Showbiz - Thứ sáu, 1/4/2022, 01:10 (GMT+7)

Đôi mắt Trương Quốc Vinh: Giấc mộng phù hoa về quá khứ

Thuở sinh thời, vẻ đẹp của Trương Quốc Vinh từng được giới giải trí Hong Kong truyền tụng là ‘phong lưu vô giới, chước chước kỳ hoa’.

Trong phim Bá Vương Biệt Cơ, có cảnh khi một chiếc xe kéo đi trong cơn mưa mịt mùng thì bị quân đội Nhật Bản chặn đầu, tấm rèm được yêu cầu vén lên. Lấp ló dưới bóng tối mờ xanh thẫm, hiện ra trong xe là Trình Điệp Y với gương mặt vẫn còn lớp hóa trang Kinh Kịch, vết son nhòe ra và đôi mắt long lanh tuyệt vọng.

Người xem sẽ khó nhận ra đó là cùng một người khi xem Tung Hoành Tứ Hải, phân cảnh khi anh chàng A Chiêm đi dạo giữa Paris, đứng hút thuốc làm mẫu cho một họa sĩ đường phố già, ánh sáng từ mắt chàng tỏa rạng ngời như thể sẵn sàng sưởi ấm bất cứ ai bước qua đời chàng lúc đó.

Nhưng đúng, đó đều là Trương Quốc Vinh và đôi mắt của anh.

Giới giải trí Hong Kong truyền tụng về vẻ đẹp của Trương Quốc Vinh là "Phong lưu vô giới, chước chước kỳ hoa", giải thích ra nghĩa là: "Anh đẹp, đôi mắt và cặp chân mày anh tươi đẹp quyến rũ vượt thời gian. Ba phần sâu thẳm thế tình, ba phần tươi vui bỡn cợt, ba phần kiêu ngạo lẩn tránh thấm lan ra ngoài, nửa điểm vũ mị khả ái, nửa điểm chẳng gò bó, tự do như một áng sương mù mát mẻ vào một đêm thu hay như một cơn gió nhẹ trôi nổi trên một dòng suối, khiến người đời hoảng hốt đê mê trước khí sắc mộng mơ thiên phú".

Nhưng ngay cả một diễn giải cầu kỳ như vậy dường như cũng là không đủ để giải thích vì sao, sau bấy nhiêu năm, khán giả vẫn mê muội Trương Quốc Vinh như thể anh vẫn còn ở đây.

Không phải hâm mộ hay mến mộ, "mê muội" có lẽ là từ đúng đắn nhất để nói về tình cảm của người hâm mộ với anh. Nếu như Lương Triều Vỹ không chủ ý quyến rũ người xem mà họ yêu đôi mắt Lương khi nó chìm đắm trong nỗi sầu khổ của chính nó. Với Trương Quốc Vinh, anh luôn có ý thức mình đang bỡn cợt và bỏ bùa kẻ khác.

Không bao giờ anh thất bại với bùa mê ánh mắt của mình, dù trong vai bóng ma nhà hát bị hủy hoại bởi tình yêu hay trong vai một anh chàng teddy ngả ngớn, hay vai một công tử say sưa với đèn bàn thuốc phiện, rồi vai một kiếm khách chua chát cay độc.

Từ một tay trộm tranh hào hoa phong nhã đến một nghệ sĩ Kinh Kịch lẫn lộn giữa mộng và đời, rồi nhà sản xuất âm nhạc ngỡ mình đồng tính hay tay chơi đồng tính thứ thiệt hư hỏng, phóng đãng, khinh nhờn, dễ tổn thương. Đôi mắt anh tựa như thứ hương dược trong một vở kịch của Shakespeare, chỉ cần nhỏ vào ai là kẻ đó sẽ yêu ngay lập tức.

Khi Vương Gia Vệ mời Trương Quốc Vinh cho vai Húc Tử trong A Phi chính truyện, hẳn ông đã biết ngoài anh, không ai có đủ sự khả tín để khiến một người phụ nữ không quen ngã lòng trước mình chỉ bằng cách anh nhìn cô trong một phút.

"Hôm nay là 16/4/1960, một phút trước 3 giờ, em đứng bên cạnh anh, vì em anh sẽ nhớ mãi một phút này, chúng ta đã là bạn trong một phút".

