- Theo chị, thế nào là một cuộc sống thú vị?
- Cuộc sống thú vị là cuộc sống có ý nghĩa. Không hẳn là những công việc to tát, nhưng phải làm được những công việc ý nghĩa. Ví dụ, ngày hôm nay công việc mình làm, chương trình mình dẫn tốt hơn, trôi chảy hơn ngày hôm qua, hoặc mình được xem một bộ phim hay, đọc một cuốn sách hay, làm được một việc thiện… Hay đơn giản mình là người rất lười tập thể dục, nhưng hôm nay mình tập được một bài thể dục hay luyện được một bài yoga, đó cũng là điều thú vị. Nhưng cuộc sống mà, nhiều lúc không phải mình muốn yên ổn là được. Có những may rủi đưa lại cho con người ta những sóng gió trong cuộc sống. Tôi thật sự may mắn vì đến thời điểm này, chưa có cái gì quá ác nghiệt xảy ra với mình.
- Bước vào cuộc cạnh tranh dung nhan, đội trên đầu vương miện hoa hậu không phải là chị đã bước lên một con thuyền lớn?
- Nếu làm một cuộc thống kê về tất cả những người từng thi hoa hậu trên thế giới xem sau đó họ làm gì? Sẽ thấy đoạt vương miện hoa hậu không có nghĩa là sau đó bạn sẽ trở thành vĩ nhân. Ngay tiêu chí thi hoa hậu, đầu tiên là chọn một phụ nữ đẹp, có thể tiêu biểu cho một nước. Với vẻ đẹp và sự chú ý của dư luận, cô ta có thể làm những công việc cộng đồng, rồi quay trở về với công việc học tập và làm việc bình thường. Nên hoa hậu cũng chỉ là một phụ nữ bình thường, và vương miện không phải là sức ép để bắt buộc bạn phải trở thành vĩ nhân.
- Nhưng ít nhất hoa hậu phải chấp nhận hoặc… được chấp nhận một cuộc sống ồn ào và coi vương miện là một công cụ và phương tiện kiếm tiền. Chị nghĩ sao về ý kiến này?
- Đúng là sau khi đoạt vương miện, một đời sống công việc rất sôi động đã đến với tôi, nào là biểu diễn thời trang, chụp hình, quảng cáo, trả lời phóng vấn báo chí… Có những thời điểm, tôi xuất hiện trên 5-6 bìa báo trong một tháng. Nhưng tôi nghĩ cuộc sống cần sự cân bằng. Mình đã có một quãng đời sống quá nhộn nhạo thì sau đó phải tự điều phối bằng cách kìm bớt lại. Hào quang, danh vọng, tiền bạc có thể đẩy con người ta đi rất xa với chính con người thật của mình. Nguy hiểm hơn là mất luôn khả năng kiểm soát, nên tôi cần lắm sự cân bằng. Cũng có những người thi hoa hậu nhằm ghi tên trên bản đồ người đẹp, để biểu diễn với cát xê cao hơn. Nhưng tôi tin phần lớn những người đến với cuộc thi hoa hậu không nghĩ vương miện là phương tiện. Hoa hậu, đương nhiên được nhiều người biết đến, nên cơ hội trong cuộc sống nhiều hơn, nhưng vấn đề thực lực là quan trọng nhất. Ví dụ, Trương Ngọc Ánh là Hoa hậu Noel, nhưng bây giờ người ta đâu có nhớ Ánh với danh hiệu đó, mà chỉ biết cô ấy đóng phim rất nhiều, có những vai diễn rất hay.
- Điều gì giúp chị đủ bản lĩnh đặt vương miện sang một bên?
