Hanna Wong, một chuyên gia y tế ở Singapore, bị tài xế hủy chuyến vào rạng sáng 11/2, chỉ vì điểm đến của chuyến đi là bệnh viện. Sự việc khiến cô cảm thấy rất tức giận và bất mãn.
"Tôi bị tẩy chay như thể đang mang bệnh hủi vậy", Hanna Wong viết trong một bài đăng trên tài khoản Facebook. "Đây chính là cách mà các vị cắn vào đôi bàn tay vẫn chăm sóc cho các vị đấy".

Khuôn mặt nhiều vết hằn vì đeo khẩu trang lâu của một nữ y tá ở Vũ Hán. Ảnh: PD China.
Không chỉ Wong, nhiều đồng nghiệp khác của cô cũng đối mặt với cảnh bị miệt thị và xa lánh vì "lan truyền virus khắp Vũ Hán" hay vì "làm cho chuyến tàu trở nên bẩn thỉu", như thể chính họ mới là những người mang theo virus.
Theo chia sẻ trên Twitter của một nữ y tá khác, cô bị công khai phân biệt đối xử khi đi thang máy. Cô kể khi có hai người dân bước vào thang máy và nhìn thấy cô mặc đồng phục bệnh viện, một trong hai người đã ngay lập tức đứng xa ra và vội vàng kéo chỉnh khẩu trang.
Trong khi đó, người còn lại hỏi cô vì sao không đi thang bộ, bởi ông ta tin rằng việc đi thang máy "là hành động ngu ngốc, sẽ lan truyền virus cho người khác".
"Y tá các cô lúc nào cũng đi khắp nơi, mang theo virus rồi lây cho mọi người", ông ta hét lên.
Một đồng nghiệp khác của Wong là Serene Wee cho hay cô cũng có trải nghiệm tương tự, khi bị người dân ngăn cản lúc chuẩn bị lên tàu điện ngầm hồi tuần trước. Nữ y tá người Singapore cũng chia sẻ từng chứng kiến cách đối xử tương tự khi đại dịch SARS xảy ra năm 2003.
Để thay đổi suy nghĩ trên của mọi người, chồng Serene, anh Yeo Yeu Ann, đã lên mạng, bày tỏ tự hào về người vợ y tá và những nỗ lực của cô trong cuộc chiến chống Covid-19.
Yeo đăng bức ảnh nắm tay Serene thật chặt, khi cô đang khoác lên người bộ đồng phục y tá, với hy vọng những người khác sẽ nhìn nhận công việc của vợ đáng được ca ngợi và tôn trọng thay vì kỳ thị, hắt hủi.
"Ít nhất điều chúng ta có thể làm lúc này là trân trọng, yêu quý và tìm ra những cách để giúp đỡ họ", Yeo nói.
Hướng Dương (Theo Asia One)