Huy Trần, 27 tuổi, mới về nước năm ngoái sau thời gian hơn 10 năm du học ở Mỹ. Như vậy, lúc ở cái tuổi 16, tuổi bắt đầu tương đối độc lập trong việc tự thanh toán các khoản chi tiêu thì anh ta lại đang ở một nước mà cơ hội đụng đến tiền mặt không nhiều. Dường như ngại bị cho là "chảnh" nên Huy Trần giải thích: "Tôi không có ý chê việc xài tiền mặt. Nhưng khi giao dịch với người bản xứ ở Mỹ, phần đông họ đều thanh toán bằng thẻ. Có những thành phố gần như không dùng tiền mặt".
Thẻ mà Huy Trần đề cập đơn giản là những miếng nhựa. Đó là công cụ thanh toán thay thế tiền mặt đã khá phổ biến ở nhiều nước. Mỗi khi giao dịch, chủ thẻ chỉ cần chìa thẻ ra, và việc thanh toán sẽ tự động được thực hiện giữa ngân hàng cấp thẻ với người bán hàng. Trong thời gian ở Mỹ, tính ra Huy Trần luôn có trong người đến 15 cái thẻ.
Tưởng cá biệt nhưng thực tế nhiều người cũng như anh, xài nhiều thẻ và như thế mới thấy yên tâm ra đường. Việc mua sắm bằng thẻ đều khá thuận tiện, và họ chỉ cần dằn túi 5-10 USD để trả tiền đậu xe. Cho đến giờ Huy Trần đang làm việc ở một ngân hàng trong nước nhưng thói quen vẫn theo anh, lúc nào cũng có khoảng 10 cái thẻ để... dằn bóp.
Với nhiều người, xài thẻ là một cách thể hiện phong cách VIP. Chủ chuỗi siêu thị Citimart Lâm Minh Huy luôn xuất hiện với dáng vẻ lịch sự, sang trọng đầy chất VIP. Mà đã là VIP thì cách thanh toán cũng phải khác người bình thường. Thường xuyên ra nước ngoài như đi chợ nên ông cũng hay xài đến thẻ. Và dần dà cái máu nghiền thẻ hình như nhiễm sang ông. Hầu như thẻ quốc tế nào có ngân hàng trong nước phát hành là ông Huy đều đến mở, từ thẻ Visa, Mastercard khá phổ biến cho đến thẻ Amex ít phổ biến hơn. Không chỉ thẻ quốc tế mà cả các thẻ chỉ sử dụng được trong nước, ông Huy cũng sưu tập đủ.
Không nhiều như ông Huy nhưng ông Lâm An Dậu, tổng giám đốc công ty giấy Vĩnh Tiến, cũng là người luôn phải có vài ba thẻ quốc tế mang theo người. Có vẻ thực tình, ông Dậu nói: "Làm ăn, giao thiệp với đối tác, nhiều khi thanh toán các khoản chi phí bằng thẻ thì thấy uy hơn nhiều. Vào các nhà hàng, dịch vụ sang trọng, phần đông người ta thanh toán bằng thẻ, mình thanh toán tiền mặt thấy kỳ!".
Cũng là thẻ tín dụng nhưng nếu là loại thẻ VIP thì lại "oách" hơn. Các thẻ quốc tế có thể chia thành loại thẻ chuẩn (standard card), thẻ vàng (gold card), thẻ bạch kim (platinum card) với hạn mức tín dụng khác nhau, trong đó thẻ platinum là thẻ VIP có tín dụng được cấp nhiều khi cả trăm ngàn đô la là bình thường. Ở nước ngoài, những người cầm thẻ này vào sân bay, khách sạn 5 sao v.v. đều được hưởng những ưu đãi dành cho VIP.
