Ba chữ Little Big Women ám chỉ bà Lâm cùng tình địch, các con gái và cháu ngoại của bà. Những người phụ nữ thuộc nhiều lứa tuổi và thế hệ ấy bản lĩnh, tháo vát, một mình đương đầu biến cố, lo liệu tốt đời mình dù bên cạnh có người đàn ông cùng sẻ chia gánh nặng hay không. Nhưng thẳm sâu trong tâm trí, họ vẫn giữ lại một phần bé nhỏ, yếu mềm. Khát khao một bờ vai cho mình dựa dẫm, một đôi tay săn sóc cho mình tựa những mạch sóng ngầm trong lòng họ – dữ dội mà dịu êm, đậm sắc màu tính nữ.
Trong khi, tựa đề gốc của phim – Cô vị (dư vị cô đơn) – thật vừa vặn với cuộc đời bà Lâm. Đó là tên bản tình ca bà yêu thích nhất, gắn với mối tình của vợ chồng bà ngày trẻ. Bản nhạc nhuốm màu hoài cổ ba lần vang lên, qua giọng hát của bà Lâm với những tâm thế khác biệt. Lần đầu, bà hát karaoke đầy hân hoan bên cháu ngoại. Lần kế tiếp, ca từ, giai điệu mang theo nỗi rối ren trong tâm can bà, trước sự "trở về" chẳng giống ai của người chồng biệt tích nhiều năm. Và ở đoạn cuối câu chuyện, lời ca, tiếng nhạc cất lên cùng cảm giác nhẹ nhõm của người phụ nữ ở tuổi thất thập cổ lai hy.
Đúng ngày mừng thọ 70 của mình, bà Lâm Tú Anh nhận được tin về chồng. Nhưng thay vì tin vui, đó là tin tử. Trớ trêu hơn, ông qua đời vì bạo bệnh ở bệnh viện do gia đình bên ngoại của bà làm chủ. Ông Trần, chồng bà Lâm, cả đời quen thói lãng du, bôn ba bốn bể. Mặc vợ không có tiền nuôi con, ông vẫn đốt hết vốn liếng vào những mối đầu tư thua lỗ và những cuộc hoan vui bên các cô gái nhà thổ. Lâu lâu, ông thình lình trở về để xin tiền vợ rồi lại đi mãi chẳng thấy quay về. Chỉ đến khi ông Trần trút hơi trở cuối cùng, người vợ mới thấy lại bóng hình ông. Kịch bản đặt các nhân vật vào một tình huống lạ lùng, khó phân định rạch ròi giữa sự rời đi và trở lại.
Bao nhiêu năm, bà Lâm nhọc nhằn trả nợ cho chồng, một mình nuôi các con phương trưởng nên người. Từ xe bán chả tôm ngoài phố, bà tạo dựng nhà hàng nổi tiếng ở Đài Nam. Dẫu oán hận, bà Lâm chẳng buông bỏ được niềm kiêu hãnh đàn bà, vẫn muốn khẳng định với cả thế giới mình là người vợ duy nhất của ông.
Từ chối đưa linh cữu ông Trần về Đài Bắc - nơi ông đăng ký hộ khẩu, bà Lâm một mực an táng cho ông tại quê nhà. Vừa bước vào nhà tang lễ, bà đã hằn học với tấm ảnh ông đeo kính ở tuổi cao niên được dùng làm ảnh thờ. Bà bỏ tấm hình đó sang một bên, thay bằng ảnh chân dung ông mấy chục năm trước, thời ông còn là hoa hoa công tử theo đuổi bà bằng những cánh thư như mật ngọt.
Bỏ ngoài tai chuyện ông Trần đã cải đạo, theo Phật pháp, bà Lâm một mực chọn nghi thức Đạo giáo cho đám tang. Chuyện này dẫn tới một trong những cảnh tang gia bi hài và đặc sắc nhất điện ảnh châu Á. Cùng một không gian nhỏ gọn của linh đường, một bên con gái út Uyển Giai cùng nhóm Phật pháp đọc kinh cầu siêu cho ông Trần, một bên bà Lâm nhờ sư thầy tấu nhạc, làm phép theo kiểu Đạo giáo.
