- Cơ duyên nào đưa Khánh Thi đến với dancesport khi chị xuất thân là diễn viên múa?
- Tôi tốt nghiệp thủ khoa trường múa. Sau khi ra trường, tôi làm diễn viên chuyên nghiệp ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam được một năm thì gặp Chí Anh trong một cuộc thi nhảy. Đó thực ra chỉ là một cuộc thi khiêu vũ chứ chưa phải là dancesport. Chí Anh cho tôi xem băng đĩa thích quá nên tôi có tìm hiểu thêm về bộ môn này. Những gì tôi thu thập được còn rất mù mờ bởi thời điểm đó Việt Nam chưa có bộ môn này. Tôi nói với Chí Anh muốn học phải ra nước ngoài. Năm 2000, chúng tôi đánh liều sang Pháp du học, chỉ vì thích thôi chứ không ngờ rằng sau này dancesport trở thành một môn thi đấu chính thống.
- Đang có một công việc rất tốt ở Nhà hát Ca múa nhạc, tại sao chị lại từ bỏ để theo học dancesport bộ môn chị tự nhận là chưa biết gì?
- Khi còn làm diễn viên múa, tôi nhận được nhiều lời mời sang Pháp, Nga làm thực tập sinh. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về dancesport tôi thấy rất thích. Đây là môn nghệ thuật nhưng mang tính đối kháng, thi đua, cạnh tranh để tìm ra ai là số một. Tôi thích được so kè với người khác hơn so với múa một vở từ năm này sang năm nọ. Bộ môn này cũng thách thức sự sáng tạo, nhanh nhạy của người tham gia. Mỗi lần ra thi phải có một bộ đồ bắt mắt, biên đạo hay, nghe một bản nhạc bất kỳ là phải biết nhảy như thế nào... Đó là những điểm dancesport lôi cuốn tôi.
- Chị cùng Chí Anh đã trải qua những năm tháng của tuổi 18, đôi mươi thế nào khi du học ở châu Âu?
- Khi tôi xin đi du học, bố mẹ chiều nên cho đi. Mọi người nghe bảo đi học nhảy thì nghĩ như kiểu nhà giàu tiêu tiền chứ người ta không hiểu mình học vì đam mê. Thời điểm đó, môn này chưa có trường đào tạo, chỉ là những studio, câu lạc bộ, dù có nhà vô địch thế giới tham gia. Chính vì vậy, nhiều nghĩ chúng tôi "hâm hâm, đú đởn".
Chúng tôi đi học bằng tiền của bố mẹ. Mỗi tiết học nếu tính theo tiền Việt Nam là khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng. Thời điểm đó, đây là số tiền rất lớn. Tôi học vài tháng là hết tiền nên phải làm thuê để trang trải. Tôi đi làm may vá, trông em còn Chí Anh làm phục vụ cho các nhà hàng Việt Nam ở Quận 13, Paris để có tiền tiếp tục theo học.
- Anh chị đã gặt hái được thành quả gì sau quãng thời gian khó khăn đó?
- Trời không phụ lòng người, chúng tôi càng học càng tiến bộ. Tôi và Chí Anh đi từ Pháp sang Italy, Đức, Slovenia... cứ thầy nào giỏi là chúng tôi tìm đến học. Đến năm 2005 khi SEA Games được tổ chức tại Philippines, lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam mới biết tôi và Chí Anh đi học ở châu Âu nên mời về thi đấu. Chúng tôi là cặp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam thi đấu thời điểm đó.
Tôi thi đấu từ 2005 đến 2011, liên tục vô địch toàn năng quốc gia. Bên cạnh đó, tôi cũng còn tham gia các kỳ SEA Games và giành hai huy chương vàng tại Asian Indoor Games năm 2009, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
- Năm 2009, chị chia tay Chí Anh để vào Nam lập nghiệp và sau đó nhảy cặp với Phan Hiển. Nguyên nhân nào khiến chị quyết định như vậy?
- Tôi và Chí Anh bất đồng quan điểm nên chia tay. Sau đó tôi chuyển vào TP HCM lập nghiệp. Ban đầu, tôi không xác định nhảy cặp với Phan Hiển vì trước đó Hiển là học trò của tôi và Chí Anh từ 2007 nhưng mọi thứ đến đều do duyên.
-Thời gian đồng hành cùng Chí Anh có ý nghĩa thế nào trong sự nghiệp của chị?
- Tôi nhảy cặp với Chí Anh từ 2002 đến 2009. Chúng tôi là những VĐV đầu tiên của Việt Nam ghi danh trên đấu trường quốc tế. Tôi và Chí Anh lập nhiều thành tích cho dancesport Việt Nam nhưng chưa từng giành huy chương vàng quốc tế. Đến khi tôi kết hợp cùng Phan Hiển mới giành danh hiệu quốc tế đầu tiên khi đạt hai huy chương vàng điệu đơn tại Indoor Games 2009.
- Chị gặp khó khăn gì trong giai đoạn đầu kết hợp với Phan Hiển?
