Bạn có thể nhầm lẫn khi phân biệt kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học nhưng hiểu cách thức và thời điểm sử dụng chúng là điều quan trọng nhất bạn có thể thực hiện vì sức khỏe lâu dài của mình. Sự khác biệt của hai loại kem chống nắng này là gì và liệu loại này có hiệu quả hơn loại kia không? Đâu là sản phẩm chống nắng phù hợp với tính chất da và mong muốn của bạn. Bài viết này của hai tiến sĩ da liễu Corey L. Hartman và Hadley King giúp bạn hiểu tất tật về kem chống nắng vật lý, kem chống nắng hóa học.
1. Kem chống nắng vật lý là gì?
"Kem chống nắng vật lý tạo ra các bộ lọc tia cực tím trên bề mặt da, ngăn chặn hiệu quả các tia xuyên qua lớp bề mặt này", Hartman nói. Chúng có thành phần phổ biến là titan dioxide và oxit kẽm. Học viện Da liễu Hoa Kỳ khuyên bạn nên sử dụng kem chống nắng vật lý (thay vì kem chống nắng hóa học) nếu bạn có làn da nhạy cảm hoặc dễ nổi mụn.
- Ưu điểm
An toàn cho da nhạy cảm: Những thành phần hoạt tính trong công thức khoáng chất - kẽm oxit hoặc tintan dioxit - thường được các loại da nhạy cảm dung nạp tốt.
Thích hợp cho da dễ bị mụn trứng cá: Các công thức khoáng chất có xu hướng không gây mụn và không gây viêm cho những người có làn da dễ bị mụn trứng cá. Và nếu oxit kẽm là thành phần hoạt tính, nó thậm chí có thể giúp cải thiện tình trạng mụn.
Khả năng chống nắng hiệu quả hơn: Bởi các công thức khoáng chất cung cấp một hàng rào bảo vệ vật lý ngăn chặn những tia nắng mặt trời xuyên qua da bạn, một số bác sĩ da liễu cho rằng chúng hiệu quả hơn kem chống nắng hóa học. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận điều này.
- Nhược điểm
Kết cấu không tối ưu: Kem chống nắng vật lý thường có kết cấu đặc, dính và không phải lúc nào cũng đem lại cảm giác dễ chịu, đặc biệt là dưới lớp trang điểm.
Có thể để lại vệt trắng: Các công thức vật lý đã được biết đến là để lại vệt trắng trên da, đặc biệt đối với những người có tông màu da sẫm hơn. Tuy nhiên, các công thức hiện đại đã đem đến nhiều lựa chọn, có loại chứa một chút màu hồng nhẹ để trung hòa lớp phủ màu trắng.
"Kem chống nắng vật lý đã có một chặng đường phát triển dài so với với 'người tiền nhiệm' dạng phấn, màu trắng, khó tán", King cho biết. "Hiện nay, có nhiều thương hiệu sản xuất kem chống nắng vật lý dễ thoa và thẩm mỹ".
2. Kem chống nắng hóa học là gì?
Hartman nói: "SPF hóa học sử dụng các bộ lọc UV đã được kiểm nghiệm để biến đổi tia UV khi hấp thụ vào da thành nhiệt. Một số bộ lọc UV hóa học phổ biến nhất bao gồm oxybenzone, avobenzone và octinoxate". Kem chống nắng hóa học có xu hướng nhẹ hơn, trong hơn (một số hoàn toàn trong suốt) và thường được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, chúng có thể gây kích ứng nhiều hơn với những người có làn da nhạy cảm và có khả năng ảnh hưởng tới môi trường.
- Ưu điểm
Trong suốt: Kem chống nắng hóa học thường có công thức dạng gel trong, không để lại vệt trắng trên da.
Có thể thoa đều và thoải mái khi sử dụng: Đã có nhiều đổi mới trong kem chống nắng hóa học hơn so với kem chống nắng vật lý. Kem chống nắng hóa học thường có kết cấu nhẹ, dạng gel hoặc dạng xịt, dễ pha trộn và mang lại cảm giác thú vị khi trang điểm hoặc không trang điểm. Một số loại kem chống nắng hóa học học cho mặt thậm chí còn có thể thay thế kem lót trang điểm, nâng tông da.
- Nhược điểm
Có thể kém hiệu quả hơn một chút so với công thức khoáng chất của kem chống nắng nắng vật lý: Vì kem chống nắng hóa học hoạt động bằng cách hấp thụ các tia nắng mặt trời thay vì ngăn chặn chúng một cách vật lý nên một số bác sĩ da liễu cho rằng chúng kém hiệu quả hơn một chút. Tuy nhiên, loại kem chống nắng hiệu quả nhất là loại bạn sẽ thực sự sử dụng. Khi dùng kem chống nắng hóa học, hãy tìm loại có công thức phổ rộng với SFP 30 hoặc cao hơn để đạt hiệu quả chống nắng.
Có thể tác động xấu đến môi trường: Các thành phần thường thấy trong công thức hóa học, chẳng hạn như oxybenzone không được coi là "an toàn cho rạn san hô" ở một số bang nước Mỹ. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định tác động của SPF đối với đại dương và rạn san hô.
