Từ xưa đến nay, Liên hoan phim Cannes luôn là mảnh đất quy tụ những thử nghiệm điện ảnh táo bạo nhất. Người ta tìm đến Cannes để tìm về thứ điện ảnh ra đời từ Pháp. Đó là một kiểu làm phim vừa đẹp đến nao lòng, vừa không ngần ngại phá tan mọi chuẩn mực để tiến sát ranh giới của sự cực đoan. Những bộ phim như vậy cần những diễn viên như Léa Seydoux, vừa quyến rũ đắm say, vừa sẵn sàng cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Trong số 13 bộ phim từng trình chiếu hoặc tranh giải ở Cannes mà Léa Seydoux góp mặt, gần nửa trong số ấy đến từ các đạo diễn danh giá bậc nhất như: Quentin Tarantino, Wes Anderson, Woody Allen, Yorgos Lanthimos, Abdellatif Kechiche... Ai trong số họ cũng đều dành những lời tán dương cho màn thể hiện xuất sắc, sự hy sinh lẫn nét quyến rũ bẩm sinh đầy ma mị mà chỉ Léa mới có được.
Sự ma mị từ giọng nói
Trong suốt sự nghiệp diễn xuất, Léa Seydoux đã thử sức trong rất nhiều kiểu vai diễn. Thế nhưng có một trường đoạn thường trở đi trở lại trong các bộ phim, đó là cảnh nhân vật nữ của Léa đọc sách cho người tình.
Trong The Beautiful Person (2008), khi nhân vật Junie do Léa thủ vai bắt đầu đọc những vần thơ bằng tiếng Italy, người thầy giáo Nemours biết rằng anh ta đã phải lòng cô học sinh trầm tính kia. Thế rồi, ở một trường đoạn sau đó, Junie ngồi cạnh Nemours và đọc thư tình cho anh ta nghe với đôi mắt thỉnh thoảng lại hướng về phía anh.
Chính giây phút này, Nemours hiểu rằng đây không chỉ là rung động bình thường mà là thứ tình yêu đầy cháy bỏng trái tim nguội lạnh của anh đã khao khát bấy lâu.
Hay trong Diary of a Chambermaid (2015), chàng quý tộc Georges cũng phải lòng Célestine, nhân vật do Léa Seydoux thủ vai, sau những ngày dài nằm nghe cô đọc sách. Giọng nói của Léa giống như một thứ tình dược mà một khi uống phải, con người ta sẵn sàng dâng hiến mọi thứ vì tình yêu dành cho cô, kể cả mạng sống của mình. Trong Diary of a Chambermaid, chính chàng quý tộc kia đã lìa đời không lâu sau khi phải lòng nhân vật của Léa vì không chịu nổi những thăng hoa của xúc cảm. Còn ở The Beautiful Person, một người đàn ông tự sát, một người thì dằn vặt trong đau khổ vì tình yêu hướng đến nhân vật Junie không được đáp lại.
Đạo diễn Wes Anderson có lẽ là người hiểu sức quyến rũ từ giọng nói của Léa hơn ai hết. Khi viết kịch bản cho bộ phim The French Dispatch (2021), vị đạo diễn đã tưởng tượng nhân vật Simone với hình ảnh và giọng nói của Seydoux trong đầu. Sau này, để thử xem cô có hợp vai diễn không, Wes Anderson yêu cầu Léa đọc vài câu thoại của nhân vật mà không cho cô biết bối cảnh phim. Chỉ sau vài câu ngắn ngủi, Wes Anderson biết ông đã không sai lầm.
Nỗi ám ảnh về nghệ thuật đích thực
Sinh ra ở một quốc gia có truyền thống về điện ảnh, đặc biệt lại thuộc về một gia đình thượng lưu sở hữu những tập đoàn điện ảnh lớn nhất của Pháp, thế nên không khó hiểu khi Léa có một nỗi ám ảnh về nghệ thuật điện ảnh đích thực.
Trong nhiều bài phỏng vấn, Léa thường ví điện ảnh giống như một ngôn ngữ của sự thật. "Không chỉ vậy, điện ảnh là điều giữ tôi còn sống, là cây cầu kết nối tôi với thế giới này". Thế nên, cô sẵn sàng cống hiến hết mình cho điện ảnh, miễn ấy là thứ điện ảnh đích thực mà cô tâm niệm. "Tôi không có vấn đề gì với những bi kịch, hay kể cả việc phải xuất hiện đầy xấu xí trên màn ảnh, chỉ cần bộ phim ấy có sự thật thà trong đó".
