Mỗi ngày làm mẹ là một ngày vui
- Hiện tại mỗi ngày của chị diễn ra thế nào trong vai trò 'mẹ bỉm sữa'?
- Mỗi ngày với tôi đều như ở thiên đường. Mở mắt tôi lại thấy: "Ồ đây là sự thật, mình đã làm mẹ rồi nhé! Và phải chăng kia là một thiên thần?". Sáng, trưa, chiều, tối hai mẹ con quấn quýt. Tôi thấy hạnh phúc bất tận.
- Nghĩa là cuộc sống làm mẹ của chị chỉ toàn điều tuyệt vời?
- Ồ không. Làm mẹ là điều tuyệt nhất trên đời nhưng không có nghĩa mọi thứ đều lung linh như cổ tích. Biết bao cực nhọc thầm lặng: ngủ không tròn giấc, lau dọn suốt ngày, hai tay không bao giờ rảnh việc. Nhiều lúc, vợ chồng tôi chỉ thèm đi xem phim như hồi mới cưới hay ngâm mình trong bồn tắm mà chẳng được. Một bé trai hiếu động không cho phép bạn làm điều mình thích. Bố mẹ lúc nào cũng phải để mắt đến bé, đó là sự thật!
Vậy đó, làm mẹ bỉm sữa đồng nghĩa mất hết tự do. Tôi phải học cách thực hiện mọi thứ với sự song hành của người bạn nhỏ. Nhưng trên hết, làm mẹ là được đắm đuối trong tình yêu và niềm vui, được trưởng thành trong nhân cách bởi trách nhiệm và sự vị tha; được vỡ òa với cảm xúc ngọt lịm mà thiên sứ bé bỏng từng ngày trao tặng.
- Mối liên hệ giữa chị và ông xã Victor Vũ thay đổi thế nào kể từ khi có con?
- Tôi may mắn vì có chồng luôn ở bên san sẻ mọi nỗi niềm. Càng trải qua cùng nhau, càng khăng khít và thấu hiểu. Tôi hay anh Vũ đều cảm tạ đối phương vì đã cho mình một thiên thần đáng yêu nhất trong cuộc đời. Sau này khi con hiểu chuyện, tôi sẽ kể con nghe hành trình bé lớn lên có công lao to lớn của bố.
Câu chuyện sẽ bắt đầu bằng việc bố đã bên mẹ trong giây phút vượt cạn đau đớn ra sao. Bố cầm tay an ủi mẹ thế nào. Bố tận mắt chứng kiến cô y tá đưa con ra. Lúc đó, con chưa thể khóc vì thay đổi môi trường, cô y tá phải dùng dụng cụ đặc biệt đưa vào miệng con. Cuối cùng, con cất tiếng khóc đầu tiên. Tim mẹ ngừng đập còn bố nín lặng với ánh mắt tràn đầy hạnh phúc.
"Con trai biết không, khi bố theo các nhân viên y tế đưa con qua phòng chăm sóc trẻ sơ sinh, bố đã đứng trân trân suốt ba tiếng đồng hồ, ngắm cậu nhóc với đôi mắt nhắm nghiền nằm trong chiếc nôi được che kín. Chắc lúc đó bố cũng như mẹ, không thể tin cuối cùng mình đã trở thành người cha thực sự." – tôi sẽ thủ thỉ với Landon như thế.
Chưa hết, tôi còn muốn con biết bố quan tâm đến từng hơi thở của bé. Bố cũng lo cho mỗi bữa cơm của mẹ. Anh Vũ hay thì thầm vào tai tôi lúc ngắm Landon ngủ say: "Em có tin được không, lúc mới sinh, con chỉ bằng cánh tay anh thôi, cái đầu như quả lê. Giờ em xem con to chưa, người con đã dài chừng này rồi...".
Cứ thế, đêm nào câu câu chuyện giữa vợ chồng tôi cũng xoay quanh việc anh Vũ đo xem con lớn bằng chừng nào, so với bộ phận gì trên cơ thể bố. Không đêm nào anh ấy không xuýt xoa: "Can't believe we have a baby!" (Không thể tin chúng ta đã có một em bé!).
