Xem - Thứ tư, 18/5/2022, 00:00 (GMT+7)

Châu Nhuận Phát – sức hút của 'khí khái Hong Kong'

Ngày 18/5, Châu Nhuận Phát tròn 67 tuổi và đến nay, anh đã có nửa thế kỷ đóng phim, để lại dấu ấn qua hơn 120 phim điện ảnh và truyền hình.

Hình ảnh kinh điển của Châu Nhuận Phát trong phim 'Bản sắc anh hùng'.

Có chuyện vui kể rằng khi Bản sắc anh hùng (A Better Tomorrow) – bộ phim sau này được xếp thứ hai trong danh sách 100 phim điện ảnh Hoa Ngữ hay nhất - phát hành năm 1986, Trương Quốc Vinh (vai Tống Tử Kiệt) trà trộn làm khán giả bình thường ra rạp xem suất chiếu nửa đêm. Trong lúc xem và theo dõi phản ứng của khán giả ngồi trong rạp, anh đã phải thốt lên:

"Chết thật, khán giả yêu thích Châu Nhuận Phát quá, nhưng tôi lại là anh cảnh sát muốn bắt anh trai mình và Châu Nhuận Phát, chẳng ai sẽ thích tôi đâu". Chỉ một câu chuyện ấy để hiểu người Hong Kong thời bấy giờ đã mê mệt vai Mark Lee của Phát Ca (tên gọi trìu mến mà khán giả dành cho Châu Nhuận Phát) đến thế nào.

Mark Lee là tay xã hội đen đeo kính đen của Alain Delon, phì phèo thuốc lá, đưa đồng đôla giả lên đốt bằng chính đầu thuốc của mình, đi kèm nụ cười nửa miệng đắc chí. Người đàn ông cao lớn ấy mặc chiếc măng tô dài một mình xông vào nơi toàn kẻ thù để trả thù cho người huynh đệ. Diễn viên quần chúng vào vai kẻ đầu tiên bị Châu Nhuận Phát bắn trong căn phòng náo nhiệt chính là Châu Tinh Trì. Mark Lee trong Bản sắc anh hùng ­vốn không phải vai chính nhất. Khi xếp tên diễn viên, nhà sản xuất xếp Địch Long rồi tới Trương Quốc Vinh, sau đó mới đến Châu Nhuận Phát. Nhưng người Hong Kong hâm mộ Mark Lee đến nỗi dù anh đã chết ở phần 1, sang phần 2 họ vẫn phải bịa thêm một người anh em song sinh thất lạc để anh được hồi sinh.

Khí khái Hong Kong

Nếu như Trương Quốc Vinh là hoài niệm Hong Kong, Lương Triều Vỹ là nỗi buồn Hong Kong, Châu Nhuận Phát sẽ là khí khái Hong Kong. Có lẽ chính tên phim Bản sắc anh hùng mô tả đúng đắn nhất dành cho Phát Ca - một người anh hùng đích thực.

Năm 1972, Kim Dung viết tiểu thuyết võ hiệp cuối cùng trên tờ Minh Báo ở Hong Kong rồi chính thức phong bút. Không còn những anh hùng giang hồ xuất kiếm trên trang giấy Tra tiên sinh (tên thật Kim Dung là Tra Lương Dung) nữa nhưng người Hong Kong sắp sửa đón chờ một người hùng giang hồ mới vì năm 1974, Châu Nhuận Phát bước vào làng giải trí. Tuy nhiên sau đó, ông phải lăn lộn nhiều năm mới tạo lập được tên tuổi.

Xem lại những tác phẩm lập danh của Phát Ca, từ phim truyền hình Bến Thượng Hải đến sau này là các tác phẩm điện ảnh hợp tác cùng đạo diễn Ngô Vũ Sâm như Bản sắc anh hùng, Lạt thủ thần thám (Hard-boiled), Điệp huyết song hùng (The Killer), khán giả không khỏi nghĩ về chủ nghĩa anh hùng Kim Dung. Cũng như những anh hùng tung hoành ngang dọc như Lệnh Hồ Xung, Dương Quá hay Kiều Phong, những nhân vật của Phát Ca đều đứng ở lằn ranh giữa chính và tà.

