Thương trường - Thứ ba, 29/5/2018, 15:52 (GMT+7)

Chàng trai bỏ giấc mơ Mỹ về nước bán vé xe online

Trước khi trở thành CEO của hệ thống đặt vé xe trực tuyến lớn nhất Việt Nam, Trần Nguyễn Lê Văn từng bán bánh đúc và thịt bò.

Ở tuổi 33, Trần Nguyễn Lê Văn là một trong những gương mặt doanh nhân trẻ tiêu biểu về khởi nghiệp. Chàng cựu sinh viên ĐH Bách Khoa TP HCM, là đồng sáng lập và CEO của trang đặt vé xe online, kết nối với hàng trăm nhà xe trên cả nước. 

Doanh nhân trẻ Trần Nguyễn Lê Văn là một trong những nhà khởi nghiệp truyền cảm hứng đến nhiều bạn trẻ. 

Trần Nguyễn Lê Văn sinh năm 1985 trong một nhà đình nghèo tại vùng quê Đồng Nai. Từ nhỏ, cậu bé Văn từng phải làm nhiều việc để đỡ đần bố mẹ. Nhìn cảnh bố mẹ từ sáng sớm đến tối mịt vất vả làm thợ hồ và bán rau ngoài chợ, Văn từng có ý định bỏ học để giảm bớt gánh nặng gia đình.

Thiếu thốn nhưng bố mẹ anh vẫn luôn động viên con học lấy cái nghề để mưu sinh. Anh Văn nỗ lực học tập và thi đỗ vào ngành Công nghệ Thông tin, ĐH Bách Khoa TPHCM, năm 2003 với điểm số ấn tượng.

Khi đang là sinh viên ngành Công nghệ Thông tin, anh Văn nuôi giấc mơ khởi nghiệp. Nhận thấy nhiều sinh viên còn thiếu kỹ năng mềm, anh thành lập câu lạc bộ kỹ năng sống đầu tiên tại TP HCM.

Khi còn là thiếu niên, Lê Văn từng nhiều lần muốn bỏ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. 

Sau đó, anh Văn quyết định khởi nghiệp với bánh đúc. Tuy nhiên, dự án này nhanh chóng thất bại do anh chưa tìm hiểu thị trường và đặc thù của ngành ẩm thực.

Không nản chí, anh Văn tiếp tục với dự án cung cấp thịt bò sạch đến các cửa hàng trong thành phố. Rút kinh nghiệm từ lần trước, anh dành thời gian tìm hiểu nhu cầu người tiêu dùng và các đơn vị phân phối. Dự án này thành công và đem đến cho anh một khoản dành dụm nhỏ.

Cuối năm 2011, anh dừng công việc của một "lái bò" để du học Mỹ. Sau khi xuất sắc giành được học bổng toàn phần trị giá 86.000 USD (hơn 1,8 tỷ đồng), anh Văn sang Mỹ học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) tại ĐH Thunderbird, bang Arizona.

Từ bỏ giấc mơ Mỹ để về nước tái khởi nghiệp

Ý tưởng về hệ thống bán vé xe trực tuyến đến với anh Văn năm 2012. Năm ấy, anh Văn trải qua cái Tết đầu tiên nơi xứ người. Bạn bè đều trở về nhà nghỉ đông trong khi một mình anh ở lại ký túc xá trong cô đơn và lạnh giá. Trong tâm trạng nhớ nhà, anh lên mạng tìm đọc các tin tức về quê hương.

Hàng loạt thông tin về những người con xa xứ vất vả ngược xuôi để mua vé xe về quê ăn Tết khiến anh đồng cảm. Anh trăn trở "tại sao ở Mỹ không ai xếp hàng để mua vé, còn người Việt lại phải xếp hàng dài để mua vé xe vừa vất vả, vừa lãng phí thời gian?". Sau khi tìm hiểu, anh biết được ở Mỹ có hệ thống mua vé trực tuyến. Người dùng chỉ cần lên hệ thống đặt chỗ và thanh toán online là có ngay vé dù ở bất kỳ thời điểm nào.

"Tôi đến Mỹ và rất muốn đưa những điều hay ở đây về áp dụng cho Việt Nam. Đoàn người xếp hàng mua vé xe luôn ám ảnh tôi. Điều đó thôi thúc tôi phải làm điều gì đó để giải quyết được tình trạng này. Thế nên, tôi quyết định tạm gác việc học và về Việt Nam khởi nghiệp hệ thống đặt vé xe online", anh Văn nhớ lại.

