Thời cuộc - Thứ bảy, 10/4/2021, 00:03 (GMT+7)

Mô hình đình làng bằng gỗ bé nhất Việt Nam

Hà NộiDành 5 năm nghiên cứu và chế tác, ông Phan Lạc Hùng, 67 tuổi, cho ra đời mô hình đình làng bằng gỗ gụ siêu nhỏ với tỷ lệ 1/1.002, nặng 60 kg.

Tiếng gọi cửa vang lên, trong căn nhà 3 tầng khang trang nằm ở xóm Chùa, xã Hữu Bằng, Thạch Thất, Hà Nội, ông Phan Lạc Hùng chạy ra mở cửa. Thấy có người nói muốn tham quan mô hình đình làng gỗ, ông vui vẻ mời vào nhà. Dẫn 4-5 người khách lên tầng hai, mở cửa căn phòng thờ nơi đặt mô hình, ông Hùng nói "Tham quan thì được, chứ mua thì tôi không bán đâu".

Ông Hùng mất 5 năm để làm ra mô hình đình làng Hữu Bằng từ gỗ gụ.
Sinh ra và lớn lên tại làng Hữu Bằng, ngôi làng nổi tiếng với nghề mộc, đồ gỗ thiết kế, buôn bán khắp các tỉnh thành trên cả nước, ông Hùng thừa hưởng cái "gen" làm mộc từ ông cha. Chẳng qua trường lớp đào tạo nào, nhưng ai trong làng cũng biết đến tay nghề mộc của ông.

Hơn 50 năm gắn bó với cái chày, cái đục, ông bôn ba đủ nơi, nhận xây dựng, thiết kế biết nhiều công trình, thậm chí ngôi nhà 3 tầng gia đình ông đang ở cũng một tay ông lên bản vẽ và thiết kế.

Khi tuổi xế chiều, sau những lần dạo chơi quanh làng, nhìn ngắm lại nơi mình ở, ngôi đình gắn bó với mình suốt cả cuộc đời, ông Hùng nảy sinh ý tưởng chế tác đình làng bằng gỗ.

Nhắc về ý tưởng thiết kế mô hình đình làng bằng gỗ gụ độc nhất ở Việt Nam, ông tự hào khoe đình làng Hữu Bằng có niên đại gần 350 năm, trải qua chiến tranh, bom đạn nhưng công trình vẫn giữ nguyên dáng vẻ ban đầu.

"Hiếm khi nào tôi thấy công trình hàng trăm năm tuổi vẫn giữ nguyên dáng vẻ như ban đầu. Toàn bộ công trình được làm bằng gỗ, chắc chắn, không bị hỏng hóc chỗ nào", ông Hùng kể.

Một góc đình làng Hữu Bằng
Mất hơn 2 năm lên ý tưởng, suy nghĩ cách thiết kế, chế tạo ra sao, thậm chí ngày nào ông Hùng cũng đi bộ vài lần quanh đình để ngắm nghía. Lúc thì ngắm kết cấu của gian giữa, các cột, kèo dựng ra sao cho đến các tiểu tiết trên phần mái nhà... rồi dùng điện thoại chụp lại về nghiên cứu tiếp.

Một thời gian sau ông bắt đầu lùng mua các dụng cụ chế tác, từ dụng cụ mài, dũi, tiện, lưỡi dao cắt... ông tìm nơi bán ở quanh làng, không có lại ra chợ Hà Đông. Tính sơ các dụng cụ chế tác bản nhỏ cũng hơn 30 chiếc.

Khác với những công trình có bản vẽ hoặc sẵn các số liệu tính toán, cái hay của mô hình thu nhỏ đình làng chính là "làm đến đâu vẽ đến đấy chứ không có bản vẽ cụ thể", thậm chí mọi kích thước đo đạc đều là áng chừng dựa vào kinh nghiệm làm nghề mộc hơn 50 năm nhưng người đàn ông 67 tuổi khẳng định: Mô hình tôi làm có độ chính xác lên đến 95%.

Ấp ủ nhiều năm, giữa năm 2018, ông Hùng bắt tay vào chế tác. Ông dành nguyên một phòng ở tầng 2 để làm, tránh bị phiền. Mỗi ngày ông Hùng dành từ 6 đến 8 tiếng để làm các công đoạn gia công phức tạp, từ những chi tiết nhỏ nhất như làm tấm ngói bằng gỗ ép được cắt sao cho y hệt tấm ngói được lợp ở đình; đến cái mộng nhỏ trên cột được chế tác một cách tinh vi; khung cửa hình chữ thọ; công đoạn gắn keo, thêm cây tùng, cây đại bằng thật và siêu nhỏ.

