Showbiz - Thứ hai, 9/3/2020, 10:00 (GMT+7)

Bảo Nhân, Nam Cito - cặp đạo diễn sau thành công 'Gái già lắm chiêu 3'

Cặp bài trùng đạo diễn Bảo Nhân, Nam Cito chọn dòng phim về cuộc sống thị thành, hiện đại và sang chảnh nên luôn đầu tư kinh phí lớn.

Bộ đôi đạo diễn từng xem điện ảnh là "cuộc dạo chơi" và luôn tự nhận mình tay ngang, nhưng suốt 5 năm hoạt động, Bảo Nhân - Nam Cito liên tục gặt hái thành công với loạt dự án màn bạc, gồm: Gái già lắm chiêu (2016), Chạy đi rồi tính (2016), Gái già lắm chiêu 2 (2018). Mùa Tết vừa qua, Gái già lắm chiêu 3 tạo sức hút phòng vé, lọt danh sách câu lạc bộ 100 tỷ của điện ảnh Việt.

Cả hai cho biết mỗi người có quan điểm riêng về nghệ thuật, nhưng điều họ tâm đắc nhất là sự tương thông trong suy nghĩ, từ gu phim đến tầm nhìn kinh doanh trong sản xuất điện ảnh. 

"Yếu tố tiên quyết giúp phim thương mại thành công là mức đầu tư"

- Cảm xúc của hai anh thế nào khi "Gái già lắm chiêu 3" đi từ tranh cãi về trailer đến doanh thu phòng vé hơn 100 tỷ?

- Bảo Nhân: Chúng tôi mừng vì thành quả của êkíp hàng trăm người được đền đáp xứng đáng. Đích đến cuối cùng của chúng tôi vẫn là chất lượng phim và mục tiêu của các nhà đầu tư là doanh thu phòng vé. Tôi thở phào khi hai yếu tố đó đều đạt kết quả tốt.

Nam Cito tự nhận bản thân khó tính, cầu toàn trong mọi dự án.

Nam Cito: Chúng tôi thấy may mắn vì phần ba được quan tâm từ trước khi công chiếu. Giữa loạt phim điện ảnh mới ra mắt, sự chú ý của khán giả giúp êkíp đo được thị hiếu, mức độ quan tâm và khiến chúng tôi nhận ra khán giả bây giờ không hời hợt, dễ dãi trong thưởng thức điện ảnh. Sau khi phim chiếu, những tranh cãi cuối cùng cũng đã sáng tỏ. Điều đó cho thấy khán giả Việt đang tiếp cận điện ảnh một cách văn minh hơn, bởi ai cũng có suy nghĩ và chính kiến riêng.

Dự án còn bổ sung cho tôi và Nhân những bài học khi kinh doanh điện ảnh. Sự động viên từ đàn anh, đàn chị trong nghề tiếp sức cả hai. Khi khán giả lẫn giới chuyên môn dùng từ "high quality" để chỉ chất lượng phim chúng tôi làm ra, đó chính xác là điều êkíp định hướng cho các sản phẩm của mình.

- Có khán giả bình luận cú lội ngược dòng của "Gái già lắm chiêu 3" là may mắn có tính toán. Hai anh nghĩ sao?

- Bảo Nhân: Tôi rút ra nhiều bài học khi phim mình làm ra trở thành "case" truyền thông thú vị. Cú lội ngược dòng này cho thấy: với điện ảnh hay bất cứ ngành nghề nào, chúng ta cần đánh giá sự việc ở quá trình chứ không phải thời điểm. Và quá trình chứng minh chất lượng phim được quyết định ở thời điểm nó ra rạp, chứ không chỉ ở trailer chưa tới ba phút.

