Xem - Thứ tư, 7/12/2022, 00:00 (GMT+7)

Anya Taylor-Joy: Nàng thơ đương đại của Hollywood

Nếu phải tìm một cái tên đại diện cho thế hệ ‘nàng thơ’ mới của Hollywood, Anya Taylor-Joy thường là cái tên được nhớ tới đầu tiên trong vài năm trở lại đây.

Đã xa rồi thời kỳ Hollywood say đắm những nàng thơ tóc vàng mang vẻ đẹp cổ điển kiểu Grace Kelly hay Marilyn Monroe. Ngay cả những cô nàng với kiểu quyến rũ đầy nhục dục kiểu Megan Fox, hay tỏa ra phong thái nữ quyền lộ liễu như Jennifer Lawrence có lẽ cũng không phải "mốt" của kinh đô điện ảnh nữa.

Dường như sau những thời kỳ mê đắm những nét đẹp có phần cực đoan theo một kiểu nhất định, giờ đây Hollywood tìm kiếm một vẻ đẹp phức tạp và có phần mâu thuẫn hơn - ở đó vừa tìm thấy dáng vẻ cổ điển của Grace Kelly ngày nào, vừa được chiêm ngưỡng nét bướng bỉnh của tinh thần nữ quyền thế hệ mới, không chấp nhận ngồi một chỗ chờ người đàn ông đến giải cứu.

Và Anya Taylor-Joy là ví dụ rõ nhất cho vẻ đẹp ấy.

Nữ hoàng phim kinh dị

Sau những bộ phim đầu tiên làm nên tên tuổi gắn với thể loại kinh dị (đặc biệt trong số đó không thể không kể đến hai phim The WitchSplit), Anya Taylor-Joy gắn với hình ảnh "nữ hoàng phim kinh dị". Nhiều người cố gắng lý giải rằng chính đôi mắt to tròn vốn hợp với những cảnh phim thể hiện cảm xúc sợ hãi, cùng gò má cao có phần bướng bỉnh là những nét đặc trưng giúp cô lọt vào mắt xanh các đạo diễn dòng phim này.

Trailer phim 'The Witch'
 
 
Trailer phim 'The Witch' - một trong những tác phẩm đầu tiên của Anya Taylor-Joy

Thế nhưng với Robert Eggers - vị đạo diễn đã hai lần hợp tác với Anya, sức hút của cô phức tạp hơn nhiều. "Một trong những lý do bạn không thể nào rời mắt khỏi Anya là bởi trong cô cùng tồn tại nhiều điều tưởng như trái ngược nhau. Cô vừa cương trực, vừa kín đáo, vừa ngây thơ, vừa toát ra nét nguy hiểm".

Hollywood có một "thói xấu" là thường hay xây dựng những nhân vật nữ trong phim kinh dị theo hai kiểu khuôn mẫu: hoặc là những người nữ vào vai phản diện, hoặc là đóng những nhân vật thụ động chờ sự giải cứu của đàn ông. Thế nhưng, một điều đặc biệt là các vai diễn của Anya lại không thuộc vào kiểu nào trong những khuôn mẫu ấy.

Trong Split, mặc dù đóng vai nạn nhân của một vụ bắt cóc, cô nàng Casey trong phim lại không chấp nhận số phận mà tự mình tìm cách thoát ra khỏi nghịch cảnh. Một trong những cảnh đáng nhớ nhất của Anya nằm ở gần cuối phim, khi nhân vật Casey chiến đấu với nhân cách quái vật của Kevin. Ai mà ngờ được rằng cô gái với vẻ ngoài có phần yếu đuối ở phần đầu phim lại có thể hiên ngang đến vậy với khẩu súng ngăm ngăm trong tay, bắn thẳng vào kẻ bắt cóc. Và ai mà ngờ được tên quái vật tưởng như không còn nhân tính ấy lại quay lưng khi tiến đến gần Anya, vì chợt nhận ra "cô không giống những kẻ khác. Cô hoàn toàn thuần khiết".

Nếu như những bộ phim kinh dị là một ẩn dụ cho một thế giới phản địa đàng, những nhân vật của Anya sẽ luôn không từ mọi khó khăn nào, thậm chí là bạo lực để có thể tồn tại trong xã hội đổ nát ấy. Và cũng chính cô, chứ không phải ai khác, sẽ làm ác quỷ phải quay lưng và cứu rỗi thế giới này bằng sự thuần khiết và trắng trong của mình.

