Xem - Thứ hai, 27/3/2023, 00:00 (GMT+7)

'Bá vương biệt cơ' - tiếng vọng nhiều rung cảm sau 30 năm

Là phim Trung Quốc đầu tiên thắng Cành Cọ Vàng, 'Bá vương biệt cơ' cũng ghi dấu ấn kinh điển của tài tử Trương Quốc Vinh.

Tựa đề phim vốn là tên trích đoạn kinh kịch nổi tiếng Bá vương biệt cơ, tái hiện cảnh tượng bi hùng, xúc động khi nàng Ngu Cơ tiễn biệt người chồng - Tây Sở bá vương Hạng Vũ - xuất mã lâm trận. Cuốn phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lý Bích Hoa, xoay quanh số phận Trình Điệp Y và Đoàn Tiểu Lâu - hai nghệ sĩ làm nên tên tuổi với trích đoạn tuồng cổ này.

Cả đời mình, Điệp Y sống trọn vẹn với hình tượng Ngu Cơ. Sự nhập vai tâm huyết và niềm thiết tha dành cho nghệ thuật của anh khiến sân khấu và cuộc đời như hòa quyện chẳng thể tách rời. Tiểu Lâu thì ngược lại, anh giữ cho mình sự tỉnh táo và tách bạch giữa vai diễn và đời thường.

Theo chân hai nhân vật từ thuở nhỏ, khi là những đứa trẻ khổ công theo học kinh kịch, đến khi trở thành hai tượng đài sân khấu rồi sự nghiệp lụi tàn, bộ phim khắc họa chuyện hậu trường phía sau tấm màn nhung danh giá, cùng những ngã rẽ có cả hào quang và bi tình của đời nghệ sĩ.

30 năm Bá vương biệt cơ (Farewell My Concubine) ra mắt cũng là 20 năm nam chính Trương Quốc Vinh rời xa thế gian. Đến nay, chuyện hậu trường của bộ phim vẫn khiến khán giả xúc động.

Bộ ba ngôi sao Trương Phong Nghị, Củng Lợi, Trương Quốc Vinh (từ trái qua) tại LHP Cannes. Ảnh: Baidu

Không thể là ai ngoài Trương Quốc Vinh

Kịch bản Bá vương biệt cơ khắc họa Trình Điệp Y sinh ra để dành cho hình tượng Ngu Cơ. Và trên màn ảnh, Trương Quốc Vinh khẳng định vai diễn Trình Điệp Y được định mệnh dành riêng anh. Ở một cảnh phim, Tiểu Lâu nói với Điệp Y: "Cậu diễn không điên dại không nên hình hài". Trang QQ cho rằng nhận định này vừa vặn với Điệp Y trong câu chuyện phim, cũng thật xứng đáng để bình luận về Trương Quốc Vinh. Tại cuộc đua Liên hoan phim (LHP) Cannes 1993, tài tử chỉ thua diễn viên David Thewlis - chủ nhân giải "Nam diễn viên xuất sắc" - một phiếu bình chọn của ban giám khảo.

Theo Sina, tài tử Hong Kong mới đầu không muốn nhận vai bởi tính cách của Điệp Y khác mình quá nhiều. Anh tự thấy bản thân hạnh phúc hơn nhân vật. Nhưng sau khi vùi đầu nghiên cứu kịch bản, anh bắt đầu phải lòng câu chuyện và gật đầu đồng ý. Trong một đoạn phim tài liệu về Bá vương biệt cơ, Trương Quốc Vinh thổ lộ anh yêu nhân vật của mình và muốn hóa thân thêm nhiều vai bi kịch.

Đầu thập niên 1990, Trương Quốc Vinh là nghệ sĩ trực thuộc hãng phim của nhà sản xuất nổi tiếng Hoàng Bách Minh. Theo nguyên tắc công ty, anh không được đóng phim của "người ngoài". Riêng với Bá vương biệt cơ, Hoàng Bách Minh hết lòng cổ vũ bởi đọc kịch bản, ông nhận thấy dự án này sẽ thành tác phẩm để đời của Trương Quốc Vinh. Từ đó mỗi năm, nam diễn viên đều đặn góp mặt trong các phim Tết do Hoàng Bách Minh sản xuất với mức cát-xê hữu nghị, thay lời cảm ơn.

Một số tin đồn cho hay vai Trình Điệp Y từng được nhắm cho tài tử Tôn Long hoặc diễn viên kinh kịch Hồ Văn Các. Trong khi Hồ Văn Các không đủ tên tuổi vươn tầm quốc tế, êkíp của Tôn Long đưa ra nhiều yêu cầu hà khắc khiến đoàn phim "đầu hàng".