Trích đoạn phim 'Bến Thượng Hải'
 
 
Nhạc phim 'Bến Thượng Hải'

Những nhân vật này là xã hội đen giết người "như ngóe", cầm súng giản đơn như người ta cầm đũa ăn cơm, thậm chí kể cả khi là cảnh sát thì cũng vô ý giết nhầm người tốt và cũng chất chứa ân oán nợ máu. Nhưng ở họ lại có điều gì đó chính nghĩa hơn cả chính nghĩa thông thường, công lý hơn cả công lý thông thường. Những con người này không nắn hành động của mình theo pháp luật phải trái, mà theo nguyên tắc có ân phải báo, có oán phải đòi, yêu ra yêu, ghét ra ghét, thành ra họ vừa phóng khoáng, vừa tự do, hào sảng, lại lãng mạn, tình nghĩa.

Họ chẳng theo cái công chính cứng nhắc như bột thạch cao, mà là đại diện cho thứ công chính mềm dẻo, tiêu diêu và khoái hoạt.

Trong Điệp huyết song hùng, bộ phim ảnh hưởng lên cả những nhà làm phim gangster số một của Hollywood như Quentin Tarantino hay Martin Scorsese, Phát Ca vào vai một tay sát thủ sắp giải nghệ, ngờ đâu vô tình làm hỏng đôi mắt một cô ca sĩ trong hộp đêm. Vì muốn kiếm tiền cho cô phẫu thuật, anh liền chấp nhận làm một phi vụ cuối. Khi được yêu cầu kể lại về ngoại hình tay sát thủ, một vị cảnh sát nói rằng người này rất có khí khái nam tử, đôi mắt rất có thần, rất có sự cảm thông, rất có tình cảm. Nói cách khác, người ấy chẳng giống tội phạm chút nào, mà giống một đấng trượng phu. Điệp huyết song hùng có lẽ cũng là một trong những bộ phim Châu Nhuận Phát đẹp nhất. Anh vẫn mặc chiếc áo măng tô dài biểu tượng của mình, đôi bờ vai rộng, những bước đi chậm rãi oai phong. Đó không phải một sát thủ thông thường mà là một sát thủ biết thưởng thức âm nhạc, một sát thủ ngồi trong giáo đường để tận hưởng sự tĩnh lặng dù chẳng tin vào Chúa. Đó là một sát thủ thâm tình, vì tình yêu và tình bạn mà sẵn sàng xả thân, khiến cả viên cảnh sát một mực tin vào nguyên lý đúng sai cũng phải lung lay, phải đứng về phía anh, làm bạn anh. Đó là một vị anh hùng theo nghĩa nguyên thủy nhất.

Anh hùng khảng khái

Châu Nhuận Phát không phải kiểu mãnh hổ cô đơn như Alain Delon. Anh ung dung hài hước, hào phóng, rộng rãi nên lúc nào trong phim, anh cũng phải có một người anh em vào sinh ra tử. Luôn luôn, người đó ban đầu sẽ có một khúc mắc với anh, ví như Địch Long trong Bản sắc anh hùng không muốn tái nhập giang hồ nữa, Lương Triều Vỹ trong Lạt thủ thần thám thì không muốn anh xen vào chuyện của mình, Trần Bách Cường trong Điệp huyết song hùng thì là cảnh sát bắt tội phạm, Trương Quốc Vinh trong Tung hoành tứ hải thì cùng yêu một cô gái mà anh yêu.

Nhưng dẫu bất đồng với nhau về điều gì đi chăng nữa, cái khoái hoạt của Phát Ca cũng khiến tất cả đều bị dẹp qua một bên để sau rốt, họ vẫn có thể bên nhau đến cuối, vuốt mắt cho nhau, chết cho nhau, cạn chén vì nhau.

Để hiểu thêm về sức hút của Châu Nhuận Phát, có lẽ tốt nhất là đặt trên thế so sánh với Lương Triều Vỹ trong Lạt thủ thần thám - tác phẩm từng được tạp chí Empire của Anh xếp trong 100 bộ phim hay nhất mọi thời đại, còn vai diễn Tequila của Phát Ca được xếp trong 100 nhân vật điện ảnh hay nhất. Hai ngôi sao hàng đầu trong thời kỳ thịnh vượng nhất của phim ảnh Hong Kong đơn giản là thuộc hai trường phái diễn xuất quá đỗi khác nhau.