Vẻ đẹp sinh ra từ nơi đồng quê

Để truy nguyên về điều làm nên nét thuần khiết của Anya, phải đi một hành trình dài về những vùng đồng quê Argentina - nơi trải dài là những bãi cỏ và đàn ngựa chạy quanh. Anya Taylor-Joy là con của một gia đình có gốc Anh, đã dành những năm đầu tuổi thơ ở vùng quê như vậy. Sau này kể lại, cô cho rằng đó là những năm tháng đẹp nhất cuộc đời mình. Ảnh hưởng từ người mẹ cùng lời dặn dò "vẻ đẹp của con người nằm ở trong trái tim chứ không phải ngoại hình", Anya gần như chẳng bao giờ soi gương (một thói quen cô vẫn giữ đến tận bây giờ - khi đã trở thành ngôi sao hàng đầu Hollywood) và luôn chìm đắm trong thế giới xung quanh mình.

Thậm chí, việc không có quá nhiều bạn bè vào quãng thời gian ấy cũng chẳng phải vấn đề với Anya. "Chẳng có vấn đề gì nếu không ai muốn chơi với tôi. Trong đầu tôi đã có đủ nhân vật rồi", cô kể lại trong một buổi phỏng vấn.

Sau này, kể cả khi đã sống ở những đô thị lớn như London hay Los Angeles nhiều năm, cô vẫn luôn hướng về một ngày có thể lần nữa đắm chìm vào không gian đồng quê như ngày nào ở Argentina. "Tôi muốn sống ở một nông trại. Tôi muốn xung quanh mình là cừu, gà, vịt, ngựa... Tôi sẽ làm việc, sẽ vào thành phố khi mình muốn, để rồi bất chợt lúc nào đó lại biến mất và dạo chơi trên lưng ngựa suốt ngày dài".

'Downtown' - Anya Taylor Joy
 
 
Anya Taylor-Joy khoe giọng hát trong phim kinh dị 'Last Night in Soho'

Bộ phim The Northman có lẽ là tác phẩm thể hiện rõ nhất khía cạnh này của Anya. Trong phim, nữ diễn viên vào vai cô gái trẻ rong ruổi trên hành trình trả thù. Nhân vật Olga của cô phải đương đầu đủ mọi thể loại khó khăn trên con đường ấy, từ ngâm mình xuống bùn đến tắm ngập trong nước biển lạnh cóng. Có một cảnh quay, trong khi diễn viên đóng thế thậm chí còn run cầm cập hỏi Anya: "Trời lạnh quá, làm ơn hãy lên bờ đi", thì cô lại thản nhiên: "Thế này mới tuyệt chứ! Thiên nhiên là đây! Chúng ta đang đắm chìm trong nó! Chúng ta đang thực sự làm nghệ thuật!".

Nỗi cô đơn làm nên người nghệ sĩ

Vì yêu say đắm vùng đồng quê nên vào năm 7 tuổi, sau khi biết chuyện cả gia đình sẽ chuyển đến London, cô bé Anya ngày nào đã rất sốc. Cô từ chối học tiếng Anh, thậm chí làm đủ mọi cách để được ở lại Argentina nhưng đều vô ích. Sự xa lạ với đô thị tấp nập và cảm giác mình như một kẻ lạc loài khiến Anya không thể hòa nhập cuộc sống mới. Sau này, phải đến khi sang tuổi 25, cô mới có người bạn thân đầu tiên.

"Tôi cảm thấy mình chẳng thuộc về bất cứ đâu. Tôi quá Anh để là một người Argentina, quá Argentina để là một người Anh, lại quá Mỹ để có thể thuộc về bất cứ đâu khác. Lũ trẻ ở trường không hiểu và cũng không thèm chơi với tôi. Thậm chí có lần tôi còn bị nhốt ở trong tủ. Những ngày tháng ở trường học là biết bao trận khóc thổn thức trong nhà vệ sinh", cô chia sẻ trong một bài phỏng vấn.

Anya bỏ học năm 16 tuổi và chuyển đến Mỹ ngay sau đó. Cảm giác lạc loài khiến cô không thể tiếp tục hòa nhập ở trường học lại giúp Anya tìm thấy niềm vui trong diễn xuất. Dường như, khi con người ta cảm thấy mình không thuộc về đâu, không thể trở thành ai, thì cùng với đó họ có thể hóa trang và trở thành bất kỳ con người nào họ muốn. Diễn xuất với Anya trở nên tự nhiên hết sức, như thể nó luôn ở trong cô.