Khi Trương Quốc Vinh nói câu thoại kinh điển ấy, máy quay hướng cận vào đôi mắt anh đang ở sát gần Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc). Đôi mắt dường như trong suốt nhưng lại là sự trong suốt không thể nào dò dẫm hay xuyên thấu, một đôi mắt đòi hòi yêu và được yêu. Trương Mạn Ngọc về sau bảo rằng cô không thấy ai đẹp như anh.

Cái chết đưa Trương Quốc Vinh thành một huyền thoại. Vị thế huyền thoại đem tới cho di sản của anh nhiều điều nhưng cũng lấy đi của anh nhiều thứ. Nó khiến anh bất tử, nhưng mặt khác, lại đóng khung anh trong những ấn tượng kinh điển sáng chói mà bỏ qua những khoảnh khắc đẹp nhưng nhỏ bé hơn.

Người ta nói rất nhiều về Bá Vương Biệt Cơ, A Phi chính truyện, Xuân quang xạ tiết, Đông Tà Tây Độc, Yên chi khâu... nhưng có những vai diễn độc đáo của anh đã bị lãng quên. Thật ra, bộ phim quan trọng đầu tiên trong đời Trương không phải là Anh hùng bản sắc (bộ phim đưa tên tuổi anh tới mọi nhà) hay Yên chi khâu (bộ phim đưa anh chạm ngõ nghệ thuật diễn xuất đỉnh cao), mà là một tác phẩm ngày nay khán giả ít ai nhắc tới - Liệt hỏa thanh xuân, dẫu cho nó được coi là một đại diện tiêu biểu của Làn Sóng Mới Hong Kong.

Bộ phim mang hơi hướng rong chơi lười nhác này đôi khi khiến ta nghĩ đến không khí nhàn tản trong điện ảnh của Éric Rohmer. Và còn ai hợp hơn Trương Quốc Vinh khi vào vai một cậu ấm giàu có thích tắm nắng, mộng mơ, nhưng vẫn còn vương vấn nỗi nhớ người mẹ đã khuất, rồi bất thần rơi vào một cuộc đối đầu với đám sát thủ.

Trong phim, có một cảnh khi Louis, nhân vật của anh ngả đầu vào ngực bạn gái, nằm trong vòng tay cô và kể lại ký ức về mẹ. Người bạn gái hỏi anh còn nhớ mẹ không, anh không nói gì, chỉ ghé lên nhẹ hôn cô. Dù không nhiều người nhớ tới, nó chắc chắn là một trong những cảnh quay đẹp nhất về tâm hồn anh: Trương Quốc Vinh nằm nghiêng, và ở tư thế này, ánh mắt cùng bờ môi cong hờn dỗi của anh càng được đặc tả rõ ràng. Năm đó anh mới 25 tuổi, nhưng nỗi sầu muộn ngây thơ đã hiển hiện, nỗi sầu muộn của một đứa trẻ lạc mẹ.

Đây là tiền đề cho những vai diễn lớn nhất của anh sau này. Trình Điệp Y trong Bá Vương Biệt Cơ là một đứa trẻ bị mẹ chặt đi ngón tay thừa và bán cho một gánh hát Kinh Kịch. Húc Tử trong A Phi chính truyện cũng bị người mẹ bỏ lại, sau đó anh đi tìm mẹ ở Philippines, bà không chịu gặp anh và vì biết bà đang đứng từ xa để nhìn thấy mặt mình, anh cố tình quay đi để bà không bao giờ được thấy. Tuy khán giả không biết Hà Bảo Vinh trong Xuân quang xạ tiết có lạc mẹ hay không, sự chăm sóc của Lê Diệu Huy dành cho Bảo Vinh rõ ràng không chỉ là sự chăm sóc của một người tình, mà còn tận tình và chiều chuộng như của một người mẹ với đứa con mới lớn. Nhưng cuối cùng Bảo Vinh cũng mãi mãi mất Diệu Huy.

Trong đời thực, Trương Quốc Vinh dù yêu mẹ thật nhiều, tuổi thơ của anh không có nhiều bóng hình của mẹ. Bà không sống cùng các con và chỉ tới thăm vào những tối thứ Bảy. Bà ra khỏi nhà vì không thể chịu nổi thói trăng hoa của cha anh. Không có sự bảo vệ của mẹ, Trương Quốc Vinh thuở bé từng bị một trong những tình nhân của cha đổ cả nước tiểu lên đầu.

