Ăn chơi - Thứ ba, 17/9/2019, 16:00 (GMT+7)

Phố cổ Hội An vào thu

Mùa này nắng vẫn vàng trên những mảng tường cũ, vài cơn mưa ùa về tắm ướt mái ngói rêu phong rồi qua đi nhanh chóng.

Mùa này nắng vẫn vàng trên những mảng tường cũ, vài cơn mưa ùa về tắm ướt mái ngói rêu phong rồi qua đi nhanh chóng.

au khi khép lại vai trò lịch sử là thương cảng sầm uất trong quá khứ, Hội An ngủ vùi trong thế kỷ 19-20. Đến đầu thế kỷ 21, du lịch phát triển, phố thị được đánh thức.

Mỗi mùa Hội An lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Đa phần du khách đến đây vào mùa xuân và hè khi thời tiết đẹp. Nhưng không phải ai cũng biết sức hấp dẫn của phố mùa thu.

Mùa thu ở Hội An không rõ nét như Hà Nội. Nắng vẫn ánh trên những mảng tường vàng rong rêu. Gió thu khẽ phảng phất, len lỏi vào phố, cuốn theo mấy chiếc lá vàng. Dưới gốc bàng cổ thụ gần chùa Cầu, quanh gánh hàng rong vẫn rôm rả tiếng cười nói. Chất giọng đặc trưng của người Quảng Nam thi thoảng bị lẫn bởi tiếng của du khách, nhưng không ồn ào tạo nên một nét riêng của phố Hội.

Ở đây không chia làm 4 mùa xuân hạ thu đông mà phân thành mùa mưa và khô. Bây giờ là đầu mùa mưa, nắng vẫn nhiều nhưng mưa đã bắt đầu về. Hội An mùa này thường mưa vào chiều tối. Thi thoảng những cơn mưa lưng chừng mùa thu tạt qua, tắm ướt những mái ngói âm dương phủ đầy rêu phong rồi vội vã rời đi.

Mùa mưa, Hội An vãn khách hơn, nhịp sống ở phố cổ theo đó cũng chậm rãi, bớt xô bồ. Lang thang giữa phố Hội những ngày này du khách như được lạc về một miền ký ức xưa cũ. 

Vắt ngang con hẻm nhỏ là gánh hàng rong bán đủ thứ quà vặt của mấy cô với nụ cười chất phác, thường trực trên môi. Cách đó không xa, vài chú đạp xích lô tranh thủ lúc vắng khách, mời nhau điếu thuốc. Thi thoảng người ta nói với nhau dăm ba câu chuyện không đầu, không cuối nhưng lại cười nói vui vẻ.

Mưa đầu mùa cũng không quá lớn và kéo dài. Nhiều người chọn cho mình một quán nhỏ ngay ngã tư đường, nhâm nhi ly cà phê nóng. Ngoài đường, thi thoảng lại thấy vài đôi che dù, ngồi xích lô dạo phố. Có du khách bị cơn mưa làm bất ngờ, tấp vội vào hiên nhà, dưới những giàn hoa giấy tìm chỗ trú chân. Tất cả như một thước phim quay chậm.

Vẻ đẹp của Hội An không chỉ nằm ở những mái ngói rêu phong, mảng tường vàng ố thời gian hay hình ảnh chùa Cầu trầm mặc. Nó nằm trong từng nếp sinh hoạt đời thường, lời ăn tiếng nói của mỗi người nơi đây. 

Nếu muốn hiểu hết về phố cổ, bạn hãy một lần sống như người Hội An. Ở chung nhà với một gia đình nơi đây, sáng cùng họ thức dậy, tối về quây quần bên mâm cơm gia đình, cùng trò chuyện để cảm nhận hết sự tĩnh tại, an nhiên trong cuộc sống hàng ngày.

Nếu có dịp, bạn hãy một lần dạo quanh phố thị lúc sáng sớm. Không có tiếng cười nói của du khách, không có tiếng xe lanh canh. Thi thoảng chỉ có vài tiếng dép quẹt vào lòng đường của mấy cô bán rong đang dọn hàng sớm.

Nếu chịu khó đi sâu vào những con hẻm nhỏ, bạn sẽ thấy một Hội An hoàn toàn khác. Đằng sau những cánh cổng gỗ khép hờ là tiếng chim hót líu lo dưới những tán cây xanh rờn. 

Ở Hội An, nhà cửa được quy hoạch theo hình bàn cờ, cứ đi hết hẻm này là gặp hẻm khác. Nếu những căn nhà dọc trục đường chính tấp nập khách ra vào là bộ mặt của phố hội, thì những góc nhỏ rêu phong trong hẻm lại là trái tim phố cổ. 