Trích đoạn phim 'The Queen's Gambit'
 
 
Trích đoạn trong series phim 'The Queen's Gambit'

Khi những dự án phim đầu tiên tìm đến, cô lập tức bắt lấy và tỏa sáng. Năm 2020, khi series The Queen's Gambit tạo cơn sốt toàn cầu với lượt người xem kỷ lục trên Netflix, Anya Taylor-Joy nổi tiếng trên toàn thế giới sau gần như chỉ một đêm. Hình ảnh cô được chiếu khắp nơi, còn những bộ cờ vua gắn với nhân vật của Beth trong phim liên tục hết hàng ở khắp các siêu thị. Lời nói đùa của đạo diễn Scott Frank khi bộ phim còn đang quay là tác phẩm này sẽ đem "sự quyến rũ" đến cho cờ vua bỗng chốc trở thành sự thật, công lớn thuộc về Anya Taylor-Joy.

Với cá nhân cô, thành công của The Queen's Gambit có nhiều ý nghĩa khác. Trước thời điểm The Queen's Gambit chiếu, hình ảnh Anya bị đóng đinh với thể loại kinh dị, máu me và sang chấn tâm lý. Nhân vật Beth, ở chiều ngược lại, mở ra một chiều kích khác trong con người Anya. Hành trình của Beth từ chỗ là một cô gái sống trong cô nhi viện, đến khi trở thành đại kiện tướng cờ vua số một thế giới, đồng thời nhiều lần lao dốc vì những cơn nghiện liên miên, tất cả đại diện cho sức hút mà Hollywood đang mong mỏi tìm kiếm.

Một mặt, hành trình của nhân vật là biểu tượng đại diện cho thứ giấc mơ Mỹ mà kinh đô điện ảnh đã luôn tôn sùng từ hàng trăm năm qua. Mặt khác, nhân vật cũng đại diện cho tất cả những mặt trái của giấc mơ đó, cho sự cô đơn đằng sau những thành công, cho sự sa ngã vì tiền tài và danh vọng đến quá nhanh, và vì thế, là nguy cơ sụp đổ của chính giấc mơ đó.

Nàng thơ của chính mình

Sau The Queen Gambit, các dự án bom tấn liên tục tìm đến Anya. Từ Emma, Last Night in Soho, The Menu đến tác phẩm kinh điển được dự đoán tạo ra kỷ lục phòng vé sẽ ra mắt thời gian tới là Mad Max.

Hollywood say đắm Anya.

Ở cô, ta tìm thấy đôi gò má cao gợi nhớ đến Angelina Jolie, mái tóc vàng óng ả của Grace Kelly năm nào, đôi mắt to tròn ngây thơ hệt như Audrey Hepburn. Thế nhưng tréo ngoe thay, cô cũng đi ngược lại với giá trị Mỹ mà cựu Tổng thống Donald Trump rao giảng trên các kênh truyền thông. Cô gái ấy sinh ra ở Mỹ, lớn lên ở Argentina và Anh – điều khiến cô mang tâm thức của người nhập cư. Cô từ chối giấc mơ tiền tài và giàu sang mà thay vào đó, mộng ước về một nông trại gần gũi với thiên nhiên của riêng mình.

Trong bộ phim mới nhất, The Menu, cô vào vai một thực khách bình dân giữa muôn vàn những kẻ mộ điệu sành ăn trưởng giả. Một lần nữa, cô lại vào vai kẻ lạc loài. Nhưng kỳ lạ thay, kẻ lạc loài ấy lại chẳng toát ra vẻ lạc lõng. Anya tin vào giá trị riêng của bản thân mình và mặc kệ thế giới xung quanh có xoay vần thế nào đi chăng nữa.

Trailer phim 'The Menu'
 
 
Trailer phim 'The Menu' - tác phẩm mới nhất có sự góp mặt của Anya Taylor-Joy

Cô gái Margot trong The Menu có lẽ chẳng khác Anya Taylor-Joy là mấy. Một người thì thẳng thắn từ chối những món ăn cách điệu, cầu kỳ nhưng đầy giả tạo và xa cách. Một người thì trong suốt những ngày tháng quay The Queen Gambit ở Đức, cứ mỗi khi kết thúc một ngày quay là lại đến một quán pub, nhảy cuồng nhiệt theo những điệu nhạc cho đến tảng sáng.

Anya Taylor-Joy dường như tâm niệm rằng trước khi là nàng thơ của bất cứ đạo diễn nào, cô phải sống cho mình trước đã!

Đức Minh

Đánh giá phiên bản mới