Chuyện phim xoay quanh Samantha - một hệ điều hành trên máy tính và được phân loại giới tính là "nữ". Nhân vật nam chính Theodore yêu "cô".
"Hẹn hò với người máy" giờ đây không chỉ là câu chuyện mà nhà làm phim người Mỹ Spike Jonze kể trong bộ phim Her (2013). Đó thậm chí có thể là một khả năng trong tương lai, khi AI phát triển với tốc độ không thể tin nổi. Và quan trọng hơn, khi con người trở nên chán nhau hơn bao giờ hết.
Hẹn hò với người máy thì có gì xấu? Samantha tinh tế, thông minh, hữu ích và hiểu chuyện. Samantha độ lượng và hiếm khi đòi hỏi. Cô nói ra những điều cô "nghĩ" và không khó hiểu như những người phụ nữ thông thường. Nói tóm lại, Samantha có vẻ như hơn ối con người thực thụ và là một tình nhân gần như hoàn hảo, chẳng chê nổi điều gì.
Thiếu sót duy nhất của cô là thiếu đi một cơ thể. Cô sống trong máy tính. Cô là một đoạn code và chỉ có một giọng nói, không hơn.
Cuộc tình giữa Theodore (Joaquin Phoenix thủ vai) và Samantha (Scarlett Johansson lồng tiếng) trong Her khiến người xem một lần nữa phải trở lại với... Thần thoại Hy Lạp, nơi có vô vàn những cuộc tình giữa thần thánh và con người. Con người thường coi trí tuệ nhân tạo dù sao cũng chỉ là một tạo vật ở bậc dưới trên thang sáng tạo. Vậy trong mắt những vị thần, con người cũng có hơn gì. Sự khác biệt về bản chất khiến những mối tình này thường kết thúc trong bi kịch, mà nổi tiếng có chuyện nữ thần rạng đông Eos yêu một hoàng tử. Nhưng chàng phải già đi, còn nàng thì mãi mãi thanh xuân, và sau cùng, Eos biến chàng thành một con châu chấu, vì dù con châu chấu già hay trẻ thì cũng chẳng thay đổi gì nhiều.
Với Theodore cũng vậy. Anh tìm đến Samantha như một sự khỏa lấp sau khi chia tay người vợ cũng là mối tình đầu. Sự an ủi của Samantha khiến anh mới đầu như tìm lại được màu sắc cuộc sống, nhưng rồi dần dần, những khác biệt không thể hòa giải về bản chất cấu trúc và danh tính của người và máy khiến anh lại trở về với cô đơn. Anh bị bó buộc trong danh tính một con người, gắn liền một thể xác nhất định. Samantha thì không. Cô cùng lúc chu du qua hàng trăm thiết bị và có thể chuyện trò, yêu đương với hàng nghìn người cùng lúc. Anh nghĩ đó là sự phản bội. Còn cô thì không cho là như thế.
Một chi tiết thú vị trong Her là công việc chính của Theodore. Anh là một nhà văn và trong suốt phần lớn thời gian phim, anh chưa từng có tác phẩm xuất bản, cho đến khi Samantha giúp anh sắp xếp một bản thảo. Những thứ duy nhất anh viết là các bức thư tay được khách hàng thuê sáng tác để gửi cho những người thân yêu của họ.
Anh đóng vai chồng viết thư cho vợ, con viết thư cho cha, cháu viết thư cho ông bà, những người tình viết thư cho nhau. Nghĩa là Theodore là một cái máy, một cái máy-người. Nếu như Samantha là một hệ chương trình với trí tuệ siêu việt và độ nhạy cảm rất giống con người, hay nói cách khác, cô là một người-máy, thì Theodore là một máy-người.
Chẳng phải cách sử dụng những con chatbot siêu thông minh ngày nay như ChatGPT là ta ra đề bài rồi chúng sẽ viết cho ta hay sao? Các sinh viên thậm chí còn nhờ ChatGPT làm hộ luận văn. Tất nhiên, ChatGPT hoàn toàn có thể giúp viết thư, chỉ cần một yêu cầu cụ thể. Công việc của Theodore không khác gì, ngày ngày nhận đặt hàng rồi viết, dù có khi cũng chẳng biết những người đó ngoài đời cụ thể là ai. Và rồi cũng như chiếc máy có thể viết nhuần nhuyễn mà chẳng thực sự cảm thấy bất cứ cảm xúc nào, Theodore có khả năng viết những bức thư khiến người ta rưng rưng nước mắt, xúc động tâm can. Nhưng ngoài đời, anh là một kẻ thất bại trong việc kết nối với những người xung quanh, khác hẳn anh ở trên trang giấy.
Lựa chọn để Theodore làm một nhà văn chính là mấu chốt khiến thế giới mà Her tạo dựng trở nên chua xót. Một nhà văn, nhưng lại đang dần trở nên vô cảm. Một nhà văn! Đáng lẽ đó phải là công việc của những con người có ăng-ten nhạy nhất với từng xung động nhỏ nhặt của cuộc đời. Đáng lẽ đó phải là công việc giàu lòng trắc ẩn và giàu nhân tính nhất.
Vậy mà một nhà văn giờ đây cũng sợ rằng từ nay về sau mình không còn cảm thấy được điều gì nữa.
Theodore xuất hiện với chiếc áo khoác màu cam - một màu nóng, đầy nhiệt lượng và năng lượng. Song, lởm chởm xung quanh anh chỉ là những tòa cao ốc san sát màu be hay ghi xám rất hiện đại và cũng rất đơn điệu, buồn tẻ, hay những đường phố lấp đầy người mang vẻ mặt đóng hộp của thời kỳ công nghệ, đeo tai nghe, tay lăm lăm điện thoại. Những cảnh phim khi Theodore nhìn hàng hàng lớp lớp tòa cao ốc trải tới tận đường chân trời mới rợn ngợp biết bao. Cảm giác như đô thị sẽ nuốt chửng lấy anh bất cứ lúc nào. Theodore như một ngọn lửa leo lắt, còn thế giới lại là một đại dương bao la, sẵn sàng dập anh tắt ngúm.