- Đương nhiên, ban đầu nhảy với Phan Hiển tôi gặp nhiều khó khăn bởi tôi là thầy còn Hiển là học trò, trình độ không tương đồng. Nhưng trong thể thao, không gì là không thể. Nếu chịu khó tập luyện, đầu tư tinh thần, thời gian, tiền bạc, quyết tâm, thành quả sẽ tới. Trong 6 tháng, tôi và Hiển tham gia rất nhiều cuộc thi, tìm rất nhiều thầy giỏi để tập luyện. Tôi chấp nhận không nhảy theo khả năng của mình mà nhảy theo khả năng của Hiển để có thể có được bài nhảy phối hợp ăn ý nhất. May mắn là mọi chuyện sau đó diễn ra tốt đẹp. Không chỉ thi đấu thành công, tôi và Hiển sau này còn trở thành vợ chồng. Tất cả là duyên số.
- Tại sao chị quyết định giải nghệ khi vẫn còn thi đấu tốt và chưa có đối thủ ở đấu trường trong nước?
- Năm 2011, tôi quyết định giải nghệ sau khi vô địch toàn năng quốc gia. Tôi nghĩ, mỗi người có một lựa chọn riêng. Thời điểm đó, tôi muốn dừng lại. Giờ nghĩ lại, nếu tôi không dừng lại chắc chắn dancesport Việt Nam sẽ không phát triển như bây giờ. Tôi muốn đứng sau đào tạo VĐV hơn, lên kế hoạch để dancesport Việt Nam phát triển lâu dài
- Sau khi nghỉ thi đấu, chị từng có thời gian lấn sân âm nhạc và tham gia các gameshow truyền hình, điều này có ảnh hưởng gì tới định hướng nghề nghiệp của chị?
- Tôi chưa bao giờ nghĩ vào Nam để tham gia giải trí. Mọi thứ đến với tôi đều do duyên. Từ nghệ sĩ múa chuyên nghiệp, tôi rẽ sang thể thao rất tình cờ. Khi tôi vào Nam, hoạt động giải trí bắt đầu nổi lên. Tôi may mắn là một trong những người xuất hiện ở các gameshow đầu tiên tại Việt Nam, khi mạng xã hội chưa phát triển như bây giờ. Lúc đó giá trị của một nghệ sĩ nổi tiếng cũng mang lại nhiều thích thú.
Tuy nhiên, tôi luôn xác định đâu là đam mê và đích đến cuối cùng của mình. Bây giờ, tôi vẫn tham gia một số gameshow nhưng ở vai trò khách mời. Tôi vẫn có thể làm giám khảo và biên đạo nhưng không vì showbiz mà bỏ thể thao. Mục tiêu của tôi luôn là thể thao, là dancesport - bộ môn tôi đã dành nhiều công sức để đi học, thi đấu và gây dựng phong trào cho cả nước.
- Nhìn lại quãng thời gian đã qua, độ tuổi 20 có ý nghĩa thế nào với chị?
- Tuổi 20 với tôi là độ tuổi rất đẹp, không quá chín chắn, nhưng đủ hiểu biết, đủ để chịu trách nhiệm cho những quyết định của chính mình. Tôi không có gì phải hối tiếc với những gì đã trải qua ở tuổi 20.
Với tôi, 20 là độ tuổi để khám phá. Ở độ tuổi đó, tôi đã dám thách đố chính mình khi từ một diễn viên múa quan trọng của đoàn Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam đi du học dancesport. Đây là độ tuổi được quyền khám phá. Tuổi 30 là giai đoạn tôi bứt phá nên đã làm tất cả những gì có thể. Sang tuổi 40, nhiệm vụ của tôi là giữ gìn và tiếp tục phát triển những gì mình gây dựng.
- Chị có kế hoạch gì để góp phần giúp dancesport Việt Nam phát triển hơn nữa, có thể cạnh tranh ở đấu trường thế giới?
- Dancesport Việt Nam vẫn đang cạnh tranh với thế giới và không hề kém cạnh. Tuy nhiên, để đứng vào top nhất, nhì, ba sẽ rất khó. Chúng ta cần có sự đột phá về cá nhân. Hiện tại, cũng có những dấu hiệu đáng mừng về thế hệ VĐV trẻ. Con trai tôi - Kubi từng vô địch thế giới ở hạng tuổi 6-9 tuổi năm 2023. Năm nay, bé tiếp tục bảo vệ danh hiệu này. Đây là một thành tích rất đáng tự hào.
- Chị rất giỏi và thành công trong công việc, trong cuộc sống gia đình, chị là người vợ, người mẹ thế nào?
- Tôi có thể lo được mọi thứ cho gia đình. Tuy nhiên, tôi không phải là người khéo léo trong việc sắp xếp công việc gia đình. Tôi có thể làm cái này, cái kia nhưng người khéo léo, duy trì sự hạnh phúc trong gia đình là ông xã tôi. Anh ấy chu toàn, chiều vợ, hay khen vợ và luôn tạo cho tôi cảm giác yên tâm.