- Riêng chị thấy mình khác điều gì từ lúc đảm nhận thiên chức làm mẹ?
- Không lời nào diễn tả nổi niềm hạnh phúc của người phụ nữ trong lần đầu trải nghiệm vai trò làm mẹ. Tôi nâng niu từng giờ phút bên con, muốn hít hà vào ngực từng hơi thở của con nhưng sợ mình tham quá. Muốn ghì xiết con vào lòng nhưng lại sợ mình quá tay. Tôi biết bản thân không thể giữ con bằng cách ôm bé khư khư. Tôi nhắc mình phải thả lỏng, có lúc buông ra để con được tự do.
Khó khăn lớn nhất tôi phải vượt qua trong hành trình làm mẹ là sự vụng về, ngỡ ngàng, không biết bồng bế con, không biết cho con bú, tắm cho bé...
Lúc Landon lọt lòng, con đỏ hỏn trên tay, tôi vừa nâng, vừa sợ. Thế mà từng bước hai mẹ con làm quen nhau. Giờ bé như một phần thân thể, một anh bạn bé xíu... Cả hai không muốn rời xa nhau.
Khác với thời trẻ, giờ đây, tôi thấy đời mình nhận được quá nhiều diễm phước. Tôi đã biết trân quý những điều giản dị, hiểu thế nào là hy sinh, biết sống vì ai đó, như thể lần đầu tiên trong đời.
- Những khó khăn nào chị và ông xã phải đối mặt trong lần đầu trải nghiệm việc nuôi dạy một em bé?
- Từ lúc Landon ra đời, bao nhiêu vấn đề lớn nhỏ của con là bấy nhiêu lần vợ chồng tôi lo cuống quýt. Vẫn biết bệnh đó thông thường của bất kỳ đứa trẻ nào nhưng khi con gặp phải, chúng tôi vẫn không thể ngồi yên. Từng đưa con đi bốn bệnh viện để chữa chàm sữa trên mặt, bất cứ biểu hiện bất thường như nôn trớ, thở khò khè, mẩn ngứa... là cả nhà lại chở nhau xuống tận Bình Dương để gặp bác sĩ.
Dù bận cách mấy, bố Vũ vẫn là "nhân sự nòng cốt" tắm cho bé. Mỗi chiều xong việc, anh tức tốc chạy về cùng con nghịch nước trong bồn. Hai cha con chẳng biết nói gì mà cười râm ran. Khi con đi vệ sinh, hai vợ chồng hợp sức lau rửa. Nhiều lúc tôi thấy ông xã đáng yêu quá. Anh bộc lộ tình thương dành cho con bằng những cách vô cùng con nít. Một hôm, anh bỗng dưng căm phẫn lũ muỗi vì đốt con trai mình. Cả tối đó, anh tạm ngưng công việc viết lách để chạy đi tìm mua thuốc xịt, thuốc xông rồi lùng sục khắp nhà để bắt bằng được con muỗi.
- Một số bà mẹ tự nhận 'nghiện con'. Họ dành cả ngày ngắm nhìn, chụp ảnh hay ngồi hàng giờ kể về những mốc phát triển của bé. Chị thì sao?
- Tôi chụp ảnh con từng ngày, từng giờ bởi mỗi khoảnh khắc trôi qua đã thấy bé biết thêm một điều mới. Hôm qua Landon biết chớp mắt, hôm nay đã biết cười, ngày mai có thể đưa tay vào miệng ngậm. Trẻ sơ sinh thay đổi như chong chóng trước gió. Nếu mình không nhanh tay ghi lại những giây phút kỳ diệu này thì chắc sẽ tiếc lắm.
Nhưng tôi chụp để dành ngắm một mình hoặc chia sẻ cùng chồng chứ không đăng quá nhiều lên mạng xã hội. Nếu để thỏa mãn nhu cầu khoe con chắc Facebook của tôi nổ tung vì ngày nào tôi cũng đăng ảnh con và không biết đăng bao nhiêu cho đủ. Tôi thừa nhận "nghiện con", nghiện hơn bất cứ thứ gì trên cuộc đời này. Con chưa tròn một tuổi mà tôi đã có hơn 30.000 tấm hình của bé chỉ riêng trong điện thoại. Vậy nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ nói lên tâm trạng yêu con mê mẩn trong tôi lúc này.