- Không phải bản lĩnh hay không, mà là lựa chọn của mỗi người. Ở đời, không ai cho không ai cái gì. Nếu nói không mơ ước một đời sống lên xe xuống ngựa là dối lòng, nhưng đạt được cuộc sống đó bằng cách nào mới là vấn đề. Cách giáo dục của gia đình cũng rất quan trọng. Thời điểm tôi đoạt vương miện, bố đã mất rồi, nhưng mẹ luôn nhắc tôi phải hiểu chuyện vinh hoa phú quý chỉ là nhất thời, kể cả nhan sắc cũng sẽ qua đi nhanh chóng, thế thì còn lại cái gì cho cuộc sống nếu mình không có thực lực? Ngay bây giờ, khi tôi đã hơn 30 tuổi và đã có gia đình, nhưng mẹ tôi luôn nhắc con phải luôn học, luôn trau dồi. Chính những điều đó giúp tôi có lực thắng lại, mà không bị đẩy đi quá xa.
- Bây giờ vương miện có trọng lượng như thế nào với chị?
- Dẫu sao đó vẫn là kỷ niệm, tôi sẽ sống với niềm tự hào cho đến cuối đời. Đó cũng là điều kiện thúc đẩy mình làm tốt hơn và sống xứng đáng với những gì được trao tặng. Nhưng không có nghĩa cả cuộc đời tôi sống vì vương miện. Thời điểm nào tôi cảm thấy vương miện làm mình xa cách mọi người, mình không được nói chuyện thân tình, tôi sẽ cất vương miện ngay. Thực tế, tôi thường xuyên cất vương miện. Nó chỉ xuất hiện trong những chương trình biểu diễn thời trang, những cuộc từ thiện, giao lưu. Còn khi làm việc hoặc ở bên bạn bè thì không còn vương miện nữa, tôi quay trở lại là Ngọc Khánh rất bình thường.
- Tiếp viên hàng không, người mẫu, MC, biên tập viên, làm PR, marketing, giám đốc điều hành… Với những “bước nhảy” đó, chị là người lận đận hoặc không kiên trì trong công việc. Chị nghĩ sao trước nhận xét này?
- Mọi người có quyền suy nghĩ theo ý của mình. Nhưng các cụ mình nói “đẽo cày giữa đường” - nếu quá lắng nghe mọi người, ta sẽ rất khó đi trọn vẹn được con đường của mình. Bởi mọi người không sống cuộc sống của mình để hiểu được tại sao mình lại có những quyết định như vậy. Nhưng điều đó không có nghĩa mình không quan sát, lắng nghe, rút tỉa kinh nghiệm. Chắc chắn trong lúc làm việc cũng có những vấp váp, nhưng từ vấp váp đó, mình rút ra kinh nghiệm cho bản thân và hiểu được cái đó có phù hợp với mình hay không. Tôi không ảo tưởng về mình. Nếu không có khả năng làm những gì quá lớn, thì làm cái nhỏ thôi. Có lẽ đơn giản vậy, nên tôi sống rất nhẹ nhàng.
Bây giờ, sau những “bước nhảy”, chị thấy công việc nào phù hợp với mình nhất?
- Mọi người cứ nghĩ chuyện nhảy việc nặng nề, nhưng tôi không nghĩ vậy. Vấn đề là mình học hỏi được những gì cho công việc đó, và nó nhằm mục đích gì cho bản thân mình. Tôi đang định hình và chăm chút cho công việc MC. Nhưng không phải máy nói, mà là MC hiểu biết sâu sắc về tin tức, kinh tế, chính trị. Tất cả công việc tôi từng làm đã cho tôi một kiến thức rất tốt, và sẽ là nền tảng để tôi làm MC tốt hơn. Cũng không dấu diếm, tương lai tôi muốn trở thành nhà sản xuất về truyền thông.
- Có điều kiện làm việc bằng con đường nhung lụa, tại sao chị không chọn lối đi đó cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn nữa?
- Đã có những lời đề nghị nghe khá thú vị dành cho tôi, nhưng xét ra lại thấy nó không có tính hợp lý. Ví như làm phim, làm một phép thử sẽ thấy: Nếu làm phim nghệ thuật, vậy bạn có phim nghệ thuật để làm không? Và làm ra thì ai xem? Cuối cùng điều đó có đem lại lợi ích cho đời sống của bạn không? Bởi nếu chọn nghiệp diễn, nó phải nuôi được bạn, bạn không thể nào nói tôi đi làm nghệ thuật về xin tiền bố mẹ. Tôi sẽ không làm chuyện đó, vì tôi là người lớn, tôi phải có trách nhiệm với mình và nuôi sống bản thân. Trong khi làm những nghề khác, tôi có khả năng và nó nuôi sống được tôi. Tôi sẽ không chạy theo ảo ảnh trở thành minh tinh, để nhận bất cứ lời mời nào.