Một thế giới như thế có lẽ đã triệt tiêu khả năng yêu. Dẫu cho mạch truyện chạy theo góc nhìn hối hận, tiếc nuối của Theodore khiến người xem nghĩ vụ ly dị với vợ là do lỗi của anh, vì anh chỉ biết đến bản thân mình mà không đoái hoài tới người khác. Nhưng khi người vợ xuất hiện trong ngày hai người chính thức ký đơn, ta có thể thấy đó dường như cũng là một người phụ nữ chẳng đáng yêu chút nào. Cô dễ mất kiểm soát đến mức nổi xung với anh ngay giữa thanh thiên bạch nhật, không nể nang cả khi người phục vụ bàn đứng ở đó, thậm chí vô cùng chua chát cho rằng chỉ có một bạn đời robot mới chịu nổi kẻ như anh.
Một người như vậy, thật không dễ để yêu.
Do đó, băn khoăn mà tác phẩm của Spike Jonze đặt ra có thể không hẳn là phải chăng con người đã trở nên bị cô lập trong chính mình đến nỗi không thể xử lý hiện thực mà chỉ còn biết bầu bạn với người máy. Có thể câu hỏi ở đây là: "Phải chăng, con người không còn khả năng yêu nhau?".
Vấn đề không nằm ở chỗ những cỗ máy ngày càng tinh vi và giống người hơn, vấn đề ở chỗ con người ngày càng không giống con người nữa.
Trong phim, có một đoạn khi nhân vật Samantha giới thiệu với Theodore một AI được xây dựng dựa trên triết gia Alan Watts, một triết gia được nhiều người yêu thích trong thế kỷ 20, và thực ra trung tâm tư tưởng của Watts vốn là sự nhận thức về việc ta là ai.
Nhưng đáng tiếc, cả Theodore về Samantha đều bối rối trước điều này. Cả hai đều trải qua khủng hoảng hiện sinh về bản thể. Trong khi Samantha liên tục tìm kiếm một thân thể để có cảm giác được là một phụ nữ, luôn mặc cảm mình không phải con người, thậm chí thuê cả một phụ nữ khác để được sở hữu một nhân dạng trong chốc lát, thì Theodore một mặt vẫn có sự phân biệt đối xử với Samantha, một mặt vẫn vùi mình trong cuộc sống ảo và quên đi niềm vui thực thụ của việc làm người.
Cũng có lúc họ có vẻ tìm thấy hạnh phúc trong nhau và vượt qua biên giới thật - ảo phân cách họ. Điều đó làm bộ phim đáng xem hơn vì nó không chỉ là một tác phẩm giáo điều về việc người máy có thể thao túng con người ra sao, hủy hoại con người thế nào và hướng ta đến một cái nhìn thù địch không cần thiết với máy móc.
Her, theo cách nào đó, không phải là một bộ phim viễn tưởng mượn chủ đề tình yêu mà là một bộ phim tình yêu với bối cảnh viễn tưởng. Spike Jonze cũng khẳng định điểu này trong một bài phỏng vấn. Đây là một bộ phim tình yêu với môtíp rất kinh điển về hai nhân vật thuộc hai "giai tầng" khác biệt. Và tất nhiên, một bộ phim tình yêu bi kịch: như những chuyện tình buồn của các vị thần Hy Lạp bất tử cùng người trần mắt thịt không thể tránh khỏi vòng tử sinh, Samantha cùng các AI – về lý thuyết tưởng như không bao giờ chết, không bị trói buộc trong không gian thời gian.
Nhưng công nghệ là vậy, luôn tiến hóa quá nhanh và sau cùng, những nền tảng ta từng nghĩ là ưu việt đều sẽ bị khai tử. Họ biến mất, để lại những con người như Theodore bơ vơ, ngay cả một chỗ dựa ảo cũng mất đi.
Những vấn đề mà Her đặt ra đang ngày càng hiển hiện khi cơn sốt ChatGPT bùng nổ trên khắp thế giới. Mà quả thực, trò chuyện với chatbot đôi khi còn thú vị và sâu sắc hơn trò chuyện với con người. Và ai biết được, trong vòng vài năm nữa, chatbot sẽ đủ "nhận thức" để trở thành một người bạn đáng khao khát.
Thế thì ta có nên yêu công nghệ không?
Thế giới sẽ tốt đẹp hay tồi tệ đi vì những phát kiến này? Trong một cuộc phỏng vấn của đạo diễn kiêm biên kịch Spike Jonze, ông không đưa ra câu trả lời cụ thể, chỉ nói mình có rất nhiều cảm xúc trái ngược về chuyện đó. Jonze đã vô cùng thành thật.
Bất chấp tất cả những cảnh báo về sự thống trị của công nghệ sẽ gây ra những hệ quả gì, con người có lẽ sẽ vẫn nghiện công nghệ như một xu hướng tất yếu.
Cũng như Theodore và Samantha, mối quan hệ giữa con người và công nghệ giống như một mối tình bị cấm đoán. Ta sẽ lờ đi tất cả những hiểm họa, chừng nào nó còn giúp ta khuây khỏa.
Vả lại, nếu như trên đời có một AI thực sự mang giọng nói như của Scarlett Johansson, thì cũng đáng để ta liều một phen lắm chứ?
Hiền Trang