Nam Cito: Tôi nghĩ không ai có thể dự đoán phim của mình đoạt doanh thu bao nhiêu mà chỉ khẳng định chất lượng mà thôi. Riêng với Gái già lắm chiêu 3, cột mốc cho sự may mắn là chúng tôi quyết định dời phim lên chiếu Tết. Đó là sự tính toán quyết liệt và khá đau đầu cho nhà sản xuất, nhà phát hành bởi thời điểm thay đổi lịch chiếu quá gấp và cận Tết.

- Hai anh gặp khó khăn gì khi đột ngột biến "Gái già lắm chiêu 3" trở thành phim Tết?

- Bảo Nhân: Sự thay đổi bất ngờ nào cũng dẫn đến hệ lụy và khó khăn. Khi thay đổi lịch chiếu cận kề, chúng tôi đối mặt nhiều áp lực vì quá trình quảng bá phải làm lại từ đầu, cho đến việc xếp suất chiếu ở rạp cũng thay đổi. Rất cập rập.

Nam Cito: Tuy nhiên, êkíp hoàn toàn yên tâm chất lượng và nội dung  phim. Chúng tôi nhận thấy Gái già lắm chiêu 3 hội đủ yếu tố phim chiếu Tết cần có, quy tụ dàn diễn viên tên tuổi, ăn khách như Lan Ngọc, Jun Vũ, NSND Hồng Vân, NSND Lê Khanh... Bên cạnh đó, tôi đầu tư kinh phí khá lớn, hơn một triệu USD. Đó là lý do chúng tôi quyết định dời lịch chiếu bất ngờ.

- Vì sao anh quyết định đầu tư đến một triệu USD?

- Nam Cito: Đến nay, một triệu USD là ngân sách lớn nhất trong các dự án điện ảnh của cả hai. Với số tiền đó, bên cạnh kịch bản, tôi và Nhân có thể chi mạnh tay cho sáng tạo, âm nhạc, thời trang, bối cảnh... Đồng thời có thể chiêu mộ những nhân sự tài năng, danh tiếng hỗ trợ mình. Điều này khiến tôi tự tin, thêm hứng thú dồn hết tâm huyết, nguồn lực cho nó.

Vả lại, tiềm năng của thị trường điện ảnh Việt rất lớn. Theo tôi biết, nhiều đơn vị nước ngoài đang nhảy vào xây dựng hệ thống rạp tại Việt Nam. Phải có khán giả thì người ta mới dám đầu tư mạnh tay như thế. Do đó, các nhà làm phim như chúng tôi cũng phải đuổi theo guồng quay đó. Liên tục sáng tạo, "vắt óc" mang đến khán giả câu chuyện mới mẻ, thu hút.

Bên cạnh đó, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận thị trường phim ảnh hiện rất đa dạng. Ngay cả truyền hình hay phim chiếu mạng chú trọng chất lượng và chinh phục nhiều đối tượng khán giả. Điều đó khiến phim điện ảnh phải đầu tư hơn để tạo ra khoảng cách nhất định, tránh bị đánh đồng.

Bảo Nhân: Chúng tôi không tự tin khi sản xuất phim với kinh phí thấp. Nhất là khi dòng phim và các dự án của chúng tôi luôn xoay quanh cuộc sống thành thị, hiện đại và sang chảnh. Khi chúng ta còn mải tính toán, cân đong đo đếm, lo thiếu hụt kinh phí thì làm sao thỏa sức sáng tạo phim hay? Với tôi, yếu tố tiên quyết tạo thành công cho phim thương mại là mức đầu tư.

Các dự án sau của chúng tôi thường có kinh phí cao hơn phim trước. Từ cuộc sống trung lưu ở Gái già lắm chiêu 1, 2, chúng tôi khắc họa sự xa hoa, phù phiếm về giới thượng lưu cố đô Huế ở phần ba. Sự tăng dần mức kinh phí cũng là tính toán mạo hiểm. Làm phim giới trung lưu đã khó và tốn tiền thì xây dựng nội dung về giới thượng lưu càng tốn hơn. Bởi áp lực với bài toán đặt ra: làm sao thu hồi vốn khi tiền đầu tư đang cao dần. Nhưng nếu cứ làm phim với kinh phí ở mức bão hòa thì khó có dự án tốt.

