Hiếu là con trai độc nhất của Lĩnh, bạn nối khố từ thời ấu thơ với Duẩn, người chồng đã quá cố của chị. Thuở ấy, hai anh là đôi bạn thân, lúc nào cũng bên nhau như sam cùng học, cùng chăn trâu, chơi bi, đánh đáo.
Chị học dưới các anh hai lớp, chỉ cách nhà anh Duẩn “một cái dậu mùng tơi xanh rờn”. Chính vì thế, cô bé Thêu nhỏ bé, xinh xắn ngày ấy luôn được anh hàng xóm tốt bụng chở đi học và chơi chung.
Ảnh minh họa. |
Thời gian thấm thoắt trôi qua, ngày chị tốt nghiệp trường làng cũng là ngày anh Duẩn ngỏ lời cầu hôn. Đám cưới rộn ràng và đơn sơ được tổ chức ngay sau đó. Nhiều lần thấy anh Lĩnh có nỗi buồn ánh lên trong mắt, bằng linh cảm của người phụ nữ, chị biết anh cũng có chút cảm tình với mình nhưng vì bản tính rụt rè, nhút nhát nên không dám thổ lộ. Còn chị là phận đàn bà, thời ấy “cọc sao có thể đi tìm trâu được”. Nghĩ vậy, nên chị yên phận theo chồng đồng thời tìm cách giới thiệu một cô gái làng bên cho anh. Chẳng ngờ, chị làm mối mát tay đến thế, họ nhanh chóng nên vợ nên chồng.
Yên bề gia thất xong, hai anh cùng Nam tiến, quyết chí làm ăn xa. Chị Thêu mong ngóng một mụn con cho vui cửa vui nhà khi không có chồng bao nhiêu thì lại càng bặt vô âm tín bấy nhiêu. Bù lại, vợ anh Lĩnh đã sớm sinh hạ được một bé trai thông minh, bụ bẫm. Trớ trêu thay, vợ anh Lĩnh vì không thể chịu mãi cảnh chồng cứ biền biệt nên chạy theo tiếng gọi ái tình với người đàn ông khác, nhẫn tâm bỏ rơi con để bà nội già yếu phải chăm sóc.
Cuộc đời sao thật nghiệt ngã: người mong con đỏ mắt thì không được, người có thì chẳng ngần ngại bỏ rơi. Thương cảnh, chị Thêu tối ngày, hễ rảnh rỗi là sấp ngửa qua nhà anh Lĩnh cùng mẹ anh chung tay nuôi dạy cháu. Gạt bỏ những e ngại, chị mừng vui tự nguyện trở thành mẹ của con người khác. Câu nói của chị: “Thôi, bà ạ, cứ cho phép con được chăm sóc thằng bé. Dù sao anh nhà con với anh nhà mình cũng là tình bạn, tình đồng chí”, đã khiến mẹ Lĩnh không ít lần rơi nước mắt.
Năm tháng trôi qua, các cụ thân sinh của chị, bà nội bé Hiếu lần lượt qua đời. Chị như héo hon, sầu muộn, tàn úa vì mong một mụn con. Đi đằng đẵng cả năm trời, dịp Tết, hai anh mới có dịp trở về. Nhiều lần, chị rơm rớm khuyên chồng: “Thôi, anh đừng đi xa thế. Ở nhà hai vợ chồng làm ruộng mà nương tựa vào nhau”. Nhưng anh Duẩn lại gạt đi: “Mình chịu khó, anh đi kiếm ít vốn, sửa sang lại cái nhà, mua sắm cái xe để vợ chồng bớt khổ. Cứ cắm đầu vào mấy sào ruộng, bao giờ mới ngóc đầu lên được”. Cứ với quan điểm như vậy, tuổi thanh xuân của chị thoáng ra đi trong căn nhà nhỏ bé mà trống trải. Nguồn vui, nguồn an ủi duy nhất của chị chỉ là bé Hiếu.
Nhiều khi nhìn bạn bè vui vầy bên những đứa con xinh xắn, khoẻ mạnh là chị không khỏi chạnh lòng. Chị đã một lần bất hạnh khi lấy chồng mà không thể có con nhưng niềm bất hạnh lớn nhất đối với chị lại là khi nhận hung tin chồng đột ngột qua đời. Sự mỏi mòn, hy vọng rồi lại thất vọng trong thời gian sống với anh như vắt kiệt sức lực của chị. Lần này chị không thể trụ vững nữa. Chị khóc cạn khô cả hai dòng nước mắt, suy sụp và sau đó thì ốm liệt giường mất hơn một tuần.
Những tháng ngày đó, may còn có anh Lĩnh thi thoảng qua lại làm giúp chị mấy việc lặt vặt của đàn ông trong nhà như trảy hộ quả mít, sửa hộ cái xe đạp, lợp lại mấy viên ngói vỡ mà chị thấy lòng mình như được sưởi ấm. Chị cũng thương cảnh gà trống nuôi con nên tranh thủ vá cái áo cái quần hay nấu bát canh cua ngon cho hai bố con. Mới đầu, hàng xóm còn xì xào này nọ, sau, thấy hai người có tình cảnh đáng thương, biết nương tựa vào nhau, họ lại vun vào ủng hộ.
