Showbiz - Thứ tư, 17/6/2020, 11:15 (GMT+7)

Công Lý: 'Nhiều người bảo tôi dở hơi lắm'

Hơn 30 năm làm nghề, NSND Công Lý bị nhiều đồng nghiệp và những người xung quanh chê gàn dở vì chỉ biết dốc hết mình cho vai diễn.

NSND Công Lý.

Gõ cửa phòng Phó giám đốc chuyên môn của Nhà hát Kịch Hà Nội lúc 11h trưa, NSND Công Lý mở cửa. Nhiều diễn viên trẻ ngồi kín phòng anh để trao đổi về công việc. Trên bàn nước là chiếc bánh bao nguội ngắt mới cắn được non nửa trong khi bàn làm việc ngổn ngang nhiều tập kịch bản. Thấy có khách, các diễn viên trẻ xin phép cáo lui còn Công Lý lúi húi pha ấm trà mới và bảo anh bận quá nên chưa kịp ăn nốt bữa sáng.

Từ ngày lên "sếp" ở Nhà hát Kịch Hà Nội, Công Lý thấy mình có trách nhiệm phải thay đổi. Từ một người quen ăn mặc tuềnh toàng, anh đóng bộ chỉn chu với quần Tây và áo sơ mi trắng khi tiếp khách. Nếu như ngày xưa, anh chỉ là người đưa ra đề xuất thì bây giờ, anh giữ trách nhiệm quyết định mọi vấn đề liên quan đến chuyên môn của nhà hát. Bận rộn hơn với sân khấu nên anh cũng chẳng thể thoải mái nhận lời làm phó đạo diễn cho bạn thân là đạo diễn Vũ Trường Khoa như trước. Thế nhưng, ở một dáng vẻ và vị trí khác, Công Lý vẫn không mất đi tính cả thẹn vốn có. Anh gãi đầu gãi tai: "Bình thường tôi không mặc thế này đâu, khó chịu lắm, nhưng mọi người khuyên phải giữ hình ảnh". Rồi anh cười hề hề.

NSND Công Lý duyệt kịch bản tại Nhà hát Kịch Hà Nội.

Một năm qua, sự nghiệp của Công Lý liên tiếp có những bước tiến đáng kể: Được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND và trở thành Phó giám đốc của Nhà hát Kịch Hà Nội. Hơn ba mươi năm theo đuổi nghiệp diễn, anh chưa bao giờ lên kế hoạch hay đặt mục tiêu phải có được ngày hôm nay. Anh giải thích về những gì xảy ra trong cuộc đời mình bằng suy nghĩ giản đơn: "Khi nào đủ điều kiện thì nó sẽ đến thôi".

Từ chàng sinh viên xấu nhất lớp đến danh xưng danh hài

Hơn ba mươi năm trước, Công Lý là chàng trai nghịch ngợm, quyết định thi vào trường Sân khấu - Điện ảnh chỉ vì nghĩ: "Chắc vào đấy sẽ được xem phim nhiều". Anh giấu bố mẹ đi thi và tự nhiên... đỗ. Suy nghĩ của chàng trai chỉ biết ăn với chơi khi đó không có nhiều so đo, tính toán về những thứ to tát như cơ hội nghề nghiệp, khả năng thành công trong tương lai. Đến ngày đi học, anh mới ngã ngửa nhận ra mình... xấu nhất lớp. Trong anh lúc đó dấy lên một nỗi tự ti to lớn về ngoại hình vì hiểu rõ bản thân không thể so sánh với các bạn nam đẹp trai, sáng sủa. Mẹ anh đang làm việc trong ngành bưu chính viễn thông, thấy con ôm ước vọng làm diễn viên thì nói rằng: "Mày học nghề này làm gì, xấu như mày thì sao làm được diễn viên? Chuyển sang học nghề bưu chính, bao giờ mẹ về hưu thì vào thay". Thế nhưng, Công Lý tìm cách từ chối. Anh bảo với mẹ: "Thôi, con đã yêu rồi thì mẹ cứ để cho con yêu đi. Bao giờ nó phụ con thì con sẽ thay đổi". Khi mẹ vặn lại "Lúc nó phụ mày thì mày già rồi, làm sao thay đổi được nữa", anh chỉ im lặng.

"Không ai xui đâu nhưng tôi cũng không hiểu tại sao ngày ấy mình lại biết nói với mẹ như vậy". Bản tính thích gì thì phải làm cho bằng được thôi thúc anh kiên định với những gì mình đã chọn. Trong lòng anh lúc nào cũng hiện hữu niềm tin rằng những nhược điểm về ngoại hình có thể bù đắp bằng cố gắng và tinh thần ham học hỏi. Bất chấp hoài nghi của nhiều người xung quanh, Công Lý dần dần gây dựng được lòng tin với các thầy trong trường và trở thành một trong những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của khóa mình.

