Căn phòng có vách ngăn bằng kính rộng vài m2 kê bộ sofa họa tiết hoa màu xanh gần chiếc đèn trang trí hiện đại và giá sách nhỏ treo tường là nơi làm việc của nữ giám đốc điều hành Miniso Việt Nam, Dương Thanh Tâm. Bàn làm việc của chị Tâm, ngoài giấy tờ, sổ sách, còn có collagen, mỹ phẩm và những món đồ nhỏ xinh. Từ vị trí này, chị có thể bao quát được toàn bộ nhân viên ngồi trước mặt.
Người phụ nữ nhỏ nhắn, thanh lịch trong chiếc váy dáng cổ điển, chào khách bằng nụ cười thân thiện. Thời điểm này hơn hai năm trước, chị còn đang đi giày bata, mặc quần jean, áo phông, đứng mỏi chân trong cửa hàng Miniso ở Trung Quốc để học làm nhân viên; học cách cắt thùng các tông. Còn bây giờ, Miniso dưới sự quản lý của chị Tâm trở thành một hiện tượng trong ngành bán lẻ Việt Nam và hiện có khoảng 40 cửa hàng khắp cả nước.
Năm 2016, trong lúc sang Trung Quốc khảo sát, tìm nhà gia công cho nhãn hiệu giày sắp startup, chị Tâm được một người bạn sống ở đây nhiều năm dẫn vào Miniso, thương hiệu tiêu dùng bán lẻ do nhà thiết kế người Nhật và thương nhân Trung Quốc sáng lập. Lần ấy, chị khuân về rất nhiều thứ làm quà: đồ dùng gia đình, đồ lưu niệm hay kỹ thuật số, với mức giá tính ra tiền Việt chỉ từ 50 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng. Mọi chuyện dừng lại ở đó bởi chị Tâm còn đang bận lo khởi nghiệp với nhãn hiệu giày của mình, không quan tâm Miniso là thương hiệu của nước nào và ai là chủ.
Hai tháng sau cuộc "chạm trán" với Miniso, chị Tâm nhận được cuộc gọi của người bạn vào sáng sớm trao đổi về cơ hội đầu tư nhượng quyền Miniso tại Việt Nam. Lúc đó, nhãn hiệu giày của chị Tâm sắp khai trương, hàng mẫu đang sản xuất, website đã sẵn sàng và cửa hàng đã chuẩn bị. Thế nhưng, cú điện thoại của người bạn làm chị Tâm thay đổi toàn bộ kế hoạch. Theo chị Tâm, trong kinh doanh, cảm nhận rất quan trọng.
"Trong tích tắc, tôi suy nghĩ: startup một nhãn hiệu mới từ đầu, đi tìm nguồn hàng đến thiết kế sản xuất rồi nhận diện thương hiệu mất vài năm, hay chọn Miniso đã được người tiêu dùng châu Á biết đến? Tôi quyết định dừng luôn nhãn hiệu giày nung nấu bao lâu, bỏ luôn số giày đã đặt cọc, chấp nhận mất vài chục nghìn đôla để chọn Miniso trong khi chưa đọc được hợp đồng, điều kiện hợp tác hay chính sách bán hàng của hãng. Chỉ biết đây là cơ hội hiếm có phải nắm giữ ngay", chị Tâm nói.
Chị Tâm không nghĩ nhiều, cũng thấy mình liều lĩnh nhưng cơ hội này hoàn toàn xứng đáng để đánh đổi, không luyến tiếc, dù khi ấy, chị không quá rộng rãi về tài chính.
"Cơ hội mới là quan trọng nhất", chị Tâm khẳng định.
Sau khi ký hợp đồng, chị Tâm trực tiếp sang hãng để học chuyển giao trong hai tháng. Đối với mô hình bán lẻ, ngoài kinh nghiệm quản lý, CEO còn phải hiểu được nguyên lý vận hành của mô hình đó, giống như quan điểm của người Nhật: muốn làm người thầy tốt, trước hết phải là người thợ giỏi. Theo chị Tâm, muốn quản trị một khách sạn theo đúng chuẩn 5 sao, bản thân người quản lý phải biết cách gập ga giường như thế nào hay biết cúi chào bao nhiêu độ là chuẩn. Với Miniso cũng vậy, chị Tâm phải biết và thành thục mọi công việc của một nhân viên.
"Suốt khoảng 60 ngày, tôi chỉ đi giày bata, mặc quần jean và áo phông đứng làm việc. Trong cửa hàng của Miniso, nhân viên không được phép ngồi và cũng không có lấy một chiếc ghế", chị Tâm nhớ lại.