Lương Triều Vỹ là bậc thầy diễn xuất nội tâm, Châu Nhuận Phát là ngôi sao hành động. Nhưng chớ đánh giá thấp một ngôi sao hành động. Vai diễn Alan của Lương Triều Vỹ là một gián điệp, một cảnh sát ngầm giả làm tội phạm. Vai diễn Tequila của Châu Nhuận Phát là một cảnh sát từng lỡ bắn chết một cảnh sát ngầm vì không làm theo đúng nguyên tắc chỉ được bắt sống, không được giết. Lương Triều Vỹ thâm trầm bao nhiêu thì Châu Nhuận Phát khảng khái bấy nhiêu. Lúc nào Lương Triều Vỹ cũng như đang che giấu một tâm tư nào đó sau đôi mắt âu sầu. Châu Nhuận Phát không có ánh mắt phức tạp, đầy ải như thế nhưng bù lại, anh cứ xuất hiện trên màn hình giây phút nào là thân hình cao lớn của anh như chiếm trọn màn ảnh, một kiểu tài tử đích thực, ngay cả khi anh chẳng làm gì. Ánh mắt của anh trong sáng, khi ngùn ngụt lửa giận, lúc đong đầy tình cảm, khi tràn đầy nghĩa khí. Anh có thể chơi một bản saxophone nao lòng ngay trước khi vào trận đánh với đám côn đồ. Anh có thể ôm ấp một đứa trẻ sơ sinh trong khi đấu súng giữa vòng vây của những kẻ xã hội đen, hát ru cho nó bằng giọng hát ngang phè, cười đùa với nó, khi máu tóe lên mặt nó thì anh xin lỗi.

Dù có là tay đánh bạc thì Châu Nhuận Phát cũng vẫn phải là một nam tử hán. Vẻ đẹp đỉnh cao của Phát Ca là trong Thần Bài, khi anh ngồi trên chiếu bạc, mặc vest đen, đeo nơ bướm, tóc vuốt gôm chải ngược ra sau, mỗi khi cười là hai nếp nhăn ở đuôi mắt hiện lên rất rõ, tủm tỉm biết chắc chiến thắng đã thuộc về mình. Nhưng vẻ đẹp nam tính ấy lại có nét hiền hòa khác thường, không thấy chút nào gượng ép khi một vị thần bài đánh đâu thắng đó như vậy lại thích ăn... socola, sẵn sàng quyết đấu một ván để trả thù giúp một người mới quen chỉ để đổi lấy thanh socola anh thích.

Khi vờn đuổi đối phương trong trận đánh bạc, anh cao ngạo biết bao nhiêu. Đến khi mất trí nhớ cầm chiếc bóng bay đứng giữa đường, anh lại ngây thơ đến nhường nào. Châu Nhuận Phát chuyển đổi qua hai trạng thái ấy thật mượt mà, khiến sự vô lý của những bộ phim thương mại Hong Kong thời ấy trở nên hóm hỉnh, duyên dáng.

Ngược với Lương Triều Vỹ hay Trương Quốc Vinh, những người đàn ông sầu khổ chỉ cưu mang nỗi đau của mình đã là quá đủ, Châu Nhuận Phát thường diễn những vai người bảo vệ, người che chở cho kẻ khác và tận hiến vì kẻ khác. Có lẽ vì vóc dáng cao lớn như một cây đại thụ của anh, chỉ đứng dưới bóng anh đã cảm thấy được an toàn.

Như trong Tung hoành tứ hải, khi Châu Nhuận Phát, Trương Quốc Vinh và Chung Sở Hồng vào vai ba anh em kết nghĩa thân thiết chuyên đi trộm tranh, mỗi khi Phát Ca và Ca Ca (tên thân mật của Trương Quốc Vinh) xuất hiện chung, người xem luôn cảm thấy Ca Ca là cậu em bé nhỏ có chút mong manh nương tựa vào sự vững chắc của Châu Nhuận Phát. Trong bộ phim ấy, ban đầu, Chung Sở Hồng có tình cảm với Châu Nhuận Phát. Anh cũng có tình cảm với nàng. Nhưng rồi khi tưởng anh đã chết, Sở Hồng chấp nhận đến với Trương Quốc Vinh, hôn anh nhưng trong lòng cô lại nghĩ về Châu Nhuận Phát. Để rồi một ngày nọ, khi tình yêu an ấm, Châu Nhuận Phát bỗng quay trở lại trên chiếc xe lăn.

