Thương trường - Thứ hai, 11/6/2018, 15:04 (GMT+7)

Ông chủ hãng điện thoại Xiaomi được mệnh danh 'Steve Jobs Trung Quốc'

Chỉ sau 7 năm, Lei Jun đưa Xiaomi trở thành một trong bốn hãng điện thoại di động lớn nhất thế giới, cạnh tranh với Apple và Samsung.

Lei Jun, nhà sáng lập kiêm CEO của Xiaomi, thành công khi đưa thương hiệu điện thoại Trung Quốc ra thế giới. Mỗi khi ra mắt dòng sản phẩm mới, Lei Jun luôn mặc quần jean, áo phông đen giản dị và say sưa nói về từng chi tiết sản phẩm. Hình ảnh này của Lei Jun khiến nhiều người liên tưởng đến CEO quá cố của Apple, Steve Jobs. 

Lei Jun, nhà sáng lập kiêm CEO của Xiaomi nổi tiếng với phong cách gần gũi và thân thiện với mọi người - Ảnh: Future.

Lei Jun sinh năm 1969 tại Xiantao, một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Hồ Bắc. Ông theo học chuyên ngành Khoa học máy tính tại Đại học Vũ Hán. Bước chân vào giảng đường đại học, Lei Jun tình cờ đọc được cuốn sách về Steve Jobs và ngành công nghiệp máy tính. Chính cuốn sách này đã truyền cảm hứng cho ông theo đuổi ước mơ mở một công ty tầm cỡ thế giới như Apple.

Để hiện thực hóa giấc mơ, Lei Jun đặt ra mục tiêu rõ ràng là hoàn thành tất cả các khóa học về khoa học máy tính, tài chính, đầu tư trước năm 27 tuổi. Ông chỉ mất 2 năm để hoàn tất chương trình đại học với vị trí thứ 6 trong 100 sinh viên toàn khóa.

Trước khi thành công với Xiaomi, Lei Jun là người có tiếng trong lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc. Ảnh: Techinasia.

Năm 1992, sau khi ra trường sớm hơn dự kiến, Lei Jun đầu quân cho Kingsoft, một công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc. Sau 5 năm làm việc hiệu quả và có công lớn đẩy mạnh doanh thu công ty, Lei Jun được bổ nhiệm vị trí CEO của Kingsoft.

Trong thời gian điều hành Kingsoft, Lei Jun startup dự án Joyo.com, nền tảng bán sách trực tuyến. Chỉ sau 4 năm, startup này được Amazon mua lại với giá 75 triệu USD.

Lei Jun cũng chứng tỏ bản thân là nhà đầu tư mát tay khi thực hiện hàng loạt thương vụ thành công vào các startup như: YY, UC và Vancl. Đồng thời Lei cũng rót vốn vào hơn 70 dự án khởi nghiệp khác, thu về hàng chục triệu USD.

Năm 2007, sau nhiều thất bại, cuối cùng Lei Jun đã giúp Kingsoft niêm yết thành công tại sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. Sau đó, ông bất ngờ thông báo rời Kingsoft sau 16 năm gắn bó.

Thời điểm ấy Lei Jun đã là một triệu phú và có thể sống cuộc đời an nhàn. Thế nhưng, Lei Jun là người ghét cuộc sống nhàm chán, ông tiếp tục thực hiện các thương vụ đầu tư và lên ý tưởng cho dự án khởi nghiệp mang tầm quốc tế.

Lei Jun lên kế hoạch kinh doanh của Xiaomi vài năm trước khi thành lập công ty. Ảnh: SCMP.

Xây dựng hãng điện thoại tầm cỡ quốc tế

Để bắt đầu dự án khởi nghiệp sản phẩm điện thoại thông minh, Lei Jun dành nhiều thời gian chiêu mộ nhân tài. Trong số đó, người đầu tiên gắn bó với Lei là Lin Bin, từng phụ trách hoạt động của Google, Microsoft tại Trung Quốc. Lei Jun và Lin Bin có nhiều tháng lên kế hoạch về hoạt động kinh doanh của Xiaomi trước khi công ty chính thức thành lập.

