"Năm 18 tuổi, tôi xem video nhà sáng lập Google Larry Page chia sẻ câu chuyện giản dị về một anh nông dân ở Kenya trồng khoai tây nhưng cây bị ngả màu và chết mòn. Đọc một vài cuốn sách không tìm ra nguyên nhân, anh đã đạp xe tới một trung tâm ở khá xa làng để sử dụng Internet nhằm tìm kiếm cách khắc phục mùa màng. Cuối cùng anh tìm ra nguyên nhân do một loại kiến và giải pháp là rải loại tro gỗ, kiến sẽ bị tiêu diệt. Khi xem hết video này, trái tim tôi đập mạnh và tâm trí tôi bỗng sáng lên. Tôi nhận ra công nghệ có thể đem lại thay đổi lớn lao cho các vùng quê xa xôi hẻo lánh như nơi tôi đã sinh ra", Nguyễn Thị Thu Hà, 24 tuổi, nhà đồng sáng lập – CEO của startup giáo dục MindX chia sẻ với Ngoisao.net.
Hà sinh ra tại ngôi làng nhỏ huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, ấu thơ gắn liền với làng quê nghèo lam lũ, quanh năm cày cấy. Hầu hết các bạn cùng trang lứa với Hà đều nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình. Hà có điều kiện chuyển lên thị trấn học cấp 3 và đậu Đại học Ngoại thương Hà Nội chuyên ngành Kinh tế đối ngoại. Mỗi lần về quê, Hà lại trăn trở về cảnh ngộ của những người bạn thời thơ ấu. Họ đều lập gia đình sớm, có người tha hương làm công nhân, người bám trụ quê hương nhưng đều có cuộc sống khá chật vật.
"Tôi nhận ra tầm quan trọng của giáo dục đối với thanh thiếu niên như thế nào. Giáo dục đã làm thay đổi tương lai của tôi nhưng những người bạn của tôi thì sao? Có cách gì để họ có thể tiếp cận một chương trình giáo dục ngắn hạn và thay đổi nhận thức? Trong đầu tôi luôn ấp ủ dự định sẽ làm một cái gì đó liên quan đến giáo dục nhằm cải thiện tương lai và nhận thức của các thanh thiếu niên", CEO Thu Hà chia sẻ.
Bước ngoặt để Hà thực hiện ước mơ về giáo dục của mình là khi Hà xuất sắc trở thành một trong 3 đại sứ sinh viên Google tại Việt Nam năm 2015. Khi tham gia dự án này, Hà có cơ hội đi gần hết các nước Đông Nam Á và càng nhận ra tầm quan trọng của công nghệ trong đời sống. Công nghệ không chỉ làm thay đổi bộ mặt của các quốc gia cô đã đi qua mà thông qua nó có thể thay đổi cuộc đời một con người.
Trở về từ dự án của Google, cơ duyên khởi nghiệp đến với Hà khi gặp gỡ hai người bạn đang làm việc trong ngành công nghệ thông tin có cùng lý tưởng.
Năm 2016, cả ba người cùng thành lập Techkids (sau đổi tên thành MindX) cung cấp các lớp dạy lập trình cho sinh viên đại học nhằm bổ sung kỹ năng thực tế còn thiếu khi đi làm. Cả ba nhà sáng lập cùng nhau đến các trường đại học để phát tờ rơi, trò chuyện trực tiếp với sinh viên để hiểu thêm quá trình học tập của các bạn. Họ nhanh chóng nhận rah ầu hết sinh viên đại học thiếu kiến thức thực tế. Quan trọng hơn, các bạn mất phương hướng trong việc lựa chọn ngành nghề, mục tiêu phát triển và phó mặc cho một tương lai mù mờ sau khi ra trường.
"Có những sinh viên nói với chúng tôi rằng chỉ muốn học cho xong để ra trường rồi tính sau. Các bạn không quan tâm thị trường đang thiếu gì và bản thân cần bổ sung những kiến thức gì để chuẩn bị cho công việc tương lai", nữ CEO trẻ kể lại.
Lớp học đầu tiên của Techkids chỉ có 10 học viên được tổ chức trong căn phòng nhỏ gần Đại học Bách Khoa Hà Nội. Chỉ sau một năm, Techkids đã có 4 cơ sở khang trang với hàng trăm học viên.
