Anh hùng xạ điêu 2003 được thực hiện bởi nhà sản xuất nổi tiếng đương thời Trương Kỷ Trung. Lúc khởi động, phim khiến khán giả nghi ngờ do nam chính Lý Á Bằng từng gây thất vọng trong Tiếu ngạo giang hồ. Còn khi lên sóng, phim nhận nhiều "gạch đá", đặc biệt vì chất giọng kém mềm mại của nữ tính Châu Tấn. Nhưng qua từng tập phim, tác phẩm lưu lại dấu ấn kinh điển, giành được thiện cảm của khán giả và trở thành "con cưng" trong lòng tác giả Kim Dung.
Trang The Paper chỉ ra lợi thế lớn nhất của bản chuyển thể cách đây hai thập kỷ là ngoại cảnh chân thực và rộng lớn. Các phiên bản trước đó của Hong Kong hay Đài Loan đều quay trong phim trường với khung cảnh được dựng giả. "Hình ảnh của phim này đẹp hơn, khung cảnh rộng, như tái hiện một thời đế chế hùng mạnh của Thành Cát Tư Hãn", trang này bình luận.
Có chung nhận xét, Sina cho rằng các bản phim ở những thập niên trước bị hạn chế kinh phí và điều kiện làm phim, khiến các cảnh thiên binh vạn mã hời hợt, "không nên hồn". Phiên bản của giám đốc sản xuất Trương Kỷ Trung khắc phục được nhược điểm này, xem như khẳng định được chất riêng cho thể loại phim võ hiệp trên màn ảnh Trung Quốc đại lục.
Ngoài ra, phim được khen có nhiều góc máy đầy sự tính toán, mỹ thuật tinh tế và nhiều dụng ý, âm nhạc xuất sắc. Tờ Sina đánh giá đây là phiên bản Anh hùng xạ điêu tốt nhất ở mảng phim dài tập, trung thành nguyên tác, truyền tải được dư vị phim Kim Dung từ sách lên màn ảnh.
Dành cho phim nhiều mỹ từ nhưng trang The Paper cho rằng nhược điểm lớn nhất của Anh hùng xạ điêu 2003 là hai diễn viên chính. Bài đăng ngày 26/3/2017 bình luận: "Điểm yếu này đủ sức làm lu mờ mọi thế mạnh. Hai diễn viên còn nhiều hạn chế. Quách Tĩnh bề ngoài có thể không thông minh nhưng tuyệt đối không phải kém trí. Lý Á Bằng biểu hiện quá ngây ngô, xa rời nhân vật trong nguyên tác. Châu Tấn tuy hoạt bát, sinh động từ hình thể đến ánh mắt nhưng giọng nói là một điểm trừ".
Lúc phim mới lên sóng, chất giọng lạnh, phi giới tính của Châu Tấn và biểu cảm cứng nhắc của Lý Á Bằng cũng bị khán giả chê thậm tệ. Đổi lại, tờ Sina nhận xét Châu Tấn mang nét "cổ linh tinh quái" đậm chất Hoàng Dung.
Nhà văn Kim Dung cũng dành cho cặp sao nhiều tâm đắc. Ông trả lời Nhật báo Hạ Môn: "Châu Tấn diễn quá hay và cô ấy rất đẹp. Người ta chê Châu Tấn vì ký ức về Ông Mỹ Linh trong bản phim năm 1983 quá sâu đậm. Bạn thử so sánh sẽ thấy Châu Tấn đẹp hơn. Bản phim này tốt hơn các bản trước của Hong Kong và Đài Loan".
Tại một buổi tọa đàm của Kịch viện Hàng Châu, ông nói thêm: "Mới đầu, tôi không biết Lý Á Bằng diễn thế nào. Bản thân tôi cho rằng Lý Á Bằng là người trung hậu, thật thà. Tôi cảm giác cậu ấy đóng Quách Tĩnh rất hợp. Trước đó, cậu ấy đóng Lệnh Hồ Xung không tốt vì vai đó cần vẻ phong lưu, lãng tử".