Được công nhận là có tài, được đào tạo bài bản nhưng ngoại hình vẫn là rào cản lớn với Công Lý khi lập nghiệp. Những năm tháng mới ra trường, trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa đã có vai chính thì anh chỉ chạy lăng xăng phụ việc ở đoàn phim hoặc nhận những vai nhỏ, có thể chỉ là chạy qua màn hình. Anh còn nhớ có lần bạn cùng lớp đóng vai chính còn mình chỉ được đóng quần chúng trong cùng một bộ phim. Dù vậy, anh không thấy ê chề, hối hận hay nản lòng. "Dù ở vai trò nào, tôi cũng hừng hực khi được làm việc", Công Lý kể.

Sự ra đời của chương trình Gặp nhau cuối tuầnGặp nhau cuối năm do VFC sản xuất tạo ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Công Lý. Anh không nhớ chính xác đó là năm nào nhưng nhớ mình là diễn viên hài đầu tiên đặt nền móng cho Gặp nhau cuối tuần. Lúc bấy giờ, ý niệm về một chương trình hài trên sóng truyền hình vẫn còn mông lung. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhận yêu cầu phải phát triển chuyên mục thư giãn cuối tuần thành một chương trình hài nên đã gọi Công Lý đến giúp. Tiểu phẩm đầu tiên, anh vào vai một ông cho thuê áo cưới, diễn cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa. Không có kịch bản chi tiết, Công Lý cứ thế tung hứng và khi lên sóng, tiểu phẩm này nhanh chóng được khán giả yêu thích. Sau đó, anh  gần như không bao giờ vắng mặt trong chương trình phát sóng hàng tuần vì được các đạo diễn tin tưởng và khán giả trông đợi. Từ một diễn viên ít người biết đến, anh trở thành một trong những danh hài mới của đất Bắc sau thế hệ của các nghệ sĩ Xuân Hinh, Minh Vượng... Hiệu ứng lớn của Gặp nhau cuối tuần khi đó và Gặp nhau cuối năm sau này giúp Công Lý đi đâu cũng được nhận ra và có rất nhiều lời mời đóng phim, diễn hài... Công Lý gọi đó là thời kỳ rực rỡ nhất trong sự nghiệp đóng hài của mình.

Nỗi day dứt với sân khấu kịch

Nhiều khán giả chỉ biết đến Công Lý qua những vai hài nhưng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân mà anh nhận được lại là sự ghi nhận cho những vai chính kịch được dàn dựng tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Điều đó khiến anh có chút chạnh lòng cho sân khấu kịch và luôn mong mỏi một ngày nào đó kịch nói có thể trở lại giai đoạn rực rỡ, sáng đèn mỗi tối, mọi suất diễn đều kín chỗ ngồi và diễn viên sân khấu được khán giả nhớ mặt, nhớ tên như truyền hình.

NSND Công Lý khi nói về sân khấu kịch.

Công Lý không đếm nổi mình đã đóng bao nhiêu vở kịch, tham gia bao nhiêu hội diễn và nhận bao nhiêu huy chương nhưng anh biết rằng mình luôn dành cho kịch nói và nhà hát Kịch Hà Nội tình yêu lẫn sự tâm huyết như thuở ban đầu. Anh vẫn nhớ như in ngày mình cùng người bạn cùng khóa là NSND Trung Hiếu tốt nghiệp loại xuất sắc và từ chối lời mời của bốn đơn vị nghệ thuật khác để về đây. Từ đó đến nay đã hơn ba mươi năm, kịch nói trải qua đủ mọi cung bậc thăng trầm nhưng với anh, hai mươi mét sân khấu vẫn là thánh đường và người duy nhất mà anh cần nghĩ tới khi làm việc là khán giả. Nếu như ở những tiểu phẩm hài, anh mang đến sự duyên dáng và những tràng cười không dứt thì với sân khấu kịch, anh khiến người xem rơi nước mắt với các vở: Điện thoại di động, Ông không phải bố tôi...

Khi Công Lý nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ở tuổi 46, nhiều người nói anh xứng đáng được ghi nhận sớm hơn thế. Tuy nhiên, anh chẳng so đo con đường của mình là ngắn hay dài và cũng chẳng buồn khi những người bạn cùng trang lứa như Trung Hiếu, Tự Long đều đã nhận danh hiệu này trước mình. Kể cả khi dựng vở đi thi, anh cũng tâm niệm phải làm một cách vô tư, sao cho khán giả cảm nhận được điều nhân vật muốn truyền tải chứ không đặt mục tiêu đạt huy chương để ảnh hưởng đến tâm lý khi diễn. "Tôi chưa bao giờ nghĩ đáng nhẽ mình phải được sớm hơn. Đơn giản vì lúc ấy chưa đủ điều kiện thì chưa được xét, có gì đâu mà phải nghĩ ngợi. Tôi chỉ nghĩ là cứ làm hết mình đi, công nhận thế nào thì phải để khán giả và những người xung quanh chứ không phải mình".