"Cần xóa nhòa ranh giới vùng miền trong điện ảnh"

- Mục đích của hai anh là gì khi xây dựng hệ thống nhất vật hội đủ ba miền: con dâu (Ninh Dương Lan Ngọc) ở Sài Gòn, mẹ chồng (Lê Khanh) gốc Bắc, Mệ nội (Hồng Vân) lớn lên ở Huế?

- Bảo Nhân: Từ dự án đầu tiên, chúng tôi muốn phim của mình có đủ Bắc, Trung, Nam. Cách đây khoảng 5, 6 năm, thị trường miền Bắc hầu như không xem phim miền Nam. Ngoài Bắc rạp chiếu phim rất ít, còn miền Trung dường như không có khái niệm rạp chiếu phim hiện đại. Những phim giải trí Việt chiếu ở miền Bắc hiếm bán được vé.

Đến sau Gái già lắm chiêu 2, chúng tôi đo tỷ lệ khán giả và nhận ra lượng xem ở miền Bắc cao đột biến, miền Trung bắt đầu tăng. Có nghĩa khán giả đã hiểu được thông điệp mình muốn truyền tải. Thực tế cho thấy, nhiều diễn viên miền Bắc Nam tiến đóng điện ảnh chứ không bó hẹp mình ở một thị trường. Tôi nghĩ đã đến thời điểm cần xóa nhòa ranh giới vùng miền trong điện ảnh.

Nam Cito: Chúng tôi muốn hướng tới những dự án đại chúng chứ không tập trung khán giả một miền và Gái già lắm chiêu 3 là thử nghiệm đầu tiên. Sau thành công của phim, chúng tôi có những cuộc họp với các nhà phát hành để đánh giá kết quả và họ đưa ra thống kê: Gái già lắm chiêu 3 có tỷ lệ khán giả miền Bắc, Trung cao kỷ lục. Họ ngạc nhiên bởi yếu tố vùng miền và độ tuổi. Khán giả xem phim tăng đột biến, nhất là lứa tuổi từ 45 đến 60 - vốn là đối tượng khó tính, hiếm khi đến rạp nếu nội dung không đủ bao quát. Chúng tôi hạnh phúc khi giải được bài toán dung hòa yếu tố vùng miền và độ tuổi trong tác phẩm của mình.

- Vì sao các anh chọn bối cảnh Huế mà không phải những nơi nổi tiếng xa hoa ở TP HCM, Hà Nội?

- Bảo Nhân: Đến phần ba, chúng tôi muốn làm điều gì đấy mới hơn, có sự giao thoa giữa hai luồng văn hóa và mở rộng bối cảnh quay để có thêm đối tượng khán giả mới. Ngoài ra, tác phẩm nằm trong chuỗi dự án quảng bá du lịch Huế qua điện ảnh của Bảo Nhân, Nam Cito, gồm: series Nàng thơ xứ Huế, phim ngắn Hoa nở về đêmGái già lắm chiêu 3

Trước đó có nhiều phim điện ảnh quay ở Huế và khai thác cố đô với góc riêng biệt. Khi bắt đầu viết kịch bản, tôi xác định màu sắc Huế sẽ mới và khác biệt chứ không cổ kính, lãng đãng, mơ mộng như vốn có. Thực tế cho thấy phần ba đã thành công khi khắc họa một Huế khác lạ, rất vương giả, xa hoa, đúng tinh thần cung đình và được thổi vào màu sắc đương đại, đưa vào những câu chuyện giữa hai dòng văn hóa song song đang tồn tại ở Huế.

