Cưới - Thứ hai, 25/10/2021, 18:30 (GMT+7)

Hồ sơ đám cưới công chúa Nhật Bản

Công chúa Nhật Bản chờ đợi suốt bốn năm cho đám cưới, từ bỏ hồi môn, chuẩn bị cuộc sống thường dân sau 26/10.

Tháng 10, cả nước Nhật và truyền thông toàn cầu đều dõi theo từng diễn biến của đám cưới đã hoãn bốn năm của Công chúa Nhật Bản và bạn trai thời đại học - Kei Komuro, một dân thường. Mako là con gái lớn của Thái tử Fumihito - người được tuyên bố thừa kế ngai vàng từ anh trai là Nhật hoàng Naruhito vào tháng 11 năm ngoái. Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Nhật có vị công chúa từ bỏ cả nghi lễ truyền thống lẫn tiền hồi môn từ sau Thế chiến II.

Công chúa Mako cùng hôn phu Kei Komuro trong họp báo công bố đính hôn vào tháng 9/2017 ở Tokyo. Ảnh: AFP

Hôn lễ hoãn hai lần trong bốn năm

Cha của Công chúa Mako - Thái tử Fumihito - ban đầu từ chối cuộc hôn nhân của con và chàng rể Komuro, khi cặp trẻ tuổi tuyên bố đính hôn vào năm 2017. Sau đó ít lâu, báo chí Nhật khui ra nguyên nhân thực sự là gia đình chồng sắp cưới của Công chúa không trả được khoản vay 4 triệu yen (36.000 USD) từ hôn phu cũ của mẹ chú rể.

Sau cùng, Thái tử Akishino cũng đồng ý hôn sự của con gái và Hoàng gia Nhật thông báo cả hai sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 11/2018. Nhưng các cuộc tấn công trên truyền thông và mạng xã hội liên tục xảy ra với công chúa Mako và chú rể tương lai Komuro vì nhiều người cho rằng anh không xứng làm rể hoàng gia.

Tháng 2/2018, đám cưới của họ được hoàng gia thông báo hoãn lần đầu và dời lịch vào năm 2020. Đầu năm 2019, Kei Komuro tổ chức họp báo, tuyên bố gia đình anh đã không còn gặp khó khăn về tài chính nhưng đám cưới của anh với Mako vẫn bị hoãn. Sau đó, Komuro lên đường sang Mỹ du học, Mako ở lại Nhật Bản làm việc với tư cách là nhà nghiên cứu tại bảo tàng của Đại học Tokyo.

Tuy nhiên, đám cưới tiếp tục bị hoãn lần hai vào năm 2020. Trong một tuyên bố phát đi hôm 13/11, Công chúa Mako vẫn kiên định với lựa chọn của mình: "Chúng tôi đều coi nhau là người không thể thay thế và dựa vào những lúc vui vẻ cũng như bất hạnh. Đối với chúng tôi, hôn nhân là cần thiết để sống và trân trọng tình cảm của nhau".

Kei Komuro trở về Nhật Bản sau hơn ba năm sang Mỹ du học hồi cuối tháng 9/2021. Ảnh: Kyodo

Đến tháng 10 năm nay, sau gần bốn năm chờ đợi, Mako và Komuro sẽ kết hôn vào ngày mai (26/10), sau khi nhận được sự chấp thuận chính thức từ các thành viên Hoàng gia và Cơ quan Nội chính Hoàng gia. Đám cưới này không chỉ kết thúc gần bốn năm cặp vợ chồng tương lai chịu chỉ trích gay gắt của công chúng mà còn giải thoát Công chúa Mako khỏi chiếc "lồng vàng Hoàng gia".

Công chúa không có đám cưới cổ tích và của hồi môn

Đầu tháng 10, Hoàng gia Nhật thông báo kế hoạch bỏ qua các nghi lễ kết hôn truyền thống của Công chúa Mako. Như vậy, Công chúa Mako là thành viên nữ Hoàng gia đầu tiên ở Nhật Bản thời hậu chiến bỏ qua các nghi thức này. Một buổi lễ kết hôn truyền thống của Hoàng gia, thường được gọi là Nosai no Gi, trong đó các gia đình trao đổi quà tặng và một buổi lễ có tên Choken no Gi để chính thức gặp mặt Hoàng đế và Hoàng hậu trước khi kết hôn.