Một lần làm khách mời của show Cuộc đời nghệ thuật, Lý Á Bằng kể lúc anh đang quay Tiếu ngạo giang hồ, một phóng viên hỏi anh có nhận tiếp vai chính trong Anh hùng xạ điêu không. Anh nói: "Nếu Tiếu ngạo giang hồ thành công, tôi sẽ không nhận. Nhưng nếu Tiếu ngạo giang hồ không ổn, tôi sẽ đóng tiếp, đóng đến khi nào tốt mới thôi".
Tài tử tự nhận hồi đó còn trẻ, luôn có tư tưởng không thể nhận thua. Tiếu ngạo giang hồ là phim cổ trang đầu tiên của anh. Quay xong phim đó, anh tự thấy còn rất nhiều chỗ có thể làm tốt hơn.
Đó là một trong những lý do khiến Lý Á Bằng không thực sự hài lòng với Anh hùng xạ điêu. Hơn ba tháng quay phim, ngày nào anh cũng chịu đau, thỉnh thoảng phải ngồi xe lăn vì không đi nổi. Lịch quay mỗi ngày 18 tiếng càng làm anh đuối sức. Phim đóng máy, anh mất thêm bốn tháng điều trị vết thương.
Trong một cảnh võ thuật, tài tử bất cẩn bị đứt dây chằng gối trái, trật khớp làm chân sưng đỏ. Kiểm tra tại bệnh viện địa phương, anh được phát hiện khớp gối tràn dịch, cần lập tức phẫu thuật. Nghĩ đến tính an toàn, đoàn phim đưa anh về Bắc Kinh điều trị.
Tương tự Lý Á Bằng, Châu Tấn cũng khóc hết nước mắt vì bị mũi kiếm quệt trúng trong một cảnh đấu võ. Khi đó, vết thương ở lưng mới khỏi chưa bao lâu, cô lại phải dưỡng thương tiếp.
Lần đầu kết duyên màn ảnh, Châu Tấn - Lý Á Bằng trở thành đôi tình nhân nổi tiếng của truyền hình Hoa ngữ. "Đằng gái" được khen khí chất chuẩn mực Hoàng Dung, "nhà trai" được nhận xét vừa đúng tinh thần của Quách Tĩnh. Châu Tấn từng nói dù người khác bình phẩm ra sao, Lý Á Bằng luôn là Tĩnh ca ca trong lòng cô.
Họ diễn ăn ý, yêu nhau từ trong phim đến ngoài đời thật. Chuyện phim giả tình thật của cặp sao được nhiều người quan tâm và nhận không ít bình luận trái chiều từ công chúng.
Thời mới đóng Anh hùng xạ điêu, Lý Á Bằng vẫn hạnh phúc bên diễn viên Cù Dĩnh. Bạn gái còn không ít lần đến phim trường thăm anh. Theo Sina, nam diễn viên và Châu Tấn nảy sinh tình cảm trong lúc diễn chung ở bối cảnh đảo Đào Hoa. Từng bắt gặp họ có cử chỉ thân mật, Cù Dĩnh đã làm náo loạn đoàn phim.
Sina thuật lại một ngày cả ba giáp mặt trên phim trường: "Bình thường đến giờ nghỉ, Châu Tấn và Lý Á Bằng hay ngồi chung. Nhưng hôm Cù Dĩnh đến, họ ngồi cách xa nhau cả mét, cũng ít nói chuyện. Tối hôm đó, đoàn quay cảnh Quách Tĩnh và Hoàng Dung cưỡi chim điêu bay khỏi vách đá cao 50 m. Cù Dĩnh rời đi, hai diễn viên mới thở phào nhẹ nhõm, diễn thoải mái".
Tờ này ví chuyện tình tay ba của họ như phiên bản hiện đại và đời thật của mối tình Hoàng Dung - Quách Tĩnh - Hoa Tranh. Giữa lúc dư luận trách Châu Tấn là "tiểu tam", Lý Á Bằng lên tiếng phủ nhận, còn Cù Dĩnh nói: "Đương nhiên anh ta có thể phủ nhận. Anh ta phủ nhận chắc vì có lý lẽ riêng của mình".
Sự quan tâm, quấn quýt của hai diễn viên là điều cả đoàn ai cũng chứng kiến. Trong khi các diễn viên khác tự đi xe của mình, riêng Châu Tấn có Lý Á Bằng đưa đón. Lúc quay phim ở thung lũng, "Tĩnh ca ca" chống gậy trúc qua bờ suối bên kia để đón "Dung Nhi" mới make up xong.
