Showbiz - Thứ tư, 24/11/2021, 01:07 (GMT+7)

Adele: Khi 30 tuổi, ta ngồi với cơn mưa của chính mình

Album '30' của Adele giống như hành trình trị liệu mà ở đó, 'họa mi nước Anh' coi đau khổ như lẽ thường, không còn vương vấn hay hoài niệm.

Adele xuất hiện trên sân khấu khi ánh hoàng hôn bắt đầu buông xuống bên ngoài Đài Thiên Văn Griffifth. Đã hơn bốn năm kể từ lần cuối cô hát trước công chúng trong buổi diễn tại sân vận động Wembley trước 195.000 khán giả.

Adele biểu diễn trong chương trình "One Night Only". Ảnh: CBS

Chương trình One Night Only đặc biệt lên sóng hôm 14/11 của đài truyền hình CBS chỉ mời vài chục khách đặc biệt nhưng có đến hơn 10 triệu người trên khắp thế giới đã cùng đón xem qua truyền hình và các nền tảng trực tuyến. Khi piano vừa cất lên, Adele hát hai tiếng "Hello", nhiều khán giả lập tức thấy mình như bị xuyên thấu.

Trích đoạn 'Hello' - Adele
 
 

Dường như ai đó đã nhìn thấy nỗi buồn tưởng như đã kết đọng thành trầm tích trong ta.

Câu hát đầu tiên trong Hello mà hàng triệu người nghe đã thuộc nằm lòng:

Hello, it's me, I was wondering if after all these years you'd like to meet to go over everything.

Một câu hát mà giờ đây không còn chỉ mang ý nghĩa một câu hỏi hướng tới một người tình nào đó, mà còn hướng trực tiếp tới khán giả, những người đã "vịn" vào âm nhạc của Adele để bước qua những cuộc tình, những người đã phải ngóng chờ sự trở lại của Adele một khoảng thật dài, từ sau album 25 năm 2015: Xin chào, là tôi đây, tôi tự hỏi rằng sau bấy nhiêu năm, người còn muốn gặp lại và ôn chuyện ngày xưa.

Ngày mà đĩa đơn Easy on Me mở đường cho album 30 của Adele ra mắt, có một fanpage những người hâm mộ đã chia sẻ MV với lời dẫn vui: "Chào mừng ‘Nhàn nương nương’ trở lại sau 6 năm lưu lạc".

'Easy on Me' - Adele
 
 

Sáu năm cô không làm nhạc, trong khi những đồng nghiệp vẫn liên tục ra album mới, thậm chí có người như Taylor Swift từ đó tới nay đã ra tới bốn album mới và ghi lại hai album cũ. So với họ, Adele có vẻ nhàn nhưng chưa chắc đã là vậy: cô điều trị họng, leo núi, nâng tạ (cô tiết lộ đã luyện tập đến mức tạ 160-170 kg, như một vận động viên Olympic), giảm cân, kết thúc một cuộc hôn nhân, chìm trong đau khổ và tự vực dậy.

Thời gian chờ đợi Adele càng lâu, sự kỳ vọng với Adele và 30 càng lớn. Chưa kể 30 còn là một album hậu ly hôn. Nếu có một thể loại nhạc nào luôn trường tồn bất chấp thời đại, chẳng cần biết jazz đã lùi dần khỏi hào quang ra sao, rock vẫn sống hay đã chết, rap còn thống trị bao lâu, thì đó là heartbreak pop.

Vì thời nào cũng có người đau khổ vì tình yêu.

Album hay nhất của Fleetwood Mac, Rumours, là lời tạm biệt tình yêu sau khi tay trống Mick Fleetwood và tay bass John McVie đều bị hôn nhân làm cho thất vọng. Album đẹp nhất của huyền thoại Carole King, Tapestry, cũng được làm khi bà chia tay chồng - nhạc sĩ, người tri kỷ lớn nhất đời mình. Gần đây thì có Katie Melua, Kacey Musgraves, Lorde, ai cũng bước qua một cuộc hôn nhân và động thái đầu tiên của họ: dành một album cho sự mất mát và nỗi đau khổ.

Hiện tại, có ai biết cách chìm vào đại dương đau khổ đầy tha thiết, có ai tận tâm với sự tàn nhẫn đẹp đẽ của một tình yêu bất thành hơn Adele được nữa?

Thậm chí có thể nói rằng luôn có hai giai đoạn phải vượt qua sau một cuộc tình đổ vỡ: giai đoạn thứ nhất là khi ta học cách chấp nhận mọi thứ đã đổ vỡ, giai đoạn thứ hai là khi ta học cách bình thường hóa âm nhạc của Adele - luôn là bài kiểm tra cuối cùng. Có khi ta phấn chấn tưởng như đã băng bó lại được trái tim mình lành lặn sau một cuộc tình, để rồi bất chợt khi đâu đó vang lên một đoạn belt hay một câu hát của Adele: "Sometimes it lasts in love, but sometimes it hurts instead" (Đôi khi tình yêu còn lại mãi nhưng đôi khi nó chỉ để lại đau thương) – như lời ca Someone Like You thì ta nhận ra chẳng có gì được xếp lại cả.