Những người yêu điện ảnh hẳn sẽ biết đến Blue is the Warmest Color (2013) - bộ phim được trao giải Cành Cọ Vàng của Cannes. Đây cũng là tác phẩm đem về cho Léa Seydoux Cành Cọ Vàng đầu tiên trong sự nghiệp, giúp cho cô trở thành nữ diễn viên đầu tiên nhận được giải thưởng cao quý này. Xem phim, khán giả không khỏi khâm phục sự cống hiến và hy sinh của Léa để quay được những cảnh phim đầy tính nghệ thuật.
Sau này, Léa kể lại trải nghiệm quay bộ phim này cho cô cảm giác mình như bị biến thành nô lệ tình dục. Với rất nhiều cảnh quan hệ trực diện, đạo diễn Abdellatif Kechiche yêu cầu quay đi quay lại tới hàng trăm lần, khiến cả Léa lẫn bạn diễn của cô phải chịu sang chấn sau khi phim đóng máy. Thế nhưng nữ diễn viên không hề hối hận khi quay bộ phim này. Bởi lẽ với cô, đây là một tác phẩm điện ảnh đích thực và nó xứng đáng để cô hy sinh như vậy.
Và tình cờ Léa Seydoux thường vào vai những người phụ nữ gai góc nhưng luôn ngưỡng vọng về những điều chân thành. Trong The Beautiful Person, mặc dù không yêu chàng khờ Otto, nhân vật Junie vẫn dâng hiến thân xác cho anh vì xúc động trước tình yêu chân thành mà Otto dành cho mình. Trong Blue is the Warmest Color, nhân vật Emma phải lòng Adéle có lẽ chính từ sự hồn nhiên ở cô, để rồi nhất quyết ruồng rẫy người tình khi phát hiện sự phản bội.
Duyên phận dành cho Cannes
Nếu như so sánh sự gắn bó giữa Léa Seydoux và Cannes như một cuộc tình, thì đó là cuộc tình vừa man dại, nồng nhiệt, vừa trầm lắng, sâu cay. Léa Seydoux dường như sinh ra dành cho Cannes, cho thứ điện ảnh tôn thờ nghệ thuật hơn hết thảy của liên hoan phim danh tiếng bậc nhất này.
Tại LHP Cannes năm nay, hai phim mới nhất của Léa Seydoux đều tranh giải ở hai hạng mục quan trọng. Phim kinh dị Crimes of the Future của đạo diễn Canada David Cronenberg mà Léa đóng cùng Kristen Stewart và tài tử Viggo Mortensen đang là ứng viên nặng ký của giải Cành Cọ Vàng. Khi trình chiếu hôm 23/5, phim đã nhận tràng pháo tay dài 6 phút. Đạo diễn David Cronenberg cũng là một gương mặt quen thuộc ở Cannes với các tác phẩm tạo nhiều dấu mốc trong các thời kỳ điện ảnh thế giới như Crash (1996), Spider (2002) hay A History of Violence (2005).
Trong khi đó, một phim tâm lý khác của Léa là One Fine Morning của nữ đạo diễn Pháp Mia Hansen-Løve lại dự tranh hạng mục Directors’ Fortnight.
Càng cố gắng đi tìm những gì ẩn sau vẻ đẹp ma mị của Léa Seydoux, người xem càng lạc lối vì những mê cung phức tạp của nó. Léa không phải một kiểu nàng thơ trong sáng, người gợi cảm hứng cho nghệ sĩ sáng tạo.
Đôi khi ở cô tỏa ra một vẻ mong manh, như cách nhân vật Célestine trong Diary of Chambermaid thủ thỉ: "Em là một cô gái đơn giản, tất cả những gì em cần là mọi người nhẹ nhàng với mình". Nhưng cũng có lúc, cô lại hiện lên mạnh mẽ đến tàn độc, như trong trường đoạn gần cuối The Beautiful Person, khi nhân vật Junie sẵn sàng bỏ rơi người thầy giáo đau khổ vì không được cô đoái hoài, bất chấp Junie cũng yêu anh ta say đắm. Khi hai mảnh tưởng như trái ngược này kết hợp với nhau, nó làm nên vẻ đẹp tựa đóa hồng đen, vừa quyến rũ mời gọi nhưng cũng nguy hiểm chết người.
Bởi vậy, chẳng trách vì sao Léa Seydoux và Cannes lại hợp nhau đến vậy. Liên hoan phim Cannes là cái nôi dung dưỡng những bộ phim dám thử nghiệm những sáng tạo nghệ thuật mới mẻ và dựng nên những con người đa sắc diện.
Còn Léa Seydoux thì yêu say đắm thứ nghệ thuật ấy đến mức, như cô từng nói với Wes Anderson: "Tôi sẵn sàng làm mọi thứ vì nó".
Đức Minh