NSND Công Lý bên tấm backdrop của vở kịch 'Oái oăm đời 2' do mình đóng chính.

Bị chê dở hơi vì hờ hững với tiền

Có hơn ba mươi năm theo đuổi nghiệp diễn với vô số huy chương, giải thưởng và tên tuổi đã được khẳng định nhưng tài sản vật chất của Công Lý bây giờ chỉ vỏn vẹn là một chiếc ôtô tầm trung để đi lại hàng ngày và căn chung cư rộng khoảng 80 m2 vẫn chưa trả hết nợ. Anh thừa nhận mình nghèo hơn nhiều đồng nghiệp cùng thời như Tự Long, Xuân Bắc, Vân Dung... Thế nhưng, anh chưa bao giờ thấy buồn vì không coi tiền bạc là thước đo thành công.

NSND Công Lý khi tập "Táo quân 2018". 

"Đã có lúc tôi nhìn Xuân Bắc đổi xe này, Tự Long đổi xe kia rồi tự hỏi sao mình vẫn lủi thủi thế này (cười). Thế nhưng, tất cả chỉ dừng lại ở đấy thôi. Nhiều người bảo tôi dở hơi lắm", Công Lý nói. Thay vì tranh thủ chạy show vào những lúc cao điểm như cuối năm hay lễ Tết, anh thường dành toàn tâm toàn ý cho việc xây dựng nhân vật cô Đẩu của Gặp nhau cuối năm hoặc dựng vở ở Nhà hát Kịch Hà Nội. Lý giải về điều này, anh nói: "Tôi làm gì cũng chỉ tập trung được cho một thứ thôi. Cả năm mới có một lần Gặp nhau cuối năm nên tôi muốn dành hết sức lực cho nó. Tôi sợ sự chồng chéo sẽ khiến mình đau đầu rồi không thể nghĩ ra tạo hình, cách diễn khác đi so với lần trước. Thế nên, vào mỗi dịp tập Táo Quân, Xuân Bắc, Tự Long, Vân Dung, Quang Thắng... cứ chạy nhảy tung tăng còn tôi thì ngồi một chỗ đợi họ về tập cùng" (cười).

Công Lý thừa nhận mình "hơi hâm" và cũng không nhớ đã bao nhiêu lần bị đồng nghiệp thân thiết như Tự Long, Xuân Bắc, Quốc Khánh... chê là "dở hơi" vì hờ hững với tiền. Sau thời gian dài thuyết phục không được, các nghệ sĩ khác tặc lưỡi bảo nhau "Thôi kệ nó, nó cứ sống được là được".

Những khúc quanh trong cuộc sống riêng

Công Lý quay mặt đi và rơi nước mắt khi nhắc đến gia đình.

Luôn giữ ánh nhìn thẳng khi say sưa nói về sự nghiệp nhưng đến khi nhắc đến gia đình, giọng Công Lý bỗng khựng lại. "Ngày được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND, người đầu tiên tôi gửi tấm ảnh mình chụp với Thủ tướng là bố. Lúc ấy, bố tôi đang nằm viện", anh dừng một lúc lâu sau câu nói ấy và... khóc. Nước mắt không ngừng rơi khiến gương mặt anh đỏ ửng. Anh nói xin lỗi, gạt nước mắt nhưng vẫn không thể ngừng khóc và chỉ dừng lại khi bị cắt ngang bằng một tiếng gõ cửa.

Công Lý được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân hồi tháng 9/2019.

Hỏi anh, có điều gì khiến anh day dứt đến thế, anh không trả lời thẳng vào câu hỏi mà nói: "Đứa con nào cũng có lúc khiến bố mẹ không hài lòng" rồi lại ngập ngừng, né tránh ánh mắt của người đối diện. Anh biết mình từng va vấp, từng làm cha mẹ buồn nhưng cũng biết rằng bố mẹ đã có lúc hạnh phúc vì nhìn thấy mình thành công. Khi đạt một thành tựu nào đó, anh luôn nhớ đến bố vì ông chính là người truyền cho anh tình yêu và tâm hồn nghệ thuật từ khi còn nhỏ.