"Các bước được thực hiện chẳng khác công trình xây dựng là mấy, từ thiết kế phần móng, dựng cột, làm gian giữa, xong đến các gian phụ rồi mới đến lợp mái... Mỗi công đoạn đều yêu cầu độ chính xác cao, tuyệt đối không được mắc sai lầm", ông Hùng nói

Để làm được mô hình đình làng siêu nhỏ, ông Hùng đặt mua hai bộ kính mắt từ 2,5 - 4 độ. Những chi tiết ở cỡ lớn, ông sử dụng kính mắt lão nặng 2,5 độ, nhưng khi đi vào tiểu tiết, việc ghép nối bằng keo với những thiết kế bằng que tăm, nghệ nhân buộc phải dùng kính mắt 4 độ để nhìn rõ hơn.

Từ phần móng, dựng cột, làm gian giữa, gian phụ, đến lợp mái... đều yêu cầu độ chính xác cao và sự tỉ mỉ. Bởi nếu sai, ông không muốn làm lại ngay vì có quá nhiều chi tiết. "Mỗi bước, mỗi công đoạn tôi buộc phải làm cẩn thận, chậm cũng được nhưng phải đúng", ông nói.

Theo lời ông Hùng, mái đình bản thực được dựng từ 100.000 viên ngói, nhưng bản mô hình chỉ khoảng 75.000 viên. Mỗi ngày, ông dập được 1.500 viên và mất đến 2 tháng mới làm xong toàn bộ chi tiết mái ngói.

Nhà cách đình làng chừng 150 m, ngoại trừ những lúc gõ đục, mài dũa trên gác, hễ rảnh ông Hùng lại đi bộ ra đình để quan sát xem "có giống với bản gốc hay chưa".

Ngày đã vậy, nhiều đêm ông Hùng không tài nào chợp mắt được vì nghĩ xem phải làm mô hình như thế nào cho hợp vì nó quá đồ sộ và nhiều chi tiết, nhất là khi thu nhỏ ngôi đình lại chỉ bằng một mô hình là điều vô cùng khó khăn. Vào những ngày trời nắng nóng, dù mồ hôi nhễ nhại ông cũng không dám bật quạt vì sợ các chi tiết nhỏ bị bay và phải bỏ công làm lại từ đầu".

Lo lắng cho sức khỏe của bố nhưng con cháu ông Hùng cũng không dám can ngăn vì đó là đam mê của ông, thỉnh thoảng các thành viên trong gia đình còn cùng ông ngắm nghía, góp ý để mô hình trông giống thật hơn.

Cuối năm 2020, do sức khỏe giảm sút, ông Hùng ngừng việc chế tác mô hình thu nhỏ: "Mô hình này vẫn chưa hoàn thành 100%, bản thân tôi muốn làm nữa chứ nhưng nó vượt quá khả năng".

Đình làng Hữu Bằng "phiên bản mini" được ông Hùng nâng niu và trân trọng cất giữ trên căn phòng thờ tự của gia đình. Người dân xóm làng kéo đến tấp nập, mong muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp mộc mạc, chứa đựng hồn quê của mô hình.

Tiếng lành đồn xa, có người ngỏ ý trả giá đến 2 tỷ đồng, nhưng ông Hùng nhất quyết từ chối, bởi "đó không phải mục đích ban đầu định làm".

Với ông lão 67 tuổi, công trình đình làng là nơi ông lưu giữ những ký ức đẹp của vùng quê nơi ông sống và lớn lên, là cách để quảng bá du lịch địa phương, lưu giữ những nét kiến trúc cổ để con cháu sau này biết quý trọng, còn tiền thì chúng vô giá.

Trong thời gian tới, ông Hùng dự định sẽ chế tác công trình chùa Một Cột bằng gỗ gụ. Hiện tại ông đã bắt đầu lên ý tưởng cho các bản vẽ và cách chế tác, dự định sẽ mất 1 năm để hoàn thiện.

Đình Hữu Bằng thuộc xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, xưa được gọi với tên nôm là đình kẻ Nủa, được công nhận di tích Lịch sử - văn hóa năm 1989, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km về phía tây.

Được xây dựng thời Lê Trung Hưng niên hiệu Chính Hòa, đình thờ tam vị Nam Hải Đại Vương thành hoàng làng, đình Hữu Bằng tọa lạc trên một gò đất cao ráo, thoáng mát, phía trước có hồ nước như là điểm "tụ thủy, tụ phúc".

Hiện trong đình còn lưu giữ 27 đạo sắc phong qua các triều vua phong kiến, vua phong thượng đẳng thần cho tam vị thành hoàng.

Nguyễn Ngoan

Đánh giá phiên bản mới