Nỗi buồn của một đứa trẻ bị bỏ rơi ấy làm nên đôi mắt của Trương Quốc Vinh.

Mất mẹ là sự mất kết nối cơ bản nhất và vì vậy, anh trở thành con người bơ vơ và cô đơn nhất. Ngay cả khi hát Ánh trăng nói hộ lòng tôi cho người mẹ và người tình tri kỷ dưới sân khấu, nghĩa là khi đang được tận hưởng vòng tay tình yêu trọn vẹn nhất, đôi mắt Trương Quốc Vinh vẫn thăm thẳm buồn. Có lẽ chính nỗi buồn không thể buông lơi ấy khiến cho phiên bản bài hát của anh dịu dàng hơn cả của Đặng Lệ Quân.

Trương Quốc Vinh hát 'Ánh trăng nói hộ lòng tôi'
 
 
Trương Quốc Vinh hát 'Ánh trăng nói hộ lòng tôi'

Mặc dù vậy, Trương Quốc Vinh hiếm khi thể hiện nỗi đau. Lương Triều Vỹ đau khổ, nhưng Trương Quốc Vinh chỉ buồn. Dù trong những đỉnh cao xúc cảm như khi Trình Điệp Y đốt bỏ những bộ đồ Kinh Kịch hay khi công tử Trần Chấn Bang cùng tự vẫn với nàng ca kỹ Như Hoa, đôi mắt Trương Quốc Vinh cũng không toát lên sự đau đớn mà chỉ là buồn bã, không phải là sự dằn vặt, giằng xé, đơn giản chỉ là buồn. Anh dường như cũng không vì một sự kiện cụ thể nào, mà buồn bã vì bản chất của cuộc sống, vì cuộc đời đã luôn như vậy.

Anh là chàng hoàng tử bé lang thang trên những tinh cầu và sẽ không bao giờ thôi buồn, kể cả khi đã trở về với bông hoa hồng của riêng mình.

Ngày 13/7/2000, Trương Quốc Vinh mở đầu Passion Tour, tour diễn âm nhạc cuối cùng trong sự nghiệp. Đó là một tour diễn gây sốc: Trương Quốc Vinh để tóc dài và nuôi râu, mặc váy và jumpsuit – toàn bộ những thiết kế đều do nhà thiết kế Jean-Paul Gautier dành cho riêng anh. Anh đóng vai thiên thần rồi lại đóng ác quỷ.

Nhưng trong buổi diễn cuối cùng ở Hong Kong và khi hát ca khúc kết màn, vứt bỏ vẻ trêu ngươi ngạo nghễ, anh cảm ơn khán giả rồi cất tiếng hát ca khúc Đồng hành cùng nhau. Bài hát có những câu thế này: "Nếu anh có thể sống thêm một lần nữa, anh vẫn mong lại được trùng phùng với em trên đường đời... Dù anh có sống thêm một hay ngàn lần nữa, anh đều mong trước mặt anh vẫn là em...".

Hơn một năm sau, anh mắc chứng trầm cảm, ngày càng ít xuất hiện hơn, chỉ đóng vài phim để ủng hộ các đồng nghiệp trẻ. Chiều tối 1/4/2003, anh chọn cách khốc liệt nhất để rời khỏi thế giới.

Giờ đây, khi xem lại màn trình diễn hôm ấy, những ca từ như "Tạm biệt em ngày hôm nay, nhưng mong ngọn lửa tình yêu của anh luôn sống trong tim em, dù chia tay ta vẫn như đồng hành cùng nhau", chúng vang vọng như lời xin lỗi, lời cảm ơn, lời chia tay một lần cho mãi mãi của anh. Khi hát những câu đó, đôi mắt Trương Quốc Vinh ngấn nước. Bài hát kết thúc cũng là lúc giọt lệ của anh rớt xuống. Vẫn là đôi mắt buồn trong suốt khi nhìn nàng Tô Lệ Trân, khiến nàng yêu anh chỉ trong một phút.