"Kết quả trên thực sự đáng ngạc nhiên sau hơn một năm hình thành từ số 0. Thời gian đầu khởi nghiệp, cả ba chúng tôi đều vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía gia đình. Hai co-founder đều là những người có công việc ổn định tại những tập đoàn lớn. Bản thân tôi cũng có nhiều cơ hội phát triển sau khi trở về từ dự án của Google. Bỏ qua mọi cơ hội tốt và một tương lai ổn định, quyết định của chúng tôi khiến người thân thực sự khó chấp nhận", CEO Thu Hà nhớ lại.
Đều lần đầu khởi nghiệp, Hà cùng hai co-founder đã phải ăn ngủ lại ngay lớp học, làm việc đến tận đêm khuya và không có ngày nào "được yên" bởi vấn đề phát sinh liên tục từ việc thiếu vốn, nhân viên nghỉ đến thuê mặt bằng.
"Techkids ra đời được 2 tháng thì có một đêm trộm vào khoắng hết đồ đạc. Mất sạch từ xe máy, máy tính đến dụng cụ học tập của học viên. Chúng tôi phải gom góp từng đồng để mua lại các vật dụng cần thiết. Điều đáng trân quý nhất là khi trải qua những khó khăn như vậy, các founder không bỏ cuộc, tiếp tục duy trì ước mơ của mình", Hà trải lòng.
Hiện sau 4 năm ra đời, MindX đã có 5 cở sở ở Hà Nội và TPHCM, đào tạo được hơn 8.500 học viên. Điều khiến Hà tự hào nhất chính là đã từng bước thực hiện được ước mơ khi còn học trung học. MindX không chỉ cung cấp các lớp học công nghệ dành cho sinh viên và người đi làm mà mở rộng ra cho các em học sinh từ tiểu học tới trung học.
"Với chúng tôi, giáo dục không phải đi từ phương pháp gì đó cao siêu hay giáo trình mua từ nước ngoài mà phải đến từ thực tiễn, từ những điều thực sự có giá trị với học sinh, nó phải là chìa khóa để các em mở cửa tương lai", CEO Thu Hà khẳng định.
Đối với học sinh cấp 1 và 2, chương trình đào tạo của MindX gồm lập trình trò chơi, website, robotic. Mục đích giúp các em rèn luyện tư duy sáng tạo, suy luận logic, học cách làm việc nhóm. Với học sinh cấp 3, chương trình học gồm lập trình cơ bản, website, khoa học máy tính, thuật toán. Quan trọng nhất là giúp các em định hướng được tương lai sẽ học gì, có theo công nghệ thông tin hay không, công nghệ giúp ích gì cho các ngành khác.
Đến sinh viên đại học, chương trình đào tạo của MindX liên quan trực tiếp đến nhu cầu việc làm. Mục tiêu của các môn học này giúp các bạn sau khi học xong có thể đi làm luôn mà doanh nghiệp không cần đào tạo nữa.
Không ít học viên của MindX đã vào làm cho các doanh nghiệp công nghệ từ khi học cấp 3. Điển hình là Phương Thảo, 15 tuổi, lập trình viên chuyên nghiệp cho một công ty công nghệ; Hữu An, 17 tuổi đã tham gia vào các dự án của một công ty khởi nghiệp sau 6 tháng học tập tại MindX, dự án này đã được nhận 25.000USD từ quỹ đầu tư VSV; Minh Phú, học sinh lớp 4 đoạt giải nhì quốc tế sáng tạo ứng dụng di động hay Hoàng Long, đại diện duy nhất của Việt Nam đạt giải 3 cuộc thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật Intel ISEF, Mỹ. Ngoài ra, còn có hàng nghìn học sinh đang học tập, làm việc tại 15 quốc gia trên thế giới.
Để xây dựng thành công chương trình đào tạo theo sát nhu cầu của học viên, đội ngũ giáo viên giảng dạy và nhà sáng lập của MindX bỏ ra rất nhiều tâm huyết. Họ đã mày mò học hỏi các chương trình đào tạo của nước ngoài và đối chiếu với các chương trình đào tạo tại Việt Nam, đồng thời khảo sát các doanh nghiệp công nghệ trong nước để tìm ra những lỗ hổng trong chất lượng nhân sự.
