![]() |
Martha Lackritz Thạch Thảo. |
- Ý định dịch ca dao đến với chị trước hay sau khi sang VN?
- Dự định đầu tiên của tôi là sang VN để... trồng cây. Khi ấy, chúng tôi mường tượng VN là một mảnh đất hoang tàn, kiệt quệ bởi chiến tranh, mặt đất nơi nơi đầy những hố bom Mỹ. Vì thế, tôi đã mong ước được sang VN để trồng cây trên những hố bom, và làm xanh lại những cánh rừng đã bị napal huỷ diệt.
Không một ai có thể cầm được nước mắt khi xem những bức ảnh với những nạn nhân của chất độc da cam. Cuộc chiến ấy là một sai lầm của Chính phủ Mỹ đương thời. Một sai lầm khủng khiếp, làm chảy máu, làm đau đớn cả hai đất nước.
- Tiếng Việt trong ca dao là một thứ tiếng Việt sang trọng, rất giản dị mà cũng rất tinh tế, phong phú, ngay cả người Việt đôi khi cũng không dám tự tin là hiểu hết được. Sao chị chọn cho mình một đề tài khó như thế?
- Người Mỹ hầu như chỉ biết về VN qua chiến tranh. Tôi muốn giới thiệu với người Mỹ một hình ảnh khác về VN. Và tôi đã chọn ca dao. Nhưng càng gắn bó với ca dao, càng thấy khó. Tôi rất xấu hổ mỗi khi ai giới thiệu tôi là người nghiên cứu ca dao, "hiểu về ca dao lắm". Vì tôi biết, nghiên cứu ca dao không thể là công việc của một năm, mà của một đời người, nhiều đời người. Càng học, tôi càng thấy kho tàng ca dao, kho tàng tiếng Việt thật phong phú, một từ ngữ, một hình ảnh thôi cũng có thể là muôn nghìn vẻ đẹp, muôn nghìn sắc thái. Càng học, càng say mê, nhưng càng thấy hiểu biết của mình quá ít ỏi...
Dịch văn học rất khó, nhất là khi tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm và có dấu, rất khác với tiếng Anh. Việc dịch ca dao lại muôn nghìn lần khó hơn. Chưa kể đến cái khó của tính nhạc điệu, các từ ngữ, hình ảnh thường dùng trong ca dao gắn rất chặt với đời sống, phong tục, văn hoá Việt, có những trường hợp là điển tích mà nếu không hiểu biết về lịch sử, văn học cổ thì không thể hiểu hết ý tứ. Vì thế, một từ trong một bài ca dao khi chuyển sang tiếng Anh có khi phải giải thích rất dài người Mỹ mới có thể "vỡ nhẽ".
- Chị bắt đầu chinh phục những thành trì của tiếng Việt như thế nào?
- Nếu chỉ học trên lớp thôi thì sẽ không thể nào học nhanh được. Hằng ngày, tôi xách một cái máy ghi âm nhỏ và đi "lang thang", trò chuyện, hỏi han mọi người. Về nhà, tôi cố gắng nghe lại, tra từ điển, rồi nói theo. Lúc đầu, việc học thật ì ạch, nhưng càng ngày càng đỡ khó hơn và học được rất nhiều từ mới.
- Có giáo sư, tiến sĩ ngữ văn nào đồng hành với chị trong công việc khó khăn này?
- Không có ai. Bởi tôi thấy mình đã có quá nhiều thày giáo giỏi mà chưa học hết được thôi. Thày giáo của tôi có thể là một em bé đánh giày gặp trên đường phố Hà Nội, một chị bán hàng ở chợ, một bà già răng đen ở làng quê nào đó, hoặc những bạn bè văn nghệ sĩ... Lang thang về các vùng quê ở đồng bằng Bắc Bộ hay các bản làng miền núi, tôi cũng sưu tầm được một số bài ca dao mà ở các tuyển tập ca dao rất dày không thấy có.
Có một câu tôi rất thích, thường dùng để trêu bạn trai của mình: "Ước gì dải yếm em dài/ Để em buộc lấy những hai anh chàng", ấy vậy mà nhiều người VN nói chưa từng nghe bao giờ. Mới đây, tôi đi Hoà Bình, gặp một cụ già yếu lắm rồi, mà uống rượu còn khỏe lắm. Cụ rất quý tôi, cứ bảo ngồi uống rượu cùng. Cụ đã lẫn, nhưng càng uống rượu lại càng nhớ nhiều ca dao. Người ta bảo "rượu vào, nhời ra", nhưng với cụ phải nói là "rượu vào... ca dao ra".