Chứng kiến cảnh tượng "kỳ hoa dị thảo" như thế, con gái thứ hai Uyển Du lắc đầu ngán ngẩm, cháu ngoại Tiểu Trừng bàng hoàng tự hỏi: "Họ thi đấu sao?", còn con gái cả Uyển Thanh – một biên đạo múa mang tâm hồn bay bổng – thì mở điện thoại quay lại bởi: "Chất nhạc này hay quá".
Miệng nói chồng không ra gì nhưng thực tế bà Lâm không giấu được tình yêu vẹn nguyên dành cho ông Trần. Mỗi việc bà làm, mỗi câu bà nói cho thấy bà muốn giữ lại bóng hình ông của thời son trẻ xưa cũ, ngày ông còn ở bên mẹ con bà, chưa lựa chọn đi cạnh những bóng hồng ngoài kia. Xem những cảnh tượng như thế, khán giả bất giác bật cười vì tính trào lộng thâm thúy của câu chuyện, càng đồng điệu nỗi tủi hờn có chồng cũng như không của bà Lâm, nhưng cũng hiểu vì sao ông Trần rời đi. Thói quen bảo bọc người khác quá độ và tính sở hữu cao của người vợ có lẽ đã vô thức làm người ưa thích phiêu bạt như ông ngột ngạt và áp lực.
Little Big Women khởi đầu bằng cái chết của một người đàn ông để hé lộ những mâu thuẫn, nỗi đau của những người ở lại: người vợ, người tình và những người con. Tập trung vào hành trình buông bỏ quá khứ bị bội phản của bà Lâm, phim cũng đưa vào những lát cắt khắc họa câu chuyện riêng của những người phụ nữ còn lại trong câu chuyện.
Cô Thái, người tình của ông Trần, mang nỗi mặc cảm không danh phận, không thể tiễn đưa người đàn ông mình yêu một cách đường đường chính chính. Con gái lớn Uyển Thanh thừa hưởng tính phiêu du của bố, thay tình như thay áo, cứ mãi đuổi theo cảm giác an toàn cũng không đuổi kịp, lại mất tinh thần vì bệnh nặng tái phát.
Là niềm tự hào của gia tộc, con gái thứ Uyển Du học hành, làm nghề, kiếm tiền cái gì cũng giỏi, chỉ riêng chuyện làm mẹ nhiều khi khiến cô đau đầu. Con gái út Uyển Giai thường sống trong nỗi khổ tâm vì đứng giữa bố và mẹ, chịu đựng những lời không ra gì mẹ dành cho bố.
Với người tình của chồng, bà Lâm vừa ganh ghét vừa ngưỡng mộ. Bởi cô Thái giống như sợi dây liên kết duy nhất để bà biết được nửa đời sau này của người chồng bà thương. Giữa bà Lâm và ba cô con gái, những bất đồng cũng chất chồng theo năm tháng. Càng trách mẹ độc đoán, chị em Uyển Giai càng thương mẹ đơn độc, vất vả. Và ngay cả giữa ba chị em họ cũng tồn tại những điều không đồng tình với nhau.
Người ta hay bảo ba người đàn bà đứng chung cũng thành cái chợ. Little Big Women có hẳn 6 người phụ nữ, nhưng phim tránh tuyệt đối không khí ồn ào với những tiếng trách cứ mạt sát, dù có không ít tranh cãi xảy ra. Nói ra lòng mình là cách để các nhân vật làm hòa với nhau và với bản thể nội tại của chính mình. Lòng bao dung, thấu cảm giữa những thân phận đàn bà với nhau đủ mạnh để vượt lên những xích mích. Ngày trẻ, bà Lâm có thể vác dao, dẫn theo hai con gái đi bắt gian tại giường. Nhưng đi qua những năm tháng nhiều thăng trầm, bà chọn cách đối thoại ôn hòa với người mới của chồng mình.