Ban đầu, chị được giao việc đứng ở cửa hàng, chỉ được nhìn và hỏi quản lý mà không được tiếp xúc với khách hay đụng vào hàng hóa. Sau đó, chị được luân chuyển các vị trí trong cửa hàng, từ nhân viên các cấp lên cửa hàng trưởng. Tuần đầu tiên, đôi chân chị Tâm sưng vù vì phải đứng nhiều giờ.
Tuần thứ hai, chị bắt đầu được dạy cách rạch thùng các tông. Thùng các tông thường bị xem là giấy vụn nhưng với quan điểm của Miniso, bìa các tông cũng là tiền bởi nó cấu thành nên giá sản phẩm. Vì thế, thùng hàng sau khi nhập về, cửa hàng không được phép vứt đi và phải giao lại đủ khi ngày hôm sau nhập hàng mới.
"Mỗi ngày, hãng chuyển 1.000 thùng các tông đi toàn hệ thống, chỉ cần nhân 10 nghìn đồng một chiếc đã là bao nhiêu tiền. Đấy là câu chuyện về quản trị chi phí. Đối với bán lẻ, chi phí tạo ra lợi nhuận và nó phải được tích cóp từ toàn bộ quá trình vận hành của toàn hệ thống", chị Tâm phân tích.
Để đạt mục tiêu mở ba cửa hàng đầu tiên trong tháng 9, chị Tâm chỉ có ba tháng để huấn luyện, đào tạo và tìm kiếm mặt bằng cho cửa hàng. Câu chuyện tìm kiếm mặt bằng trở nên nan giải khi hầu hết các trung tâm thương mại ở Hà Nội đều không chào đón Miniso, với lý do thương hiệu chưa có tên tuổi. Nếu có, Miniso cũng chỉ được cho một ví trí xấu. Sau ba lần thuyết trình, chị Tâm chiếm được lòng tin của quản lý trung tâm thương mại IPH (Xuân Thủy, Cầu Giấy). Họ dành cho chị vị trí đẹp nhất vì tin Miniso sẽ làm nên chuyện. Hai cửa hàng còn lại, chị Tâm quyết định thuê ở mặt phố.
Trước thời điểm khai trương hơn một tháng, Miniso vấp phải lùm xùm về nguồn gốc sản phẩm. Tối hôm đó, trong lúc ăn cơm, chị Tâm nhận được điện thoại tới tấp, thông tin trên mạng về Miniso được chia sẻ dồn dập, trong khi cửa hàng chưa khai trương.
Với tay lấy tách trà, chậm rãi nhấp môi, chị Tâm nhớ về thời điểm khiến chị choáng váng. Trải qua nhiều công việc ở những vị trí khác nhau nhưng chị chưa từng phải ứng xử với khủng hoảng nào như vậy.
"Tôi gần như không biết phải làm gì, hàng hóa trị giá mấy chục tỷ đang lênh đênh trên biển, hệ thống đang vào guồng, hơn 90 nhân viên đang đào tạo. Tôi tự hỏi không biết sáng mai nhân viên có đến nữa không", chị Tâm kể.
Hôm ấy là buổi thứ năm của chương trình đào tạo. 9h sáng chị có mặt tại trụ sở đã thấy đông đủ, điểm danh chỉ thiếu một người. Họ đến với chị vì tin những gì được học suốt tuần qua và quyết tâm chứng minh Miniso có giá trị.
"Đó thực sự là sức
mạnh để tôi có niềm tin. Tôi nghĩ rằng mình truyền được niềm tin cho nhân viên ắt sẽ truyền được
cho thị trường", chị Tâm khẳng định.
Scandal về nguồn gốc lắng xuống một tuần sau đó nhưng chị Tâm rơi vào stress với câu hỏi: Liệu đến ngày mở cửa, có ai tới mua hay lại ném trứng vào cửa hàng? Thời điểm Miniso chuẩn bị ra mắt, câu chuyện về Trung Quốc đang sôi sục với vụ giàn khoan ngoài biển. Các cơ quan chức năng cũng đưa Miniso vào diện cần kiểm soát nên toàn bộ việc đăng ký, kiểm định, thông quan diễn ra căng thẳng và chặt chẽ. Bà chủ Miniso Việt Nam quyết định thay đổi toàn bộ kế hoạch truyền thông.
