Đóng phim từ đầu thập niên 1980, Lương Triều Vỹ đã diễn đủ loại vai, khi là chàng cảnh sát thất tình, lúc là tay mật thám cáo già, người đàn ông trung niên u uẩn, nhiếp ảnh gia trẻ tuổi mẫn cảm hay nhà thơ xã hội đen, thậm chí cả kiếm khách mù. Mỗi khi máy quay chiếu đến, dù đang ăn cá sardine, đang ngồi bên bàn giấy hút thuốc, đang múa kiếm lả lướt hay đang làm tình điên cuồng, người xem luôn bất giác kéo cái nhìn của mình về phía đôi mắt quen thuộc của Lương Triều Vỹ, như chính nó là một bộ phim nhỏ lồng trong bộ phim lớn, như thể nó kể một truyện lồng trong truyện.
Liên tục như vậy suốt hàng chục bộ phim, nhiều khán giả tưởng như nhìn vào đôi mắt ấy là một cuộc hồi hướng.
Ở phim Trùng Khánh Sâm Lâm (1994), sau khi bạn gái bỏ đi, chàng cảnh sát số hiệu 633 mỗi ngày đều nói chuyện với căn nhà của mình, nơi cô người yêu vẫn thường ghé tới. Dẫu nửa sau là thước phim dành tặng Vương Phi - người thủ vai cô gái ở tiệm ăn nhanh thường lén đến nhà 633 sắp xếp và thu dọn, chính trong sự đối lập với vẻ tung tăng, tươi sáng, tràn trề năng lượng như một bản nhạc pop thịnh hành của Vương Phi, người xem càng thấy rõ vẻ đẹp không phô trương, luôn giữ kẽ, tách mình tựa khúc nhạc trầm của Lương Triều Vỹ.
Những cảnh hay nhất của anh trong Trùng Khánh Sâm Lâm là khi một mình nói chuyện với căn nhà, với bánh xà phòng "hao gầy", với khăn lau mặt đã rách tươm lõng bõng nước như ai đang khóc, với những con thú nhồi bông xanh đỏ. Sau đó, anh nằm trên giường, hút điếu thuốc, đôi mắt dập dìu con sóng của một nỗi mất mát, đứt gãy, lạc lõng, cam chịu khó tả.
Lương Triều Vỹ là diễn viên góp mặt trong nhiều phim nhất của đạo diễn Vương Gia Vệ. Anh luôn là bè trầm bên cạnh bạn diễn. Có một cảnh phim nổi tiếng khi Lương Triều Vỹ vào vai Châu Mộ Văn, để nàng Tô Lệ Trân do Trương Mạn Ngọc thủ diễn dựa đầu vào vai trên taxi trong Tâm trạng khi yêu (2000). Trong khi gương mặt của Trương Mạn Ngọc như viên ngọc phát sáng, gương mặt Lương Triều Vỹ hơi khuất và mắt anh phủ đầy bóng tối.
Theo phản xạ thường, người xem dễ bị hút vào nơi nào nhiều ánh sáng trước, tức gương mặt của Mạn Ngọc, cũng như sẽ nghe ra những bè cao trong một bản nhạc trước, nhưng đến lúc nhập tâm sẽ nhận ra sự xuất hiện của bè trầm, và rồi bị cuốn mãi vào đó.
Khi đóng cặp với Trương Quốc Vinh trong Xuân Quang Xạ Tiết (1997) cũng vậy. Trương Quốc Vinh tựa cánh bướm bốc đồng, hư hỏng, hết mực mỏng manh như bè cao của phim. Lương Triều Vỹ vẫn lặng lẽ, ưu phiền, lắng đọng. Họ cùng có những đôi mắt đẹp và buồn nhất của điện ảnh Hong Kong. Nhưng nét buồn trong mắt Trương Quốc Vinh giống như nét buồn trong vắt của một hoàng tử bé không hiểu nổi sự vận hành của thế giới và đầy băn khoăn, còn nét buồn trong mắt Lương Triều Vỹ là của một người lớn nhìn thế giới rất tỉ mỉ, ân cần, hiểu rằng nó vốn dĩ buồn như vậy.
Người xem khó tưởng tượng Trương Quốc Vinh có đủ kiên nhẫn cầm máy ghi âm và nói chuyện với nó như cách nhân vật Lê Diệu Huy của Lương Triều Vỹ làm. Những cảnh như vậy là dành cho Lương Triều Vỹ, cho nỗi buồn của anh.