Tuy nhiên, đạo diễn Trần Khải Ca trực tiếp phủ nhận thông tin này. Ông khẳng định ngay từ đầu nghĩ đến Trương Quốc Vinh cho vai Điệp Y. Ông cho rằng không ai thích hợp diễn ra chất nhân vật bằng ảnh đế Hong Kong.

Theo QQ, vai Đoàn Tiểu Lâu ban đầu được tính toán giao cho Thành Long. Nhưng Thành Long khi ấy đã nổi đình đám, định hình phong cách ngôi sao võ thuật mạnh mẽ, sợ câu chuyện có yếu tố đồng tính ảnh hưởng hình ảnh cá nhân nên từ chối.

Chọn lựa Trương Phong Nghị thay thế được xem là sáng suốt. Trương Phong Nghị ngoài đời hào sảng, trượng nghĩa; vào phim thể hiện được tính cách trọng tình trọng nghĩa nhưng lý tính lấn át cảm tính.

Nguyên tác văn học chỉ nhắc đến Điệp Y thời niên thiếu và khi trưởng thành. Nhưng lên phim, đạo diễn Trần Khải Ca thêm câu chuyện tuổi thơ của nhân vật. Hai diễn viên nhỏ tuổi Mã Minh Uy (đóng lúc nhỏ) và Doãn Thủy (đóng thời niên thiếu) đều gây xúc động khi nhập vai.

Sự khổ luyện sau ánh hào quang

Trên màn ảnh, Điệp Y lao tâm khổ tứ vì sự nghiệp thế nào, phía sau ống kính, Trương Quốc Vinh khổ cực tôi luyện vì bộ phim thế ấy. Đạo diễn Trần Khải Ca nhận xét diễn viên của mình "là người dụng công một cách cực đoan".

Trương Quốc Vinh và Doãn Thủy - người đóng Điệp Y tuổi niên thiếu. Ảnh: Baidu

Trước khi phim khởi quay, anh từ Hong Kong sang Bắc Kinh sống 6 tháng, chuyên tâm học kinh kịch. Anh đọc sách về cuộc đời huyền thoại sân khấu Mai Lan Phương, tìm hiểu các thuật ngữ kinh kịch. Mỗi ngày, anh tập diễn ở Học viện Điện ảnh Bắc Kinh bốn tiếng buổi sáng, rồi về khách sạn tập tiếp. Có lúc sốt 38-39 độ, mặt đỏ bừng, anh vẫn miệt mài tập hát, tập diễn. Anh còn trau dồi khả năng nói giọng Bắc Kinh để vào vai thuyết phục.

Lần đầu sang đại lục đóng phim, Trương Quốc Vinh lạ nước lạ cái, bị ói, tiêu chảy. Tận dụng vóc dáng gầy rộc vì ốm, anh bỏ thói quen tập gym, nhịn đói, uống ít nước, làm cơ thể càng lúc càng mỏng manh.

Anh cũng tỉa bớt lông mày, cạo râu mỗi ngày, tạo vẻ ngoài mặt hoa da phấn. Anh bỏ thói quen sải bước chân lớn, đứng ngồi, đi lại khép nép hơn, để có được thần thái phi giới tính đúng chất nhân vật. Ngay cả lúc không quay, Quốc Vinh cũng giữ phong thái yểu điệu, sống như nhân vật và mang nhân vật từ trang kịch bản ra đời thực với mình.

Vẻ yêu kiều của nam diễn viên làm thành viên đoàn nể phục và mê mẩn. Diễn viên kinh kịch đóng thế được đoàn chuẩn bị rốt cuộc không được dùng lần nào, bởi Trương Quốc Vinh tự thực hiện tất cả cảnh phim, gồm cả những góc máy đặc tả động tác cổ tay, chân. Anh cho rằng mỗi bộ phận cơ thể đều có tim, cần bộc lộ cảm xúc đúng nhân vật.

Trong vai trò huấn luyện kinh kịch, nghệ sĩ Trương Mạn Linh đánh giá Trương Quốc Vinh tiếp thu môn nghệ thuật cổ truyền tốt hơn tưởng tượng của êkíp, dù anh chưa từng tiếp xúc trước đó. Trong cuộc phỏng vấn năm 1999, tài tử nói anh tự hào về vai Trình Điệp Y, nhưng thấy chưa thật hài lòng, cho rằng mình có thể diễn tốt hơn.