Đi sâu vào những giăng mắc nội tâm của phái đẹp, tác phẩm của điện ảnh Đài còn khắc họa rất hay về sự gắn kết gia đình. Bố mẹ dẫu trăm sai ngàn lỗi cũng vẫn là đấng sinh thành các con một lòng hiếu kính. Con cái dù bướng bỉnh ra sao, tình thương bố mẹ dành trao vẫn không thay đổi. Và dù không sống một nhà, không xưng hô theo kiểu gia đình, cốt nhục tình thân là thứ mãi chảy trong huyết quản của họ, đong đầy trong ánh mắt họ nhìn nhau, trong suy nghĩ họ hướng về nhau từng ngày.
Tôn vinh phụ nữ nhưng cũng không hạ bệ đàn ông, Little Big Women ánh lên sự tử tế trong câu chuyện. Đạo diễn và biên kịch giữ thái độ trung lập, cho thấy mỗi người trong đó đều có lý do để yêu thương hay trách cứ, để rời đi hay ở lại. Những tiếng cười duyên được cài cắm tinh tế, kể cả trong các cảnh phim diễn ra ở nhà tang lễ.
Giữa không khí phủ ngập tone xanh – xám lạnh lẽo, cô đơn của biển, trời, phố xá, nhà cửa, áo quần, vài mảnh đỏ - vàng thắp lên sự ấm áp tình người giữa các nhân vật. Chiếc áo len đỏ thẫm bà Lâm mặc trong ngày đầu làm tang cho chồng ẩn dụ uy quyền và tiếng nói người vợ chính danh, cũng như khát khao được yêu thương. Ánh đèn vàng trong phòng ngủ của bà Lâm hay căn nhà của Uyển Du mang lại sự ấm cúng của một gia đình. Dù ông Trần đi mãi không về, Uyển Thanh cũng muốn ly hôn, vợ chồng Uyển Du làm việc ở hai thành phố, căn nhà vắng bóng đàn ông thì đó vẫn là một gia đình.
Ngay cả không gian lạnh lẽo, đầy âm khí như nhà tang lễ cũng luôn được sưởi ấm bởi ánh nến và ánh đèn vàng – đỏ. Những góc quay hẹp kéo năm người phụ nữ thuộc ba thế hệ trong gia đình gần lại bên nhau, xoa dịu những tổn thương trong họ.
Cuốn phim thấm đẫm văn hóa người Hoa, lại phảng phất chất thiền Nhật Bản, có thể vì Đài Loan từng bị Nhật chiếm đóng, chịu ảnh hưởng không ít phong cách Nhật trong đời sống, kiến trúc. Thoại phim, tình huống gần gũi lời ăn tiếng nói và nếp sống đời thường. Câu chuyện gia đình nhiều tính nữ, mối quan hệ chị em gái hay chuyện nhà nghèo quá, phải đem con cho nhà khác ít nhiều tạo nên đồng cảm với người châu Á, kể cả Việt Nam.
Sau khi trở thành phim có doanh thu cao nhất ở Đài Loan năm 2020, Little Big Women tiếp tục gây chú ý trên Netflix. Phim nhận nhiều đề cử và thắng giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc" tại giải thưởng Kim Mã, cho Trần Thục Phương (vai bà Lâm).
Bộ phim quyến rũ từ visual đến câu chuyện và sự kết hợp ăn ý của các diễn viên. Điều thú vị của phim là tìm được cô bé đóng vai con gái của Từ Nhược Tuyên (vai Uyển Du) khá giống nữ diễn viên. Làm cameo, chỉ xuất hiện một cảnh và có vài câu thoại ngắn, nhưng Trương Quân Ninh tạo nên khoảnh khắc xúc động nhất trong phim.
Chuyên mục 'Mỗi tuần một phim hay' cập nhật bài viết tại mục Phim lúc 0h thứ 6 hàng tuần. Mỗi bài viết giới thiệu một phim nổi tiếng của Việt Nam hoặc quốc tế với chủ đề đồng nhất trong tháng. Tháng 3 của chị em phụ nữ, Ngôi Sao hân hạnh giới thiệu 5 cuốn cine đậm màu nữ tính.
Phong Kiều