Nơi đây vẫn gìn giữ nguyên vẹn nếp sống xưa cũ với những ngôi nhà cấp 4 lợp ngói âm dương, bờ tường rêu phong bao bọc khoảng sân vườn rợp nắng. Nhà nào rộng sẽ có một chiếc giếng trời với hòn non bộ, hồ cá nhỏ bên dưới. Những nhà có người lớn tuổi thường treo thêm vài chiếc lồng chim trong sân.

Sau khi rong ruổi trong mấy con hẻm nhỏ, bạn có thể đạp xe thẳng ra chợ cá Thanh Hà. Mỗi lần đến phố tôi đều ghé qua đây, không phải để mua sắm mà chỉ để được hoà mình vào một phần nếp sống của người Quảng Nam. Người ta có thể diễn trên những sân khấu, nói cười sau những quầy hàng lưu niệm nhưng không ai diễn ở một chợ cá. Có người nói, nếu muốn hiểu về một nơi nào đó bạn chỉ cần ghé thăm hai điểm: Bảo tàng - nơi lưu giữ những gì thuộc về quá khứ và chợ - nơi tái hiện đầy đủ hơi thở của cuộc sống hiện tại.

Nhìn thoáng qua, chợ Thanh Hà cũng dậy mùi của tôm cá như bao khu chợ khác. Ở đây cũng xô bồ náo nhiệt, lời rao tiếng gọi của người mua kẻ bán. Nhưng nếu quan sát kỹ hơn một chút, bạn sẽ thấy chợ có nhiều điều thú vị về nếp sống của người Hội An. Ở đây người bán ít nói thách, người mua không kỳ kèo trả giá. Hai hàng cá cạnh nhau nhưng không chèo kéo, giành khách. Nếu thấy vui, bạn cứ ngồi xuống, hỏi giá, bắt chuyện. Không mua gì cũng được, tuyệt nhiên không thấy người ta lớn tiếng, chửi bới nhau câu nào. 

Chợ đông đúc nhưng không thấy ai xô đẩy, bấm còi inh ỏi. Tính nhường nhịn, bao dung như một phần hiển nhiên của người dân nơi đây. Đó là thứ cốt cách không thể học được ngày một ngày hai mà phải lĩnh ngộ và kế thừa qua nhiều thế hệ.

Đi qua chợ cá Thanh Hà, phía chợ Hội An sáng sớm cũng bán nhiều món ăn nhẹ như cháo, mì quảng, xôi, phở. Tuỳ khẩu vị, mỗi người chọn món mình yêu thích. Nếu không, rong ruổi trong phố cổ, gần những trường học bạn cũng sẽ bắt gặp nhiều hàng rong bán đồ ăn sáng. Người lớn chở con đi học, tranh thủ ghé vào ăn sáng rồi con vào trường, cha mẹ đến công sở. Ngày mới ở Hội An cứ bắt đầu một cách thong thả như thế.

Khi nắng vừa lên, bạn có thể đạp xe về biển An Bàng, tắm sóng rồi quay về phố cổ. Hội An có nhiều quán cà phê đẹp, nhiều người thích ngồi dưới những gốc hoa giấy nở bông tím rịm. Các bạn trẻ thì thích những quán cà phê mái hiên để ngắm phố cổ từ trên cao. Tôi thích ngồi những quán cà phê ở sâu tít trong hẻm, ít khách lui tới. Cà phê ở đây có thể ngon bình thường nhưng yên tĩnh, trong lành và bớt xô bồ hơn ngoài phố.

Một điểm ít người để ý ở Hội An là các xưởng lụa thủ công. Trong phố có nhiều tiệm bán khăn, may áo dài lấy ngay cho khách làm quà. Nhưng nếu muốn tìm hiểu nhiều hơn về từng công đoạn se tơ, dệt lụa, du khách có thể đến những xưởng may lớn trên đường Phan Châu Trinh, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tất Thành để được tư vấn, thuyết trình về từng công đoạn hay đặc trưng của mỗi loại vải, lụa.

Buổi trưa, du khách có thể vào phố ăn trưa, quán bà Buội, bà Vân gần như là những nơi "phải đến" nếu muốn thưởng thức cơm gà Hội An. Nếu muốn thay đổi khẩu vị, bạn có thể đạp xe về phía bến phà, sang bên làng Kim Bồng. Món gà ở đây được chế biến theo cách dân dã, quen thuộc nhưng hương vị lại hiếm có thể tìm thấy ở nơi nào khác.