"Bước qua tuổi 40, tôi bắt đầu ước mơ của mình và đã tính toán 90% mô hình kinh doanh trước khi thực hiện nó", Lei Jun chia sẻ.

Ông nhận ra tại Trung Quốc có rất nhiều hãng điện thoại thông minh nhưng chưa thương hiệu nào thâm nhập được thị trường quốc tế.

Năm 2010, Lei Jun chính thức thành lập Xiaomi cùng 7 kỹ sư là các chuyên gia từng làm việc tại nhiều công ty công nghệ hàng đầu gồm Google, Motorola, Kingsoft. Đồng thời Xiaomi cũng kêu gọi vốn thành công từ quỹ đầu tư Yunfeng Capital Management với số tiền lên đến 1 tỷ USD.

Xiaomi bắt đầu sản xuất smartphone với tiêu chí đảm bảo những thông số kỹ thuật tốt nhất, mẫu mã đẹp như các hãng nổi tiếng nhưng giá bán rẻ hơn một nửa. Để làm được điều này, Lei Jun sử dụng chiến lược bán phần cứng với mức giá thấp nhưng kiếm tiền bằng các dịch vụ bổ sung gồm trình duyệt, xem video hay các dịch vụ trực tuyến.

Lei Jun giới thiệu về MI - ONES tại Thượng Hải. Ảnh: Shanghai Post.

Năm 2011, Xiaomi ra mắt chiếc smartphone đầu tiên và chỉ sau 34 giờ, công ty đã nhận được hơn 300.000 đơn đặt hàng. Chưa đầy một năm sau khi ra mắt, hãng đã bán được hơn 3 triệu chiếc MI-Ones. Xiaomi không chi tiền cho các hoạt động quảng cáo mà phân phối trực tiếp để không chia phần trăm hoa hồng cho các nhà bán lẻ. Xiaomi trở thành hãng điện thoại thông minh được săn đón tại Trung Quốc và vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường nội địa. 

Wang Xiang, cựu chủ tịch công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới Qualcomm tại Trung Quốc, từng nhận xét: "Lei Jun bắt đầu với những chi tiết kỹ thuật đắt nhất và chúng tôi trở thành người hâm mộ của Xiaomi".

Đây cũng là lý do Qualcomm rót vốn vào Xaomi năm 2011.

Cửa hàng của Xiaomi tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Ba năm sau khi ra mắt MI-Ones, Lei Jun tiếp tục phát triển hoạt động thương mại quốc tế cho Xiaomi. Khi doanh thu của Xiaomi tăng trưởng không ngừng, Lei bỏ ra số tiền 1 tỷ USD để hỗ trợ 100 startup tại Ấn Độ và phát triển thị trường tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.

Năm 2016 là giai đoạn khó khăn của Xiaomi khi hãng mất vị trí số một tại thị trường smartphone nội địa vào tay Oppo. Tuy nhiên, Lei Jun đã nhanh chóng vực lại vị thế của Xiaomi khi ra mắt 2 dòng sản phẩm mới vào năm ngoái. Năm 2017, Xiaomi tăng trưởng nhanh đến mức hãng nghiên cứu Strategy Analytics dự đoán hãng này có thể vượt Oppo, Huawei và Apple để trở thành nhà cung cấp smartphone lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Samsung.

Lei Jun giao lưu với người hâm mộ tại MI Store Việt Nam. Ảnh: Cellphones. 

Hiện nay, 70% doanh thu của Xiaomi đến từ smartphone, 20% từ đồ gia dụng và 10% từ dịch vụ Internet. Xiaomi đang chuẩn bị IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) vào mùa hè năm nay. Theo các chuyên gia đây có thể là đợt IPO lớn nhất thế giới trong 4 năm gần đây kể từ sau thương vụ của Alibaba.

Theo Forbes, Lei Jun hiện sở hữu khối tài sản 12,5 tỷ USD và nắm giữ 77,8% cổ phần Xiaomi. Nếu Xiaomi IPO thành công, Lei Jun có thể sẽ vượt qua Mã Hóa Đằng, người giàu nhất Trung Quốc hiện nay.

Thảo Nguyên
Theo Tech In Asia

Đánh giá phiên bản mới