Có điều ông Dậu vẫn than phiền về thẻ tín dụng quốc tế do ngân hàng trong nước phát hành. Ở các nước, thẻ tín dụng đúng nghĩa là tín dụng, được ngân hàng cấp không; còn ngân hàng trong nước thì cần chủ thẻ phải có một số tiền ký quỹ tương ứng với hạn mức tín dụng được cấp. Tất nhiên cũng có tín chấp, nhưng số người được tín chấp không nhiều. Ở các nước, việc cấp tín dụng giúp chủ thẻ có thể mở được nhiều thẻ. Điều cần làm của ngân hàng là theo dõi sát sao uy tín về tín dụng của chủ thẻ. Chủ thẻ càng tích lũy được nhiều điểm về uy tín thì hạn mức của thẻ càng được nâng lên. Có nhiều thẻ có hạn mức cao như vậy, chủ thẻ mới có điều kiện trả bằng thẻ để mua các tài sản lớn như nhà, xe.
Thật ra, dù ngân hàng trong nước có cấp thẻ tín dụng theo hình thức tín chấp đi nữa thì hạn mức cũng không cao. Huy Trần, từng xài thẻ VIP ở Mỹ, nói với Sài Gòn Tiếp Thị: "Ở Việt Nam chưa chuộng hình thức phân biệt giữa thẻ VIP với không VIP và do vậy, những VIP thật sự là VIP không cảm thấy giá trị của mình cũng như quyền lợi ưu đãi khi chìa thẻ ra. Ông Lâm Minh Huy cũng có lần than phiền: "Khách hàng như tôi lẽ ra nên được cấp thẻ có giá trị lớn một chút. Không phải ghê gớm gì nhưng nhiều khi nhu cầu giao dịch lớn mà thẻ như thế thì thật không thấm vào đâu!".
Nhưng nếu có thẻ VIP mà điều kiện xài thẻ trong nước như hiện nay thì VIP... cũng thua. Về nước được vài tuần thì Huy Trần nhận việc ở một ngân hàng với cương vị là một sếp nhỏ. Ngày đầu ra mắt, sếp dẫn cả phòng đi khao nhà hàng. Đến chừng tính tiền, sếp chìa thẻ ra nhưng nhà hàng lắc đầu, chỉ nhận tiền mặt. Báo hại sếp phải nhờ nhân viên hùn tiền lại tính giùm, về phòng sếp sẽ trả lại sau...
Hiện mạng lưới các điểm thanh toán thẻ trong nước cũng được phủ khá rộng, nhất là các trung tâm mua sắm, nhà hàng, khách sạn sang trọng, nơi thường xuyên có những người xài thẻ lui tới. Thế nhưng lại nảy sinh các rắc rối khác. Ông Lâm Minh Huy cứ thích xài thẻ mỗi khi có dịp, nhưng nhiều lần như vậy ông đều gặp vẻ mặt không vui lắm của người bán hàng. Và nếu ông vẫn đòi thanh toán bằng thẻ thì người bán đề nghị phải cộng thêm 3%.
Đau khổ hơn nữa là có thẻ mà không xài được! Một lần đi công việc nhiều ngày ở một tỉnh miền Tây, ông Huy tính tiền với khách sạn bằng thẻ. Cả 6 thẻ ông Huy đưa ra, không thẻ nào mà thiết bị đọc thẻ của khách sạn đọc được. Các thiết bị đọc thẻ vẫn thường gặp trục trặc kiểu này.
Nhưng dù sao, ông Lâm Minh Huy nói rằng chuyện xài thẻ vẫn vui nhiều hơn buồn. Đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay, chỉ cần ngồi nhà nhấc điện thoại đọc số thẻ là xong. Hay như ra nước ngoài, mua sắm tiêu dùng cũng khá thuận tiện, lại còn được hưởng ưu đãi. Ông Huy hy vọng một ngày gần đây, việc xài thẻ ở Việt Nam cũng thuận tiện như vậy.
Tạm thời trong điều kiện bây giờ, ông Huy dù có thẻ vẫn thủ thêm nhiều tiền mặt trong túi cho chắc ăn. Còn Huy Trần, cái anh chàng ở Mỹ vừa về được một năm, nói cả năm nay vẫn chưa quen với việc mang bóp tiền trong người.