"Công thức" bè trầm ấy cũng được đạo diễn Lý An vận dụng trong Sắc, giới (2007). Mỗi khi chung khung hình, trong khi nàng Vương Giai Chi của Thang Duy gợi tình lộng lẫy khiến người xem váng vất và hưng phấn thì nhân vật Dịch tiên sinh của Lương Triều Vỹ như một tòa thành u tối đã phong kín, không âm thanh hay ánh sáng nào vọng ra, chỉ có màn đêm đen kịt. Nhưng chính nét u uẩn khổ đau không thể cắt nghĩa ấy, anh khiến Vương Giai Chi không thể không bị hớp hồn và như bị kéo vào một hố đen. Đôi mắt ấy luôn kể một thiên truyện về nỗi buồn, mà mọi nỗi buồn đều là sự thật.
Những ngày qua, khi bom tấn siêu anh hùng Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings ra mắt, có tấm hình meme trên mạng với hai cánh cửa, một có hình của nam diễn viên Lưu Tư Mộ trong vai Shang-Chi, cánh cửa còn lại là hình Wenwu, cha của Shang-Chi, do Lương Triều Vỹ thủ vai. Cánh cửa dẫn đến Lưu Tư Mộ không có một ai, trong khi cánh cửa dẫn đến Lương Triều Vỹ thì người người xếp hàng để được bước vào.
Từ khi Shang-Chi lên kế hoạch công chiếu, người được quan tâm nhất là Lương Triều Vỹ. Anh xuất hiện không nhiều trong trailer nhưng chỉ vài giây ngắn ngủi như khi tung đòn tấn công với 10 chiếc vòng và thốt lên "Con trai của ta" là đủ khiến người xem muốn chứng kiến anh vào vai người cha đầy phức cảm. Trong một bài viết mang tên "Sức hút không thể cưỡng lại của Lương Triều Vỹ, kẻ phản diện trong Shang-Chi" trên tạp chí Vanity Fair, cây bút Joanna Robinson viết:
"Chắc chắn rồi, từng có vô số câu chuyện về người cha xấu xa trong văn hóa đại chúng, nhưng nếu bạn kỳ vọng một điều gì đó giống như câu trả lời của Marvel tới Darth Vader (trong loạt Star Wars) thì hãy nghĩ lại. Vader và cuộc trở về với mặt sáng của Thần Lực thuần túy mang tính biểu tượng, nhưng Wenwu của Marvel thể hiện những thứ rối rắm hơn nhiều, nơi mặt sáng và mặt tối liên tục lẫn lộn hòa quyện nhau. Để tạo nên vai phản diện phức tạp thế, các nhà làm phim của Shang-Chi cần đến một người có khả năng quyến rũ ngay cả khi nhân vật đó khiến ta căm ghét. Hay nói cách khác: họ cần Lương Triều Vỹ".
Sinh ra trong gia đình không hạnh phúc, cha mẹ hay cãi nhau về tiền bạc, người cha thường xuyên cờ bạc và say xỉn, Lương Triều Vỹ kể sau khi cha bỏ đi năm mình 6 tuổi, anh đã từ cậu bé nghịch ngợm, hiếu động trở thành đứa bé lặng lẽ và hiếm khi mở miệng. Anh bắt đầu tập che giấu xúc cảm. Mãi sau này, khi quen Lưu Gia Linh (giờ là vợ anh), nhiều người vẫn cảm thấy họ là cặp đôi khác biệt. Lúc sinh thời, Trương Quốc Vinh mỗi lần ghé chỗ Lương Triều Vỹ và Lưu Gia Linh chơi, thường kể rằng trong khi anh và Lưu Gia Linh cùng vài người bạn đánh mạt chược, nói chuyện tưng bừng thì Lương Triều Vỹ thường chẳng nói gì và không tham gia cuộc vui chung.
Vì cô đơn, Lương Triều Vỹ yêu diễn xuất - nơi duy nhất anh có thể bày tỏ cảm xúc. "Tôi là người kiệm lời. Khi lên màn ảnh thì mọi thứ phun trào, tôi khóc và không xấu hổ. Khán giả nghĩ đó là cảm xúc của nhân vật nhưng đó thực sự là của tôi, chúng dồn lên đột ngột", anh lý giải nguồn gốc vẻ khổ đau chất chứa trong những nhân vật mình thủ vai. Ngay cả khi rời khỏi những phim nghệ thuật và đóng bom tấn như Shang-Chi, Lương Triều Vỹ vẫn đem đôi mắt nhuốm đầy ưu tư vào đó.