Nếu như sự nghiệp nghệ thuật là một đường thẳng, chưa bao giờ truân chuyên đến mức khiến Công Lý nghĩ đến chuyện bỏ nghề thì đường tình cảm của anh lại có quá nhiều khúc quanh. Anh trải qua hơn một lần đổ vỡ hôn nhân và đến nay, khi đã ở tuổi gần 50, vẫn chưa thực sự yên bề gia thất. Nhìn lại những gì xảy đến trong cuộc đời mình, Công Lý bảo anh không có gì hối hận vì đã cố hết sức rồi, số phận bắt phải truân chuyên thì chỉ còn cách thuận theo tự nhiên mà thôi.

Công Lý bên bố mẹ và hai con. Bé Kiến là kết quả trong cuộc hôn nhân đầu tiên của anh với BTV Thục Khuê, bé Tít là con chung của anh với người vợ thứ hai - MC Thảo Vân. 

Công Lý không khéo léo và đôi lúc cục mịch nhưng lại nổi tiếng là người đàn ông đào hoa. Những người phụ nữ đi qua cuộc đời anh, từ người vợ đầu tiên là BTV Thục Khuê, người vợ thứ hai là MC Thảo Vân đến bạn gái hiện tại là nhà báo Ngọc Hà, đều là những người đàn bà có cả thanh lẫn sắc. Công Lý bảo, anh khi yêu là người chân thành, không màu mè và rất mộc mạc. "Tôi ngửa tay ra, họ đặt vào thì đặt, không đặt thì thôi" là miêu tả của anh về cách chinh phục phụ nữ của mình. Ở tuổi gần 50, nam diễn viên vẫn thích câu ngạn ngữ: "Anh có thể chiếm đoạt phụ nữ bằng sự giả dối nhưng phải chinh phục họ bằng sự chân thành". Vì đã yêu hết lòng nên anh cho rằng mỗi chuyện tình hay cuộc hôn nhân kết thúc đều bởi duyên phận chứ không phải lỗi thuộc về ai.

Bạn gái Ngọc Hà giúp Công Lý chỉnh trang quần áo khi nhận quyết định bổ nhiệm Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội tháng 5/2020.

Đứng ở đỉnh cao của sự nghiệp nghệ thuật, Công Lý biết ơn tất cả những bóng hồng đã bước qua cuộc đời mình. Với anh, Thục Khuê, Thảo Vân hay Ngọc Hà đều là hậu phương để anh yên tâm đi làm và là động lực để anh cố gắng nhiều hơn ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời. "Nếu không có những người phụ nữ ấy thì chắc không có tôi của ngày hôm nay", anh nói về người phụ nữ hiện tại và những "người cũ" một cách đầy trân trọng.

Khi đã đường ai nấy đi, Công Lý vẫn giữ mối quan hệ tốt với hai người vợ cũ. Ngày anh được trao tặng danh hiệu NSND hay nhận chức Phó giám đốc, họ đều gửi hoa và quà đến chúc mừng. Những dịp đặc biệt, anh thường tổ chức những bữa ăn quây quần với hai đứa con, hai người vợ cũ và bạn gái Ngọc Hà để cả nhà cùng có những phút giây vui vẻ. Với bé Kiến và bé Tít, anh sẵn sàng hy sinh tất cả những gì có thể cho các con.

Công Lý thấy may mắn vì tất cả những người phụ nữ đi qua cuộc đời đều có thể trở thành bạn, cùng nhau dung hòa để các con luôn cảm thấy vui.

"Tôi chỉ làm những việc để trẻ con không cảm thấy mình chỉ có mẹ mà không có bố. Tất nhiên chúng tôi không thể như gia đình bình thường nhưng bù đắp được cho các con cái gì, tôi sẽ làm hết sức. Chúng tôi đi cùng nhau và có những khoảnh khắc vui thực sự chứ không phải giả tạo. Tôi làm mọi chuyện đều chân thành và mục đích chỉ là để nhìn thấy niềm vui trong mắt con. May mắn được các bạn ấy hợp tác nên tất cả những cái khác đều được hóa giải". 

Ở tuổi gần 50, Công Lý thấy mình biết lắng nghe hơn. Anh bây giờ vẫn nhoẻn miệng cười khi bị người ta mắng là kẻ gàn dở nhưng bình tâm hơn trước những góp ý chứ không gạt phắt đi như ngày xưa. Dù vậy, anh vẫn không tiếc những cơ hội đã bỏ lỡ trong quá khứ và quan niệm mọi thứ dù tốt dù xấu đến với mình đều là cái duyên. Đã dốc hết tuổi trẻ, nhiệt huyết cho nghệ thuật và giờ khi nhìn lại, anh có thể mỉm cười vì chí ít nghiệp diễn đã không phụ mình.

Chi Yên
Ảnh: Thành Đạt

Đánh giá phiên bản mới