Giữa tình thế bối rối và khó xử ấy, Phát Ca vẫn tỏ ra bình thường, hào hiệp không xen vào chuyện tình cảm của hai người em thân thiết, thậm chí tới kết phim còn tình nguyện làm bảo mẫu cho con họ.

Một trong những cảnh thể hiện hết cá tính sảng khoái của Châu Nhuận Phát là khi gặp lại Chung Sở Hồng. Giữa hai người có biết bao điều muốn nói mà không thể nói, biết bao lưu luyến mà cả hai cùng quyết định sẽ cất đi vĩnh viễn. Anh cho cô ngồi lên lòng mình và đẩy xe lăn đưa cô đi khắp nơi ngắm ngôi nhà mới. Khi ấy, anh hoàn toàn vô tư, vẫn cười nụ cười sáng lấp lánh, không tị hiềm, không dục vọng.

Người đàn ông khí phách của màn ảnh Hong Kong

Hiếm có tài tử nào có được phong thái mà cùng lúc đẹp lồng lộng nhưng lại không khởi nên chút dục vọng nào như thế. Những cảnh khi anh lái chiếc xe mui trần màu đỏ chở Sở Hồng và Quốc Vinh, những cảnh khi anh uống ly rượu vang trước khi bước vào thiên la địa võng để đoạt một bức tranh, khi ngồi xe lăn mà vẫn tươi cười là hình ảnh của con người Hong Kong ở thời kỳ thịnh trị, đầy sức sống, hiển hách, khí phách và đầy phấn chấn.

Châu Nhuận Phát phải chăng là một trong số những người hiếm hoi biết yêu say đắm mà không có khao khát chiếm đoạt người tình? Trong Đồng thoại mùa thu (An Autumn’s Tale) của đạo diễn Trương Uyển Nghi, một trong những bộ phim tình cảm tiêu biểu nhất Hong Kong thập niên 90, anh vào vai Samuel Pang, một anh chàng người Hoa học hành khiêm tốn, lăn lộn tại thành phố New York. Anh đi đón cô em họ xa tít mù khơi Jennifer (lại là Chung Sở Hồng) sang du học và đoàn tụ bạn trai. Nào ngờ, cô bị bạn trai bỏ rơi. Thương hại, anh an ủi và bầu bạn cùng cô.

Không một nụ hôn, không lời bày tỏ, cả hai cứ thầm kín giữ trong mình cảm tình cho nhau, một phần có lẽ bởi Jennifer được học hành đàng hoàng còn Samuel chỉ là anh chàng cầu bơ cầu bất với ước ao mở được một quán cafe nhìn ra Đại Tây Dương. Châu Nhuận Phát trong bộ phim này thật ấm áp biết chừng nào, chỉ anh mới có thể chuốc say một người phụ nữ nhưng... chẳng làm gì cô. Khi cô tỏ ý chưa sẵn sàng, anh không nài ép.

Cảnh cuối phim 'Đồng thoại mùa thu'
 
 
Cảnh cuối phim 'Đồng thoại mùa thu' của Châu Nhuận Phát và Chung Sở Hồng

Cảnh cuối khi họ tình cờ gặp lại, lúc này Samuel Pang đã có một "cơ ngơi" cafe như anh hằng mong ước, Jennifer bước vào, hoàng hôn đang buông, Samuel Pang nhìn cô cười thật rạng rỡ. Không vồ vập, anh đón cô bằng tất cả sự nồng nhiệt trong vắt. Bộ phim kết thúc ở đó, hai con người còn chưa nắm tay nhau.

Còn trong kiệt tác Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An, nhân vật Lý Mộ Bạch của Châu Nhuận Phát cũng chỉ có duy một lần nắm tay Du Tú Liên (Dương Tử Quỳnh), hôn thê của người huynh đệ đã qua đời. Mãi đến lúc trút hơi thở cuối cùng, anh mới nói cả đời mình đã yêu nàng.

