![]() |
Ôtô rất nhiều và rẻ ở Campuchia. |
Lúc này đang là mùa khô, tôi lẽo đẽo cuốc bộ cùng họ băng qua đồng lúa hơn 2 km. Giá 50.000 đồng cho hai lượt đi về “an toàn”. Tay dẫn đường báo trước: “Chợ này không bán đồ xe hơi, nhưng anh có thể móc riêng với đám chuyên chở hàng từ Phnom Penh về cho các vựa ở đây. Họ đi ghe, thỏa thuận được giá, hàng bự cỡ nào họ cũng chở”.
Nước nổi mới rút vài tháng, chợ nhà sàn cao cẳng gò Tà Mâu đã khô nẻ đất. Người qua lại đông đến mức phải nhường bước nhau để đi qua cây cầu bắc ngang kênh biên giới.
13h, chuyến hàng đầu tiên từ Phnom Penh theo ghe cập bến chợ. Từng thùng điện thoại di động, máy lạnh mới tinh được hối hả chuyển xuống, nhưng chỉ có đầu DVD gắn trong xe hơi. Nó dày hơn đốt tay, to chưa bằng quyển vở học sinh, ghi chữ Nhật, giá 500.000-600.000 đồng/cái. Khách mua thử tại chỗ, nếu ít thì tự xách tay qua biên giới, còn nhiều thì có thể thuê đám đai hàng chuyên nghiệp. Giá vận chuyển hàng khúc về đến bến xe Châu Đốc an toàn khoảng 200.000 đồng cho cả bồng 10 cái...
Nghe tôi hỏi tìm mua phụ tùng xe Camry, chủ ghe A Tài phân vân, nhưng sau đó đồng ý và kêu tôi cho số điện thoại: “Ông cứ về khách sạn Châu Đốc chờ. Ngay tối nay tôi sẽ đi Phnom Penh, móc mấy người bạn tìm hàng cho ông. Chấp nhận giá cả, tôi sẽ chở liền về giao tại chợ này. Còn vận chuyển về nước thì anh tự thuê cánh thầu đai ở đây. Họ rành rẽ, đi an toàn hơn tôi, giá cả cũng không bao nhiêu”. A Tài cho biết thời gian chờ đợi tối đa là một tuần. Tôi ậm ừ gật đầu, rồi thoái lui. Người dẫn đường nghe chuyện, thông cảm: “Mối này không chuyên đi xe hơi. Thôi, anh về Châu Đốc, em chỉ kênh khác nhanh, bảo đảm hơn”.
Buổi tối, theo hẹn, tôi có mặt ở một quán nhậu BGI trên lộ 2000, Châu Đốc. Một tay chạy xe ôm chừng 25 tuổi tự giới thiệu: là “dân Sài Gòn” mới về, chạy xe ôm để “tìm mối làm ăn”, sống thiệt bằng nghề này chỉ có nước ăn cám. Tôi yêu cầu có được những món đồ để đại tu chiếc xế hộp của mình. Nghe xong, anh ta hồ hởi cho ngay số điện thoại bàn 076866... để liên lạc. “Em có ông anh ở Phnom Penh chuyên đi hàng này. Anh cần gì cứ viết rõ ra giấy hoặc gọi thẳng qua Campuchia số 85512503..., ổng sẽ cho người đón sang bển để tận mắt chọn xe...”.
Tay “vệ tinh” nói tiền dẫn đường đi về trong ngày an toàn, chỉ 70 đôla gồm cả chi cho các “thuế” đường, còn ngủ lại đêm ở khách sạn thì tự trả hoặc ở luôn nhà “ông anh” cho vừa rẻ vừa “thân thiết”. Nhìn nét mặt tôi ra chiều phân vân, anh ta trở mặt cau có, nói mát: “Thật ra, có người quen giới thiệu, tui mới nhiệt tình như vậy. Tụi tui kiếm sống bằng hàng chuyến, chứ ông đi thịt lẻ có một chiếc, tụi này bỏ túi được mấy đồng đâu”.
Giá cả và đường đưa về nước thế nào? “Một chiếc Camry mới lăn bánh vài năm, trầy xước không quá vài móng tay ở bển chỉ 6.000-8.000 đôla. Ông chỉ mất thêm vài ngàn nữa để thuê người xẻ thịt và đánh về nước. Ông cứ ghi “toa” yêu cầu cụ thể, tụi tui báo giá chính xác ngay trong ngày. Vận chuyển đường nào là chuyện của tụi tui, miễn sao hàng giao an toàn tận tay. Còn ông bắt thêm được vài mối nữa đi chung một chuyến luôn, tụi tui bớt tiền cho...".