Ngày Châu Tấn vào bệnh viện tiêm thuốc, Lý Á Bằng đích thân đưa cô đi. Lúc rảnh rỗi trên trường quay, Lý Á Bằng chỉ thích chuyện trò với Châu Tấn, chưa từng trò chuyện riêng với các bạn diễn nữ khác. Đầu tháng 12, đoàn quay ở chùa Đại Phật, trời rất lạnh. Trong lúc đạo diễn thị phạm, Lý Á Bằng cứ ôm chặt lấy Châu Tấn, đến nỗi cô phải nói: "Anh Á Bằng, đừng ôm nữa".
Theo The Paper, một thành công lớn của Anh hùng xạ điêu 2003 là quy tụ được dàn diễn viên tên tuổi của truyền hình và kịch nghệ Trung Quốc. Châu Kiệt và Tưởng Cần Cần (Thủy Linh) để lại nhiều dấu ấn với vai Dương Khang - Mộc Niệm Từ.
Nhiều diễn viên tài năng, thâm niên đảm nhận các vai phụ như Tào Bồi Xương đóng Hoàng Dược Sư, Ưu Dũng đóng Âu Dương Phong, Vương Vệ Quốc đóng Nhất Đăng Đại Sư, Tôn Hải Anh đóng Hồng Thất Công... Với loạt cảnh ở Mông Cổ, đoàn phim cũng tìm toàn người Mông Cổ đóng, mang đến cảm giác chân thực trọn vẹn.
Riêng Dương Lệ Bình được ca tụng là Mai Siêu Phong đẹp nhất trên màn ảnh, đóng vai phụ nhưng hào quang không thua kém dàn chính. Trang 163 nhận xét nữ nghệ sĩ vóc dáng mềm mại, dung nhan mỹ lệ. Tờ Sohu cho rằng cô có khí chất của Mai Siêu Phong. Nhà văn Kim Dung từng nói nếu sớm biết Dương Lệ Bình đóng vai này, ông đã khuyên nhà sản xuất và đạo diễn thay đổi kết cục cho nhân vật.
Dương Lệ Bình là nghệ sĩ múa, từ nhỏ đã tập vũ đạo nên ngôn ngữ hình thể mềm dẻo, tạo nên nhiều khoảnh khắc cuốn hút trên màn ảnh. Cả sự nghiệp, cô chỉ đóng hai phim truyền hình và năm phim điện ảnh, chạm đến đỉnh cao với Anh hùng xạ điêu. Năm ấy, cô đóng phim này ở tuổi ngoài 40 nhưng nhiều người đoán cô tầm 30.
Theo 163, tìm người đóng Mai Siêu Phong là một trong ba cái khó của phim Anh hùng xạ điêu cách đây hai thập kỷ, bên cạnh sự cố hỏng bối cảnh, đạo cụ vì bão và đẩy nhanh tiến độ để kịp đóng máy trước Tết. Giữa lúc đau đầu vì nhân vật Mai Siêu Phong, giám đốc sản xuất Trương Kỷ Trung tình cờ xem được một màn trình diễn của Dương Lệ Bình. Suối tóc mềm mại, bộ móng tay dài của cô làm ông nhận ra đây chính là Mai Siêu Phong mình cần.
Trương không dám kỳ vọng nhiều vì ông biết rất ít nghệ sĩ chịu đóng phim nhưng vẫn gửi lời mời. Ban đầu, Dương Lệ Bình cũng đắn đo vì cô đã quen lối trình diễn tuần tự từ đầu đến cuối của nhạc kịch, không thích cách quay tách từng cảnh với thứ tự đảo lộn của phim ảnh. Tuy nhiên, phần vì Trương Kỷ Trung quá nhiệt tình, phần vì cô cần một khoản chi phí để đầu tư cho tác phẩm cá nhân, cô đã đồng ý nhận vai.
Lúc phim chưa chiếu, nhiều người nghi ngờ khả năng của Dương Lệ Bình vì cô không phải diễn viên. Nhưng thực ra cô được đào tạo về diễn xuất chuyên nghiệp, lại nghiêm túc và có tinh thần học hỏi. Cô đã dành nhiều thời gian nghiên cứu vai diễn.
Phong Kiều (Theo The Paper, Sohu, Sina, 163)