Anh từng kể sự biến mất của cha từ ấu thơ khiến anh luôn mặc cảm. Giờ đây khi vào vai Wenwu, anh cho biết mình tưởng tượng nhân vật này với một ấu thơ tự ti như thế, và sự tự ti ấy hủy hoại tâm hồn ông ta. Với anh, Wenwu không chỉ là một kẻ phản diện. "Ai chả biết ông ta là kẻ phản diện. Nhưng trên hết, đó phải là một con người", Lương Triều Vỹ nói.
Đôi mắt khắc khoải của Lương Triều Vỹ được nhiều fan ví như tựa đề truyện của Patrick Modiano, remise de peine, nghĩa là "kho đựng nỗi đau".
Dù nhắc tới Lương Triều Vỹ, khán giả nghĩ ngay đến Vương Gia Vệ, nhưng đạo diễn họ Vương không phải người đầu tiên nhìn ra "kho đựng nỗi đau" trong đôi mắt của tài tử sinh năm 1962. "Công lao" ấy thuộc về đạo diễn Hầu Hiếu Hiền.
Sau thành công với những phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung và được coi là một trong Ngũ Hổ Tướng màn ảnh nhỏ Hong Kong, tới năm 1989, Lương Triều Vỹ tham gia Bi tình thành thị của Hầu Hiếu Hiền. Đây là bộ phim điện ảnh kể về gia đình họ Lâm với bốn người con trai trong thời đại rối ren của lịch sử Đài Loan và cũng là một trong những tác phẩm hay nhất của điện ảnh châu Á mọi thời đại.
Trong phim, anh vào vai Wen-Ching - con trai út bị câm điếc và hành nghề nhiếp ảnh gia. Vì câm điếc, Wen-Ching luôn có vẻ lãnh đạm hơn so với mọi người về những biến động thời cuộc. Anh thường ngồi với những người bạn đang rôm rả bàn về chuyện nọ chuyện kia nhưng chỉ lặng lẽ quan sát tất cả, rồi bất thình lình nhẹ nhàng đứng lên rời đi như một người vô hình. Có khi anh một mình ra phố hút thuốc, xem người bán thịt nướng. Có lúc anh lúi húi với chiếc máy quay đĩa than, mở một bản nhạc mà chính anh cũng đâu nghe được nhưng vẫn mở. Sau đó, anh trao đổi giấy trò chuyện với một cô bạn về bản nhạc ấy như thể mình nghe được nó. Cứ như vậy, anh không nói gì, luôn giữ phong thái tao nhã nhưng không hề lãnh đạm. Vì không nghe được, cũng không nói được, phương tiện quan trọng nhất giúp Lương Triều Vỹ bày tỏ nội tâm là thông qua đôi mắt. Từ thời điểm đó, Hầu Hiếu Hiền sắp đặt nhiều cảnh quay để đôi mắt Lương Triều Vỹ nói thay anh, thậm chí còn cho anh làm một nhiếp ảnh gia, tức một người sống để nhìn.
Đôi mắt là nơi nhân vật của Lương Triều Vỹ tiếp nhận toàn bộ thế giới, cũng là nơi thế giới tiếp nhận toàn bộ con người anh. Tên tiếng Anh của Bi tình thành thị là A City of Sadness – Thành phố của nỗi buồn. Khi xem, khán giả không khỏi có cảm giác toàn bộ nỗi buồn của thành phố ấy, của thời đại ấy được vo viên, đè nén, cô đọng trong đôi mắt Lương Triều Vỹ. Đó là một nỗi buồn không vật vã nhưng ảm đạm, thầm thì, len lỏi.
Từ khi Hầu Hiếu Hiền mở ra "kho đựng nỗi đau", việc của những nhà làm phim lớn khác là tiếp tục lấy ra từ đó những châu báu của âu sầu, dù đó là Vương Gia Vệ, Trần Anh Hùng hay Trương Nghệ Mưu, Lý An. Trong những nỗi đau ấy, có rất nhiều nỗi đau của sự biết.