Để dẫn được khách đến cửa hàng Miniso, chị Tâm không làm chương trình khuyến mại hay giảm giá. Thay vào đó, chị tổ chức hai show ca nhạc: một ở cửa hàng trên phố cổ và một ở IPH. Trong lúc xem ca nhạc, cửa hàng Miniso hiện diện cạnh đó sẽ kéo khách vào. Cuối cùng, mọi tính toán của chị đều mang lại thành công ngoài mong đợi.
Ngày khai trương, mỗi cửa hàng của Miniso đón tiếp 1.800 khách. 12 nhân sự được chuẩn bị ở mỗi cửa hàng để phục vụ trung bình 300-500 khách một ngày nhưng tuần đầu tiên đột biến tới 1.200 - 1.800 khách mỗi ngày. Nhân viên làm việc không ngừng tay, ba bữa không kịp ăn. Hàng nhập về một tháng chỉ đủ bán trong một tuần.
Chỉ trong một ngày, những nỗ lực của chị Tâm gần như đã xóa bỏ được định kiến ở người tiêu dùng về sản phẩm nguồn gốc Trung Quốc tại Miniso.
Từ sau đó là những chuỗi ngày phục vụ khách hàng mướt mải của chị và nhân viên vì không đủ hàng bán. Ngày đầu tiên khi cánh cửa cửa hàng đóng xuống, kim đồng hồ điểm 1h. Có những hôm, nhân viên kéo được cửa xuống là ngồi ôm nhau khóc vì sung sướng nhưng cũng quá áp lực. Lượng mua gấp 10 lần dự kiến. Con số khiến chị Tâm hoảng nhưng cũng cho chị bài học: Thay vì nói về Miniso, chị cần làm thật tốt và mang lại những giá trị hoàn hảo cho khách hàng để họ trở thành người bảo chứng cho thương hiệu.
Trong những lúc căng thẳng nhất, chị Tâm quyết không bỏ cuộc như nhãn hiệu giày trước đó. Nếu dừng lại đồng nghĩa việc chị chấp nhận mình không minh bạch như người ta nói.
"Tôi muốn xóa bỏ định kiến hàng Trung Quốc bằng cách chứng minh Miniso thực sự tốt. Đa số hàng Miniso là Made in China và bây giờ có cả Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, tới đây sẽ là Việt Nam", chị Tâm tiết lộ.
Nữ giám đốc 8X lý giải, 80% hàng Miniso bây giờ xuất xứ từ Trung Quốc bởi đó là hàng tiêu dùng. Trung Quốc là công xưởng của cả thế giới, trong khi Miniso là hàng giá rẻ. Nếu chuyển sang các nước tiên tiến, chi phí sản xuất sẽ không được đảm bảo. Quy trình sản xuất của Miniso chặt chẽ khi có một đội ngũ phát triển sản phẩm, thiết kế và quản trị chất lượng. Họ được thừa hưởng nguyên tắc làm việc của người Nhật để tạo ra sản phẩm. Khi đã có tiêu chuẩn chất lượng, việc chọn nơi nào gia công không còn là vấn đề.
Trước khi đến với Miniso, CEO Thanh Tâm có nhiều trải nghiệm với công việc thuộc các lĩnh vực khác nhau. Chị từng có hơn 11 năm gắn bó với ngành công nghệ thông tin, sau đó mới chuyển sang làm CEO cho công ty phân phối dược phẩm. Sau hai năm điều hành một công ty về giải pháp marketing, chị bén duyên với Miniso.
Ngoài công tác điều hành Miniso, chị Tâm còn được biết đến là một chuyên gia tư vấn quản trị điều hành doanh nghiệp. Chị đang phụ trách đội tư vấn cho một số thương hiệu mỹ phẩm và thời trang uy tín trên thị trường.
"Tôi hay nói đùa với mọi người: không có thách thức, tôi thấy người như hụt hơi. Khi có thách thức, tự nhiên năng lượng đi lên. Suốt một tháng chuẩn bị khai trương Miniso, trung bình ngày tôi chỉ ngủ hai tiếng nhưng chẳng hề ốm đau, trong khi nhân viên đi truyền nước hàng loạt.Đến giờ, tôi không hiểu sao mình có thể bê được vài chục thùng hàng liên tiếp như thế. Liệu mình có phải đàn ông không?", chị Tâm cười lớn.
Thích thử thách bản thân nhưng CEO Miniso thừa nhận không phải người bị công việc chi phối mà công việc chỉ là chất liệu tạo cảm hứng cho chị. Càng bận, chị Tâm càng mặc đẹp. Càng stress, chị càng chăm chút bản thân nhiều hơn. "Tôi cho rằng phụ nữ phải biết yêu bản thân trước thì hạnh phúc mới đến với mình", chị Tâm nói.