![]() |
Những đứa trẻ bị bỏ rơi tại làng Thủy Biểu. |
Chị Trinh, một người chăm sóc và dạy cho các em, cho biết: Ở đây có đến 20 trẻ ít nhiều bị bại não, 15 em bị câm điếc và gần 20 em bị chậm phát triển, số còn lại không bị tật tay chân thì cũng là mồ côi, đủ mọi lứa tuổi. Nói rồi chị nắm tay em Quân, 8 tuổi, bị bại não nặng chỉ nằm một chỗ nhưng lại có thể lắp bắp nói được vài tiếng. Quân quê ở Đắc Lắk, cách đây 2 năm, mẹ của em mang đến đây rồi nói đi có việc sẽ quay lại liền, nhưng chẳng thấy bóng dáng đâu. Rồi không địa chỉ cụ thể, không tên tuổi nên các cô ở đây đặt cho em cái tên như bây giờ.
Tôi đến đúng lúc các em tổ chức sinh hoạt cuối tuần. Các cô, các chị sắp xếp chỗ ngồi, ai không ngồi được như Quân và Tùng thì các chị vừa bế vừa chỉ bảo. Những tiếng hát bập bẹ của ba em trai Lâm, Mon, Phương cất lên với bài hát Đứa bé, ai cũng lặng người đi khi các em cố gắng hết sức để hát lên: “Em mơ một vì sao sáng dẫn lối em trên đường đời. Dẫu biết rằng chỉ là giấc mơ, đã lâu rồi em đã không, không có tình thương...”. Bài hát kết thúc trong tràng vỗ tay của bạn bè, anh chị trong mái ấm.
Còn bé Thoa, 6 tuổi thì thật đặc biệt, ít nói nhưng cười nhiều. Thoa là một trong những bé đầy nỗ lực vươn lên. Bà Vọng, người mà lúc nào bé Thoa cũng quấn quýt chẳng rời, tâm sự: Cháu nó về đây từ khi sinh ra, cháu rất yếu vì sinh thiếu tháng lại thêm cái chân bị tật quấn lên trên vai, ngồi một chỗ thôi. Thế mà mấy năm nay, bé chăm chỉ luyện tập nên đã đứng được bình thường và đang tập tễnh bước đi. Nhìn mấy em đang nằm cựa quậy, bà Vọng kể: Có nhiều đứa bị bại não và động kinh nên ít cho người lạ tiếp xúc, như bé Tùng và bé Nhật đó, cứ lên cơn đau là phải nhanh chóng chở đi bệnh viện. Rồi còn mấy cháu bị câm, điếc thì phải học thêm cử chỉ mới nói chuyện được...
Phía bên kia khu nhà là “xóm bà bầu”, nơi của những cô gái lầm lỡ không dám đối diện với đời. Tôi vô tình gặp L. đi ngang qua. L. còn một tháng nữa là sinh nở nên phải vận động thêm bằng cách đi làm vườn cho dễ sinh. L. không cho chụp hình nhưng vẫn muốn nói chuyện, giọng cay nghiệt và chua xót: “Em biết đây là sự dại dột của em, hắn ta nói gì em cũng tin hết. Giờ thì...”. L. không hề biết địa chỉ cụ thể của người yêu, không biết bây giờ người ta làm gì và ở đâu, cô chỉ biết đó là một sinh viên vừa ra trường chưa tìm được công việc ổn định. Tình yêu của hai người chỉ kéo dài chưa đầy hai tháng thì cô có thai. L. đến đây khi cái thai cũng đã bước sang tuần thứ 17. Có lẽ khi sinh xong, L. phải xa con để tiếp tục đi học vì chuyện này gia đình cũng chẳng ai hay.
“Mỗi tháng có từ 2 - 3 cô gái tìm đến đây, chủ yếu dưới 20 tuổi, có em chỉ mới 15. Những bà mẹ trẻ này, phần lớn chưa đủ ăn đủ mặc nên không thể nuôi con”, bà Vọng tâm sự. Gần chục năm nay, bà tận tay đỡ đẻ cho bao cô gái dại dột. Bà thương những đứa bé không có tội, thương cho sự khờ dại của các cô gái trẻ nên ai đã đến đây thì bà cũng tiếp nhận. Sau khi sinh một tháng, người mẹ ấy có thể đi. Nhưng nếu họ trở lại nhận con, bà cũng sẵn sàng chấp nhận để không còn thêm trẻ phải mồ côi.
Các cô gái đến đây có nhiều hoàn cảnh khác nhau. Họ đến từ Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Đà Lạt và Sài Gòn nữa... Theo L., vì gia đình không muốn xấu mặt với bà con hàng xóm nên phải dẫn con ra đây. Có người sau khi sinh vẫn đưa con về nuôi, nhưng lại nói với hàng xóm đó là con nuôi. Trong khu nhà này có 8 người, thấy tôi vào, ai cũng ngoảnh đầu quay đi. Thậm chí khi tôi nói chuyện với một cô gái khá trẻ, quê ở Quảng Trị, em đã hét lên: “Chị đừng hỏi nữa, em không muốn nhắc lại, em buồn lắm...”, rồi khóc nức nở.
Mỗi đứa trẻ chào đời đáng lẽ ra phải thêm một niềm vui nhưng với họ lại là một nỗi buồn ê chề, tủi nhục. Nếu người mẹ không nhận lại con thì sau khi sinh hai ngày, đứa trẻ sẽ được các chị, các mẹ nơi đây đặt tên rồi chuyển xuống cho xóm mồ côi Bình Minh (thôn Tân Mỹ, thị trấn Thuận An, Phú Vang) nuôi nấng.
(Theo Người Lao Động)