Nhân vật của Lương Triều Vỹ luôn biết rõ điều gì đó hơn người xem, có khi là bản chất tàn bạo của cái ác (như vai nhà thơ trong Xích lô của Trần Anh Hùng), lúc lại là bản chất cô đơn và bất an tột cùng của đời sống (như tên mật thám họ Dịch trong Sắc, giới của Lý An), bản chất mênh mang của thiên hạ (như Tàn Kiếm trong Anh Hùng), bản chất biến thiên của thời đại (như cậu em bị điếc trong Bi tình thành thị), bản chất dày vò của ký ức (như Châu Mộ Văn trong Tâm trạng khi yêu và 2046) hay bản chất hư không của võ hiệp, của cuộc đời (như vai Diệp Vấn trong Nhất đại tông sư). Anh đau khổ vì biết những điều này quá rõ.
Đến vai diễn khi đã ngoài 50 tuổi trong Nhất đại tông sư, đôi mắt Lương Triều Vỹ vẫn vậy, chậm rãi lặng ngắm mọi thứ. Trong lần cuối gặp nàng Cung Nhị (Chương Tử Di đóng), nàng trả lại anh chiếc cúc áo đứt ra ngày anh thua chiêu Lục Thập Tứ Thủ của Cung Gia, rồi bày tỏ rằng trong lòng nàng từng có anh nhưng cuộc đời luôn đầy hối tiếc, mà nếu không có hối tiếc thì thật vô vị. Anh cũng chỉ nhìn nàng với cái nhìn hấp thụ mọi điều nàng nói, mọi nỗi phiền muộn có trên thế gian này.
Những cái nhìn như thế khiến kho đựng nỗi đau của anh không bao giờ vơi cạn.
Angkor Watt, một buổi hoàng hôn, dưới ánh nhìn vô thường của một vị thiền sư trầm mặc ngồi trên cao, nền nhạc là tiếng cello cũng muôn phần trầm mặc, Châu Mộ Văn (Lương Triều Vỹ) đứng thật lâu bên một hố nhỏ nơi những phế tích cổ xưa, thì thầm điều gì đó. Hầu như toàn bộ phân cảnh phim ấy, anh quay đi, không nhìn vào ống kính, đôi mắt bị che giấu sau bóng lưng và sau những đường kiến trúc của công trình đã gần nghìn tuổi. Đó là cảnh cuối của Tâm trạng khi yêu, cũng là một trong những cảnh phim đẹp nhất của Lương Triều Vỹ. Nhưng trong cảnh phim ấy, đôi mắt anh không lộ diện, hoặc không phải là tâm điểm. Người xem quá quen với đôi mắt của Lương Triều Vỹ, luôn chờ đợi đôi mắt ấy tiết lộ điều anh đang suy nghĩ trong lòng.
Anh thường xuất hiện với nhiều tâm tư nhưng nó chỉ dâng lên qua đôi mắt với hàng mi dài chứ ít khi thốt thành lời. Khi phải thốt lên, anh sẽ thì thầm vào một cái gì đó, nếu không phải khăn lau mặt rách hay một máy ghi âm thì là một cái hố, để không ai nghe ra những bí mật của mình. Thế nhưng, một cách kỳ lạ, trong cảnh phim đôi mắt anh không lộ diện, khán giả vẫn cứ mường tượng ra ánh nhìn của chúng. Ánh nhìn trầm mặc như tiếng đàn cello, hoàn toàn tiết chế, vẫn mềm mại và lặng lẽ, sâu xa và da diết, ẩn chứa nhiều điều song không phải điều nào cũng gọi được thành tên.
Tâm trạng khi yêu kết thúc ở những dòng thoại:
"Anh nhớ về những năm tháng đã biến mất. Như nhìn xuyên qua một ô cửa kính mờ bụi, quá khứ là thứ anh có thể trông thấy, nhưng không thể chạm vào. Mọi thứ anh thấy đều mơ hồ và không rõ".
Sau hơn 20 năm từ lúc Tâm trạng khi yêu lên màn ảnh rộng, nhiều khán giả vẫn luôn hồi hướng về đôi mắt của Lương Triều Vỹ theo cách Châu Mộ Văn nhớ về mối tình với nàng Tô Lệ Trân. Chỉ khác là chàng Châu còn có thể để lại tình yêu trong một cái hố, ra khỏi những lối đi ngoằn ngoèo của Angkor như bước ra khỏi mê lộ lòng mình, còn người yêu điện ảnh khó lòng bước ra khỏi được đôi mắt của Lương Triều Vỹ.
Hiền Trang