi học. Làm lụng từ sớm, nhưng ở cậu bé Linh không hề đánh mất cái ngây thơ, ngô nghê của lứa tuổi học sinh. Những bài hát hay vở kịch tuổi học trò luôn là sở thích của Linh.
Đến năm cấp 3, do có năng khiếu với những bộ môn nghệ thuật, Quyền Linh được nhà trường chọn để tham gia một khóa đào tạo ca múa nhạc, diễn xuất cấp tốc do trường Nghệ thuật Sân khấu 2 tổ chức, khóa học diễn ra trong vòng hai tuần. Sau đó, Quyền Linh được tham dự một đợt tuyển sinh và trúng tuyển vào khoa diễn viên sân khấu của trường.
Năm đứa em của Linh đã trưởng thành hơn, biết cách chăm sóc bản thân, đỡ đần cha mẹ. Năm 1988, anh bắt đầu cuộc sống tự lập tại TP HCM. Rời gia đình với vỏn vẹn trong tay chỉ là vài bộ quần áo, quyển tập, cây viết để đến trường... Anh đã phải làm thêm rất nhiều công việc để có tiền trang trải học phí cũng như sinh hoạt như bơm xe, bán ve chai, khuân vác. Có đêm phải ngủ ghế đá vì không đủ tiền đi xe về xóm trọ.
Đến năm thứ ba, cậu sinh viên Quyền Linh lần đầu được tham gia diễn xuất khi đảm nhận vai quần chúng trong bộ phim. Mức tiền catse chỉ mua đủ ổ bánh mì. Cứ thế, hết vai quần chúng này đến buổi diễn văn nghệ phục vụ sinh viên tiếp nối. Ra trường, mãi mà Linh chưa thể đổi đời như vẫn tưởng. Có lúc, Linh đã bật khóc khi đứng trước cửa chợ, sờ soạng chiếc túi trống rỗng mà không dám bước vào mua dăm ba lạng bánh mứt làm quà các em.
Một ngày, Quyền Linh được một nghệ sĩ lớn trong nghề nhờ thế vai của nhân vật phụ trong vở Lôi Vũ. Khán giả truyền hình từ đó mới nhớ gương mặt lẫn giọng nói đầy vẻ mộc mạc và chân tình của anh. Rồi anh dần được các đạo diễn giao cho những vai diễn khó hơn, có chiều sâu hơn. Nhiều "ông bầu" bất ngờ vì cậu bé họ quen mặt với vai quần chúng, có thể diễn xuất tốt đến như vậy.
Anh trở thành cái tên sáng của mảng phim truyện truyền hình với các bộ phim "Thời đại của đàn bà con gái", "Người Hà Nội", "Những nẻo đường phù sa", "Con của sông Dinh", "Đồng tiền xương máu". Vai Huy trong "Đồng tiền xương máu" đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Quyền Linh. Không chỉ mang cho anh rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ, vai diễn còn trở thành hình tượng công chúng nhớ nhất về Quyền Linh - chàng trai chân chất, thẳng thắn và có đôi lúc rất nhẹ dạ.
Tham gia hàng trăm bộ phim truyền hình, điện ảnh, vở kịch nói... cuộc sống của Quyền Linh và gia đình dần ổn định hơn trước rất nhiều. Anh dành dụm một khoản tiền, để mua cho mình chiếc điện thoại di động đầu tiên. Anh chọn Nokia 3210 - huyền thoại đã tạo nên tên tuổi của Nokia trong thế giới di động những năm đầu thập niên 90. Nhắc đến điện thoại thời đó, nhiều người nghĩ ngay đến thương hiệu này, Quyền Linh không ngoại lệ. Đi cùng thương hiệu Phần Lan là khả năng nghe gọi to rõ, sóng mạng ổn định. Những buổi quay xa xôi tận rừng cao su Đồng Nai, lội suối thác Lâm Đồng, chiếc điện thoại vẫn hoạt động tốt, bền bỉ theo năm tháng.
Chiếc Nokia 3210 giúp cho công việc của anh dễ dàng hơn, trở thàng người bạn đầy tin tưởng. Anh còn ví nó như một "ngôi nhà", một chiếc cầu nối giúp anh lắng nghe những lời dặn dò của mẹ, những lời nhắn thân thương của những đứa em. Không còn phải viết từng lá thư tay, tranh thủ giờ nghỉ giải lao để tìm bưu điện. Chỉ bằng vài nút bấm, anh đã có thể kết nối với gia đình ở quê xa. Hòa vào giọng nói của người thân, anh có thói quen nhắm mắt, tưởng tượng ra tiếng gà gáy lẫn, tiếng rao thân thuộc "Ai bánh đúc hôn". Bình yên đối với nam diễn viên đơn giản, mộc mạc.