Tôi đến Phnom Penh, phía “đối tác” đã đợi sẵn ở đại lộ Monivong. Trái với giọng xởi lởi thân thiện khi trao đổi qua điện thoại, ông ta có vẻ lạnh nhạt tự giới thiệu là A Chại, Hoa kiều (thật ra là người Việt) và uể oải: “Tưởng ông mua nhiều, chứ đâu biết chỉ có một chiếc thôi hả?”. Nhưng rồi A Chại cũng mời tôi lên chiếc Honda Acura cáu cạnh. Vừa lái xe, A Chại vừa nói: “Ông đi tìm xe đúng thời điểm đó. Nó đang được gom từ Thái Lan về nhiều lắm, để chuẩn bị đưa sang VN...”.
![]() |
Phụ tùng ôtô bị bắt ở cửa khẩu Vĩnh Xương |
Quành qua đại lộ trước cung điện Hoàng gia như để tôi thư giãn một chút rồi A Chại lái về một nhà kho ở gần cảng Phnom Penh. Ngôi nhà bề ngoài xập xệ, nhưng bên trong trưng hơn 10 chiếc xe hơi loại khá đang chờ khách mua. Ngoài Toyota còn có Ford, Honda và BMW...
Tất cả đều là “second hand”, nhưng A Chại cho biết có xe lăn bánh chưa tới 20.000km, tùy loại giá 5.000-17.000 USD/chiếc. “Nếu muốn xe Hàn Quốc để tôi dẫn sang bãi khác, nhưng báo trước là đồ nát hơn”. Tôi săm soi mấy chiếc xe, hỏi giá chiếc Camry màu xanh còn khá mới. "7.000 đô. Còn chiếc mới hơn trong góc thì 8.000 đô. Anh cứ chọn, tôi sẽ báo giá chính xác nhận hàng tại VN". ông ta trả lời chắc nịch.
Nghe tôi nói cần thay phụ tùng cho chiếc Camry đang chạy, A Chại gật gù: "Nếu ông cần thay nhiều thì xẻ thịt luôn chiếc này đi cho zin. Hơi phí một chút, nhưng vẫn rẻ hơn ở bển nhiều. Còn thay ít đồ thì để tôi kêu thằng đệ tử dẫn ra chợ lựa từng món, hàng bảo đảm cũng còn mới trên 85%".
Tôi kên giọng: "Nếu mua đồ món thì ngồi ở VN đặt hàng luôn cho rồi, dại gì phải qua đây cho tốn kém".
A Chại có vẻ vui hẳn: "Ông chịu chơi, lấy luôn chiếc 8.000 đô này đi. Xe chạy về áp biên giới mới rã, món gì cồng kềnh, không cần thì bỏ lại tui bớt cho chút đỉnh. Nhưng chắc giá bao công đánh hàng giao tận garage Sài Gòn là 4.000 đô".
Tôi chê đắt, A Chại cho biết đó là mức giá phổ biến đi hàng món hiện nay vì phải chịu đủ thứ “thuế” đường. Nhu cầu phụ tùng xe hơi ở bên VN đang rất cao. "Ngoài một số người đi mua trực tiếp như ông, khách hàng chính của tụi tôi là các cửa hàng phụ tùng và garage sửa xe cũ ở bển. Họ mua số nhiều, tụi tôi giảm giá thấp hơn. Quen biết rồi, họ chỉ cần gọi điện rồi chờ hàng giao tận nơi".
A Chại tiết lộ “đánh” xe lậu nguyên chiếc qua biên giới thì phức tạp, chứ đi hàng món đơn giản hơn nhiều. Thậm chí, trừ một vài bộ phận cồng kềnh, đồ có thể đủ để ráp lại gần như hoàn chỉnh một chiếc xe...
Sau chầu nhậu “sơ giao” ở quán Việt kiều khu cầu Sài Gòn, tôi thoái thác về khách sạn nghỉ ngơi để tính toán lại tiền. A Chại ra mặt không vui, nhưng vẫn dặn dò nếu cần thì cứ gọi điện thẳng cho ông ta, kể cả khi đã về VN.
