Thời cuộc - Thứ bảy, 21/8/2021, 12:12 (GMT+7)

Dân Hà Nội đón Vu Lan, viếng mộ qua video call

Không thể đi viếng mộ ông bà tổ tiên vì Covid-19, nhiều người dân Hà Nội lựa chọn hình thức tảo mộ qua video call.

6h sáng cô Nguyễn Thị Hồng (60 tuổi, ở Thái Hà, quận Đống Đa dậy sớm cầm phiếu được phát ra chợ mua đồ lễ cúng Vu Lan. Hơn 2 tiếng chuẩn bị, mân cỗ với đầy đủ đồ chay, mặn, hoa quả được cô cẩn thận sắp lên ban thờ của gia đình. Vào thay quần áo chỉnh tề, cô Hồng cầm chiếc máy tính bảng gọi cho các con ở xa. Hôm nay là ngày gia đình cô dự lễ cúng Vu Lan, tảo mộ online được đặt ở Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình gần một tháng trước.

Tiếng chuông vang lên, lần lượt con trai, con gái cô Hồng xuất hiện trên màn hình. Góc bên trái phần mộ của chồng cô với đầy đủ mâm cỗ cúng cũng hiện ra.

Cô Hồng cùng các con mong dịch Covid-19 qua nhanh để có thể lên thăm chồng, không cần phải viếng mộ qua video nữa.

Nhìn phần mộ của chồng qua video, cô Hồng kể những năm trước, cứ đến dịp Vu Lan, cô cùng chồng lại đưa nhau về quê tảo mộ ông bà, bố mẹ. Năm 2020 chồng qua đời vì bệnh, được an táng tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên. Từ ngày chồng mất, dịch bệnh liên miên cô cũng chẳng mấy lần được lên thăm chồng. Đến ngày Vu Lan, gia đình vốn định cùng nhau lên dọn mộ, thắp cho ông nén hương. Nhưng Covid-19 khiến gia đình mỗi người một nơi, không thể về quê hay lên thăm mộ chồng, mộ bố.

Giãn cách xã hội đến ra ngoài mua đồ còn khó, các con không thể về cùng mẹ đi thăm bố, cô Hồng đặt gói cúng lên online với giá 1,5 triệu đồng để cả nhà cùng viếng mộ qua video, được gọi trực tiếp từ nghĩa trang.

Theo cô Hồng, nghĩa trang hiện có 24 gói lễ, giá từ 80.000 đồng đến 2 triệu đồng. Gói cơ bản, 80.000 đồng - 200.000 đồng chỉ có đồ mã, trong khi gói 1,5 triệu đồng bao gồm các nghi lễ cúng giỗ, mâm cỗ, hoa quả, hương vàng, lau chùi mộ và video call cho gia đình. Các gói lễ, đồ cúng được đăng trên website, kèm theo giá để khách hàng lựa chọn.

"Qua video gia đình có thể thấy được phần mộ của chồng tôi, phần lễ cúng của nghĩa trang chuẩn bị. Dù không thể lên tận nơi, nhưng được tận mắt chứng kiến nhân viên dọn dẹp mộ, lau chùi, sắp lễ, cúng bái tôi thấy rất yên tâm", cô Hồng nói.

Không chỉ nhìn thấy mộ chồng, cô Hồng cùng các con được nhân viên quay cận phần mộ, để gia đình có thể từ nhà bái vọng, nhắn nhủ với người thân nằm tại nghĩa trang.

Vuốt ve di ảnh chồng qua video, cô Hồng rớt nước mắt xin lỗi chồng vì năm đầu tiên đã không thể lên thăm ông, hẹn sẽ cùng con cái lên tảo mộ khi dịch ổn đình.

Cùng chọn gói viếng mộ qua video call như cô Hồng, bà Liên (70 tuổi, ở Dương Nội, Hà Đông) cho biết những năm trước, vào dịp Vu Lan, nhà bà thường đưa tất cả con cháu đi viếng mộ gia tiên. Năm nay, do tình hình dịch bệnh không thể lên tận nơi, gia đình quyết định thay đổi phương thức, dự đại lễ Vu Lan bằng video call.

Bà Liên cho hay gần đến ngày Vu Lan, bà chỉ cần sử dụng máy tính, truy cập vào website được nghĩa trang cung cấp chọn gói lễ cúng, ngày giờ, nghĩa trang sẽ theo đó thực hiện yêu cầu của bà.