Ở tuổi xế chiều, chị Thêu vẫn mong chờ một mái ấm bình yên với anh, hy vọng sẽ được sớm khuya cùng anh sống nốt phần đời còn lại. Nhưng, càng chờ, chị càng vô vọng. Thấy anh lặng im, sốt ruột, chị bạo gan đánh tiếng, ngỏ lời: “Anh ạ, em muốn được về sống chung với bố con anh. Thằng Hiếu đã khôn lớn, trưởng thành, rồi nó sẽ đi học xa nhà. Khi trái gió, trở trời, ai thăm nom, chăm sóc anh?”. Cứ ngỡ, anh sẽ mừng vui khôn xiết nhưng đáp lại tấm chân tình của chị anh chỉ trả lời: “Không được em ạ. Anh sẽ làm tất cả để chăm sóc em, trừ việc ấy. Các cụ đã dạy: con thày, vợ bạn”.
Chị vỡ òa: “Em mặc kệ con thày, vợ bạn”. “Đó là vùng cấm với một người đàn ông có nhân cách. Xin em hiểu cho”. Nói xong, anh Lĩnh lặng lẽ quay lưng bỏ đi.
Bẽ bàng trước câu tỏ tình vô duyên và bị chối từ, chị Thêu thấy giận anh ghê gớm. Chẳng lẽ số phận cứ mãi mãi bông đùa với chị? Chẳng lẽ, anh không thể đón nhận tình cảm của chị chỉ vì lối suy nghĩ đó? Chị tin rằng, anh nhà chị và các cụ ở nơi suối vàng cũng ngậm cười mãn nguyện khi anh chị nương tựa vào nhau lúc tuổi già, sức yếu. Nhưng chị vẫn khát khao, cô đơn và bất lực, vẫn hy vọng anh sẽ thay đổi.
Thấy thái độ của bố như vậy, thúc giục cô Thêu chẳng thấy có động tĩnh gì đến lượt Hiếu ngày càng sốt ruột. Hồi trước khi còn bé, Hiếu cũng đã 5 lần 7 lượt dò hỏi ý tứ bố bằng cách: “Con muốn có một người mẹ như cô Thêu”. Còn giờ khi cậu sắp tốt nghiệp phổ thông, chuẩn bị thi đại học thì cậu muốn nói chuyện với bố một cách nghiêm túc như hai người đàn ông: “Bố ạ, con quyết chí thi đại học, rồi con sẽ xa nhà. Con tính bố với cô Thêu nên nhanh nhanh tính chuyện trăm năm. Tấm lòng của cô Thêu với bố con mình thế nào, bố là người biết rõ mà?”. Anh Lĩnh cau mày nhìn con rồi đùng đùng nổi cáu: “Mày, trẻ con biết gì. Chỉ giỏi vớ vẩn”. Hiếu cũng chẳng vừa, ngoan cố: “Bố không lấy cô ấy, con không thi Đại học đâu”.
Thấy con càng ngày càng bướng bỉnh, anh Lĩnh chợt cả nghĩ: “Hay cô Thêu xui nó làm bậy”. Rồi chẳng nói chẳng rằng, anh hầm hầm qua bên nhà lúc chị đang lụi cụi với mấy con lợn trong chuồng: “Chuyện người lớn, cô đừng mang trẻ con vào ép tôi nhé. Đừng tưởng cô xúi thằng Hiếu là tôi đổi ý lấy cô”. Anh Lĩnh nói như tát nước vào mặt, chị Thêu chỉ kịp “ú ớ” vài tiếng đã thấy bóng anh khuất dần.
Bị oan uổng, chị Thêu tức lắm, lần này còn giận anh nhiều hơn cả lần bị từ chối khi trước. Nỗi tự ái to đến mức, chị chẳng buồn giải thích hay phân minh điều gì. Từ hôm đó, chị tránh mặt, chẳng buồn qua nhà thăm hỏi anh Lĩnh. Còn anh, sau khi bình tâm suy nghĩ kỹ lưỡng, mới thấy mình hơi nặng lời và có điều không phải. Chẳng gặp chị Thêu vài ngày, anh thấy thiếu thiếu, nhà cửa bộn bề, lạnh ngắt vì vắng bàn tay phụ nữ.
“Tình yêu và tình cảm vợ chồng luôn quan trọng không chỉ với những người trẻ mà cả với những người tưởng như đã “đứng bóng, xế chiều”. Tuy nhiên, với những người lớn tuổi như anh Lĩnh và chị Thêu, hạnh phúc lại phụ thuộc phần nhiều ở suy nghĩ và thái độ của họ. Rõ ràng, anh chị có tình cảm chân thành với nhau và tình cảm ấy đã phải thử thách qua bao biến cố thăng trầm trong cuộc sống. Nhưng, chỉ vì lối suy nghĩ “con thày, vợ bạn” cố hữu trong mình mà anh Lĩnh không dám mở lòng đón nhận hạnh phúc. “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”, nếu biết trân trọng, nương tựa vào nhau khi tuổi già, sức yếu, vượt qua những rào cản của chính bản thân mình, khi đó hạnh phúc tuy có muộn màng nhưng càng ngọt ngào, vô giá”, chuyên gia tư vấn Tâm lý An Việt Sơn ở đường dây 1900 58 58 86 tâm sự.
Ngọc Minh