Trò chuyện với Ngoisao.net, ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam, cho biết thời gian qua, nền tảng này đã vận dụng "Hiệu ứng bánh đà" để tạo giá trị chia sẻ. Nói cách khác, các sáng kiến của doanh nghiệp luôn xoay quanh câu hỏi: công ty giải quyết được bao nhiêu bài toán của xã hội?
Ông Tuấn Đức lý giải khái niệm "Hiệu ứng bánh đà" (Flywheel effect) được giới thiệu trong cuốn sách Từ tốt đến vĩ đại (Good to Great) của Jim Collins. Theo đó, các bánh đà trong một cỗ máy luôn cần nhiều lực để quay những vòng đầu tiên, nhưng dần dà, đến một điểm bùng phát, động năng được bảo tồn qua vòng quay ấy sẽ tạo ra mô-men, truyền lực cho động cơ khác, giúp hệ thống không ngừng tăng tốc dù không cần tác động lực từ bên ngoài.
Tương tự, trong giới kinh doanh, các công ty ban đầu cần sự góp sức của tất cả thành viên, đến một thời điểm, toàn hệ sinh thái sẽ vận hành nhịp nhàng, hướng tới tăng trưởng chung.
"Để tận dụng tốt 'Hiệu ứng bánh đà', doanh nghiệp cần tạo hệ sinh thái nhất quán. Sự phát triển của từng thành phần sẽ là động lực gia tăng cho toàn hệ thống, giúp họ phát triển từ 'tốt' thành ‘tuyệt vời’", ông Đức nói. Amazon là ví dụ áp dụng thành công khái niệm trên - từ nhà phân phối sách trực tuyến nhỏ đến đế chế trăm tỷ USD và được coi là công ty vĩ đại của thế kỷ 21.
Gojek cũng ứng dụng thành công "Hiệu ứng bánh đà" vào hệ sinh thái, đạt tốc độ phát triển ấn tượng. Từ trung tâm kết nối các tài xế xe ôm ở Indonesia năm 2010, ra mắt ứng dụng trên điện thoại hồi 2015, doanh nghiệp nhanh chóng tăng trưởng theo cấp số nhân, nhận đầu tư của các tập đoàn lớn như Facebook, Google, Tencent, Visa..., đồng thời được đánh giá là một trong những "siêu kỳ lân" ở Đông Nam Á.
Hiện Gojek kết nối hàng chục triệu người tiêu dùng với 2,6 triệu đối tác tài xế, hàng triệu nhà hàng thông qua loạt dịch vụ đa dạng - từ vận chuyển, thanh toán điện tử, giao đồ ăn đến giao hàng và nhiều dịch vụ theo yêu cầu khác.
Ông Đức phân tích, khi có nhiều tài xế đăng ký thành đối tác, họ có cơ hội cải thiện thu nhập. Có thêm nhiều nguồn cung tài xế cũng đồng nghĩa người dùng sẽ đặt xe nhanh, dễ dàng hơn. Khi thành viên của ứng dụng gia tăng, lượng đơn hàng nhiều hơn, thu hút thêm đối tác quán ăn, nhà hàng mới đăng ký.
"Với lượng lớn nhà hàng tham gia hệ sinh thái GoFood, khách hàng sẽ có thêm lựa chọn, tiếp tục quay lại nhiều hơn. Nhìn vào bức tranh tổng thể, hiệu ứng này mang đến sự tăng trưởng cho toàn hệ sinh thái", lãnh đạo Gojek nhấn mạnh.
Nhằm mang lại trải nghiệm tối ưu cho toàn hệ thống, doanh nghiệp tập trung vào phân tích, khai thác khối dữ liệu khổng lồ, từ đó tăng cường khả năng thấu hiểu khách hàng lẫn đối tác. Một trong các nỗ lực của doanh nghiệp là số hóa thao tác thủ công trên ứng dụng, tự động hóa quy trình đăng ký, hỗ trợ cập nhật thông tin cho đối tác, đẩy nhanh các bước nhận đơn, quản lý menu...
"Giá trị mà học thuyết bánh đà mang đến không dừng lại ở việc thúc đẩy tăng trưởng cho các bên. Hơn hết, mô hình này tạo hiệu ứng mạng lưới, rất khó có thể sao chép hay vượt qua", ông Đức cho hay.
Từ việc tạo giá trị tích cực cho xã hội, đơn vị có thể tạo ra doanh thu và lợi nhuận, nhờ vậy doanh nghiệp tiếp tục mở rộng, đổi mới, xây dựng sản phẩm chất lượng.