Nam Cito: Huế trong Gái già lắm chiêu 3 không đơn giản là bối cảnh mà nó mang sứ mệnh truyền tải văn hóa, lối sống và con người. Tất cả được lồng ghép qua số phận những phụ nữ trong gia tộc thuần Huế đương đại. Chúng tôi rất cầu kỳ khi muốn truyền tải thông điệp vùng miền qua cách khai thác câu chuyện đương đại của một gia tộc thượng lưu Huế. Sự tò mò về một vùng đất nổi tiếng với bề dày văn hóa cung đình cùng vẻ đẹp "chẳng nơi nào có được..." tái hiện qua tài diễn xuất của các nghệ sĩ, giúp phim chinh phục người xem, nhất là khán giả Huế.

- Các anh làm thế nào để thuyết phục cơ quan chức năng, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý cho lồng ghép các chủ đề "gái già", "bóc phốt showbiz", "hội chăn chuối" giữa bối cảnh cố đô khuôn phép?

- Bảo Nhân: Trước khi quyết định thực hiện phần ba, việc đầu tiên chúng tôi làm là liên hệ trực tiếp với tỉnh Thừa Thiên Huế để xem tỉnh có cởi mở và có chính sách hỗ trợ khi đoàn phim đến Huế hay không. Bởi tôi khá lo lắng vì Huế trước nay có thể nói bằng một cụm từ trong ngoặc kép là "đóng cửa", từng từ chối rất nhiều dự án điện ảnh lớn, kể cả quốc tế. Nhất là khi Gái già lắm chiêu 3 hơi hướng phim giải trí, mang phong cách lãng mạn, hài hước.

Nam Cito: Rất may mắn khi đúng thời điểm này, chính quyền địa phương có chiến lược quảng bá Huế và mong muốn nơi đây trở thành phim trường mới của điện ảnh Việt. Phần ba được thực hiện tốt nhờ sự hỗ trợ của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Văn hóa, Sở du lịch tỉnh, Viện nghiên cứu phát triển TT Huế... trong việc đơn giản hóa các thủ tục cấp phép.

Tôi cho rằng, muốn dựa vào điện ảnh để phát triển du lịch, cách nhanh nhất là tiết chế những thủ tục rườm rà. Gái già lắm chiêu 3 là phim điện ảnh giải trí Việt đầu tiên quay ở Huế nhận được sự hỗ trợ chính thức từ chính quyền, thậm chí có riêng một ban giải quyết những việc liên quan đoàn phim.

- Anh nghĩ sao trước bình luận: "Gái già lắm chiêu 3" thành công trong việc lấy lòng "mẹ chồng" Huế khó tính?

- Bảo Nhân: Tôi thấy rõ sự lo lắng cho phim của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngay suất chiếu đầu tiên vào mùng Một Tết, một số lãnh đạo cùng đến rạp xem phim. May mắn chúng tôi khiến tất cả thở phào khi kết hợp tốt yếu tố giải trí và văn hoá địa phương thông qua khoảng cách thế hệ từ nhân vật. Qua đó, họ hiểu rằng việc "cởi bỏ" định kiến về phim giải trí với những câu chuyện gần gũi, thu hút khán giả trẻ là cách quảng bá văn hóa, du lịch hiệu quả. Người trẻ trong nước và quốc tế sẽ biết về Huế ở một góc nhìn khác sau khi xem phim.

"Người ta nói chúng tôi chỉ giỏi làm phim nhà giàu"

- Các anh từng nói phần ba thể hiện rõ hiệu quả của mô hình làm phim khép kín "tự cung, tự cấp", tức là sử dụng tất cả nguồn lực trong êkíp mà không phụ thuộc vào nhà đầu tư hay tìm kiếm nhân sự chủ chốt bên ngoài. Yếu tố quan trọng tạo nên một đội ngũ như vậy là gì?

