Đó là một buổi chiều tháng 10 năm 2005, tôi mặc chiếc áo hồng bánh bèo dài tay và một chiếc quần jeans ống vẩy đến tòa soạn trên đường Vạn Bảo. Hành trang tôi mang tới buổi phỏng vấn chẳng có gì ngoài tâm thế tuổi trẻ ngùn ngụt nhiệt huyết. Tôi vẫn nhớ như in khi được chị Thu Hương - thư ký tòa soạn Ngoisao.net lúc bấy giờ - hỏi: "Em có biết trang Ngôi Sao không?". Tôi hồn nhiên đáp lời: "Dạ em không ạ". Con bé 22 tuổi vừa mới ra trường là tôi, thú thực chưa từng nghe cũng chưa từng đọc một bài viết nào của Ngoisao.net. Bởi vì tôi đăng ký thi tuyển vào ban Văn hóa của VnExpress, chứ nào đâu có biết tờ báo điện tử này có một chuyên trang giải trí mang tên Ngoisao.net đã hoạt động được hơn một năm.
Hồi đó, Ngôi Sao gần như chưa có tên tuổi trên bản đồ báo chí, và việc tuyển dụng cũng phải thông qua VnExpress để sàng lọc ra những ứng viên phù hợp. Thế nên, chị Hương chắc cũng không ngạc nhiên và cũng chẳng chấp nhặt chuyện tôi không biết gì về tờ báo mà có thể tương lai rất gần thôi, tôi sẽ vào làm việc. Sau khi được chị giải thích về bản sắc và mục tiêu của trang báo, tôi bắt đầu mường tượng đây có lẽ là nơi phù hợp với sở trường và kiến thức của mình. Vốn là người yêu thích văn hóa, văn nghệ và cũng có chút năng khiếu về âm nhạc, tôi được giao cho nhiệm vụ đầu tiên là phỏng vấn một nhạc sĩ yêu thích. Và tôi đã chọn nhạc sĩ Phú Quang. Tôi được chị Hương cho số điện thoại của nhạc sĩ và tự liên hệ hẹn lịch phỏng vấn. Đó là người nghệ sĩ đầu tiên tôi được tiếp xúc trong sự nghiệp làm báo và cũng là bài viết đầu tiên của tôi được đăng tải trên Ngôi Sao, bắt đầu cho quãng đường 12 năm gắn bó với tờ báo thân yêu này.
Ngoisao.net khi ấy tự tuyên ngôn là tờ báo "lá cải" đầu tiên của Việt Nam. Mọi thứ chúng tôi làm đều không giống với cung cách của báo chí truyền thống. Ngay cả tên các chuyên mục cũng rất khác người. Thay vì đặt tên là ban Văn hóa, Văn nghệ hay Giải trí như các tờ báo khác, chúng tôi chọn "Hậu trường". Cái tên khi đọc lên gây tò mò nhưng cũng khá khó hiểu vì nó mới, nó không... bình thường. Thời kỳ đầu khi đi tác nghiệp với vai trò phóng viên, tôi luôn phải giải thích với nhân vật "Hậu trường" là gì và chúng tôi viết gì trong chuyên mục đó. Rồi sau một năm, hai năm, dần dần các nghệ sĩ cũng quen với cái tên này. Và nói một cách không khoa trương, mục Hậu trường từ khi tờ báo ra đời năm 2004 đến nay vẫn là mảng nội dung trọng yếu nhất của Ngôi Sao, mang lại giá trị và uy tín cho tòa soạn. (Gần đây, cái tên này đã được thay đổi từ Hậu trường sang Showbiz để phù hợp hơn với định hướng của giai đoạn mới).
Nhớ lại 2-3 năm đầu của Ngoisao.net, tôi vẫn hay nói với bạn bè rằng đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong quãng đời đi làm của mình. Lúc ấy, chúng tôi không có áp lực KPI như sau này, nhưng mỗi thành viên của tờ báo đều làm việc hơn 100% khả năng, với tâm niệm làm sao có được nhiều bài viết nhất với chất lượng tốt nhất để gây dựng tên tuổi cho Ngoisao.net. Phóng viên không bắt buộc phải viết bao nhiêu bài mỗi ngày, đạt được bao nhiêu pageview mỗi tháng. Tự bản thân mỗi người luôn tìm tòi, học hỏi, nỗ lực để cho ra đời những tác phẩm hay nhất vì mục đích chung của tòa soạn. Nếu không phải là người trải qua thời kỳ đó, chắc tôi cũng không tin được có giai đoạn "thần tiên" như thế từng tồn tại.