Cũng như trong điện ảnh, trong âm nhạc, Trương Quốc Vinh có thể theo đuổi bất kỳ hình tượng nào. Anh có thể làm dáng trên đôi giày cao gót đỏ và nhõng nhẽo với những vũ công nam khi hát Hồng, có thể mặc comple lịch lãm hát những bản tình ca như Truy hay Đương niên tình theo phong cách một quý ông, cũng có thể tung tẩy hát American Pie trong chiếc áo trong suốt phối cùng váy xòe, lại có thể uể oải say sưa trầm khàn hát một bản standard jazz về những chàng gigolo đã rệu rã với những nụ hôn cho mượn như Boulevard of Broken Dreams.

Trần Khải Ca, đạo diễn của Bá Vương Biệt Cơ, gọi đôi mắt của Trương Quốc Vinh là "đôi mắt chúng ta chỉ có thể nhìn thấy trong những giấc mộng phù hoa về quá khứ".

Nhưng thật ra, Trần Khải Ca nhìn Trương Quốc Vinh chỉ như Trình Điệp Y mà thôi. Chính Khải Ca kể rằng có một đêm nọ, ông nằm mơ thấy Trương Quốc Vinh trong bộ áo xanh của Điệp Y đến từ tạ ông, kể từ đó ông coi Điệp Y và Quốc Vinh là một. Song không phải ai cũng nhớ Trương Quốc Vinh vì nét buồn "khi tình yêu đã thành dĩ vãng" theo kiểu Khải Ca. Phần lớn bè bạn hồi tưởng về anh vì sự dễ thương như một đứa trẻ.

Trương Quốc Vinh trên bàn mạt chược với "cao thủ" Lưu Gia Linh hẳn là một Trương Quốc Vinh rất khác khi làm Trình Điệp Y. Thậm chí, có lẽ vai diễn gần gũi nhất với con người thực thụ của anh chẳng phải những vai kinh điển như Điệp Y hay Húc Tử, mà chính là A Chiêm trong Tung Hoành Tứ Hải. Hình ảnh anh ung dung dạo bước, khiêu vũ và liếc mắt đưa tình cùng Chung Sở Hồng, cười hớn hở với Châu Nhuận Phát hay lái chiếc xe mui trần đi dọc bờ biển mới thực sự lột tả hết tâm hồn thơ dại phong lưu, cần được vỗ về và ngây thơ sẵn sàng cho mọi hạnh phúc nơi anh.

Câu thoại một phút mà Húc Tử nói với Tô Lệ Trân đầy đủ là: "Hôm nay là 16/4/1960, một phút trước 3 giờ, em đứng bên cạnh anh. Vì em, anh sẽ nhớ mãi một phút này, chúng ta đã là bạn trong một phút. Điều đó là không thể thay đổi. Nhưng nó đã là quá khứ, ngày mai anh sẽ trở lại".

Trương Quốc Vinh nhảy trong phim 'A Phi chính truyện'
 
 
Trương Quốc Vinh nhảy trong một cảnh phim 'A Phi chính truyện'

Trương Quốc Vinh hầu như luôn là người chia tay trước, nhưng cũng chính anh là người hứa hẹn về sự trở lại. Trong Xuân quang xạ tiết, biết Hà Bảo Vinh tuy bỏ đi nhưng sẽ luôn trở lại và xin "làm lại từ đầu nhé" nên Lê Diệu Huy hết lần này đến lần khác nhẫn nhịn đợi anh tàn những cuộc vui. Ở Bá vương biệt cơ, Điệp Y đã đốt bỏ y phục Kinh Kịch nhưng rồi chàng cũng trở lại đấy chứ, trở lại một lần cuối để rút đao tự tận như Ngu Cơ trên sân khấu. Húc Tử hứa quay trở lại, anh đúng là đã quay trở lại, đến một ngày anh không quay lại nữa.

Bài Đồng hành cùng nhau mà Trương Quốc Vinh hát chia tay khán giả năm 2000 thực chất đã hát năm 1989, cũng trong một nhạc hội chia tay. Khi ấy, anh định giải nghệ để sang Canada sinh sống. Bài hát là lời chào khép lại sự nghiệp của anh. Thế mà, chỉ chưa đầy hai năm sau, nhớ nghề, nhớ khán giả, anh quay trở lại, bắt đầu sự nghiệp lẫy lừng hơn xưa. Bởi vậy nên những người có mặt tại Hồng Quán xem Passion Tour năm 2000 hẳn đã nghĩ rằng lời chia tay này chỉ là tạm thời, anh vẫn sẽ trở lại trên sân khấu một ngày nào đó.