Bên cạnh đó, công nghệ là ngành yêu cầu sự cải tiến rất nhanh và không ngừng. Giáo trình cũng được điều chỉnh liên tục để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, giáo viên còn quan sát sức học của học viên mà kịp thời có những điều chỉnh thích hợp.
Điều trăn trở nhất đối với các founder MindX chính là việc giảng dạy công nghệ không giống với hoạt động giáo dục truyền thống. Nhân sự giảng dạy môn công nghệ phải là người phải liên tục cập nhật được cái mới. Những nguồn nhân sự tuyển từ bên ngoài thì phải mất 2 - 3 tháng mới đi vào trợ giảng, 4 – 5 tháng mới đứng lớp giảng dạy. Chi phí đào tạo một giảng viên đứng lớp là tương đối lớn.
Mô hình thung lũng silicon thu nhỏ đầu tiên tại Việt Nam
Thung lũng Silicon (Mỹ) là cái tên quen thuộc với giới công nghệ thông tin (CNTT). Nơi đây hội tụ các nhân tài của làng công nghệ thế giới và cũng là nơi làm nên tên tuổi của những công ty hàng đầu trong giới công nghệ như: Apple, Facebook, Google.... Tham vọng của MindX là xây dựng hệ sinh thái giáo dục công nghệ theo mô hình "thung lũng Silicon thu nhỏ".
CEO Thu Hà chia sẻ: "MindX hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái bao gồm trường học các kỹ năng mới của thời đại 4.0 và không gian làm việc chung. Mỗi tổ hợp như vậy sẽ là một 'thung lũng Silicon thu nhỏ' góp phần đào tạo nên những nhà sáng chế, những nhân tố thay đổi xã hội hay những doanh nhân tài năng".
Đây không phải là ý tưởng ban đầu khi các nhà sáng lập MindX bắt đầu khởi nghiệp 4 năm trước mà mô hình này ra đời trong quá trình sáng tạo, trao dồi kỹ năng, tìm kiếm phương pháp tối ưu để dần hình thành nên hệ sinh thái hoàn thiện như bây giờ.
Tháng 8 vừa qua, MindX vừa khai trương học viện đầu tiên tại TPHCM với diện tích 500m2, trước đó startup này đã có 4 cơ sở tại Hà Nội với tổng diện tích 4000m2. Không gian được thiết kế sinh động, sử dụng nhiều màu sắc, ánh sáng cùng các giáo cụ thực hành mang lại nhiều cảm giác về một không gian khám phá.
Tất cả các cơ sở đều được xây dựng theo mô hình không gian làm việc chung (coworking space) hoạt động vào ban ngày dành cho các công ty công nghệ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư. Buổi tối và cuối tuần nơi đây lại biến thành các lớp học công nghệ cho các em học viên. Đặc điểm này khiến MindX trở thành địa điểm lý tưởng để các bạn học viên có dịp gặp gỡ và trò chuyện và đầu quân vào các công ty công nghệ và nhà đầu tư tiềm năng của các dự án khởi nghiệp.
Không ít học viên của MindX hiện là nhân viên của các công ty khởi nghiệp đặt văn phòng tại không gian làm việc chung này. Phải kể đến các tên tuổi nổi bậc trong làng startup Việt như: Jamja, Wefit, VNI... Đồng thời sự linh hoạt trong việc sử dụng không gian văn phòng đã thuê giúp MindX tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Gọi thành công vốn đầu tư 500.000 USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm ESP Capital và các nhà đầu tư thiên thần, CEO MindX cho biết công ty sẽ tập trung vào việc mở thêm cơ sở mới tại TP HCM và nâng cấp chương trình học hiện tại. Bên cạnh đó, công ty sẽ tập trung vào việc phát triển mô hình học Blended learning (học cả online và offline), giúp cá nhân hoá lộ trình học của từng học viên, phát huy tối đa thế mạnh của học viên. Quan trọng nhất là giúp các em ở tỉnh lẻ có thể học trực tuyến một cách dễ dàng và chi phí thấp.
Mục tiêu của MindX trong tương lai là trong 5 năm tới xây dựng 50 – 100 cơ sở trên toàn quốc và hoàn thiện chương trình online cho các bạn ở xa có thể tiếp cận với công nghệ sớm hơn.
Sơn Nam