- Xin ông cho biết điều kiện tuyển chọn du học sinh được hưởng ngân sách nhà nước?
- Để được tuyển chọn, thí sinh phải thuộc đối tượng được dự thi, phải thi tại các hội đồng tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ủy nhiệm cho một số ĐH tổ chức. Đối tượng được dự thi là những người làm việc trong cơ quan nhà nước bao gồm các ĐH, doanh nghiệp nhà nước... Xét tuyển dựa trên tổng điểm thi lấy từ cao nhất xuống đến hết chỉ tiêu của mỗi hội đồng thi.
Việc tuyển chọn dần dần được cải tiến theo hướng xem xét toàn diện hơn quá trình học tập và công tác của thí sinh. Trong giai đoạn tới sẽ có nhiều chương trình, đào tạo một phần thời gian tại Việt Nam và một phần ở nước ngoài. Thí sinh dự thi ngoài các môn thi viết chuyên sâu sẽ phải qua phỏng vấn để đánh giá năng lực và động lực học tập.
- Những năm đầu, thí sinh dự thi yếu về trình độ ngoại ngữ, đến nay tình hình đã được cải thiện như thế nào?
- Trình độ ngoại ngữ của người dự thi nhìn chung còn yếu. Năm 2000, năm đầu tiên triển khai phương trình, ngoại ngữ là một môn thi bắt buộc, số người đạt yêu cầu 500 điểm TOEFL chỉ chiếm khoảng 20%. Trong các năm 2001 - 2003. Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyển dựa trên kết quả các môn thi, không có môn ngoại ngữ. Người trúng tuyển, được bồi dưỡng thêm ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) để đạt được trình độ theo yêu cầu của các cơ sở đào tạo nước ngoài.
Từ năm 2000 đến tháng 6/2004, đề án "Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước" tuyển được 1.740 người, trong đó 724 người đào tạo tiến sĩ, 596 người đào tạo thạc sĩ, 191 đào tạo trình độ đại học và 229 người đi thực tập khoa học.
Về kinh phí, tính đến cuối năm 2003 đã chi hơn 19 triệu USD (khoảng 300 tỷ đồng Việt Nam). Những tháng đầu năm 2004, trung bình chi 1 triệu USD/tháng.
Trong kỳ tuyển sinh tháng 5/2004, ngoại ngữ được quy định trở lại là một môn thi bắt buộc và yêu cầu thí sinh phải đạt tối thiểu 500 điểm TOEFL. Việc nâng cao trình độ ngoại ngữ để đi học nước ngoài dần dần trở thành nhiệm vụ của thí sinh. Trong đợt tuyển sinh năm 2004 đã có khoảng 50% số người dự thi đạt yêu cầu. Đối với các khu vực còn gặp khó khăn trong việc học ngoại ngữ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chương trình bồi dưỡng riêng.
- Ông nhận xét gì về những du học sinh này sau khi về nước?
- Đến hết tháng 6/2004 mới có 230 người học tập xong trở về và công tác tại các cơ quan cũ. 90% số người được hỏi đều đánh giá là chương trình đã giúp ích họ rất nhiều trong công tác. Những kiến thức tiếp thu được từ nước ngoài đã dần được phát huy.
Thời gian tới, ban điều hành Đề án sẽ làm việc với các cơ quan, tổ chức nhà nước, các ĐH, cao đẳng, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp để có kế hoạch phân bổ và sử dụng số lưu học sinh được tốt nghiệp về nước sao cho có hiệu quả nhất. Các cơ quan, tổ chức có thể "đặt hàng" với Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Như vậy, trong khi học sinh du học tự túc về nước phải tự kiếm việc làm thì những người được tuyển sinh đào tạo bằng ngân sách nhà nước đã sẵn sàng "đất dụng võ" khi trở về?
- Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giúp đỡ người xuất sắc có "đất dụng võ". Tuy nhiên, họ phải học tập một cách xuất sắc và năng động, mạnh dạn nêu nguyện vọng của mình; xây dựng tốt các mối quan hệ, không ỷ lại, trông chờ Nhà nước.