Những lớp băng keo bong ra và trái tim ta hiện nguyên hình là khối hình nát vụn. Nỗi đau thì vẫn ở đây.

Đĩa '30' của Adele được phát hành từ hôm 19/11. Ảnh: RemoNews

Vậy nên nếu một mối tình tuổi trẻ năm 19 tuổi có thể khiến Adele viết nên tình khúc Someone Like You bóc trần ta như bóc một củ hành, thì 30 hẳn còn thấm thía gấp bội lần như vậy.

30 quả đúng là một album thấm thía nhưng lại không theo kiểu khán giả vẫn nghĩ về Adele, tức là nhất định phải đau khổ như có một cơn lốc dữ dội vừa cuốn bay đi tất cả. Tất nhiên 30 cũng đau khổ, đôi khi vụn vỡ nhưng nếu cần một so sánh, chắc 30 giống như một hành trình trị liệu nỗi đau.

'Strangers by Nature' - Adele
 
 
'Strangers by Nature' - ca khúc mở đầu album '30'. Video: Adele

Album bắt đầu bằng Strangers by Nature với những ca từ thê lương ảm đạm: "Tôi sẽ mang hoa đến nghĩa địa trái tim mình, cho những người yêu, trong hiện tại và trong bóng tối". Cả phần nhạc cùng tiếng hát của Adele cũng ủ dột như một bản cầu hồn. Đến Easy on Me, bản nhạc "Adele" nhất trong 30 – được viết như một lá thư không bao giờ gửi đến người cần nghe nó – một lần nữa thít lấy người nghe bằng sợi dây bền chắc của sự trầm uất. Hai ca khúc tiếp theo - My Little Heart Cry Your Heart Out - là khi nỗi đau khổ lên tới đỉnh điểm. Thay vì trầm bổng trong những quãng giọng của mình, Adele thu bản thân lại trong những giai điệu đi ngang, đôi khi nức nở thành tiếng, đôi lúc buộc tội bản thân nhưng phần lớn thời gian giống như một bóng ma lảng vảng.

'I Drink Wine' - Adele
 
 
'I Drink Wine' - ca khúc đang được nhiều người yêu thích trong album '30'. Video: Adele

Nhưng tới Oh My God, Can I Get it I Drink Wine, cô như gượng dậy sau một thời gian nằm bệt, nhất là với I Drink Wine - bản nhạc khi nghe có cảm giác như Adele vừa cầm trong tay một ly rượu vang, vừa lắc lư và ngẫu hứng hát lên nó. Mặc dù vậy, hành trình chữa lành không bao giờ bằng phẳng. Vừa vực dậy với I Drink Wine, ngay sau đó All Night Parking đã lại nhuốm cảm giác tội lỗi và Woman Like Me có ý trách hờn. Chỉ đến ba bản nhạc cuối - Hold On, To be Loved Love is a Game, những bóng tối xúc cảm mới dần được rửa trôi, vẫn còn đó nỗi đau nhưng đã đầy khoan thứ với chính mình.

30 phát hành ngày 19/11. Chỉ một tuần trước đó, Taylor Swift ghi âm lại Red. Cả hai album đều đến từ những người phụ nữ yêu hết mình và đau khổ hết mình.

Một dịp như vậy để khán giả lắng nghe sự khác nhau giữa họ.

Taylor Swift như một người theo chủ nghĩa ấn tượng, quẹt những nhát cọ ghi lại từng khung cảnh hồi ức của tình yêu: chiếc khăn quàng cổ, cuốn album cũ, điệu khiêu vũ trong căn bếp dưới ánh đèn tủ lạnh, những bộ phim Giáng Sinh, những đĩa nhạc của James Taylor, những tờ lưu bút viết tay cất sâu trong túi. Đó là một thứ âm nhạc rất chi tiết về nơi chốn, thời gian, những gương mặt, những tính cách.

Còn Adele, như một người, tạm gọi là theo chủ nghĩa biểu hiện. Trong âm nhạc của cô không có nhiều hình ảnh cụ thể, ít khi rõ ràng ở đâu, lúc nào, người nghe khó mường tượng được người cô yêu đích xác ra sao, và người-không-mặt ấy trở thành một nhân vật của chung, ai trong chúng ta cũng có một người từa tựa như thế.

Đó là cách âm nhạc Adele bám lấy tâm trí người nghe.

Nhưng ngay cả chủ nghĩa biểu hiện ấy ở Adele cũng đã khác. Hãy đặt song song Easy on Me cùng Someone Like You (21), When We Were Young (25) và Make You Feel My Love (19). Tuy Make You Feel My Love là một sáng tác của huyền thoại Bob Dylan, Adele đã hát như thể đó là bài hát của cô trong album đầu tay.

