Thể thao - Thứ năm, 30/8/2018, 06:08 (GMT+7)

Bùi Thu Thảo lên đỉnh châu Á từ nghị lực thoát nghèo

Nữ hoàng nhảy xa Asiad 2018 từng nhiều lần bỏ điền kinh để đi làm kiếm tiền vì gia cảnh khó khăn.

Tối 28/8, Bùi Thu Thảo mang về cho đoàn thể thao Việt Nam chiếc HC vàng thứ hai tại Asiad 2018 khi đạt thành tích 6,55m ở nội dung nhảy xa. Dù thành tích này chưa được như kỳ vọng của cá nhân Thảo (cô từng đạt thông số 6,68m ở SEA Games 2017), đây vẫn là cột mốc lịch sử với thể thao Việt Nam. Lần đầu tiên Việt Nam có được HC vàng ở môn thi đấu được mệnh danh là “nữ hoàng” ở sân chơi Asiad.

Chiếc HC vàng Asiad là một phần thưởng cho những nỗ lực của Thu Thảo trong suốt 10 năm qua. Để có được ngày hôm nay, cô đã phải trải qua biết bao khó khăn, thử thách.

Cơ duyên với điền kinh

Bùi Thu Thảo sinh năm 1992 trong một gia đình thuần nông tại xã Đồng Thái, huyện Ba Vì, Hà Nội. Nhà Thảo thuộc diện nghèo nhất xóm, nên từ bé cô đã có ý thức phải thoát nghèo. Cô từng theo các anh chị trong xóm làm bất kể mọi việc, kể cả công việc không dành cho phái nữ như đóng gạch, phụ hồ...

Thảo sớm bộc lộ năng khiếu thể thao. Năm 13 tuổi, cô giành giải nhất ba môn đá cầu, điền kinh, bơi lội của huyện. Lên 14 tuổi, Thảo tình cờ được phát hiện bởi HLV Nguyễn Trọng Hổ - giờ là Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, Tổng cục TDTT - trong một lần đi xem giải vô địch điền kinh tỉnh Hà Tây.

"Ở giải vô địch điền kinh tỉnh Hà Tây năm đó, Thảo chỉ xếp hạng ba nhưng tiềm năng ở sức mạnh, tốc độ dậm nhảy, nếu rèn giũa thêm ở kỹ thuật sẽ có cơ hội tiến xa", ông Nguyễn Trọng Hổ nói về lý do tuyển chọn Thu Thảo.

Những lần định bỏ nghề

Thời gian đầu, Thảo được xếp tập luyện ở cự ly dài không phải sở trường nên không có thành tích gì. Thu nhập của VĐV khó khăn, đồng thời thương bố mẹ vất vả, cô quyết định bỏ ra ngoài làm phụ hồ tại một công trường xây dựng ở Hà Nội trong thời gian HLV Nguyễn Trọng Hổ dẫn nhóm VĐV khác sang Trung Quốc tập huấn.

Sự nghiệp thể thao tưởng như đã khép lại, bố Thảo sau đó lên Hà Nội bắt con gái trở lại với điền kinh. Sau chuyến công tác trở về, ông Hổ khuyên Thảo nên quay lại tập nhảy xa và cô đồng ý.

Mặc dù vậy, cho tới năm 2011, Thu Thảo vẫn chưa thể cạnh tranh thành tích với các đàn chị ở môn nhảy xa nên ông Hổ tiếp tục hướng cô chơi 7 môn phối hợp. Thời điểm này, bệnh khớp của bố Thảo phát nặng nên không thể lao động. Cô lại bày tỏ ý định về quê làm việc, chăm sóc bố. Ông Hổ một lần nữa phải thuyết phục người học trò ở lại tiếp tục tập luyện.

"Tôi khuyên Thảo rằng giờ bệnh tình của bố như thế, thay vì về nhà, đi làm cực khổ, em nên tiếp tục cố gắng để có lương, thưởng mua thuốc thang cho bố. Sau nhiều ngày suy nghĩ, Thảo quyết định ở lại tập", ông Hổ kể lại.

Thành quả cho những nỗ lực không biết mệt mỏi

Trong thời gian tập luyện ở Trung tâm HLTT quốc gia Nhổn, Hà Nội), Thảo khiến tất cả phải thán phục vì những ngày rét đậm mưa phùn, cô vẫn xin thầy tập thêm giờ. Những nỗ lực của cô cũng được đền đáp với những thành công ban đầu. Năm 2013, cô giành HC đồng nhảy xa tại SEA Games ở Myanmar. Năm 2014, cô giành HC bạc Asiad tại Hàn Quốc. Năm 2015, cô tiếp tục giành HC bạc trong kỳ SEA Games ở Singapore.

Đối thủ lớn nhất của Thảo tại sân chơi khu vực và châu lục trong những năm qua là VĐV Maria Natalia Londa của Indonesia. Không cam chịu cảnh về nhì mãi, cô quyết tâm cải thiện thành tích để đoạt HC vàng.

Niềm vui đến với Thảo vào năm 2017 khi cô liên tiếp đoạt HC vàng ở hai chặng Asian Grand Prix, giải vô địch châu Á và SEA Games 29. Đầu năm nay, Thảo tiếp tục giành HC vàng ở giải vô địch trong nhà châu Á trước khi mang về chiến tích lịch sử cho điền kinh Việt Nam tại Asiad.

Chiếc huy chương tặng chồng

Thu Thảo đã kết hôn được hơn ba năm. Vì muốn cống hiến cho thể thao nước nhà, cô tạm gác lại việc sinh con. Để có được thành quả như hôm nay, Thảo nhận được sự ủng hộ rất lớn từ bố mẹ chồng và đặc biệt là ông xã.

"Cũng lâu rồi vợ chồng tôi chưa được gặp nhau. Chồng tôi làm ở Mỹ Đình, thuê trọ gần trung tâm Nhổn. Biết trong khu tập không có máy giặt, sợ tôi tập luyện mệt mỏi nên chồng tôi thi thoảng "xin phép" qua gặp để lấy quần áo mang về nhà trọ giặt rồi chờ khô mang sang cho tôi. Nhưng hai đứa cũng chỉ gặp nhau ngoài cổng, nói vội vài câu rồi chia tay", Thảo tâm sự trước ngày sang Indonesia dự Asiad 2018.

"Tôi muốn giành được HC vàng để đem về tặng chồng, đó là giấc mơ của anh ấy", nữ VĐV có biệt danh Thảo “Bò vàng” nói về nguồn động lực của mình.

  • Với chiếc HC vàng Asiad vừa giành được, Bùi Thu Thảo được đoàn thể thao Việt Nam thưởng nóng 300 triệu đồng, Đài Tiếng nói Việt Nam VOV thưởng 100 triệu đồng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch thưởng 50 triệu đồng. Tổng cộng tính tới lúc này, nữ vận động viên quê Ba Vì được thưởng 450 triệu đồng.

Minh Khang

Đánh giá phiên bản mới