'Đồng hành cùng nhau' - Trương Quốc Vinh
 
 
'Đồng hành cùng nhau' - Trương Quốc Vinh

Nhưng sau ngày 1/4/2003, anh không trở lại.

Dù điểm nhìn của Trần Khải Ca chỉ giới hạn trong một vai diễn, ông vẫn đúng.

Bất kể khi anh ảo não hay rạng ngời, điều đó cũng không còn lặp lại. Chẳng lẽ còn có thể bắt gặp một đôi mắt nào rạng ngời hơn đôi mắt Trương Quốc Vinh trong Đông thành tây tựu, khi anh nhận nhầm Lương Gia Huy thành Lâm Thanh Hà và liền xuất khẩu thành thơ, hát khen "nàng" đẹp và nói yêu nàng?

Chẳng lẽ có thể bắt gặp một đôi mắt nào ảo não hơn đôi mắt Trương Quốc Vinh khi vào vai người kiếm khách uống mãi vò rượu lãng quên mà không sao quên, dẫu chỉ là một thoáng?

Trương Quốc Vinh đến từ "giấc mộng phù hoa về quá khứ" không phải bởi anh gánh trên mình bi kịch luôn ôm mộng tưởng nhìn về quá khứ như Điệp Y, mà bởi anh chính là một mộng tưởng quá khứ.

Một trong những cảnh phim đẹp nhất của Trương Quốc Vinh thực tế lại không có đôi mắt của anh: chỉ là Húc Tử đi về phía khu rừng, bỏ lại đằng sau người mẹ trong tòa biệt thự xa hoa đã từ chối gặp mặt anh, trong phim A Phi chính truyện của đạo diễn Vương Gia Vệ.

Toàn bộ cảnh phim chỉ có tấm lưng và đôi chân anh bước thật mau, như thể muốn chạy trốn tất cả, nhưng cũng không đủ mau như cố tình dày vò ánh mắt người đàn bà đang dõi theo anh từ khung cửa hẹp. Tấm lưng anh lúc đó như một bản giao hưởng với đủ bốn chương và đi từ sắc thái này tới sắc thái khác. Gương mặt, đôi mắt anh không xuất hiện, nhưng khán giả nhất định sẽ tưởng tượng ra đôi mắt anh khi ấy, thầm đoán chúng đang long lanh nhưng không khóc.

Tất nhiên, người xem không bao giờ biết chắc có thật là vậy không. Nhưng điều đẹp nhất của một quá khứ đã qua là ở chỗ ta không còn được nhìn nó rõ ràng, đôi khi không rõ nó có thật hay chỉ là hư ảo. Vì thế, từ một cảnh phim không có đôi mắt của Trương Quốc Vinh, người xem vẫn có thể nói đó là cảnh phim đẹp nhất về đôi mắt anh. Ở cảnh phim ấy, đôi mắt kia đã hiện lên trong trí tưởng tượng, trong "giấc mộng phù hoa về quá khứ".

Cảnh phim 'A Phi chính truyện'
 
 
Cảnh phim 'A Phi chính truyện' của đạo diễn Vương Gia Vệ

Trong tang lễ của Trương Quốc Vinh 19 năm trước, gia đình đã chiếu một đoạn phim về những năm tháng của anh, đoạn kết chính là cảnh bước đi khỏi màn hình của Húc Tử trong A Phi chính truyện. Anh có lẽ đã biệt từ theo cách đó, theo cách một bộ phim điện ảnh tuyệt đẹp, theo cách chạy ra xa lẩn tránh chiếc camera. Anh đã hẹn vài người trong ngày định mệnh đó, trong đó có người thương yêu nhất của anh.

Nhưng anh đã cố tình lỡ hẹn, hệt như khi Húc Tử đi trong tiếng guitar hawaii với những nốt buồn. Thước phim rung lắc trên vai anh, rồi dần kéo dài như bất tận. Anh cứ bước đi xa mãi khỏi ống kính, khỏi tầm mắt, không một lần ngoái đầu. Màu xanh của khu rừng kéo anh đi khỏi thế giới. Cảnh phim dừng lại tại đây nhưng người xem đều hiểu rằng anh sẽ mất hút vào đó.

Đến cuối đường, có lẽ đôi mắt anh đã nhìn thấy một điều gì đó khác với chúng ta.

Hiền Trang

Đánh giá phiên bản mới