- Sau thành công của "Đường xa vạn dặm", ý định tiếp tục làm phần 2 như thế nào?
- Có thể tôi sẽ làm, vì đấy là công việc và sự nghiệp của tôi. Tôi không sợ làm world music là cũ vì thực ra thể loại này không phải là xu hướng mới và thời thượng, năm này đổi mốt năm kia đổi mốt mà nó là xu hướng tự nhiên của sự phát triển âm nhạc. Âm nhạc ở các nước phát triển cũng cần có sự hội nhập của âm nhạc ở các nước thứ ba để làm phong phú thêm khả năng biểu đạt, ngôn ngữ... Tất nhiên cái gì cũng có cao trào và thoái trào nhưng tôi nghĩ vào thời điểm này world music chưa đến mức thoái trào.
- Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng anh theo đuổi world music sẽ không dễ dàng thuyết phục khán giả Việt Nam?
- Tôi quan niệm, mỗi chương trình muốn hay muốn dở thì phải có người nghe, dù ít hay nhiều và người ta phải hiểu điều mình nói. Tất nhiên, mình không hoang tưởng là ai cũng thích, nhưng tôi có đối tượng khán giả của mình, điều ấy không cần phải chứng minh.
- Trong sáng tác, lúc nào anh cảm thấy tự tin nhất?
- Nếu tôi làm đúng với tâm tư, cá tính, tình cảm của mình thì tôi sẽ làm tốt nhất, tác phẩm sẽ có cá tính nhất. Tôi cũng tự tin là mình không phá phách hoặc lai căng nhạc dân tộc. Mỗi lần tôi dùng nhạc dân tộc thì đều đặt nó vào một không gian mới.
- Còn khi nào thì anh dao động nhất?
- Tôi ít khi dao động, nhất là về bản thân mình. Tôi là người rất để ý, chịu khó học hỏi, cập nhật thông tin. Quan trọng là làm âm nhạc phải tự tin. Nó là cái vòng luẩn quẩn thôi, nếu anh làm đúng với khả năng thì sẽ tự tin. Mỗi người đều có mặt mạnh, mặt yếu. Tôi hay nói đùa mình không phải là người cao to đẹp trai thì mình có duyên. Vậy mình phải tự tin với cái mình có, điều đó sẽ tránh được trường hợp vay mượn.

Nhạc sĩ Quốc Trung.
- Theo anh, điều quan trọng nhất của âm nhạc là gì?
- Là mang đến cảm xúc. Người nghe chỉ quan tâm bản nhạc nào làm họ xúc động, làm cho họ thấy hay, thấy đồng cảm... chứ ít khi để ý đến bài ấy có bao nhiêu phần trăm dân tộc, bao nhiêu phần trăm mới. Âm nhạc tự nhiên lắm, khán giả cũng thưởng thức tự nhiên.
- Anh đang có những dự án với các ca sĩ trẻ, cụ thể là thế nào?
- Tôi sẽ hợp tác với Tùng Dương, Khánh Linh và một vài người khác nữa. Cách tôi làm với ca sĩ đứng trên phương diện là nhà sản xuất nhiều hơn. Cái khó là phải tạo dựng cho người ta thẩm mỹ âm nhạc, chuyện này không áp đặt được vì mỗi người có tâm sinh lý, tính cách và mặt mạnh, mặt yếu khác nhau. Làm việc với những người trẻ, tôi thường bảo họ đầu tiên là phải nghe nhiều, để rút kinh nghiệm, học hỏi, để biết thế nào là hay, là dở.
- Có nhạc sĩ cho rằng làm việc với ca sĩ trẻ ít áp lực hơn so với giọng ca đã thành danh, anh nghĩ sao?
- Làm việc với ca sĩ nào cũng có áp lực, áp lực ở đây là về chất lượng âm nhạc.
- Trong số những ca sĩ nữ, anh thấy có người nào triển vọng sẽ là một Thanh Lam sau này?
- Nếu so sánh thì rất khó vì mỗi người là một kiểu khác nhau. Nghệ thuật không cần những bản sao. Các ca sĩ nổi tiếng trên thế giới, chẳng ai giống ai cả.
- Nếu bây giờ, Thanh Lam muốn quay lại hát nhạc của anh thì sao?
- Trong âm nhạc, quan trọng nhất là đã có phong cách rồi thì không nên thay đổi. Ở đây không phải là quan hệ, hay tình cảm, hay chuyện riêng tư mà là tâm lý người nghe. Lam đã một lần thay đổi rồi, giờ theo như mọi người cũng là một thành công và là một cái mới, nếu muốn quay lại chính tôi cũng không dám mạo hiểm.
- Khi mệt mỏi, sốc về tình cảm, anh làm thế nào để vượt qua và sáng tác tiếp?
- Chuyện sáng tạo phụ thuộc vào tình cảm và tinh thần rất nhiều. Nếu anh đang bị stress hoặc bực mình thì rất khó làm việc. Cũng may với tôi tình trạng đó không thường nhật. Khi buồn tôi sẽ bỏ mọi việc và đi chơi, tôi thích chơi với các con.
- Nghe anh nói thì mọi chuyện đều giải quyết rất đơn giản, vì sao vậy?
- Nếu mình là người yêu đời và có lý trí thì phải tự biết cách giải thoát khỏi nỗi buồn để tìm lối ra. Cuộc sống có rất nhiều thứ, rất nhiều điều thú vị mình có thể làm. Quan trọng nhất là mình yêu đời. Nếu không yêu được người thì yêu cỏ cây chẳng hạn, ví dụ thế.
- Yếu tố nào trong cuộc sống kích thích anh sáng tạo tốt nhất?
- Công việc. Có một dự án thật hay, một chương trình thật hấp dẫn thậm chí nhiều tiền chẳng hạn sẽ kích thích tôi. Nói thế chứ lúc buồn chẳng làm gì được.
- Vậy bây giờ Quốc Trung nghĩ đến yêu như thế nào?
- Mệt nhưng mà sướng.
- Đã bao giờ anh lâm vào tình trạng có cảm giác chán đời?
- Lâu rồi, khi là sinh viên đi học xa gia đình, ít bạn bè thì cũng bị khủng hoảng một thời gian chứ chẳng bao giờ chán đời cả.
- Việc gì mà anh muốn nhưng chưa thực hiện được?
- Một vở nhạc kịch. Tôi cho rằng, trong âm nhạc, nhạc kịch là thể loại khó nhất, nó yêu cầu mọi sự hoàn hảo, về âm thanh, kịch bản... Bạn hãy để ý những vở nhạc kịch thành công của nước ngoài, hoàn hảo khủng khiếp. Tôi còn phải chuẩn bị một vài năm nữa. Ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng mấy mà đến nơi.