Olympic Việt Nam có trận thắng đầu tiên sau hai tuần tập trung. Đúng với phong cách, HLV Miura chê các học trò, dù đội thắng CLB mạnh là Hà Nội T&T. Ông thầy người Nhật Bản buộc các học trò luôn ở trạng thái "chân chạm mặt đất", nỗ lực nhiều hơn nữa.
Ba bàn ghi vào lưới của Hà Nội T&T không phải là kết quả tồi cho hàng công khi đội chỉ có hai tuần tập trung. Nhưng tuyến trên lại là hai tuyến “ăn mắng” nhiều nhất từ vị HLV 52 tuổi. “Hàng tiền vệ và tiền đạo khiến tôi không thể hài lòng. Do thể lực yếu và không tranh chấp tốt, họ không thể kiểm soát bóng và gây áp lực lớn cho hàng phòng ngự. Tôi cần phải sửa thêm rất nhiều”.
Suốt hành trình tham dự Asiad và AFF Cup 2014, không trận nào ông Miura không tìm thấy điểm chê các học trò. Thậm chí, có lúc ông "trăn trở" chỉ mong đội bóng gặp được đối thủ mạnh để thấy hết điểm mạnh, yếu.
Chiêu của ông Miura khiến các cầu thủ không có tư tưởng chủ quan, đôi chân luôn đặt trên mặt đất sau những chiến thắng. Những lời tán dương dường như là điều xa xỉ với chiến lược gia 52 tuổi.
Trận đấu tập của Olympic Việt Nam, HLV Miura liên tục xáo trộn đội hình, sử dụng cầu thủ ở nhiều vị trí để định hình đội hình chính. Ban đầu, nhiều chuyên gia lo ngại ông có thể “HAGL hóa” trong cách chơi của đội Olympic. Ông khẳng định “không có điều đó” và thực tế chẳng có gì thay đổi được phong cách của vị HLV này.
Ở trận giao hữu đầu tiên gặp Hà Nội T&T chiều 5/3, HLV Miura chọn đội hình gồm nhiều cái tên còn “lạ tai” như Phước Thọ, Văn Sơn ở hai bên hàng phòng ngự, cặp trung vệ Mạnh Hùng - Ngọc Hải, tiền vệ Tuấn Anh của HAGL đá cặp cùng Hữu Dũng, với sự hỗ trợ của Huy Toàn và Hùng Dũng. Công Phượng ngồi ngoài để Văn Toàn đá cặp cùng Thanh Bình. Thời gian còn lại, ông tiếp tục có 7 sự thay đổi nhân sự. Olympic vẫn vận hành khá tốt và có bàn ấn định 3-1 của Công Phượng - người vào sân hiệp hai.
Ông Miura từng áp dụng cách xáo trộn, thử nghiệm liên tục như hiện nay với Olympic và tuyển quốc gia năm ngoái. Ban đầu, một số ý kiến chuyên gia lo ngại cách làm của ông không tạo được đội hình ổn định, một bộ khung chính. Nhưng thực tế chứng minh, chính sự biến hóa mang tới thành công cho đội khi các đối thủ rất khó nắm bắt HLV Miura sẽ tung ra đội hình nào và cầu thủ đó liệu có thi đấu đúng với vị trí sở trường thường thấy hay không. Những cầu thủ thuộc hàng công càng được ông thay đổi, xáo trộn nhiều hơn.
Mặt tích cực trong cách làm của HLV Miura là mang đến việc cạnh tranh lành mạnh giữa các học trò. Dưới thời của ông, không có cảnh công thần luôn có vị trí chính thức còn các cầu thủ khác tập miệt mài vẫn dự bị. Tại AFF Cup 2014, Công Vinh vất vả tìm vị trí chính thức, còn Tấn Tài thì hầu như chỉ đóng vai trò dự bị. Hiện tại, những công thần, “báu vật” của bầu Đức như Công Phượng chuẩn bị sẵn tâm lý ngồi dự bị.
Ngọc Hà