Từng có những vụ thu hồi sản phẩm chống nắng hóa học: Rõ ràng là kem chống nắng hóa học được chứng nhận bởi các bác sĩ da liễu, các hội đồng y khoa và bạn sẽ phải đối diện với nguy cơ mắc ung thư da cao hơn đáng kể nếu bỏ qua kem chống nắng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trước đây đã có một số vụ thu hồi sản phẩm chống nắng hóa học. Tuy vậy, Hartman đảm bảo rằng bạn có thể sử dụng kem chống nắng hóa học một cách an toàn nếu đó là sở thích của bạn.
3. Kem chống nắng vật lý và hóa học: Đâu là sự khác biệt?
Sự khác biệt chính là kem chống nắng vật lý nằm trên da và chặn các tia trên bề mặt bằng cách sử dụng các thành phần như oxit kẽm và titan dioxide, trong khi kem chống nắng hóa học hấp thụ các tia như một miếng bọt biển thông qua những thành phần như oxybenzone, avobenzone, octisalate, octocrylene, homosalate hoặc octinoxat. Kem chống nắng vật lý có xu hướng phù hợp hơn với những người có làn da nhạy cảm hoặc dễ nổi mụn, nhưng công thức cũng đặc hơn (và có khả năng để lại vệt trắng trên da rõ nét hơn). Kem chống nắng hóa học thường nhẹ, trong và dễ sử dụng hơn, nhưng các hoạt chất trong kem chống nắng hóa học cũng có thể gây kích ứng cho những người có làn da nhạy cảm hoặc dễ nổi mụn.
4. Kem chống nắng vật lý có tốt hơn kem chống nắng hóa học?
Do tác động tiềm ẩn đến môi trường và một số vụ thu hồi kem chống nắng hóa học, kem chống nắng vật lý có xu hướng được tin cậy hơn trên diện rộng. Tuy nhiên, cả hai bác sĩ da liễu Corey L. Hartman và Hadley King đều đồng ý rằng kem chống nắng "tốt nhất" là loại mà bạn sẽ thực sự sử dụng - và điều đó sẽ thay đổi nếu bạn có làn da ngăm đen, da mụn, da nhạy cảm hoặc sở thích cá nhân về kem chống nắng.
5. Nên chọn loại kem chống nắng nào?
Hartman nói: "Bất kể bạn chọn loại kem chống nắng nào, điều quan trọng nhất là bạn nên thoa kem chống nắng mỗi ngày", đồng thời cho biết anh thích các công thức vật lý như một lựa chọn cá nhân. "Công thức khoáng chất không mạnh hơn hoặc hiệu quả hơn kem chống nắng hóa học, nhưng tôi thích kem chống nắng vật lý hơn vì chúng không chứa hóa chất, thân thiện với môi trường và đại dương, đồng thời không có khả năng gây dị ứng".
- Da mụn hoặc da nhạy cảm: Sử dụng kem chống nắng vật lý
Tiến sĩ King lưu ý bạn nên cân nhắc loại da của mình khi chọn kem chống nắng. Cô nói: "Hai điều có thể gây ra mụn liên quan đến kem chống nắng: bít tắc lỗ chân lông bởi các vật liệu gây mụn hoặc phản ứng nhạy cảm với các thành phần ngăn chặn tia cực tím hóa học". Bởi lý do này, cô khuyên dùng kem chống nắng vật lý thay vì hóa học cho loại da dễ nổi mụn và nhạy cảm, đồng thời gợi ý tìm kiếm loại ghi không chứa dầu hoặc không gây mụn trên nhãn.
- Tông da nâu: Có thể sử dụng kem chống nắng hóa học
Ngoài ra, đối với một số người có làn da sẫm màu, King lưu ý có thể khó tìm được loại kem chống nắng vật lý không để lại vệt trắng. Cô cho biết: "Kem chống nắng hóa học sẽ dễ dàng hơn trong vấn đề này, nhưng có những loại kem chống nắng vật lý, đặc biệt là những loại có màu, cũng không gặp phải vấn đề này".
Hartman lưu ý rằng mặc dù chắc chắn có những lựa chọn vật lý/khoáng chất phù hợp với tông màu da đậm, việc sử dụng công thức hóa học có thể dễ dàng hơn (và tiết kiệm chi phí hơn).
Cuối cùng, thay vì chú ý quá nhiều đến cuộc tranh luận về kem chống nắng vật lý và hóa học, Hartman cho rằng hãy dành thời gian tìm kiếm sản phẩm dán nhãn phổ rộng. "Điều này có nghĩa là nó bảo vệ da chống lại cả tia UVA và UVB. Hai loại tia đều nguy hiểm và có thể dẫn đến lão hóa da nhanh, ung thư da. Hãy chọn sản phẩm chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu 30 và có thể dùng loại cao hơn một chút cho da mặt, cổ và ngực", chuyên gia nói.
CiCi (Theo Byrdie)