Chúng đều là những bài hát hay nhất trong từng album chúng hiện diện, và điểm chung đều là những lời cầu xin. Trong Someone Like You, cô vừa nói với người tình xưa rằng đừng lo, cô sẽ kiếm tìm một người khác giống như anh và chúc anh mọi điều tốt đẹp nhất trên đời, thì liền sau đó cô đã van anh đừng lãng quên cô – hai câu không thể mâu thuẫn và rối bời hơn. Trong When We Were Young, cô nài nỉ người tình cho mình ghi lại một tấm hình, phòng khi không bao giờ khoảnh khắc ấy còn trở lại. Trong Make You Feel My Love, cô van xin tình yêu, hứa hẹn ôm anh cả triệu năm, sẽ đi đến tận cùng Trái đất vì anh, bất chấp bão tố trên biển lớn. Ba lời cầu xin ấy xét cho cùng đều đặt người tình lên trên. Còn đến Easy on Me, cô vẫn cầu xin anh độ lượng với mình nhưng giờ đây đã đặt bản thân lên trước và nói mình bỏ cuộc.

Cả 19, 21, 25 đều kết thúc bằng một bản nhạc dành cho người khác hoặc cái gì đó khác. Hometown Glory là Adele dành cho chốn ngoại ô London nơi cô lớn lên, Someone Like You như đã nói là Adele dành cho người tình cũ, Sweetest Devotion dành cho con trai mới chào đời. Đến 30, với bài hát cuối cùng Love is a Game, Adele chẳng gửi tới ai khác ngoài chính Adele:

I can love me. I can love again. I love me now like I loved him.
Tôi có thể yêu tôi. Tôi có thể yêu lại từ đầu. Tôi yêu tôi như tôi đã yêu anh.

'Love is a Game' - Adele
 
 
'Love is a Game' - ca khúc khép lại album '30'. Video: Adele

Adele đã khác, tất nhiên, không chỉ vì ai rồi cũng khác, mà chính xác là bởi cô đã ngoài 30 tuổi.

25, Adele khi ấy còn rất trẻ nhưng đã hoài niệm về tuổi trẻ. Cô hát rằng đời trôi qua như chớp nhoáng, nhớ bầu không khí xưa, nhớ bạn bè, nhớ mẹ, nhớ khi cuộc sống còn là một bữa tiệc cho ta phung phí. Cô hát rằng mình phát điên lên vì đang già đi, và rằng thời tuổi trẻ như một bộ phim, như một bài ca để hát. Vậy mà đến 30, thời điểm đáng ra người ta phải hoài niệm nhiều hơn, Adele lại không. Ngay cả trong những giây phút tuyệt vọng nhất của cuộc đời, Adele cũng không hoài niệm. Cô có thể sợ hãi, thậm chí "chưa bao giờ sợ hãi đến thế", có thể cô đơn, có thể thấy mình đang rối loạn nhân cách, cũng có thể thấy trái tim mình đã thành một nghĩa trang nhưng cô không vương vấn hay hoài niệm.

Thực sự không phải 30 không đau khổ bằng 19, 21 hay 25 mà là nó đã đau khổ tới mức coi sự đau khổ như một lẽ thường, và thế là vượt lên sự đau khổ.

Trong buổi trò chuyện với Oprah Winfrey trong One Night Only, Adele nói khi thoát ly khỏi âm nhạc, cô thật sự không sâu sắc như lời ca mình viết. Cô cũng không biết những cảm xúc để viết nhạc lấy từ đâu nhưng mấy năm qua, cô đã học cách ngồi với những cảm xúc của mình, dù đó là cảm xúc gì đi nữa. Ở độ tuổi 30, người ta sống với hiện tại, dù hiện tại ấy có là cơn bão do mình tự tạo ra thì người ta cũng "ngồi trong cơn mưa của cơn bão đó" (Cry Your Heart Out).

Một nhà văn từng viết: "Cuộc đời là những hòn đảo cực lạc nằm giữa một đại dương u uất, và sau tuổi 30, những hòn đảo ấy ngày càng hiếm thấy hơn". Nhưng khi 30 tuổi, người ta không níu kéo những hòn đảo, cũng không sợ hãi ngâm mình trong đại dương u uất kia đến khi tìm thấy sự an ủi và lẽ sống cho hiện tại ngay trong đó. Với "thắc mắc" của Adele trong One Night Only dành cho khán giả, rằng:

Xin chào, là tôi đây, tôi tự hỏi rằng sau bấy nhiêu năm, người còn muốn gặp lại và ôn chuyện ngày xưa?

Câu trả lời là: Dĩ nhiên, nhưng không chỉ là ôn chuyện ngày xưa.

Hiền Trang

Đánh giá phiên bản mới