- Nam Cito: Là tiềm lực kinh tế và yếu tố con người. Chúng tôi có lợi thế vừa là đạo diễn, vừa là doanh nhân, đầu tư cho chính dự án của mình chứ không đi làm thuê. Chúng tôi sáng lập nên Mar6 Pictures, lên quy trình tự sáng tạo nội dung, kịch bản, sản xuất phim và PR Marketing cho mọi dự án của mình. Cả hai mất 5 năm hoàn thiện và tinh tuyển êkíp nhân sự chuyên nghiệp. Hiện tại, chúng tôi có thể tự tin nói rằng cả hai đã trưởng thành, đứng vững trong công nghiệp phim ảnh này.

- Sự chủ động về tiềm lực kinh tế hay cá tính làm phim đem đến thành công cho các anh?

- Nam Cito: Tôi cho rằng sự khác biệt nằm ở cá tính làm phim chứ không phải ở tiềm lực kinh tế. Bởi dù bạn có tiền nhưng chưa chắc tạo nên được bộ phim hay và thành công. Gu thẩm mỹ, sự nhạy cảm nắm bắt xu hướng để tạo nên câu chuyện thú vị, hợp thị hiếu khán giả mới là điều khiến bạn trụ được ở thị trường này.

Bảo Nhân: Đúng vậy, phong cách làm phim của chúng tôi rất thoải mái và dựa trên những ưu điểm, lợi thế bản thân. Đó có thể gọi là sự tự do trong sáng tạo bởi cả hai được đặc quyền tự quyết định việc mình làm gì cho phim mà không bị can thiệp bởi nhà đầu tư. Chính sự chủ động đó khiến các dự án của chúng tôi diễn ra trôi chảy và nhanh gọn. Tôi cho rằng khi không chịu sự can thiệp của người khác, được tự do thể hiện cá tính của mình, sự sáng tạo của bạn sẽ mang dấu ấn cá nhân rõ nét nhất.

- Có ý kiến cho rằng phim của hai anh luôn vẽ lên một thế giới hơi xa rời thực tế: hào nhoáng, xa hoa quá mức. Những nhân vật chính trong phim đều là những người giàu có, thời thượng và rất sang chảnh. Các anh nghĩ sao?

Nam Cito, Bảo Nhân đồng điệu trong sáng tạo nghệ thuật lẫn tầm nhìn kinh doanh trong điện ảnh.

- Bảo Nhân: Có người nói rằng chúng tôi chỉ giỏi làm phim nhà giàu. Tôi cho đó là lời khen hơn là sự mỉa mai. Bởi như tôi nói, chúng tôi là người có đặc quyền tự quyết định lựa chọn việc sản xuất phim gì, chủ động sáng tạo mà không lệ thuộc vào nhà đầu tư, nên sẽ làm những dự án mà chúng tôi thấy hứng thú. Tôi và Nam hiểu rõ thế mạnh của mình. Đó là sự am hiểu và có trải nghiệm ở môi trường hiện đại, đương đại. Điều ấy khiến tôi dễ dàng tạo nên thế giới trong phim thực tế, khiến khán giả tin rằng thế giới đó, cuộc sống đó của nhân vật là có thực.

Nam Cito: Phim phải phản ánh cuộc sống ở đời thực. Tôi chọn phát triển với dòng chick-flick, xoay quanh cuộc sống của những phụ nữ hiện đại, thành thị. Để tạo nên "vũ trụ sang chảnh, giàu có", chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ những tư liệu và trải nghiệm thực tế để khi đưa lên phim, những cuộc sống đó phải đáng tin tuyệt đối. Chúng tôi muốn hướng khán giả mơ ước về một cuộc sống hiện đại, giàu có và hạnh phúc.

Anh Phan

Producer: Đinh Đức Thành
Photo: Milor Trần
Stylist: Lee Bo In
Make-up: Trung Phan
Hair: Thượng Gia Kỳ
Location: PS Studio
Trang phục: Mas Man
Assistant: Đức Tài, Mã Kiều Khanh

Đánh giá phiên bản mới