- Hơn 400 bài ca dao chị đã sưu tầm và dịch, phần lớn là về tình yêu. Phải chăng vì chị đang ở tâm trạng - mà như chị từng thừa nhận - là "phải bùa" một người con trai VN?
- Vì tình yêu lúc nào cũng "hơi bị hay" (cười lém lỉnh). Tôi không nệ lắm vào đề tài, mà cứ thấy hay là dịch. Trong "hồ lô" ca dao của tôi có hầu hết các đề tài, nhưng đúng là các bài ca dao về tình yêu chiếm đa số.
Phân biệt đề tài cũng khó rành mạch, vì nhiều bài viết về thiên nhiên, lao động nhưng cũng là tình yêu. Tôi chủ định không sưu tầm nhiều về đề tài chiến tranh, vì nó đã được nhắc quá nhiều. Nhưng có những bài về chiến tranh tôi vẫn thấy rất hay, rất đẹp, rất "tình": "Ai làm cho bướm lìa hoa/ Cho chim xanh nỡ bay qua vườn hồng/ Ai đi muôn dặm non sông/ Để ai chứa chất sầu đong vơi đầy".
VN đúng là một đất nước của tình yêu, của thơ ca. Ở Mỹ, viết văn, nhất là làm thơ, không được coi là một nghề thực sự. Còn ở VN, tôi thấy từ người giàu đến người nghèo, ai cũng coi trọng văn chương. Trên đường phố, trong quán rượu, giữa chợ quê, đâu cũng có thể bắt gặp một câu thơ.
- Đó là lý do một người sáng tác văn chương như chị tìm thấy cuộc sống ở VN những điểm gần gũi với mình, hay còn gì khác nữa?
- Tôi là người Mỹ và tôi rất yêu nước Mỹ, nhưng đôi khi tôi có cảm giác mình thực sự thuộc về VN. Có lẽ đó là "cái duyên". Người VN sống rất tình cảm, cởi mở, coi trọng gia đình. Tôi rất quý trẻ nhỏ và người già. Tôi từng được gặp nhiều cụ già rất giỏi, nhiều kinh nghiệm sống. Họ không chỉ là "giáo sư" dạy ca dao cho tôi, mà còn dạy tôi về lẽ đời nữa. Các cụ già cũng rất "dễ thương", vì tính cách họ rất gần với trẻ con. Ở Mỹ, nhiều người già, con đàn cháu đống vẫn phải sống cô đơn ở trại dưỡng lão, còn ở VN người già không bị coi là vô ích mà vẫn đóng vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội.
- Trong quá trình sưu tầm và dịch ca dao, chị tìm thấy gì cho chính bản thân mình?
- Trước khi sang VN, tôi từng nghĩ phụ nữ VN phải sống lệ thuộc vào nam giới, không có cá tính mạnh mẽ. Tôi đã lầm to. Đọc ca dao, mới thấy phụ nữ VN rất táo bạo, bản lĩnh. Chỉ có điều, sự mạnh mẽ của họ được bọc trong lớp lụa mềm của nữ tính, và chính sự duyên dáng, dịu dàng cũng là một vũ khí làm người phụ nữ mạnh hơn. Họ cũng rất chủ động trong tình yêu: "Ông ơi tôi chẳng lấy đâu/ Ông đừng cạo mặt, nhổ râu, tốn tiền". Họ rất hết mình, nhưng cũng rất dứt khoát trong tình yêu.
Cùng là nói về sự lỡ làng, nhưng người nữ thường không bị cầm tù trong quá khứ như người nam. "Anh đã có vợ anh rồi/ Sao anh còn ước hoa hồi cầm tay/ Hoa hồi nó đắng nó cay/ Nó mặn như muối, nó cay như gừng". Biết đau khổ đến tận cùng đau khổ, nhưng cũng biết chấp nhận và vượt qua quá khứ, không ngừng khao khát tìm cho mình những cơ hội hạnh phúc - đó là một bài học lớn tôi đã tìm thấy trong tính cách Việt.