Xem - Thứ sáu, 21/4/2023, 00:00 (GMT+7)

'Đường về nhà' - tìm lại mối tình thanh xuân

Đẹp đẽ về thị giác và xúc cảm, phim 'Đường về nhà' của đạo diễn Trương Nghệ Mưu đưa khán giả bước vào mối tình tinh khôi, đơn giản nhưng mang nhiều chiều ngụ ý trong lối biểu đạt.

Câu chuyện mở đầu khi Ngọc Sinh vội vã từ thành phố về quê chịu tang cha. Mất cha đột ngột khiến anh bàng hoàng, nhưng anh càng đau lòng hơn khi chứng kiến người mẹ vụn vỡ tâm can. Hình ảnh mẹ tuổi già sức yếu vẫn miệt mài dệt tấm vải dùng cho lễ tang của cha khiến người con trai bồi hồi nhớ lại mối tình một thời nổi danh khắp vùng của hai bậc sinh thành.

Tựa đề gốc Cha tôi và mẹ tôi được đặt một cách mộc mạc và vừa vặn với câu chuyện phim. Đúng như tên gọi ấy, câu chuyện của bà Chiêu Đệ và ông Lạc Trường Dư được tái hiện theo dòng thời gian, qua giọng kể của nhân vật "tôi" - Ngọc Sinh. Cách kể chuyện ấy biến tác phẩm tựa như cuốn album gia đình, nơi lưu giữ câu chuyện của hai nhân vật chính, từ thuở yêu nhau đến khi nên duyên vợ chồng, sinh con đẻ cái, nuôi con phương trưởng và chia lìa âm - dương.

So với tên gốc, tên tiếng Anh The Road Home - Đường về nhà càng hàm chứa nhiều ẩn ý sâu xa. Con đường là hình ảnh trải dài xuyên suốt phim, là bối cảnh chính kết nối hai nhân vật, cũng được xem như chứng nhân cho mối tình đầu trong trẻo cô thôn nữ trao gửi anh thầy giáo từ phố về làng.

Ấy là nơi hai nhân vật chính chạm mặt lần đầu, đi lướt qua nhau; là nơi ghi dấu những lần nữ chính chờ đợi hay đuổi theo người trong mộng; cũng là chặng đường cuối cùng người mẹ đi cùng người cha trong đám tang của ông.

Con đường trong bộ phim bao phủ màu trắng của tuyết, hoang hoải rét mướt ở những phân cảnh nam chính rời xa nữ chính. Nhưng cũng vẫn là những con đường ấy lại trở nên rực rỡ, tràn đầy sức sống với cánh đồng ươm nắng, cây cối trổ hoa và bạt ngàn cánh rừng vàng ruộm khi hai nhân vật gần kề bên nhau.

Màu phim theo đó cũng mang sự khác biệt ở hai giai đoạn: Đen trắng ở hiện tại, khi thế giới của bà Chiêu Đệ đã vắng bóng tình yêu duy nhất đời bà và phong phú sắc màu ở quá khứ, khi cuộc đời bà tràn ngập sắc xuân vì những rung động yêu đương.

Trong những khung hình toàn rộng hay viễn cảnh miêu tả con đường thôn quê, đạo diễn Trương Nghệ Mưu dùng hai tone màu đối lập như vậy để khắc hoạ sự chuyển biến của thiên nhiên đất trời. Nhưng sâu xa hơn và cũng là chủ đích là để thể hiện tâm trạng thăng - trầm của nhân vật nữ, khi đối mặt hay xa cách người cô yêu thương.

Trong phim, con đường còn mang hàm ý là đường về nhà. Đúng như lời thoại của nhân vật người mẹ ở đầu và cuối phim, bà muốn thực hiện nghi thức khiêng thi thể chồng ngang qua nhà, với mong muốn dù bước sang thế giới bên kia, ông cũng không quên con đường trở về mái ấm. Còn bản thân bộ phim giống như hành trình để người con trai tìm về thanh xuân và tình yêu của bố mẹ. Như vậy, con đường trong phim còn là sợi dây kết nối tình thân, ngụ ý cho sự truyền thừa thế hệ trong gia đình.