Buổi chiều, bạn có thể nghỉ ngơi, đi thăm những công trình kiến trúc nổi tiếng như chùa Cầu, nhà cổ, Hội quán Phúc Kiến, Triều Châu... Chiều mát nhiều người thường đạp xe dạo phố. Nếu để ý bạn có thể thấy các con đường ở Hội An bao giờ cũng xuôi về hướng nam phía sông Hoài. Buổi tối ở đây bán nhiều món ăn vặt như cao lầu, chè, thịt nướng, mì Quảng... Một số địa chỉ ăn uống nổi tiếng của dân sành ăn mà bạn có thể tham khảo là: Phở Liến, vịt Cửa Đại, bún bò Nguyễn Trường Tộ, bánh tráng xúc hến ở Cẩm Nam...

Sẽ là thiếu sót nếu đến Hội An không nghe bài chòi. Hàng đêm ở sân khấu dọc sông Hoài biểu diễn bài chòi, phục vụ khách tham quan. Cách đó vài bước chân là bến thuyền chở khách dạo sông, thả hoa đăng. Nếu may mắn đến Hội An vào ngày rằm, du khách sẽ như được đắm chìm trong không gian cổ tích. Cả phố cổ tắt điện, thắp đèn lồng. Hàng nghìn hoa đăng được thả, thắp sáng cả dòng sông Hoài thơ mộng.

Người Hội An sinh hoạt nề nếp. Buổi tối sau khi dùng cơm với gia đình, mọi người sẽ ra sân chung, trò chuyện với hàng xóm trước khi kết thúc một ngày dài.

Mấy năm gần đây, mỗi năm tôi đều đến Hội An ít nhất một lần, lúc vào mùa xuân, khi là lập hạ, cuối đông. Tôi đi khắp ngóc ngách, ngồi trò chuyện với đủ người. Tôi từng nghĩ mình đã hiểu đủ về nơi đây cho đến khi được xem màn biểu diễn "Ký ức Hội An", show thực cảnh từng xuất hiện trên Quảng trường Thời đại của Mỹ và được bình chọn là "đẹp nhất thế giới", theo Reuter.

Show thực cảnh tái hiện lịch sử của thương cảng Faifo sầm xuất trong quá khứ, trải qua những thăng trầm đến phố cổ bình yên ngày nay. Vở diễn có thể khiến bạn trầm trồ bởi sân khấu thực cảnh rộng lớn kết hợp cả sông nước, núi non với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại cùng màn biểu diễn của 500 diễn viên.

Với người muốn tìm hiểu về văn hoá, lịch sử, show này được ví như khung cửi thời gian, đưa bạn ngược dòng quá khứ tìm về phố cổ xa xưa từ thời khai hoang, lập ấp. Màn hai của show không chỉ tái hiện lễ rước đình đám, mà còn khắc họa hình ảnh giao thương kinh tế sôi nổi của vùng Chiêm Cảng - Lâm Ấp thế kỷ 9 - 10.

Tiếp đó là Hội An trong giai đoạn chuyển mình trở thành thương cảng Faifo sôi động trong thế kỷ 16-17. Đây là một trong những màn biểu diễn cảm xúc nhất show với câu chuyện tình yêu son sắc của cô gái chờ chồng.

Điểm nhấn của show là màn 4, thời kỳ giao thoa văn hoá đa phương. Màn biểu diễn lấy bối cảnh về phiên chợ quốc tế với không khí tấp nập, sôi động của một thương cảng Hội An sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á thế kỷ 16 - 19. Phần này gây ấn tượng với hình ảnh những mái nhà dần mọc lên, những cánh buồm được giăng cao khiến du khách không khỏi bất ngờ về kỹ xảo và quy mô của show.

Cuối cùng là Hội An với nhịp sống hiện đại qua màn trình diễn áo dài truyền thống kết hợp các công trình kiến trúc gắn liền với Hội An. Các cô gái đạp xe dọc con đường ánh sáng, len lỏi qua từng góc phố cổ như đưa khán giả trở về với cuộc sống hiện đại, với một Hội An cổ kính, trầm mặc nhưng không kém phần năng động.

Show thực cảnh Ký ức Hội An
 
 

Kết thúc show là những chàng vỗ tay không ngớt của khán giả, bởi đưa người xem trải qua bao cung bậc cảm xúc, "từ choáng ngợp, ngỡ ngàng rồi vỡ oà" trong những màn trình diễn mãn nhãn.

Hội An giờ đây không chỉ có phố cổ với những con hẻm tường vàng, mái ngói rong rêu, công trình kiến trúc cổ xưa, mà còn có "show diễn thực cảnh đẹp nhất thế giới". Vở diễn đang trở thành một trong những trải nghiệm nhất định phải thử khi đến phố cổ. 

Trong tháng 9 này, show dự kiến đón lượt khách thứ một triệu. Nếu có duyên bạn sẽ là du khách may mắn ghi tên mình vào dấu mốc của "Ký ức Hội An".

Khương Nha

Ảnh: Phùng Phương Thảo

Đánh giá phiên bản mới