Vào một buổi chiều năm 2005, đạo diễn Xuân Cường gọi điện mời Quyền Linh thử sức với vai trò MC của một chương trình truyền hình giúp người nghèo vượt khó. Trò chuyện một lúc trên chiếc điện thoại Nokia mẫu đời mới, Quyền Linh từ chối. "Do từng thất bại khi dẫn một chương trình truyền hình nên nghe nói làm MC là tôi ngại lắm và liền từ chối", Quyền Linh chia sẻ.
Tuy nhiên, sau khi được nhiều người động viên, nhớ lại những cơ cực thuở hàn vi của mình, anh hy vọng chương trình có thể mau chóng tổ chức, để nhiều người nghèo khó ở nông thôn được hỗ trợ phần nào. Từ đó, anh gắn liền với "Vượt lên chính mình".
Tham gia chương trình, cũng là khi anh chấp nhận tạm ngưng diễn xuất. Mỗi số quay, anh phải thức dậy từ lúc 4h sáng để sắp xếp chuẩn bị, rồi đội nắng, dầm mưa để quay đến chiều mới có thể ăn uống. Nhưng càng quay, chứng kiến nụ cười và giọt nước mắt của mọi người khi có thể trả hết số nợ, rồi có vốn làm ăn lại khiến bản thân anh cảm thấy rất vui. Bao lần, anh rất ray rứt trước những trường hợp người nông dân gửi thư về tham gia chương trình, nhưng ban tổ chức chưa kịp xuống thì họ đã mất.
"Số tiền vài chục triệu lúc đó là cả một ước mơ, hoài bão có thể thay đổi cả số phận của một gia đình", nam diễn viên cho biết.
Sau hơn một thập niên, Quyền Linh tiếp tục tham gia đóng vai trò MC cho nhiều chương trình xã hội, như: "Tiếp sức hồi sinh", "Vì bạn xứng đáng", "Ánh sáng ngày mai", "Cùng xây tương lai"...
Quyền Linh tâm sự, đôi mắt của anh không còn tốt như xưa do hay phải làm việc dưới nắng gắt, căn bệnh loét bao tử bắt nguồn từ việc ăn uống không giờ giấc quy củ cũng bắt đầu hành hạ anh nhiều hơn. Nhưng anh chưa có ý định dừng lại, tiếp tục cùng các bà con lao động đến khi sức khỏe không còn cho phép.
Hiện tại, gia đình là điều quan trọng và là niềm tự hào lớn nhất đối với Quyền Linh. Nhiều lúc bị thiếu ngủ vì bận quay liên tục, nhưng anh vẫn dành hàng giờ chơi đồ hàng, búp bê cùng các con. Có khi trở về nhà với cơ thể mỏi mệt, nam diễn viên 49 tuổi vẫn sẵn sàng làm ngựa, làm xe để được nghe những tiếng cười đùa trong trẻo.
Để hai con quý trọng sức lao động và trân trọng
người khác, trong các chương trình từ thiện, Quyền Linh thường cho các con đi
theo. Qua những chuyến đi và việc làm cụ thể ấy, anh muốn con hiểu cảnh đời khổ
cực của nhiều người xung quanh, của những đứa trẻ con nhà nghèo để hai bé hiểu
rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng đủ đầy và dạy con biết chia sẻ.
Từ 25/10 đến 21/11, chuyên trang Số hóa của VnExpress tổ chức cuộc thi "Chiếc điện thoại Nokia đầu tiên của tôi". Đây là nơi bạn đọc chia sẻ kỷ niệm về chiếc điện thoại di động Nokia đầu tiên mà mình sở hữu, những giá trị mà hãng công nghệ Phần Lan mang lại. Thời gian gửi bài dự thi bắt đầu từ 10h ngày 25/10 đến hết 24h ngày 21/11, tương đương 4 tuần thi.
Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ trao ba giải thưởng tuần cho ba bài viết có số điểm cao nhất, mỗi giải là một điện thoại Nokia 3.1 trị giá 3,99 triệu đồng.
Cuối cuộc thi, ban tổ chức sẽ lựa chọn ra các bài dự thi có chiếc điện thoại Nokia đầu tiên vẫn còn sử dụng được cho đến hiện nay để chấm điểm, sau đó chọn ra ba bài viết có nội dung hay và cảm xúc nhất để trao giải đặc biệt. Mỗi giải là bộ đôi điện thoại Nokia 6.1 Plus (trị giá 6,59 triệu đồng) và Nokia 5.1 Plus (trị giá 4,79 triệu đồng).
Gửi bài dự thi tại đây