Sơn mài là cách gọi phối hợp giữa chất liệu (sơn) và động tác kỹ thuật (mài). Từ nhu cầu gia cố chống nước, chống mối mọt cho vật liệu gỗ trong quá khứ, sơn mài trở thành điểm nhấn trong nghệ thuật văn hóa truyền thống dân tộc. Trải qua những thăng trầm lịch sử, loại hình nghệ thuật này cũng từng bước chuyển mình để thích nghi với thời đại nhưng vẫn giữ được cốt cách, đặc thù vốn có, thể hiện tài năng và sự tinh tế của người nghệ nhân.
Sự hưng thịnh của nghệ thuật sơn mài gắn liền với dòng tranh sơn mài và tên tuổi nhiều "cây đại thụ" của mỹ thuật Việt như Nguyễn Gia Trí, Phạm Hậu, Hoàng Tích Chù... Thế hệ họa sĩ xuất thân từ ngôi trường Mỹ thuật Đông Dương đã góp phần giúp sơn mài Việt phát triển và tạo nên thời kỳ hưng thịnh giai đoạn thập niên 30, 40 của thế kỉ XX.
Trong cuộc sống hiện đại, nghệ thuật sơn mài ngày càng phát huy thế mạnh của chất liệu truyền thống, nhưng không bị lạc lõng mà trở nên gần gũi. Sơn mài không chỉ gói gọn trong không gian mỹ thuật, mà còn đi vào đời sống hàng ngày với tính ứng dụng đa dạng, nhờ đó, loại hình nghệ thuật từng được xem là gắn liền với cung đình, "sơn son thếp vàng" trở nên gần gũi với người dân.
Sơn mài trong đời sống hiện đại không dừng lại ở những tác phẩm nghệ thuật chỉ có thể nhìn ngắm, mà đã phát triển trở thành những vật phẩm có thể chạm, nắm và sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày như: bình hoa, hộp trà, khay đựng... Sự hòa quyện của màu sắc, chất liệu cũng như chiều sâu của các tác phẩm mỹ thuật được tái hiện trên những sản phẩm hài hòa trong không gian sống hiện đại.
Công đoạn để tạo nên những sản phẩm sơn mài không đơn giản, nếu không muốn nói là phức tạp. Sơn mài bao gồm hai công đoạn chính, là phủ các lớp sơn và mài đi mài lại nhiều lần nhằm đạt được độ bền màu hay màu sắc, hiệu ứng mong muốn. Cụ thể hơn, một sản phẩm sơn mài phải trải qua hàng chục công đoạn khác nhau, từ công đoạn tạo dáng cho sản phẩm (các chất liệu được sử dụng là gỗ, MDF hoặc sợi nhân tạo...), hom, bó vải, lớp lót, mài nước, vào màu, mài màu, mài quang, phủ bóng, đánh bóng...Cùng với đó, tùy vào thiết kế và mong muốn của người phát triển, có thể ứng dụng thêm các kỹ thuật trang trí khác như cẩn trứng, cẩn trai, dán lá bạc, lá vàng, khắc, vẽ tay... nhằm tạo nên tính thẩm mỹ, nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Sự cầu kỳ và công phu, tính toán kỹ lưỡng, cùng tính nhẫn nại và lòng đam mê với loại hình nghệ thuật sơn mài là những yếu tố tiên quyết để nghệ sĩ và nghệ nhân có thể phối hợp nhuần nhuyễn, qua đó, tạo nên những sản phẩm sơn mài hoàn thiện đến tay người sử dụng.
Bên cạnh đó, sự khác biệt giữa sơn mài phổ thông và sơn mài cao cấp nằm ở tính công phu và tỉ mỉ trong quá trình sản xuất. Càng nhiều lớp sơn mài, sản phẩm càng bền và đẹp, giá trị càng cao. Ngoài ra, yếu tố quyết định giá trị và tính cao cấp của sản phẩm còn phải kể tới kỹ thuật sử dụng, mà ở đó hiệu ứng dán lá bạc, lá vàng và vẽ tay là những kĩ thuật hàng đầu.
Bên cạnh sơn mài truyền thống, các sản phẩm sơn mài kết hợp vẽ tay ngày càng thu hút bởi sự tinh xảo cũng như câu chuyện đằng sau quá trình thực hiện. Kỹ thuật vẽ tay trên sơn mài đòi hỏi người nghệ nhân phải gấp đôi những toan tính để có thể tái hiện chân thực và sống động những bức họa nguyên bản được vẽ trên giấy hay trên môi trường kỹ thuật số (digital).
Theo những nghệ nhân dày kinh nghiệm của Hanoia, thách thức lớn nhất của công đoạn vẽ tay nằm ở bề mặt trơn láng của sơn mài. Đặc tính này khiến sơn khó "ăn" hơn. Đặc biệt khi xử lý các sắc độ sáng tối, đậm nhạt. Thông thường, trên giấy, họa sĩ có thể điều chỉnh nhờ pha loãng màu, hay điều chỉnh lực bút tạo nên các sắc độ đậm nhạt mong muốn... nhưng đối với sơn mài, điều này không hề dễ dàng.
Trong quá trình vẽ tranh, nghệ nhân cần sáng tạo và biến chuyển để tái hiện được các sắc độ đó thông qua các màu sắc và kỹ thuật khác nhau. Với những bức họa nhiều chi tiết và sử dụng nhiều màu, nghệ nhân cần tính toán thứ tự các mảng màu, khu vực nào vẽ trước, khu vực nào vẽ sau...để tiến hành chặn màu - là công đoạn nghệ nhân dán đề-can bo quanh các chi tiết, nét vẽ. Sau khi vẽ xong một khu vực và chờ cho màu khô, nghệ nhân bỏ chặn màu và chuyển sang các khu vực khác. Quy trình chặn màu - vẽ - chờ khô cứ như vậy lặp đi lặp lại nhiều lần cho tới khi hoàn thiện toàn bộ tiết diện tranh vẽ. Bởi vậy, để hoàn thiện một sản phẩm sơn mài kết hợp vẽ tay cần rất nhiều thời gian.
Chị Y Chon, nghệ nhân của Hanoia cho biết, một sản phẩm sơn mài thông thường cần đi qua 50 bước thao tác sơn mài, nhưng với những sản phẩm vẽ tay cầu kỳ phức tạp, yêu cầu sự tỉ mỉ và cẩn trọng, con số có thể lên tới 100 bước.
"Chất liệu là thách thức của sản phẩm sơn mài vẽ tay nhưng cũng vì lẽ đó mà những sản phẩm này luôn nhận được cảm tình và sự săn đón. Đây cũng là kỹ thuật mà nhiều thương hiệu và nhà mốt danh giá thế giới sử dụng khi phát triển các sản phẩm sơn mài - đang được đón nhận rộng rãi trên toàn thế giới, đặc biệt là giới mộ điệu tại châu Âu", đại diện Hanoia chia sẻ thêm.
Tại Việt Nam, Hanoia là một trong những đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm sơn mài cao cấp. Thương hiệu mốn thông qua các sản phẩm trang trí nội thất sơn mài, giúp gia chủ hoàn thiện không gian sống đồng thời đưa nghệ thuật độc đáo này ngày càng mở rộng, phát triển và thêm gần gũi với thời đại.
Nội dung: Song Anh, Thiết kế: Ngân Hà, Ảnh: Hanoia