Chương Tử Di hóa thân cô thôn nữ xốc vác nhưng vẫn đầy nữ tính ở tuổi 19. Ảnh: Baidu

Đường về nhà mang cốt truyện rất đơn giản. Và ngay từ đầu, người xem đã biết hai nhân vật chính có được kết thúc viên mãn nên vợ nên chồng. Cái làm người ta tò mò là làm sao đôi trẻ xuất thân khác biệt - người thành thị, kẻ nông thôn, người làm thầy giáo, kẻ một chữ bẻ đôi không biết - vượt qua trở ngại của xã hội thập niên 1950 để đến với nhau.

Ở bề nổi, phim được kể theo ký ức nhân vật "tôi" nhưng thực tế, câu chuyện được dẫn lối bởi sự biến thiên cảm xúc của nữ chính - người thiếu nữ tuổi 18 lần đầu biết yêu. Cả phim, hai nhân vật chỉ đối thoại vài lời ngắn ngủi. Thầy giáo lên hình cũng không nhiều, chủ yếu qua góc nhìn chủ quan của nữ chính.

Đối lại, chân dung Chiêu Đệ chiếm phần lớn thời lượng của tác phẩm với mối tình si khởi nguồn từ niềm ngưỡng mộ. Đạo diễn và quay phim dành nhiều khung hình để đặc tả ánh mắt rung động ngay phút đầu gặp mặt, điệu cười thẹn thùng khi hai người đi lướt qua nhau giữa đường làng, vẻ mặt sầu não khi người cô ngóng đợi đi mãi chẳng thấy quay về.

Ngọc Sinh từng nói cha mẹ anh là cặp vợ chồng đầu tiên ở vùng sơn thôn này yêu đương và cưới hỏi tự do, tự nguyện, thoát khỏi tập tục "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy" ngự trị bao đời. Điều đặc biệt hơn thế là sự chủ động trong mối tình này luôn đến từ đằng gái.

Chân dung thầy giáo chủ yếu hiện lên qua góc nhìn, nỗi nhớ của nữ chính. Ảnh: Baidu

Phải lòng thầy giáo trước, Chiêu Đệ cố tình gánh nước xa hơn để mỗi ngày được ngang qua trường học, nghe tiếng anh giảng bài. Đã bao lần, cô cố ý đợi anh giữa đường làng, trên bãi cỏ; giả bộ tình cờ gặp anh. Ngày thầy giáo rời làng về phố, cô níu kéo, đuổi theo, rồi đợi chờ từ lúc đất trời đương thu vàng bước sang đông xám, rồi cựa mình ngả vào xuân.

Các cảnh phim Chiêu Đệ chạy giữa đồng cỏ, hướng về nơi có ý trung nhân thường kéo dài. Cách dựng phim này lột tả sự quyết liệt và miệt mài của cô thôn nữ. Dù cách trở bao xa, dù đợi chờ bao lâu, cô cũng sẵn lòng chạy về phía người mình thương.

Tới khi về già, cá tính của bà Chiêu Đệ chẳng hề thay đổi. Dáng hình gầy gò hơn, gương mặt vằn vện dấu vết của thời gian nhưng vẻ xốc vác, nhanh nhẹn và quyết liệt ở người thôn nữ năm nào vẫn hiện hữu. Từng tự tay chăm chút mỗi bữa ăn, giấc ngủ của chồng, đến nay bà vẫn muốn tự tay chăm lo từng thứ trong đám tang của ông, lựa chọn an táng theo kiểu truyền thống và đi bộ sát bên linh cữu dưới làn mưa tuyết khắc nghiệt. Dù ngày trẻ dại hay khi đã ở bên kia dốc cuộc đời, người đàn bà ấy cũng giữ thế chủ động trong chuyện tình và cuộc hôn nhân của mình.