Bà Liên cùng con trai bái vọng chồng qua video call.

Là năm đầu tiên đặt gói cúng lễ online, bà Liên đặt gói tảo mộ bằng video call giá 1,5 triệu đồng, gồm dọn dẹp phần mộ, 9 món cỗ chay, hoa quả và gọi video trực tiếp từ nghĩa trang để bái vọng.

Dù đặt mâm cỗ tại nghĩa trang, nhưng cách đây mấy ngày bà Liên đã đi chợ chuẩn bị hoa quả, đồ mã để cúng tại gia đình.

Gói lễ cúng nhà bà Liên diễn ra lúc 9h30, từ 9h nhân viên nghĩa trang gọi báo gia đình, quay các khâu dọn dẹp phần mộ, đồ lễ nhà đặt trước xem gia đình có cần bổ sung gì.

9h30, hình ảnh phần mộ chồng bà được quay lên màn hình, các con trai gái cũng được kết nối qua video call, để nhìn thấy mộ bố, cả nhà chắp tay bái lạy qua video.

"Chúng tôi không lên tận nơi hương khói cho tổ tiên được nên lựa chọn hình thức làm trực tuyến. Nhìn nhân viên dọn dẹp cẩn thận, sắp lễ, cúng bái, tôi có cảm giác như mình đang ngồi tại đấy vậy", bà Liên nói.

12h trưa, tại Lạc Hồng Viên, chị Nguyễn Thị Mai Hồng (32 tuổi) nhân viên nghĩa trang, cùng đồng nghiệp vẫn đội nắng đeo khẩu trang, dọn dẹp phần mộ và dâng mâm cỗ, đĩa hoa quả thắp hương. Trong khi các chị chuẩn bị đồ cúng, một nhân viên nam mặc vest lịch sự video call cho gia đình có người thân nằm ở đây xem.

Chị Hồng cho hay Covid-19 bùng phát đúng dịp rằm tháng bảy, giãn cách xã hội khiến nhiều khách hàng, nhất là người dân Hà Nội không thể đến viếng mộ. Nhiều gia đình lựa chọn hình thức gọi video để tận mắt nhìn thấy phần mộ của người thân được chăm sóc, cúng bái dịp Vu Lan.

"Gần hai tuần nay, chúng tôi phải làm từ 4h sáng đến tận 6h chiều, thay phiên nhau dọn dẹp phần mộ, đặt lễ hộ các gia đình, nhiều hôm không kịp ăn trưa", chị Hồng chia sẻ.

Ông Trần Tuấn Anh - Tổng giám đốc Công ty Toàn Cầu, chủ đầu tư Công viên Tâm linh Lạc Hồng Viên, cho biết thời điểm này mọi năm, hàng nghìn lượt khách tới viếng thăm khuôn viên phần mộ gia đình, cũng như tham dự đại lễ để tưởng nhớ người thân đã khuất. Nhưng năm nay, dịch bệnh đã cản trở nhiều dự định và nguyện vọng của khách hàng.

Theo ông Tuấn Anh, đây là năm thứ 2 nghĩa trang triển khai hình thức cúng giỗ online, và là năm đầu tiên thực hiện video call từ phần mộ cho khách hàng. Dịch Covid-19 căng thẳng, giãn cách xã hội làm người dân, không thể đi tảo mộ ông bà, tổ tiên, nên khách hàng đăng ký tảo mộ bằng video tăng đột biến.

"Nếu năm trước lượng khách khoảng 1.000 người thì năm nay tăng gấp đôi" ông Tuấn nói và cho biết, dù thực hiện qua hình thức trực tuyến, mọi khâu từ chuẩn bị, lễ vật, đồ cúng, quần áo chúng sinh, khóa lễ đều diễn ra trang nghiêm, thanh tịnh, đầy đủ.

Khách hàng đặt một gói lễ trực tuyến, qua đó theo yêu cầu ngày, giờ mà nhân viên sẽ triển khai tại khu vực phần mộ. Toàn bộ các phần từ dọn dẹp, thắp nến, cúng bái sẽ được truyền trực tiếp qua Zalo, Facebook, Zoom đến khách hàng. Gia chủ có thể từ xa bái vọng, khấn cầu cho tâm linh người đã khuất. Những người con ở nhiều địa phương trong nước và cả nước ngoài có thể tận mắt tham quan phần mộ của gia đình.

Nguyễn Ngoan

Đánh giá phiên bản mới