Chi đậm để 'lột xác' khí chất trước đám đông
Mỗi lần tham gia các sự kiện đông người của công ty, hội nhóm, Huyền (25 tuổi, phun xăm, TP HCM) thường xấu hổ khi bị nhận xét dáng đi xấu, hai hàng, không ăn ảnh. "Những lời chê bai khiến tôi suy nghĩ mình phải thay đổi, tìm cách sửa tư thế, vừa để tự tin trong công việc vừa tốt cho sức khỏe", Huyền nói.
Huyền đã chi 500.000 đồng cho một buổi học xây dựng thần thái kéo dài ba tiếng. Ở đây, Huyền học cách để trở thành một người phụ nữ có phong thái, biết cách đi, ngồi, cười, nói sao cho nhẹ nhàng, uyển chuyển. Vì thích thú, cô gái gen Z tiếp tục chi thêm 5 triệu đồng để ghi danh vào lớp chuyên sâu.
Tham gia lớp học, Huyền được dạy tư thế đi đứng, ngồi để không ảnh hưởng xấu tới đốt sống cổ, cột sống cũng như bài tập ngậm đũa để tạo hình khuôn miệng cười chuẩn hoa hậu, không hở lợi, cười không tạo nếp nhăn. Giáo viên còn hướng dẫn Huyền và các học viên cách cầm túi xách, bắt tay chào hỏi đối tác, đưa danh thiếp sao cho thanh lịch, chuẩn quý cô, cách ăn mặc đẹp và tao nhã...
Ở cả hai lớp học, điều khiến Huyền bối rối là các bài tập cười với người lạ bởi tính cô nhút nhát. "Tôi được giao bài tập đứng giao tiếp với người lạ, phải nhìn vào mắt họ, phải cười đẹp. Thú thực là không chỉ tôi mà những học viên khác cũng đều ngại, cứ nhìn lên trên, nhìn xuống dưới thay vì nhìn vào nhau. Nhưng tới lần thứ hai được giao bài tập này, tôi thấy quen hơn, bắt đầu tự tin hơn khi gặp người lạ", Huyền cho biết.
Sau buổi học, nàng gen Z tự luyện tập nhiều lần tại nhà, liên tục ứng dụng vào thực tế. Để khắc phục dáng đi hai hàng, Huyền thường bước hai chân theo một đường thẳng, áp dụng tư thế mở rộng cầu vai. "Nhiều đồng nghiệp khen dáng đi tôi mới học, họ nói: 'Đúng, phải đi như vậy'. Tôi cũng thấy các kiến thức học được rất quan trọng để giúp ích cuộc sống hàng ngày, cho giao tiếp lẫn công việc, phù hợp nhiều ngành nghề. Tôi không chỉ học về đi đứng mà được đào tạo về tư duy để toát ra sự nhẹ nhàng, nữ tính hơn".
Cô bổ sung: "Tuy nhiên, lớp học chuyên sâu có nhiều nội dung, bài tập dồn trong hai ngày nên tôi khó có thể nhớ hết. Vì vậy, tôi chọn cách tập trung nhớ các bài tập về dáng đi, tư thế và nụ cười là những điều tôi muốn cải thiện trước hết. Giáo viên cũng hướng dẫn hai kiểu đi cơ bản và biểu diễn. Vì vậy, sau khóa học, tôi áp dụng dáng đi cơ bản, cử chỉ tay chân thanh thoát hơn, không bị nhận xét là làm quá khi có sự thay đổi so với trước đây". Nàng gen Z cũng tự trau dồi về phong thái, khí chất đời thường bằng cách đọc sách, mua thêm khóa học online để biến bài học thành bản năng như giáo viên khuyến khích.
Bùi Thị Hậu (40 tuổi, nhân viên văn phòng, Hải Dương) muốn sửa dáng đi lao người về phía trước trở nên thanh lịch, cuốn hút ánh nhìn nên đã đăng ký "lớp học khí chất". Tuy vậy sau buổi học, chị thu nạp được nhiều hơn các kiến thức bổ ích. "Tôi ấn tượng nhất với bài học về nụ cười. Khi chúng ta giao tiếp, điều khách hàng hoặc đối tác nhìn thấy đầu tiên là gương mặt chúng ta. Nếu nụ cười của chúng ta gây thiện cảm, có sự rạng rỡ và tự tin, tôi nghĩ đã chiếm đến 80% thành công của cuộc nói chuyện", chị nói.
Dương Thị Mai Hương, sinh năm 1971, kinh doanh không nghĩ mọi thứ là quá muộn để học hỏi ở độ tuổi của mình. "Tôi nghĩ cách đi, nói chuyện, cười cùng biểu cảm thần thái đẹp, thanh lịch là những thứ không phải ai cũng có bẩm sinh. Nhưng tôi có thể rèn luyện để đẹp hơn. Tôi muốn cải thiện thêm về điệu cười, thần thái, sự tự tin trong phong cách, cách đi, đứng, ngồi. Đó là những cái tôi thấy rất cần thiết cho một người phụ nữ", chị nói.