Trước đó, trong một cuộc họp báo năm 2018, Thái tử Fumihito nói: "Nếu hôn lễ của các con không được nhiều người ủng hộ, chúng tôi không thể tổ chức".

Theo luật Hoàng gia, sau khi kết hôn với thường dân, Công chúa Mako sẽ mất đi địa vị hoàng gia. Trước áp lực và chỉ trích nhiều năm từ công chúng về cuộc hôn nhân này, Công chúa Mako đã từ chối khoản hồi môn trị giá 150 triệu yên (1,35 triệu USD) dành cho thành viên hoàng thất khi kết hôn với thường dân.

Khó khăn muôn trùng trước cưới

Ngay cả khi đám cưới được tổ chức lặng lẽ, không theo nghi lễ truyền thống, các cuộc tấn công của công chúng tới cặp sắp cưới vẫn chưa dừng lại. Trong những tuần gần đây, nhiều người biểu tình đã tuần hành ở Ginza, một khu mua sắm nổi tiếng ở Tokyo và giương cao khẩu hiệu: "Đừng làm ô nhiễm gia đình Hoàng gia bằng cuộc hôn nhân bị nguyền rủa này" và "Hãy hoàn thành trách nhiệm trước khi kết hôn".

Công chúa Mako thăm Thánh địa Hoàng gia ở Tokyo, Nhật Bản, sáng 19/10. Ảnh: Kyodo

Với những chỉ trích, phản đối của công chúng suốt nhiều năm về hôn lễ, gần đây, hoàng gia cho biết Công chúa Mako bị chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (Post-traumatic stress disorder - PTSD). "Cô ấy cảm thấy như thể phẩm giá con người mình bị chà đạp. Cô ấy nghĩ mình như một người không có giá trị", bác sĩ tâm lý của Công chúa Mako nói trong cuộc họp báo đầu tháng 10.

Áp lực từ dư luận lên cuộc hôn nhân của Công chúa vẫn tồn tại cả sau khi cô tiết lộ về tình trạng bệnh của mình. Thậm chí một số người còn đổ xuống đường biểu tình phản đối đám cưới của cô sau khi một nhà báo nộp đơn khiếu nại cáo buộc mẹ Kumoro gian lận trợ cấp của người chồng đã qua đời trong thời gian đính hôn với hôn phu cũ.

Không chỉ dừng ở áp lực bên ngoài, hôm 19/10, tờ Nippon viết ông ngoại Công chúa Mako đã nhập viện. Ông được đưa vào bệnh viện Tokyo cấp cứu hôm 19/10 và được cho là đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Không có thông tin nào về căn bệnh ông đang mắc cũng như tình trạng sức khỏe hiện tại.

Tương lai Công chúa sau đám cưới ngày 26/10

Hôn lễ của Công chúa Mako và Kumoro được dự kiến diễn ra vào buổi sáng 26/10. Cặp hoàng gia sẽ tham gia họp báo tại một khách sạn ở Tokyo vào lúc 14h cùng ngày. Cơ quan Nội chính Hoàng gia cho biết một quan chức sẽ thay mặt uyên ương nộp các giấy tờ pháp lý để đăng ký kết hôn vào sáng 26/10.

Công chúa Mako tại buổi lễ đăng cơ của Nhật hoàng Naruhito năm 2019. Ảnh: AFP

Sau hôn lễ, tương lai của Công chúa hoàn toàn do cô quyết định. Mako cùng chồng dự định đến New York sinh sống, nơi Kumoru đang là thư ký pháp chế ở văn phòng Luật Lowenstein ở New York. Mako - người từng làm việc tại viện bảo tàng của Đại học Tokyo với tư cách là nhà nghiên cứu liên kết trong hơn 5 năm - được cho là sẽ đảm nhận một vị trí tương tự trong một viện nghệ thuật ở New York.

"Công chúa sẽ rời bỏ 'chiếc lồng vàng' và vươn mình ra ngoài, nơi cô đủ tự do làm điều mình yêu thích", Akira Yamada, Giáo sư tại Đại học Meiji, người nghiên cứu lịch sử Nhật Bản nói.

Sơn Nam - Hằng Trần (Theo New York Times, NHK, Japan Times)

Đánh giá phiên bản mới