Nhà trẻ trong trại Phú Sơn 4. |
Báu vật của người phụ nữ mà thượng đế trao cho họ là những đứa con nhưng có những báu vật ấy lại phải ra đời trong chốn lao tù. Ở Trại Phú Sơn 4, nhiều nữ phạm nhân vừa trả án vừa khai hoa nở nhụy. Họ mang nỗi buồn mênh mang, tê tái, xót thương con ra đời sau song sắt nhà tù rồi lặng lẽ chăm sóc những thiên thần nhỏ bé trong tấm lòng bao dung, độ lượng, chia sẻ của những người quản giáo.
Mưa lắc rắc rơi trong những vườn cây đen thẫm lúc hoàng hôn trong Trại Phú Sơn 4. Những đứa trẻ mắt đen lay láy vịn chấn song sắt buồng giam nhìn ra bầu trời mênh mông phía xa. Trong chốn đại lao này, nữ tù Nguyễn Thị Thanh sinh đôi hai con gái khi mới 22 tuổi.
Cô gái trẻ vào trại giam vì tội giết người, thụ án 12 năm. Khi còn là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội, Thanh đã yêu say đắm anh chàng mắc nghiện ma túy.
Tình yêu đầu đời của cô gái trong trắng này hy vọng sẽ giúp người chồng vượt qua được cạm bẫy của "ả phù dung". Thế nhưng, mỗi lần lên cơn thèm thuốc, chồng Thanh lại đánh đập vợ và bán tất cả những gì có thể.
Một tối tháng 3/2004, trong một trận cãi lộn, Thanh uất hận do bị chồng đánh đập đã tiện tay rút con dao dưới bếp vung lên tự vệ. Chồng Thanh chết ngay dưới lưỡi dao oan nghiệt của chính người yêu thương mình hết lòng. Ngày ra tòa lĩnh án 12 năm tù giam cũng chính là ngày Thanh biết mình có thai.
Thanh mang thai đôi, lại trong tâm trạng bất ổn nên các cán bộ quản giáo và chị em cùng phòng phải mất nhiều thời gian để động viên, an ủi. Sau một thời gian dài các cán bộ quản giáo động viên, chăm sóc, hai bé Hà Thúy Hằng nặng 1,5kg và Hà Thúy Mi nặng 1,9kg ra đời.
Thời gian này do không đủ sữa nuôi con nên Thanh phải gửi bé Mi ra ở với bác.
Mặc dù thiếu thốn đủ bề nhưng may mắn Hằng cũng rất khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Lúc nào trông thấy các "mẹ" quản giáo là em lại chạy ùa tới nhào vào vòng tay ân cần của các cán bộ như đã sớm biết ơn công lao các cô, các bác giúp mẹ nuôi em trong sự cùng cực của nỗi đau khổ.
Đặng Thị Oanh (35 tuổi), quê ở Thạch Thất, Hà Tây, bị bắt vào trại từ năm 2004 vì tội môi giới mại dâm, bị xử 13 năm tù. Khi vào trại, cô gái này đã mang thai 4 tháng. Biết được sự khó nhọc của người mang thai nghén, các cán bộ quản giáo hết sức ưu ái và tạo điều kiện tốt nhất cho Oanh làm công việc quét dọn nhẹ nhàng.
Chia sẻ với sự lo toan ấy, mỗi tháng một lần, Oanh được bác sỹ trong phân trại khám thai, động viên tinh thần để ổn định tâm lý. Thế là cả Oanh, cả các phạm nhân cùng phòng và cả cán bộ quản giáo đều đếm ngày đợi lúc lâm bồn.
Mặc dù các phân trại trong trại giam đều có bệnh xá nhưng vì Oanh nhiều tuổi, thai to, sợ sinh khó, lãnh đạo trại đã điều hẳn một chuyến xe ôtô chở Oanh ra Bệnh viện tỉnh Thái Nguyên. Trên đường đi, các bác sĩ và quản giáo túc trực bên Oanh để xử lý tất cả những nguy biến mỗi khi cơn đau đẻ dồn dập đến. Một bé gái kháu khỉnh nặng 3,2kg chào đời oe oe khóc khiến Oanh bật khóc cùng con.
Trong gần 5.000 phạm nhân ở Trại giam Phú Sơn 4, hiện có 1.239 nữ tù. Nhiều người trong số các nữ tù nhân này khi bước chân vào trại là con họ bơ vơ, không nơi nương tựa.
Để họ yên tâm cải tạo, chính sách nhân đạo của Nhà nước đã cho phép các nữ phạm nhân có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi không người nuôi dưỡng được mang con vào trại. Nhà trẻ mẫu giáo trong Trại giam Phú Sơn 4 từ đó cũng được thành lập để chăm sóc, dạy dỗ các cháu khi các bà mẹ ra ngoài lao động.
Theo quy định của lãnh đạo trại, nhà trẻ có trách nhiệm chăm sóc các cháu bé từ 6 tháng đến 3 tuổi. Hiện nhà trẻ có 13 cháu (lúc đông nhất, nhà trẻ có 36 cháu). Cũng giống như bất cứ nhà trẻ nào ở ngoài xã hội, nhà trẻ ở Trại giam Phú Sơn 4 có đầy đủ điều kiện học tập và đồ chơi cho các bé.
Theo tiêu chuẩn của Nhà nước, mỗi cháu bé sống cùng mẹ trong trại giam đều được hưởng 120.000 đồng/tháng. Số tiền này được các cô giáo dành dụm để đi chợ lo sữa và thức ăn hàng ngày cho các cháu.
(Theo Công An Nhân Dân)