Thời cuộc - Thứ hai, 16/8/2021, 00:04 (GMT+7)

Nhà Việt cổ sinh động như thật qua mô hình thu nhỏ của chàng trai 9X

Hà NộiYêu thích kiến trúc nhà cổ Bắc Bộ, Trần Văn Bộ quyết định tự tay làm mô hình thu nhỏ để lưu giữ nét văn hóa độc đáo của người Việt xưa.

Trong khoảng sân rộng 15 m2, Trần Văn Bộ (23 tuổi) cẩn thận lợp từng viên ngói cho mô hình nhà thờ họ mà khách đặt cách đây một tháng. Để mô hình trông sinh động, giống bản gốc, Bộ quét lên tường một lớp rêu được nuôi từ sữa chua và nước vo gạo. Xong xuôi, anh cùng bố bê mô hình đặt dưới gốc cây mát, dự kiến sẽ đưa cho khách vào mấy ngày tới khi rêu mọc tốt, đảm bảo không bị chết.

Bộ lợp ngói cho mô hình nhà cổ được khách đặt cách đây một tháng.

Trần Văn Bộ hiện là nam sinh năm cuối trường Đại học Thủy Lợi, chuyên ngành kỹ thuật cơ khí. Tính đến nay 9X đã có hơn 18 năm đến với nghệ thuật phục dựng kiến trúc cổ với tỉ lệ nhỏ.

Bộ kể, việc xây dựng mô hình nhà cổ mini bắt đầu từ năm 7 tuổi. Ông nội vốn làm xây dựng, nên từ bé anh đã được tiếp xúc với xi măng, gạch, đá. Nhiều lần xem tivi, đi tham quan các kiến trúc cổ, Bộ nảy sinh ý nghĩ làm mô hình thu nhỏ để lưu giữ.

Mô hình nhà ba gian được Bộ thiết kế làm cảnh trong nhà.

Sản phẩm đầu tay của Bộ là mô hình Chùa Một Cột. Lần đầu nhìn thấy Chùa Một Cột, Bộ nung nấu phải tạo ra được mô hình này. Nói là làm, anh tích góp tiền ăn sáng, nhặt nhạnh dây thép bỏ đi từ các công trình dây dựng gần nhà mang về cất giấu. Sau thời gian nghiên cứu, Bộ bắt tay vào làm.

Thấy con trai cả ngày lọ mọ, tay chân, mặt mũi lúc nào cũng lấm lem xi măng, bố mẹ Bộ phản đối gay gắt việc làm mô hình của anh. Với họ đấy không phải làm đam mê, mà là cái cớ để Bộ lười học.

Bất chấp việc phản đối của bố mẹ, chàng trai trẻ tìm đủ mọi cách để làm. Có hôm thức dậy lúc 3h sáng, khi bố mẹ đang ngủ say, 9X thắp nến lén làm mô hình, xong mang giấu đi trước khi bố mẹ dậy.

"Có lần bố mẹ phát hiện mang đập nát hết mô hình, quất cho vài roi, tôi buồn nhưng vẫn không bỏ cuộc, bố cứ đập tôi lại làm", Bộ chia sẻ.

Bố đập đi, Bộ lại hì hục từ trưa đến tối để làm lại. Anh sử dụng giấy vở học sinh cuộn tròn rồi đổ xi măng lỏng. Đổ được 1/4, lại cắm các dây thép uốn thẳng để định hình. Sau khi phần xi măng lỏng bắt đầu cố định, chàng trai đổ hết toàn bộ thể tích của cuộn giấy, đợi khô rồi tách giấy ra để làm cột, kèo.

Phần mái và tường được tạo ra từ khuôn bìa carton, đan thêm các lát cây nhỏ để liên kết. Các họa tiết được anh nhớ lại, vẽ trên bề mặt sau đó dùng thêm xi măng nặn thành miếng nhỏ để chắp vào bản vẽ.

"Mặc dù lúc đó chưa đến Chùa Một Cột bao giờ, song từ lúc xem trên tivi, kiến trúc này in hằn trong tâm trí tôi ngay cả khi ngủ", Bộ nhớ lại.

Sau cả tháng trời, với vài lần đòn roi vì lén lút làm mô hình, Bộ cũng hoàn thành được kiến trúc đầu tay của mình. Tuy không hoàn hảo 100%, nhưng cũng giống đến 60-70%.

Nhìn thành quả của con trai, thấy Bộ vui vẻ, bố mẹ dần chấp nhận sở thích của anh. Để bố mẹ yên tâm ủng hộ đam mê của mình, Bộ luôn cố gắng học tập, chỉ thời gian rảnh mới làm mô hình. Học lực tốt nhiều năm khiến bố mẹ Bộ dần bỏ đi thành kiến với việc làm mô hình của con trai. Thay vào đó là ủng hộ con bằng cách xây lán để Bộ tiện bề sáng tạo.

Bộ cho biết, để làm một mô hình nhà cổ phải trải quá rất nhiều công đoạn. Thứ nhất là làm đế, móng, sau đó dựng vách, tùy từng loại kiến trúc sẽ dựng kèo, cột, đổ tường bằng bê tông hay xây bằng từng viên gạch. Khi mô hình thô được hình thành, sẽ lợp đến ngói, gắn mái đao đuôi phượng, xây bậc thềm, lát gạch.