- Chị là người tỉnh táo và khôn khéo, và điều đó làm nên giá trị của Hoa hậu Ngọc Khánh ngày hôm nay?
- Tôi không phải người khôn khéo. Đến bây giờ tôi vẫn “bộc tuệch, bộc toạc”, yêu ghét rõ ràng. Nhưng chắc chắn tôi là người tỉnh táo.
Hoa hậu Ngọc Khánh. Ảnh: Phạm Hoài Nam.
- Cuộc sống của chị nhìn bề ngoài khá bình ổn, liệu có phải là vỏ bọc cho một cuộc sống kịch tính?
- Cũng có thể. Bên trong đời sống của mình luôn có những sóng ngầm, những khao khát. Ở đó, mình có những niềm vui, nỗi buồn. Đó là đời sống nội tâm của tôi. Tôi dành nó cho những người thân yêu nhất của mình khám phá, chứ không phải để tất cả mọi người cùng chiêm ngưỡng.
- Và cuộc hôn nhân của chị cũng bắt đầu kịch tính như thế nào?
- Điều này thì không hẳn. Kịch tính có chăng là khi mới gặp nhau ông xã đại diện cho đơn vị mà tôi có vấn đề cần trao đổi rất khó khăn. Hai bên ở hai “chiến tuyến” khác nhau, và đó là kịch tính duy nhất của mối quan hệ. Vì anh ấy bảo vệ quyền lợi phía bên kia, còn tôi đương nhiên phải bảo vệ quyền lợi cho mình.
- Một số người biết về tình yêu trước đây của chị đều nói Ngọc Khánh dại dột vì từng có một tình yêu không đáng cho sự thật lòng, sự đau khổ và càng không đáng cho một hoa hậu. Chị thấy sao?
- Lúc nào tôi cũng nghĩ tình yêu rất tự nhiên, và tôi không cân đo đong đếm trong tình yêu. Tôi nghĩ, khi yêu không ai “mở mắt”, vì “mở mắt” là không yêu thật lòng. Tôi cũng không hối tiếc những gì đã qua, vì mình đã hết lòng. Đối với tôi thế là được. Được ở đây là cho mình. Nghĩa là khi nghĩ lại quãng đời đã qua, tôi được cảm giác là mình đã không làm điều gì không đúng, mình đã sống hết tất cả con người của mình. Đương nhiên mình không mong tôi đưa cho anh 10, anh trả lại tôi 12, anh phải yêu lại tôi hoặc phải đối xử với tôi như thế. Điều đó khó lắm, vì bản chất của tình yêu là cho đi chứ không phải nhận vào. Nhìn lại cuộc sống, cho dù có những sóng gió, mất mát, nhưng bây giờ mình được những gì? Đó là một cuộc sống bình yên. Như thế nghĩa là mình được nhiều hơn người ta đó.
- Khi yêu, chị có nghĩ đến tai tiếng và những mối quan hệ phù phiếm xung quanh người yêu của mình?
- Tin đồn về con người rất nhiều, đa số là thiếu thiện cảm và thất thiệt, nên tôi không phán xét con người trên những tin đồn. Mà chuyện đó qua rồi, tôi chẳng quan tâm nữa. Tôi là người yêu thì yêu hết lòng, nhưng sau khi thấy người đó không phù hợp thì không vấn vương. Nên được hỏi lại, thực sự tôi không biết nói gì!
- Không tin vào tin đồn nên những người thương chị đã nói chị… mù quáng?
- Thần tình yêu còn chẳng sáng mắt khi bắn tên, huống chi tôi là con người bình thường!
- Nhưng chị lại nói mình là người tỉnh táo, chị lý giải thế nào sự mâu thuẫn đó?