Hai sắc đỏ - vàng làm nên những khung hình đầy mỹ cảm. Ảnh: Baidu

Trên nền câu chuyện đậm màu nữ tính như vậy, đạo diễn Trương Nghệ Mưu tạo nhiều điểm nhấn thị giác với sắc đỏ. Chiếc áo chần bông rực rỡ Chiêu Đệ mặc trong ngày thầy giáo về làng, tấm khăn cô dệt để treo trên trần nhà lớp học, chiếc khăn len cô hay choàng, cái kẹp tóc thầy giáo tặng cô làm kỷ vật trước lúc chia tay đều mang màu đỏ tươi. Ấy là sắc màu đại diện cho tuổi trẻ, nhiệt huyết và lửa tình.

Song hành cùng sắc đỏ là gam màu vàng của rừng cây, cánh đồng, ánh nắng và những tấm giấy dán cửa sổ. Hai tone màu nóng này vốn là chất liệu quen thuộc trong phim của Trương Nghệ Mưu thời kỳ đầu. Chúng làm nên những khung hình quyến rũ về thị giác, sưởi ấm cho con người giữa cái lạnh tê tái vùng rừng núi và cũng nhen lên nghĩ suy tích cực về một chuyện tình vướng những chông gai của thời đại.

Như nhiều phim khác của đạo diễn họ Trương, Đường về nhà được chăm chút rất chỉn chu về tạo hình nhân vật. Trong bối cảnh vùng rừng núi phía Bắc Trung Quốc rét cắt da cắt thịt, các nhân vật hiện hiện với những chiếc áo chần bông thêu hoa, những chiếc quần bông dày, nam đội mũ bông còn nữ chít khăn len. Ngay cả vẻ mặt khắc khổ, cặp mắt một mí, giọng nói dày tiếng địa phương cũng được khéo léo đưa lên màn ảnh, mang đến cảm giác khả tín, dung dị nhưng tuyệt đẹp.

Yếu tố bản địa được làm đầy bằng các chi tiết đậm bản sắc văn hóa truyền thống như tục khiêng người chết về qua nhà trước khi chôn, quan niệm vợ chồng an táng cạnh nhau khi qua đời, thói quen một nhà có việc, cả làng xúm vào mỗi người một chân một tay, hình ảnh lớp học đổ nát và bữa cơm sum họp...

Năm ấy 19 tuổi, Chương Tử Di còn là cái tên mới trong làng điện ảnh, mang nét chân quê đúng chất nhân vật. Diễn xuất của cô chưa thật nổi bật nhưng cơ bản khắc họa được vẻ tháo vát của thiếu nữ miền núi cùng những xúc cảm tinh khôi yêu lần đầu.

Tối giản về nội dung nhưng dụng công trong mỹ thuật, Đường về nhà trở thành dấu ấn trong sự nghiệp của đạo diễn lẫn nữ chính. Tại Liên hoan phim Berlin năm 2000, phim giành giải Gấu Bạc.

Ở Giải thưởng điện ảnh Kim Kê của Trung Quốc cùng năm, phim thắng các giải "Phim xuất sắc", "Đạo diễn xuất sắc", "Quay phim xuất sắc", "Thiết kế mỹ thuật xuất sắc". Còn tại Giải thưởng Bách Hoa, phim mang về cúp "Phim xuất sắc" và "Nữ diễn viên chính xuất sắc".

Trích đoạn phim 'Đường về nhà'
 
 
Trích đoạn phim 'Đường về nhà'

Chuyên mục 'Mỗi tuần một phim hay' cập nhật bài viết tại mục Phim trên Ngôi Sao lúc 0h thứ 6 hàng tuần. Mỗi bài viết giới thiệu một phim nổi tiếng của Việt Nam hoặc quốc tế với chủ đề đồng nhất trong tháng. Tháng 4 dành cho những cuốn phim thanh xuân.

Phong Kiều

Đánh giá phiên bản mới