- Trong 30.000 bức ảnh ấy chắc hẳn có nhiều khoảnh khắc đặc biệt của Landon như lần đầu biết lật, bò, biết tương tác với bố mẹ hay những cú ngã đến sứt trán. Mỗi lần ngắm lại chúng, cảm xúc của chị thế nào?
- Tôi may mắn hơn nhiều người mẹ khác bởi được bên con 24 tiếng mỗi ngày. Vì vậy, nhất cử nhất động của bé, tôi đều chứng kiến hết. Cú lật đầu tiên của Landon cần sự giúp đỡ từ bố mẹ. Khi đó cả nhà quây quần cổ vũ bé, có khi phải nâng giúp con một cánh tay.
Có sự kiện chúng tôi không bao giờ quên là vì quá nhớ con, muốn ôm con cả trong lúc ngủ mà chúng tôi dẹp hết nôi cũi, đóng chiếc giường size lớn đủ cho ba người nằm. Landon vui sướng được lăn lộn chính giữa bố mẹ nhưng trong lúc ngủ "ảnh" văng ra khỏi giường. Hình như trong tiềm thức anh Vũ cũng biết, vừa mở mắt đã đưa tay chụp bé nhưng không kịp. Vợ chồng tôi nhào tới dỗ dành nhưng con vẫn khóc. Lúc Landon dụi đầu vào mặt mẹ, vị mặn trên môi con làm tôi giật mình. Máu, đó là máu. Những giọt máu nhỏ xuống sàn từ môi con khiến chúng tôi hoảng loạn. Lúc này môi Landon sưng to đến mức môi trên che kín mũi. Tôi xót lắm. Trong đầu đặt ra nhiều câu hỏi làm sao cho bé ăn, bú... Buổi chiều, chẳng hiểu nhờ điều gì mà môi bé xẹp dần rồi trở lại bình thường. Sau vụ đó, chúng tôi chở nhau đi mua thảm mút, đệm lót, hàng rào... tất cả những gì êm, an toàn và ngã không đau để bảo hộ cho bé. Đến giờ, mỗi lần nhìn lại bức ảnh Landon lúc đó, chúng tôi lại thương con vì làm "chuột bạch" cho bố mẹ thử nghiệm phương pháp nuôi dạy em bé.
- Gần một tuổi, trong mắt chị, Landon tỏ ra là cậu bé thế nào?
- Landon kháu khỉnh và hiếu động lắm. Con vừa sang Mỹ để thăm ông bà nội và thích mê không khí mát mẻ ở đó nên vui vẻ hát hò cả ngày. Ở nơi xa, mọi thứ trong mắt con lạ lẫm hơn. Con làm quen người mới, ngôn ngữ mới, môi trường mới và luôn mở to đôi mắt tròn xoe để khám phá vạn vật.
Rời khỏi tay mẹ, con bò thoăn thoắt, leo cầu thang và tự ném những trái banh đi rồi nhặt bỏ vào sọt. Khi vui con vỗ tay, khi buồn kêu ca, nhõng nhẽo giả bộ khóc. Landon có hai cái "gối nghiền" đi đâu hay làm gì cũng cắp theo hoặc nắm chặt chứ không buông, giống như con cún tha xương về ổ.
Yêu nhất là dạo này Landon tập đứng, tập đi. Nhìn tướng con bé xíu, đưa hai tay lên trời giữ thăng bằng được vài giây là ngồi sụp xuống, cưng không chịu nổi. Mỗi lần tập đi, con thường đẩy vali hoặc ghế ồn ào khắp nhà. Ông bà, cha mẹ thấy vậy đều vỗ tay nhiệt tình, Landon khoái chí cười sung sướng. Thấy con nỗ lực đứng lên, ngồi xuống không bỏ cuộc, hay lúc con buông tay chập chững đi được bảy, tám bước, bố Victor lật đật chạy đi lấy nước cho bé liền. Cứ thế chúng tôi chơi với con, thời gian trôi qua lúc nào không hay.
