Theo Mirror, những phụ tá cao cấp nhất của Hoàng gia tham dự cuộc họp hôm 24/3 để ghi nhận các lo ngại của người dân ba quốc gia vùng Caribbean, giữa bối cảnh William - Kate vấp phải biểu tình phản đối ở cả ba quốc gia trong khu vực này.
Trong cuộc họp, William nói đã đến lúc anh cần sử dụng tiếng nói của mình và đương đầu với các vấn đề, khi những cuộc biểu tình chống nô lệ và đòi bồi thường nổ ra ở cả ba quốc gia Belize, Jamaica và Bahamas.
Các phụ tá cho hay William sốc trước những phản ứng tiêu cực của người dân và truyền thông về chuyến công du. Vì thế, anh muốn đưa ra tuyên bố chưa có tiền lệ về tương lai của vùng Caribbean và Khối Thịnh vượng chung.
Trong cuộc họp, William nói với các phụ tá rằng anh muốn có một tuyên bố táo bạo để các quốc gia vùng Caribbean và các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung khác đang trải qua phong trào cộng hòa, được tự do lựa chọn số phận của đất nước mình. Công tước xứ Cambridge còn cho rằng những quốc gia đang cân nhắc thay đổi mối quan hệ với Anh cần có được sự chúc mừng và ủng hộ từ chế độ quân chủ.
William đã cân nhắc những yếu tố trên khi cùng Kate tham gia cuộc đua thuyền buồm ở Bahamas và có những điều chỉnh phù hợp khoảng hai tiếng trước khi đưa ra tuyên bố chính thức trong bữa ăn tối với Toàn quyền Bahamas.
"Hoàng tử muốn được lắng nghe và tin rằng cần phải đối mặt, giải quyết những tin tức tiêu cực. Anh ấy thể hiện quan điểm rằng bất cứ quốc gia vùng Caribbean nào anh ghé thăm đều hoàn toàn tự do và nhận được sự ủng hộ từ Hoàng gia trước mọi quyết định của họ về tương lai. Nhưng William còn đi xa hơn thế, khi đặc biệt đề cập đến cả Khối Thinh vượng chung trong bài phát biểu. Công tước xứ Cambridge đã suy nghĩ về những vấn đề này một thời gian dài và nhận thấy vai trò của mình ngày càng quan trọng trong việc thích nghi với một thế giới đang thay đổi", một phụ tá Hoàng gia nói.
Những lựa chọn về ngôn từ của William trong tuyên bố đều nhận được sự ủng hộ từ Nữ hoàng và Thái tử Charles.
Hôm 26/3, khi chuyến công du sắp kết thúc, William đưa ra đánh giá hoàn toàn trung thực về chuyến thăm 8 ngày đến Belize, Jamaica và Bahamas, cho biết anh chấp nhận tương lai mình sẽ được tạo dựng dựa trên cách nhìn nhận thế giới của vợ chồng anh, không phải dựa trên vị thế Hoàng gia.
"Chuyến công du đã đặt ra những câu hỏi tập trung về quá khứ và tương lai. Ở Belize, Jamaica và Bahamas, tương lai đó là do người dân quyết định. Những chuyến thăm nước ngoài này là cơ hội để suy ngẫm. Bạn học được nhiều từ nó. Những suy nghĩ của các thủ tướng; hy vọng, hoài bão của các em học sinh; thách thức hàng ngày của các gia đình và cộng đồng. Chúng tôi rất thích khoảng thời gian giao lưu cùng các cộng đồng ở cả ba quốc gia, hiểu hơn về những vấn đề quan trọng nhất đối với họ", William nói.
"Catherine và tôi cam kết phụng sự. Với chúng tôi, vấn đề không phải là nói họ cần phải làm gì, mà là phụng sự và ủng hộ bất cứ điều gì họ cho là tốt nhất. Đây là lý do vì sao những chuyến công du như thế này giúp khẳng định lại mong muốn của chúng tôi trong việc phục vụ người dân thuộc Khối thịnh vượng chung và lắng nghe các cộng đồng trên khắp thế giới".
Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia của Anh và 15 nước từng là thuộc địa của Anh, gồm Antigua và Barbuda, Australia, Bahamas, Barbados, Belize, Canada, Grenada, Jamaica, New Zealand, Papua New Guinea, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia, Saint Vincent và Grenadines, Quần đảo Solomon và Tuvalu. Chuyến thăm các nước Caribbean của vợ chồng Hoàng tử William diễn ra vào dịp kỷ niệm 70 năm Nữ hoàng Anh trị vì, trong bối cảnh những tranh cãi về thời kỳ thuộc địa khiến một số quốc gia trong khu vực suy nghĩ lại về quan hệ với Hoàng gia Anh. Hồi tháng 9/2020, Quốc đảo Barbados từng gây tranh cãi khi quyết định bỏ vai trò nguyên thủ quốc gia của Nữ hoàng Elizabeth II và trở thành nước cộng hòa trước tháng 11/2021.
Hướng Dương (Theo Mirror)