Quyết định táo bạo này của anh vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình, bạn bè. Mẹ anh ra sức ép "từ mặt" nếu con trai bỏ học. Áp lực từ nhiều phía nhưng anh Văn vẫn kiên trì theo đuổi lựa chọn của mình.

Bộ ba sáng lập VeXeRe (từ trái sang): Đào Việt Thắng, cử nhân tài chính tốt nghiệp loại xuất sắc của một trường đại học Mỹ; Nguyễn Trần Lê Văn; Lương Ngọc Long, cựu sinh viên ĐH Bách Khoa TP.HCM, từng đoạt giải Olympic Tin học cấp quốc gia.

Đầu năm 2013, Lê Văn bỏ dở việc học thạc sĩ ở Mỹ để về Việt Nam và thuyết phục hai người bạn cùng tham gia dự án. Cùng chí hướng, ba chàng trai trẻ chấp nhận bỏ việc với mức lương vài ngàn USD mỗi tháng để hợp sức tạo nên hệ thống đặt vé xe khách trực tuyến VeXeRe vào tháng 7/2013.

Văn phòng VeXeRe tại TP HCM với hơn 100 nhân viên. 

'Lửa thử vàng, gian nan thử sức'

Có kinh nghiệm startup và tích lũy được kiến thức phong phú nhưng khi khởi nghiệp lần 3, Lê Văn gặp không ít khó khăn. Ba người đồng sáng lập vừa đảm nhận công việc thiết kế, xây dựng tính năng hệ thống, vừa đi thuyết phục các hãng xe hợp tác, song họ chỉ nhận được những cái lắc đầu, thậm chí có lần bị đuổi thẳng.

"Thuyết phục người đồng hành đã khó nhưng thuyết phục chủ các hãng xe còn gian nan hơn rất nhiều. Bởi việc ứng dụng công nghệ thông tin vào doanh nghiệp vận tải còn quá mới mẻ tại Việt Nam", anh chia sẻ.

Anh Văn và các cộng sự đã dành hai tháng để thuyết phục các nhà xe với cam kết xây dựng miễn phí hệ thống quản lý doanh nghiệp cho họ. Cuối cùng, nhóm của anh cũng nhận được sự hợp tác từ họ.

Theo anh Văn, công ty anh hỗ trợ các hãng xe thay đổi toàn bộ cách vận hành và quản lý bằng ứng dụng công nghệ. Điều này giúp các doanh nghiệp vận tải giảm chi phí vận hành và tăng doanh thu từ 10 – 20% mỗi tháng. Đồng thời, hành khách mua vé có thể chủ động ngày giờ đi, chọn chỗ, so sánh giá vé và thanh toán trực tuyến tiện lợi nhất.

Năm 2014, dự án khởi nghiệp bán vé xe trực tuyến của anh Văn nhận được Giải thưởng Khởi nghiệp do phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình chọn; huy chương bạc cuộc thi Mekong Bussiness Challence 2014 do Công ty Mckinsey và Google tổ chức.

Trần Nguyễn Lê Văn nhận giải thưởng Doanh nhân tiêu biểu về khởi nghiệp năm 2016. 

Năm 2016, Trần Nguyễn Lê Văn là một trong 10 doanh nhân trẻ tiêu biểu của TP HCM. Anh vinh dự giải thưởng Doanh nhân trẻ tiêu biểu về khởi nghiệp do Ban Thường vụ Thành Đoàn TP HCM trao tặng.

Đến nay, VeXeRe đã trở thành hệ thống bán vé xe trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam. Hệ thống có hơn 2 triệu lượt truy cập mỗi tháng, hợp tác với trên 300 hãng xe, 20.000 đại lý trên toàn quốc. Mỗi tháng, hệ thống VeXeRe có hơn 4,5 triệu vé được bán ra; thời điểm lễ, Tết, con số này tăng gấp đôi. Số lượng nhân viên công ty cũng phát triển từ 3 người đồng sáng lập ban đầu lên con số 120 nhân viên.

Chia sẻ về chặng đường khởi nghiệp vừa qua, anh Văn tâm sự: "Chúng tôi đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách nhưng vẫn luôn giữ vững niềm tin. Mục tiêu chúng tôi muốn hướng đến là làm cuộc cách mạng trong ngành giao thông vận tải và du lịch giống như những gì mà Mỹ, Singapore đã làm được". 

Thảo Nguyên
Ảnh: NVCC

Đánh giá phiên bản mới