Đau đẻ là trải nghiệm cả đời không quên
- Lần vượt cạn này để lại những dấu tích gì trên cơ thể chị?
- Tạo hóa khiến bạn tin rằng khi mang thai, tăng cân là vô cùng cần thiết. Vậy nên dẫu sợ mập biết bao thì tôi vẫn có động lực để ăn. Tôi chẳng quan tâm ai chê xấu - đẹp, chỉ cần ông xã hài lòng là được. Đến giờ tôi vẫn dư 4 kg so với thời con gái và tất nhiên không khỏi cảm thấy mặc cảm. Nhưng lu bu với bé sớm tối, riết, tôi thấy mình chẳng quan tâm tới ngoại hình nữa. Lâu lâu tôi hỏi chồng "thấy vợ xấu không", anh trả lời "còn đẹp lắm". Thế là được an ủi.
Ngoại hình bớt đẹp một chút nhưng tinh thần lại phấn chấn rất nhiều, vì ước mơ làm mẹ bấy lâu của tôi đã được toại nguyện. Khi Landon chào đời, mái nhà có tiếng trẻ thơ trở nên đầm ấm, sum họp hơn. Cả đại gia đình, người thân từ Mỹ đến Việt Nam, dường như xích lại gần nhau. Ông bà nội gọi điện về hàng tuần, gửi thư và quà cho bé. Câu chuyện nhắc đến trong ngày hay trên bàn ăn cũng đều liên quan đến bé đầu tiên. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng có con lại hạnh phúc đến vậy. Mỗi giờ, mỗi ngày trôi qua tôi cứ cười, cười với bé, cười với chính mình. Hai chữ gia đình với tôi vốn thiêng liêng, nay bội phần ý nghĩa.
- Một số sản phụ đối mặt vấn đề trầm cảm sau sinh, chị thì thế nào?
- Thú thực tôi cũng trải qua những giai đoạn tâm lý nặng nề chứ đâu chỉ phấn chấn và hạnh phúc. Bốn ngày đầu tiên khi con chào đời, với tôi, thực sự như địa ngục về mặt thể chất. Cứ 10-15 phút là con khóc. Trên người tôi vẫn còn vết thương sinh mổ chưa lành miệng, thân dưới thì đau, thân trên mỏi nhừ do bế con trên tay cả ngày vì cứ buông xuống là bé khóc. Mắt anh Vũ sau ba đêm thức trắng đã thâm lại như cú vọ. Rồi 2-3 tuần đầu lúc mới đưa bé về nhà, hai vợ chồng lục đục bên con, ngủ vật vờ như những nhân vật zombie. Thật sự có lúc tôi thoáng giận gia đình, trách người thân sao không cảnh báo sinh con sẽ cực đến vậy, để tôi biết mà chuẩn bị tâm lý. Nhưng ngay sau đó tôi tự thấy tệ với ý nghĩ đó. Nhìn con nhỏ xíu, hơi ấm yếu ớt, cuộn tròn trong khăn sữa với mùi da thịt thơm phức, tôi như được hồi sinh. Cứ thế ngày nối ngày, thấm thoắt ba người chúng tôi đã bên nhau hơn một năm.
- Nhớ lại thời điểm cách đây một năm, chị và ông xã đón tin vui có Landon theo cách nào?