"Có những mô hình bé xíu, phải dùng đến nhíp để lợp từng viên ngói, lát gạch", Bộ chia sẻ.

9X kể, trước kia khi chưa có gạch, ngói, mọi công đoạn đều được anh làm thủ công, phải đổ từ viên ngói, viên gạch, tấm cửa mang nung, canh lửa chuẩn nếu không sẽ bị hư, hay không cho ra được màu đẹp.

"Vì làm bằng tay nên nhiều lúc sản phẩm làm ra không đều, đẹp, nhưng lại có nét riêng", Bộ nói và cho biết bây giờ khi công nghệ phát triển, người ta sản xuất ra cả những viên ngói, viên gạch bé xíu phục vụ cho việc xây mô hình nên các công đoạn cũng được rút ngắn hơn, mô hình cũng trông đẹp hơn.

Tùy từng mô hình mà thời gian làm nhanh hay lâu. Mô hình Bộ làm nhanh nhất khoảng 1 tuần là mộ chiếc cổng làng cổ, mô hình làm lâu có thể mất vài ba tháng.

Năm nhất đại học, khi Bộ đăng ảnh các mô hình lên mạng xã hội facebook, nhiều người biết đến và hỏi mua, đặt Bộ phục dựng lại nhà cổ của gia đình họ.

Sản phẩm đầu tiên Bộ bán giá 200 nghìn, có sản phẩm lên tới 10 triệu đồng. Mọi chi phí thu được anh lại đầu tư cho đam mê phục dựng mô hình nhà cổ của mình.

Để có được mô hình giống thật nhất, trước khi làm một công trình kiến trúc cổ nào, Bộ đều đọc quá sách báo, tìm hiểu về lịch sử, về kiến trúc đó. Thậm chí đến tận nơi, ngắm, chụp ảnh, nghiên cứu các thiết kế, thậm chí nhiều lần đập đi làm lại. Mỗi lần làm mô hình yêu cầu của anh đối với bản thân ngày một cao, mô hình phải chính xác, giống thật nhất có thể.

Trước khi làm một mô hình Bộ đều đi đến tận nơi, xém xét, chụp ảnh rồi mới bắt tay vào làm.

"Ngoài tự tìm hiểu, tôi còn tham khảo kinh nghiệm, tư vấn của người dân khu vực đó về những nét đặc trưng riêng biệt của nhà cổ Bắc Bộ", Bộ chia sẻ.

Bộ cho biết điều khó khăn nhất khi làm mô hình nhà cổ Việt là việc thu nhỏ lại một kiến trúc ngoài đời thật sao cho giống nhất. Các chi tiết, tỷ lệ phải chuẩn, chỉ cần một sai sót nhỏ sản phẩm của mình coi như bỏ.

"Trước đây tôi làm mô hình đều dựa trên ước tính bằng mắt, nên nhiều lúc mô hình không giống thật, hoặc bị gãy, đổ", Bộ nói.

Theo học ngành kỹ thuật cơ khí giúp Bộ có khả năng kiểm soát bản vẽ, chia nhỏ tỷ lệ đúng chuẩn hơn dù là chi tiết nhỏ nhất. Điều này giúp 9X tạo dựng nhiều mô hình với đầy đủ kích thước ứng dụng, có thể làm hòn non bộ, mô hình trang trí, đồ vật lưu niệm...

Mô hình nhà thờ tổ đang được Bộ xây dựng.

Hiện tại Bộ đang làm mô hình nhà thờ cổ Bắc Bộ với nhà thờ chính, một gian chuẩn bị đồ lễ, chòi nghỉ chân, mái đao đặt giữa sân. Anh mất hơn một tuần để nghiên cứu hình ảnh, lên bản vẻ, thậm chí phải đi đến tận nơi ngắm nghía công trình thật vài lần.

Để cho mô hình được chắc chắn Bộ đổ tường bằng bê tông cốt thép, sử dụng gần 3.000 viên ngói, 400 viên gạch lát sân. Sau khi đổ tường, Bộ dựng kèo cột, tạo hình mái đao, mái rồng.

"Mô hình này của một bác đặt tôi phục dựng lại nhà thờ họ của bác, vì khu đất ấy trong dự án sắp phải di dời để xây dựng chung cư", Bộ cho biết.

Với Bộ, việc làm mô hình nhà cổ Việt thu nhỏ không chỉ là đam mê cá nhân mà còn là mong muốn lưu giữ lại nét đẹp, bản sắc dân tộc đang dần bị mai một.

"Tôi thích những mô hình nhà Việt cổ, nó đang dần bị thay thế bằng những tòa chung cư, biệt thự, nhà ống. Bằng cách nào đó tôi muốn lưu giữ lại nét đẹp truyền thống của người việt", Bộ nói về đam mê làm mô hình nhà cổ của mình.

Chia sẻ về dự định tương lai, chàng trai 23 tuổi cho biết trong thời gian tới sẽ phục dựng lại một số kiến trúc cổ trong làng đang có nguy cơ bị phá bỏ, cũng như theo học thêm về thiết kế kiến trúc nâng cao tay nghề của mình.

Nguyễn Ngoan

Đánh giá phiên bản mới