Anh được cả đoàn yêu quý vì luôn có mặt sớm nhất, chưa từng lãng phí thời gian của ai. Anh hay đãi êkíp đồ ăn, thức uống. Ngày nghỉ của mình, anh cũng gửi quà đến cho mọi người.

Những màn nhập vai bi hài

Ở cảnh Trình Điệp Y lên cơn nghiện và đập phá đồ đạc, đạo diễn vốn đã ưng ý "một đúp ăn ngay", nhưng Trương Quốc Vinh tự không hài lòng. Quay thêm vài lượt, tay anh đập vào cửa kính bị đứt, chảy máu. Sự cố làm cả đoàn xót xa, trong khi nam chính cảm thấy xứng đáng.

Sang đến cảnh Điệp Y nói với Tiểu Lâu: "Em muốn diễn với anh suốt đời suốt kiếp", tài tử lại khiến bạn diễn mất tập trung. Trương Phong Nghị than thở mỗi lần Trương Quốc Vinh nhìn anh bằng ánh mắt da diết của Điệp Y, anh "chịu không nổi". Hai ngôi sao cùng họ Trương, sinh cùng năm cùng tháng, cách nhau 11 ngày. Lần duy nhất kết hợp ở phim này làm nên màn tương tác đầy ăn ý giữa họ.

Trương Quốc Vinh và Trương Phong Nghị trong 'Bá vương biệt cơ'. Ảnh: HK01

Cảnh Tiểu Lâu bị sư phụ đánh, đạo diễn nói Trương Phong Nghị mặc nguyên y phục nhưng nam diễn viên đề xuất được nằm sấp, kéo quần lộ mông. Anh cho hay làm vậy mới đúng tinh thần của phim: dù bao nhiêu tuổi, các học trò cũng là trẻ con trong mắt người thầy.

Tất nhiên, nam diễn viên không tránh khỏi cảm xúc ngượng ngùng. Anh đề nghị tất cả thành viên nữ dưới 40 tuổi của đoàn phim tránh mặt lúc anh đóng cảnh này.

Ban đầu, diễn viên vào vai người thầy diễn nương tay nhưng do hình ảnh lộ tính giả tạo, đạo diễn yêu cầu đánh thật. Trương Phong Nghị đau đến mặt biến dạng. Hết cảnh, thấy ánh mắt lo lắng của đồng nghiệp, anh nói không sao để trấn an mọi người . Đến lúc có người nhắc thoa thuốc, anh mới biết mông mình bị đánh đến chảy máu.

Dù đóng vai phụ, Củng Lợi cũng ghi dấu trong phim. Ảnh: HK01

Góp công không nhỏ cho thành công của Bá vương biệt cơ là nữ phụ Củng Lợi, trong vai Cúc Tiên - vợ Tiểu Lâu. Với cảnh Cúc Tiên nhổ nước bọt vào mặt Điệp Y, lúc quay thử, Củng Lợi chỉ nhổ một ít tượng trưng. Nhưng lúc diễn, cô phun một cách mạnh dạn vì quá nhập vai. Trương Quốc Vinh hỏi đùa: "Sao em chảy nước miếng nhiều vậy, như đài phun nước!". Củng Lợi nghe thế ngại quá, vội lau mặt cho đàn anh.

Năm ấy, Củng Lợi vừa quay xong Thu Cúc đi kiện liền đến đoàn Bá vương biệt cơ. Mấy ngày đầu, cô chưa tìm được cảm xúc, phải tập luyện nhiều, đọc thêm tài liệu về kỹ nữ đương thời mới bước vào cuộc đời nhân vật.

Niềm nuối tiếc Oscar

Sau giải Cành Cọ Vàng 1993, Bá vương biệt cơ vào đề cử "Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc" tại giải thưởng Oscar một năm sau đó. Chung cuộc, đạo diễn Trần Khải Ca không tâm phục khẩu phục trước chiến thắng của phim Belle Époque đến từ Tây Ban Nha.

Đến gặp ban giám khảo hỏi chuyện này, ông nhận được câu trả lời: Vì Bá vương biệt cơ đã thắng Cành Cọ Vàng và Quả Cầu Vàng, trong khi Trần Khải Ca không quảng bá phim này với hội đồng Oscar, họ nghĩ ông không cần nên trao giải cho phim khác.

Thực tế, Trần Khải Ca không hiểu về chiến dịch quảng bá phim tại Oscar, cứ nghĩ phim mình thắng nhiều giải lớn sẽ chiếm ưu thế.

Trailer phim 'Bá vương biệt cơ'
 
 
Trailer phim 'Bá vương biệt cơ'

Phong Kiều (Theo Sina, QQ, Sohu)

Đánh giá phiên bản mới