Cụ thể, Gojek có nhiều sáng kiến tích cực như dự án "Để không ai bị bỏ lại phía sau" (đã hoạt động hai mùa) và "Quán nhỏ vượt sóng to" - triển khai năm 2022, đào tạo nghề và kỹ năng kinh doanh cho các cá nhân, đơn vị khởi nghiệp ẩm thực trên nền tảng GoFood. Qua đó, đơn vị không chỉ trao thêm cơ hội gia tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho đối tác, mà còn tạo "mô-men tăng trưởng" cho toàn hệ sinh thái, rộng hơn là đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội nước nhà.
Theo ông Tuấn Đức, doanh nghiệp cần có mục tiêu rõ ràng, phải xác định khách hàng của mình là ai, họ cần gì và làm thế nào giải quyết bài toán họ đang gặp phải.
"Khi Gojek mới thành lập, một trong những vấn đề đầu tiên mà khách hàng ở Đông Nam Á hay gặp là kẹt xe. Lúc tắc đường, ngồi ôtô rất lâu mới tới, cách di chuyển nhanh nhất là bắt xe ôm. Chúng tôi là công ty đầu tiên trong khu vực ra mắt dịch vụ gọi xe hai bánh nhằm giải quyết vấn đề này", ông Đức cho hay.
Bên cạnh đó, từ đầu đơn vị cũng xác định việc hỗ trợ các đối tượng yếu thế, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là một trong các hoạt động cốt lõi. "Chúng tôi không ngừng tạo điều kiện kết nối hàng chục nghìn đối tác tài xế, nhà hàng với hệ sinh thái hàng triệu người dùng trên ứng dụng ", lãnh đạo doanh nghiệp nói thêm
Chị Nguyễn Thị Thanh Vân (35 tuổi) là một trong những trường hợp thay đổi cuộc sống nhờ nâng cấp bản thân, không ngừng học hỏi và được Gojek hỗ trợ chuyển đối số. Nhà nghèo lại có tới 12 anh chị em, Vân phải nghỉ học từ sớm, bươn chải mưu sinh đủ nghề. 24 tuổi, chị lập gia đình, sinh con, nhưng vợ chồng quanh năm lục đục vì cái nghèo đeo bám.
Hôn nhân không trọn vẹn, không nghề nghiệp, không tiền, không người thân bên cạnh, Vân bắt đầu ấp ủ kế hoạch tự kinh doanh để có thể làm chủ kinh tế. Chị được người quen sang lại một quầy nước nhỏ trên đường Mạc Đĩnh Chi (quận 1, TP HCM). Không có điều kiện theo đuổi những khóa chuyên sâu về pha chế, Vân mày mò học trên mạng, trải nghiệm thực tế hàng ngày. Chị cũng ghi nhận ý kiến của khách hàng, từ đó hoàn thiện chất lượng đồ uống.
Khi buôn bán ngày càng thuận lợi, chị mở quầy cà phê khác trên đường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Văn Đậu (quận 1) và thuê thêm người hỗ trợ. Tuy nhiên, do không đủ sức quán xuyến, sau một thời gian, chị trả lại mặt bằng cũ, dồn tiền thuê căn nhà nhỏ khang trang 45 m2 trên đường Điện Biên Phủ để tập trung kinh doanh.
Chưa kịp ổn định quán mới, Covid-19 ập tới khiến chị đối diện vô vàn khó khăn. Khoản dành dụm trước đó vơi dần để cầm cự mùa dịch, hàng loạt chi phí phải gánh như tiền thuê nhà, đầu tư nguyên liệu...
Giữa lúc tìm kiếm giải pháp mới cải thiện kinh doanh, Vân biết đến khoá học "Quán nhỏ vượt sóng to". Chị tích lũy kiến thức tài chính, cân đối thu chi, cách tính nguyên vật liệu, định giá hàng bán... Đồng thời, chị được chỉ dẫn cách chụp ảnh món ăn, thức uống sao cho đẹp mắt, hút khách hàng. Ngoài ra, chị cùng các học viên khác còn hiểu cách vận hành nền tảng đặt đồ ăn, vận dụng tính năng để quản lý đơn hàng, chạy tiếp thị trên GoFood...
Hiện Thanh Vân chuẩn bị đưa quán của mình lên GoFood, hy vọng có thể tiếp cận nhiều khách hàng mới và thu nhập tốt hơn.
Vạn Phát (ảnh: Gojek)