Còn Thúy (32 tuổi, chủ spa) chi 500.000 đồng đi học trải nghiệm vì muốn trau dồi bản thân. Chị nói thích thú khi biết cách làm sao để luôn giữ thần thái tự tin, sự vui vẻ, hòa đồng và hướng đến những điều tích cực.
Chi đậm để học đi đứng, nói cười, một số học viên như Thúy, Huyền từng nghe phải ý kiến trái chiều rằng "học khí chất, phong thái để làm màu, kiếm chồng giàu". Nhưng Thúy cho biết: "Tôi nghĩ rằng mỗi người có một suy nghĩ. Tôi là một phụ nữ hiện đại, luôn luôn muốn mình phải trau chuốt, xinh đẹp, tự tin khi xuất hiện trước đám đông. Vì thế, việc tham gia những lớp học như thế này thực sự tốt cho chị em để giúp bản thân tự tin, tỏa sáng và xinh đẹp hơn. Tôi cũng cảm thấy kiến thức mình có được xứng đáng với số tiền đã bỏ ra".
Học khí chất, phong thái chuẩn quý cô là xu hướng toàn cầu
Các lớp học này không chỉ đang nở rộ ở Việt Nam, mà đã và đang có khắp toàn cầu. Tại châu Âu, phần lớn các lớp học về văn hóa ứng xử trên bàn tiệc, còn các lớp châu Á chủ yếu đào tạo về khí chất phụ nữ, tập trung nhiều ở Trung Quốc, Hong Kong, Singapore. Trong đó, quốc gia phát triển mạnh nhất về lớp đào tạo phong thái, sự duyên dáng tại châu Á đang là Trung Quốc. Mỗi lớp trải nghiệm của Trung Quốc thường có quy mô lớn với khoảng 3.000 người tham gia.
Theo Nguyễn Quỳnh Trang, nhà sáng lập, điều hành của Học viện phong thái Á đông tại Việt Nam, lý do nhiều phụ nữ tìm tới các lớp này vì họ dành nhiều thời gian hơn xưa để trau dồi, yêu thương chăm sóc bản thân, quan tâm đến vấn đề phong thái và sự dịu dàng của phái đẹp.
Nhưng khí chất, phong thái không chỉ là những cử chỉ dáng điệu liên quan đến vẻ bề ngoài như nhiều người lầm tưởng. "Nó xuất phát từ vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ, giúp cô ấy toát ra được khí chất và phong thái của chính mình. Phong thái tao nhã đến từ việc bạn tu dưỡng, nỗ lực hoàn thiện, cả về sức khỏe, đi đứng, biểu cảm và gây tác động tới ngoại hình", chuyên gia nói.
Chị lấy ví dụ về phong thái, nếu ở ngoài đường, bạn gặp hai cô gái đều xinh đẹp, có dáng hình chuẩn như nhau nhưng một người nhẹ nhàng khoan thai ngồi xuống ghế sẽ gây ấn tượng hơn cô gái ngồi phịch xuống. "Khi tâm trí bạn luôn khoan dung, nhẹ nhàng, bạn sẽ bộc lộ nó qua cử chỉ bên ngoài. Một khi bản thân đã có phong thái, dù bạn ở độ tuổi nào, ví dụ 60 hay 70 tuổi, các bạn vẫn nổi bật và rạng ngời trong cốt cách", Quỳnh Trang cho biết.
Đáp lại ý kiến cho rằng "học đi đứng chỉ phí tiền", Nguyễn Quỳnh Trang nói: "Nếu bạn mặc rất đẹp nhưng đi hai hàng, bị gù lưng, dáng đi thô và to, chưa tính đến vấn đề sức khỏe, bạn đã bị trừ điểm thẩm mỹ đầu tiên. Việc học đi đứng để dáng đi trở nên đẹp hơn, sức khỏe tốt hơn, khiến bạn cũng cảm thấy tự tin yêu đời hơn".
Quỳnh Trang cũng cho biết học viên đến lớp của chị đa phần với mong muốn hoàn thiện những điều họ còn thiếu sót, chứ không phải vì mục tiêu lấy chồng sang giàu hay làm màu như mọi người vẫn nói. Tuy nhiên, chị cho rằng: "Mây tầng nào sẽ gặp mây tầng đó. Khi bạn biết thêm một kiến thức, bạn sẽ mở ra những cơ hội tốt hơn, được gặp những người tốt hơn".
Quỳnh Trang cũng đưa ra lời khuyên cho những phụ nữ muốn trau dồi bản thân mà chưa có điều kiện đi học. Chị gợi ý rèn luyện khí chất qua việc yêu thương chính mình. Bạn hãy chủ động chăm lo cho bản thân, trau dồi tri thức, biết bao dung, biết ơn với tất cả mọi thứ xung quanh. Hoặc bạn đọc sách, trau dồi, cân bằng kiểm soát cảm xúc của mình. Khi có điều kiện, bạn nên tham gia lớp yoga, tập thể dục. Nhờ trau dồi sức khỏe, bạn cũng có đủ năng lượng để làm toát khí chất ra bên ngoài.
Hằng Trần
Ảnh: Học viện Phong thái Á đông