- Tôi không thể quên hình ảnh anh Vũ nhảy cẫng lên, phóng từ phòng ngủ ra phòng khách và reo lên "I told you" (Anh đã nói với em rồi mà!). Vì lúc đầu tôi chưa chắc, không nghĩ em bé đã đến như kế hoạch. Nhưng anh Vũ khẳng định. Anh nói tôi đợi vài tiếng rồi thử kiểm tra lại và quả nhiên chúng tôi đã có em bé. Chưa bao giờ tôi thấy một ngày vui như thế trước đó. Từ lúc hay tin, cả nhà như có hội. Tôi giống trái trứng mỏng đi đâu, làm gì cũng có người canh chừng và muốn gì chỉ cần... búng tay là có. Mỗi đợt đi khám thai, tôi được cả gia đình tháp tùng vì ai cũng muốn xem sự trưởng thành của Landon qua mỗi giai đoạn. Anh Vũ luôn chụp lại những hình ảnh siêu âm của bé để gửi cho ông bà nội. Đến khi biết được giới tính của con thì nhà cũng tràn ngập đồ em bé. Landon là cậu bé sung sướng từ trong bụng mẹ. Con được cả nhà chăm chút từng tí: áo quần, vật dụng, đồ chơi từ lúc sinh ra tới giờ không thiếu thứ gì.
- Giai đoạn cấn bầu của chị diễn ra thế nào?
- Tôi chưa từng bị ốm nghén. Ngược lại, làn da và mái tóc có phần mượt mà hơn. Khi có bầu, cơ thể tôi cũng không phù nề nên vẫn di chuyển và đi chơi suốt. Bà ngoại nói Landon thương mẹ nên không hành mẹ, chắc sau này hợp tính mẹ lắm. Hình như bà nói đúng. Bây giờ bé cứ bò lũn cũn theo sau, bám chân mẹ cả ngày chẳng cho tôi đi đâu, làm gì. Ngày gần sinh, tôi vác bụng bầu đến dự buổi giao lưu với khán giả phim "Người bất tử" tới 23h mới về. Khuya hôm đó tôi vào viện vì cơ thể tiết dịch hồng. Chẳng đau gì cả, nhưng cả nhà bảo vào viện nằm cho chắc. Thế là rạng sáng hôm sau, ngày 1/11, Landon chào đời.
- Việc vượt cạn của chị có những khó khăn gì?
- Nói vậy chứ đêm đó, khoảng 1h, bụng tôi đau thắt từng cơn. Khoảng cách giữa mỗi đợt đau cách nhau chừng vài phút. Nhìn sang giường bên, anh Vũ ngủ thiếp đi vì mệt. Tôi cố cắn chặt răng theo từng cơn gò, không dám đánh thức anh vì biết chồng đã kiệt sức.
Cả cơ thể tôi khi ấy bị xoắn lại như ai đó vắt đống quần áo ướt mang phơi. Thời gian trôi qua chậm chạp, những cơn đau dồn dập đến theo cấp số nhân, lớp này chưa đến đã tới lớp khác. Tôi đau quá, kêu bật ra tiếng khiến anh Vũ tỉnh dậy. Anh chạy đi gọi y tá thì cô ấy nói "còn lâu, vẫn chưa mở". Mấy tiếng như thế lận, tôi tiếp tục chịu đựng. Hết bấu vai chồng đến cắn răng rồi bò xuống đất.
Cứ mỗi khi cơn đau tạm lắng, vì thương ông xã muốn chia sẻ cùng vợ nhưng chẳng biết làm thế nào, nên tôi giả bộ hết đau rồi vào toilet bám chặt thành bồn cầu mà la để không làm ồn. Bạn biết không, lúc đó tôi cảm tưởng mình có thể bẻ cong cái la-va-bô vì bụng thắt lại, đau dữ dội. Gần sáng, tôi không chịu nổi nữa, nói anh Vũ đi kêu bác sĩ. Mọi người đẩy tôi trên xe lăn, đưa qua biết bao tầng để kiểm tra, đo đạc... Tôi chẳng nhớ gì nữa, chỉ mang máng rằng đã kêu hàng triệu lần "bác sĩ ơi, đau quá, cho em đẻ, bao giờ em được đẻ!"... Có lúc tôi còn hét toáng lên, vang khắp mấy tầng lầu: "Bệnh viện gì mà ít bác sĩ vậy?"... Anh Vũ nói nhìn tôi trở dạ y như mấy cô đóng phim kinh dị, chân tay bẻ cong, bò lết trên sàn...
Quả thật đau đẻ với tôi là trải nghiệm xương máu, suốt đời không quên.
Lam Trà
Ảnh: Maison de Bil