Khi vào vai Lý Mộ Bạch, Châu Nhuận Phát đã là người đàn ông trung niên 45 tuổi. Lúc này đây, tuy cũng là một cao thủ muốn quy ẩn giang hồ giống như nhân vật trong Điệp huyết song hùng dù vẫn chưa thể rời khỏi gió tanh mưa máu, thần sắc của Châu Nhuận Phát đã tĩnh tại hơn nhiều. Phát Ca không còn là vị anh hùng trẻ tuổi khiến quần hùng kinh tâm động phách nữa, anh lúc này đã nghi ngờ những lý tưởng năm xưa, thấu hiểu sự đời, ánh mắt có chiều buồn man mác. Cảnh tỉ thí trong rừng trúc giữa Lý Mộ Bạch và Ngọc Kiều Long (Chương Tử Di) trở thành một trong những cảnh đẹp nhất phim. Ngọc Kiều Long tuổi trẻ mỹ mạo đánh những đường kiếm yểu điệu duyên dáng có chút ngang tàn, Lý Mộ Bạch tinh thông võ học, đánh võ mà như xả cảm những nỗi buồn từ tận đáy tim.

Cảnh tỉ thí trong phim 'Ngọa hổ tàng long'
 
 
Châu Nhuận Phát và Chương Tử Di tỉ thí võ thuật ở rừng trúc trong phim 'Ngọa hổ tàng long'

Trong hang động của Bích Nhãn Hồ Ly, nàng Ngọc Kiều Long lả lơi thách đố hỏi Lý Mộ Bạch rằng ông muốn cô hay thanh Lục Mệnh Kiếm. Nhưng đẹp đến bao nhiêu thì Lý Mộ Bạch cũng chẳng xuyến xao. Chắc chỉ có Châu Nhuận Phát mới có thể đóng vai một người đàn ông đứng trước một cô gái trẻ xinh tươi như thế mà vẫn không bị nàng quyến rũ. Chỉ Phát Ca mới có sự đường hoàng, vững vàng, đáng tin cậy ấy.

Bản sắc anh hùng còn lại gì?

Những năm sau này, Châu Nhuận Phát không còn nhiều vai diễn đáng nhớ như trước. Điện ảnh Hong Kong đã suy yếu, bản sắc Hong Kong cũng vậy, thế thì bản sắc anh hùng còn lại gì đây? Có mời Châu Nhuận Phát đóng tiếp những vai người hùng hào hiệp khí khái cũng thành ra gượng ép và không thật. Kiểu vai diễn ấy đã lùi vào dĩ vãng.

Một số trích đoạn trong phim 'Bản sắc anh hùng'
 
 
Các trích đoạn trong phim 'Bản sắc anh hùng'

Năm 2006, đạo diễn Giả Chương Kha ra mắt phim Người tốt ở Tam Hiệp kể về những thân phận con người bé mọn sau khi một con đập được xây nên và cả vùng đất chìm vào biển nước.

Trong phim này có một cảnh khi những người lao động nghèo cơ cực chăm chú xem Bản sắc anh hùng trên chiếc tivi cũ kỹ mờ nhòe, đúng vào lúc Phát Ca đeo kính đen, hút thuốc và đốt một tờ tiền giả. Với họ, Phát Ca trong màn ảnh đơn giản là trái ngược với cuộc đời thực đầy tàn nhẫn.

Tựa tiếng Anh của Bản sắc anh hùng A Better Tomorrow – Ngày mai tươi sáng hơn. Đúng ra thì bộ phim này đã thuộc về ngày hôm qua, Mark Lee đã thuộc về quá khứ, tinh thần phiêu diêu tự tại của Phát Ca cũng đã thuộc về kỷ niệm nhưng đôi khi, con người vẫn mong mỏi được nhìn về ngày hôm qua.

Bởi lẽ, toàn bộ hy vọng và niềm vui đều ở đó. Bởi "Bản sắc anh hùng" chỉ có thể tìm được ở đó, ở những gì đã qua.

Hiền Trang

Đánh giá phiên bản mới