Như có nói ở phần đầu bài viết này, các bạn đã biết Ngôi Sao là chuyên trang giải trí của VnExpress. Toàn bộ nhân viên của hai tờ báo ngồi chung trong một văn phòng mở từ xưa đến giờ. Như một truyền thống, nếu như các phòng ban của VnExpress rất yên lặng làm việc thì Ngôi Sao chúng tôi luôn là bộ phận ồn ào nhất.
Tôi còn nhớ ở văn phòng Vạn Bảo, góc của Ngôi Sao có một bộ loa gắn vào máy tính cây, chuyên mở nhạc. Mỗi khi có album mới của nghệ sĩ yêu thích, chúng tôi mở loa ngoài "cập nhật" cho toàn bộ nhân sự của hai tờ báo ròng rã hết ngày này sang ngày khác. Nào là Đỗ Bảo, Hà Trần rồi Bằng Kiều, Lê Hiếu... Những ai từng ở Vạn Bảo chắc không thể nào quên, chúng tôi đã bật đi bật lại bài Những ngày đẹp trời của Bằng Kiều cả tháng trời. Có những bài hát quốc dân kiểu vậy thì ai cũng nghe được nên hầu như không có ý kiến gì. Nhưng đến một hôm, tôi mở bài Chênh vênh của Lê Cát Trọng Lý, chỉ vài phút sau có một phóng viên chạy lại khu vực Ngôi Sao thảng thốt: "Mọi người nghe cái gì thế?". Thời điểm đó (năm 2009), nhạc của Lý còn rất lạ lẫm với đa số người nghe, rất kén khán giả. Nhưng chúng tôi đã kiên trì "nhồi nhét" cho mọi người ở tòa soạn thứ âm nhạc mà các thành viên Ngôi Sao đánh giá là văn minh và đáng được thưởng thức theo cách rất vô tư như thế.
Những năm tháng sau này, khi nhân sự đông dần lên, chúng tôi không còn cơ hội để bật nhạc nhiều như vậy nữa vì ảnh hưởng đến độ tập trung của mọi người khi làm việc. Văn phòng cũng dời từ Vạn Bảo qua những địa điểm lớn hơn để phù hợp với tốc độ phát triển của tờ báo và nhân sự. Công việc của Ngôi Sao cũng có nhiều thay đổi. Chúng tôi phải cạnh tranh nhiều hơn với các trang giải trí khác trên thị trường, KPI thách thức hơn mỗi năm đòi hỏi sự sáng tạo và đột phá nhiều hơn về nội dung. Cá nhân tôi cũng trải qua những vị trí khác mang nhiều trọng trách hơn ở Ngôi Sao. Có những lúc vô cùng áp lực, nhiều khi muốn ứa nước mắt vì những điều mình cố gắng chưa đạt được như kỳ vọng, nhưng tôi và các thành viên khác của Ngôi Sao đã luôn làm hết sức mình. Với chúng tôi, Ngôi Sao không chỉ là nơi làm việc mà còn như gia đình thứ hai của mỗi người. Ở đây, chúng tôi đã có được những người thầy lớn trong nghề, những đồng nghiệp tốt, những người bạn thân lâu dài trong cuộc sống.
Dù có không ít khó khăn và thăng trầm, tôi thường chỉ nhớ về những điều hạnh phúc, vui vẻ từng có ở nơi đây. Hy vọng rằng, ở tuổi 20 đẹp đẽ này, Ngôi Sao vẫn luôn là ngôi nhà tuyệt vời của các thành viên trong tòa soạn, để có rời đi hay ở lại, mỗi người đều trân trọng, yêu thương tờ báo như chúng tôi đã từng.
Mỹ Dung
Trưởng ban Hậu trường (2005 - 2018)