Giữa tháng 2, Trần Quốc Thắng, đội trưởng đội chống buôn lậu Hải quan cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, An Giang, sau nỗ lực cài cắm “đặc tình” đã mật phục chính xác cả một mẻ hàng lậu lớn. Áp dụng chiêu pháp đơn giản nhưng khó ngờ “cái gì dễ nhìn thấy nhất lại ít bị để ý nhất”, thuyền trưởng Nguyễn Văn Liền đã bình thản cầm lái chiếc tàu trọng tải 250 tấn mang biển số Đồng Tháp chạy thẳng vào luồng chính cửa khẩu đường sông quốc tế Vĩnh Xương.
![]() |
Chiếc tàu chở hàng lậu |
Khi hải quan tiến hành khám xét, Liền vẫn bình thản cho biết tàu mình chỉ chở sắt thép phế liệu. Cuối cùng, những vạt gỗ dưới gầm buồng lái, gầm tàu được cạy lên để lộ ra gần 500 món phụ tùng ôtô các loại đã qua sử dụng cùng nhiều bộ máy lạnh của Nhật còn mới nguyên. Theo lời khai của “thuyền trưởng” này, nguồn hàng này được lấy từ Phnom Penh và đưa về TP HCM.
Trước vụ ở Vĩnh Xương, lực lượng hải quan An Giang ở Vĩnh Hội Đông cũng đã tung mẻ lưới dính cùng lúc cả hai chiếc tàu trọng tải lớn do thuyền trưởng Phạm Văn Tửng và Nguyễn Văn Dũng cầm lái chở đến 10 máy ôtô hiệu Kia, 10 máy Daewoo, 2 máy Camry cùng gần 1.000 phụ tùng rời các loại. Trong đó có cả bộ phận cầu sau, đùm trước, dây số, bơm trợ lực, lốc lạnh, đề máy... Ba tấn phế liệu được dỡ ra đã để lộ số hàng khổng lồ này.
Tửng và Dũng xám xịt mặt. Gần thời điểm mẻ lưới này, lực lượng hải quan An Giang ở huyện An Phú cũng đã phục bắt quả tang cùng lúc 16 bộ máy ôtô và gần 500 món phụ tùng các loại đã qua sử dụng được vận chuyển trên hai chiếc ghe trọng tải lớn khi đang vượt sông biên giới. Thuyền trưởng Hà Văn Dũng và Phan Văn Lâm khai: “chở thuê”, còn chủ hàng và người mua hàng là ai “không biết”.
Không ít những cuộc rượt đuổi ngoạn mục trên sông giữa lực lượng chống buôn lậu và bọn buôn lậu. Đội kiểm soát hải quan Vĩnh Ngươn tung cả mấy chiếc canô chặn đầu phục lõng hai chiếc ghe loại trọng tải 7 tấn chở 17 bộ máy ôtô hiệu Kia và hàng trăm phụ tùng thuộc 20 loại giấu dưới lớp than củi. Mấy tay buôn lậu, cậy máy ghe mã lực lớn, đã liều lĩnh lái ghe lủi thẳng đầu “xé rách” vòng vây. Cuộc rượt đuổi kéo dài mấy chục kilômet. Mãi đến khi có lực lượng công an phối hợp, bọn chúng mới chịu thúc thủ ở chợ Cái Dầu, huyện Châu Phú.
Tuy nhiên, anh Trần Bửu Tài, trưởng phòng tham mưu chống buôn lậu và xử lý Cục Hải quan An Giang, vẫn ưu tư: "Dân đánh hàng lậu kiểu này dù sao cũng mới cỡ cò con, được ăn cả ngã về không giống như “cảm tử quân”. Các tay buôn lậu chuyên nghiệp có thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn nhiều. Gần đây như vụ “vua” ôtô M.V.T. từ một tay cò xe “cóc ổi mía ghim” ở Bình Chánh - Chợ Lớn đã nâng đời lập công ty đi thu gom máy móc ôtô, cơ giới về bán lại cho các garage, đơn vị, cá nhân có nhu cầu. Bằng những chiêu gian lận tờ khai, bắt tay dưới bàn lòng vòng, rất nhiều máy ôtô Hàn Quốc, Nhật, Mỹ của T. đã trở thành máy “thủy” công khai nhập về cả container...
Sắp tới, khi dòng xe cũ chính thức được nhập về ồ ạt và nhu cầu phụ tùng thay thế tăng lên đột biến, chắc chắn cuộc chiến chống buôn lậu ở biên giới sẽ còn tiếp diễn nóng bỏng hơn nữa...
(Theo Tuổi Trẻ)