- Không ai có thể nắm tay từ tối đến sáng. Là con người sẽ có những lúc cảm xúc cuốn mình đi rất xa. Vấn đề quan trọng nhất là mình dừng lại và nhìn thấy được người đó không phù hợp với mình, vậy thôi. Còn nếu mọi người nói là dại, ừ thì là dại. Vì ai khôn mà không dại vài lần.
- Bây giờ chị còn yêu dại như thế nữa không?
- Tôi xin thôi! Bây giờ tôi rất vừa lòng với đời sống của mình. Xây dựng đời sống gia đình không chỉ đơn thuần là tình yêu, mà còn là sự hiểu biết, chia sẻ, thông cảm, và quan trọng là sự tôn trọng lẫn nhau.
- Không chỉ từng có một tình yêu kịch tính, mà chị còn có một tuổi thơ mất mát?
- 13 tuổi thì cha tôi mất, nhà chỉ còn mấy mẹ con. Cuộc sống của mẹ con tôi cũng đạm bạc và gặp nhiều khó khăn. Nhưng trong cái rủi có cái may. Tất cả những điều vất vả của gia đình, những câu chuyện không vui thời nhỏ đã đem lại bài học, để tôi hiểu giá trị thật của cuộc sống, của tình thân, học cách tự vượt qua trở ngại và những nỗi buồn.
- Quá khứ buồn đó ám ảnh chị thế nào?
- Ảnh hưởng thì có nhưng ám ảnh thì không. Mình phải nghĩ xa hơn một chút, lẽ ra mình phải có một tuổi thơ tốt hơn, có bố có mẹ. Nhưng chưa chắc tuổi thơ đó đem lại cho đứa trẻ sự tự lập và vươn lên như mình ngày hôm nay. Tất nhiên mình không bao giờ mong muốn có một tuổi thơ dữ dội để trở thành một con người mạnh mẽ. Nhưng rõ ràng tất cả những điều như vậy giúp mình có những tấm gương để sống làm sao cho xứng đáng. Mình không được phép làm hỏng đi những điều tốt đẹp mà gia đình đã gây dựng. Có lẽ vì thế mà mỗi ngày tôi càng vững tin hơn trong cuộc sống!
- Chị nhận xét chồng mình như thế nào?
- Tôi nghĩ là tốt đối với tiêu chuẩn tôi đặt ra. Con người ta luôn có người ưa người không ưa. Riêng đời sống bây giờ, tôi không hoàn hảo, nên tôi không yêu cầu người ta hoàn hảo. Hai sự không hoàn hảo đó ráp lại với nhau, tương đối là hoà hợp, và như vậy là bình yên. Quan trọng nhất đối với tôi, đến bây giờ, ngoài tình yêu của người ta ra, người ta phải là người nâng đỡ, đi bên cạnh mình, có thể nói chuyện, chia sẻ được niềm vui hay nổi buồn. Đời sống của tôi rất thú vị, khi tôi luôn tìm được những niềm vui, những câu nói đùa nhẹ nhàng trong cuộc sống, ngay trong những hoàn cảnh tệ nhất.
- Hai năm lấy chồng, chưa thấy chị sinh con. Vì sao vậy?
- Mọi người cứ nghĩ lấy nhau là có em bé ngay à, sao mọi người không nghĩ đang tận hưởng thời gian thoải mái nhất đối với nhau. Điều quan trọng nữa là tôi và chồng đều không nghĩ bắt buộc lấy nhau phải có con ngay. Yêu nhau và lấy nhau rất ngắn so với thời gian sống bên ngoài không có nhau. 2-3 năm để mình làm quen với nhau, thực sự mà nói là để có thời gian dành cho nhau, em bé sinh ra chắc chắn không có thời gian dành cho nhau nữa. Tận hưởng thời gian đang còn trẻ, ở bên nhau, đi du lịch với nhau. Bạn bè với nhau, có khoảng thời gian riêng tư, để khi quen thuộc với nhau, thậm chí cả những nét xấu của nhau nữa, rồi mình có con đỡ hơn rất nhiều.
(Theo Thể Thao Văn Hóa Đàn Ông)