
Bất chấp việc bị liệt cả hai chân, anh Phan Vũ Minh (31 tuổi, làm nghề bán cây cảnh) vẫn tự gây dựng một vườn nhỏ với đủ loại rau màu, cây ăn trái... Đối với anh, việc chăm sóc rau trái không chỉ đem đến nguồn cung thực phẩm sạch cho gia đình, còn 'tràn đầy niềm vui', giúp anh cân bằng cuộc sống.

'Năm học lớp sáu, tôi bị dị dạng mạch máu tuỷ sống nên phải điều trị liên tục. Tới năm 20 tuổi, tôi mất khả năng đi lại. Tôi đã gắn bó với xe lăn 11 năm', anh Minh nói về biến cố cuộc đời.

Nhưng những giông tố của cuộc đời chưa bao giờ ngăn được niềm đam mê trồng trọt nơi anh. 'Hồi còn ở TP HCM và đi lại được, tôi đã thích trồng cây. Tôi làm quen với việc trồng cây trong chậu, thùng xốp. Đến khi đổ bệnh, tôi lo điều trị nên phải bỏ trồng cây. Sau đó, lúc về quê Vĩnh Long, tôi bắt đầu trồng cây trở lại. Tính tới nay đã được 7-8 năm làm vườn', anh nói.

Khu vườn khi nhìn từ trong nhà ra. 'Nhà có diện tích vườn tới 800 m2 nhưng tôi chỉ sử dụng khoảng 60 m2 để trồng rau và trồng ở vị trí không cố định, chỗ nào trống thì trồng. Tôi quy hoạch chủ yếu cây trồng trong chậu, cây dây leo ở hai bên lối đi trước nhà để che mát, bên hông nhà quây lại thành nhà lưới trồng rau...', anh cho biết.

Anh Minh chủ yếu trồng các loại rau ăn lá, các cây leo cho trái thông dụng để ăn hàng ngày. Ban đầu, anh chỉ trồng cây, rau trong chậu để tiện chăm sóc, di chuyển, tưới nước và bắt sâu bằng tay. Khi nhập hoa hồng leo về để bán cho khách, anh thừa chậu nên đã tái sử dụng chậu này để trồng cây rau cải và phát triển vườn dần dần. Tới khi quen tay, anh từ từ cải tạo đất trồng, lên luống cho khu vườn.

Do cha sống ở TP HCM và sẽ về quê khi nghỉ hưu nên phần lớn thời gian, anh Minh tự chăm vườn với sự đồng hành của mẹ. 'Mẹ thấy tôi trồng cây và có ăn nên mẹ cũng thích. Sau đó, hai mẹ con cùng nhau làm. Nếu trong quá trình làm, tôi cần thứ gì ở trên cao như giăng lưới, mẹ sẽ phụ. Còn tôi làm vườn ở phía dưới. Nói chung đó cũng là niềm vui của hai mẹ con khi được vừa làm, vừa nói chuyện, vừa thoải mái đầu óc', anh cho hay.

Bị hạn chế di chuyển nên dù có mẹ hỗ trợ, anh Minh vẫn gặp không ít khó khăn khi làm vườn. Mỗi lần làm việc, anh chỉ có thể làm chậm. 'Khi chuyển chỗ, dời chậu, tôi đều phải để chậu lên người. Tới lúc làm xong việc, quần áo lẫn xe bẩn hết. Mỗi lần với cây, tôi cũng đều phải cúi người xuống mà nếu cúi lâu quá, lưng sẽ bị đau mỏi, cộng thêm chuyện tôi bị huyết áp cao nên nhiều lần làm vườn, tôi bị xây xẩm mặt mày. Không chỉ vậy, hai chân bị teo nên xương đầu gối đụng vô người, trầy, chảy máu. Còn lý do khách quan nữa là khi cuốc đất, tôi phải cuốc mạnh tay vì đất cứng. Và nhiều lần, tay đều bị đỏ, chuột rút. Nói chung nhiều thứ xảy ra lắm', anh cho biết.

Đương đầu nhiều thách thức khi gây dựng khu vườn, nhiều lần anh Minh có ý định bỏ cuộc, nhất là khi anh nâng niu, chăm bẵm mà cây vẫn chết. 'Những hình ảnh bạn đang thấy là những rau, trái tôi trồng thành công. Còn trước đó, tôi có nhiều thử nghiệm thất bại. Tôi bỏ rất nhiều công sức, không phun thuốc trừ sâu hóa học, dùng phân hữu cơ để đảm bảo an toàn nhưng cây lớn lên èo uột, bị sâu bọ cắn phá, hư hết, tôi rất nản. Hồi đầu mới trồng, tôi không biết ở quê có mùa nước mặn và tưới nước đó sẽ khiến chết rau lẫn cây cảnh, cũng không biết dự trữ nước ngọt. Năm đó oải nhất nhưng cuối cùng tôi vẫn không bỏ được việc trồng trọt vì đó là đam mê, sở thích. Sau này, tôi cố gắng học hỏi để trồng trọt ngày càng tốt hơn', anh tiếp tục.

Dần dà, khi học hỏi từ những thất bại của chính mình, anh Minh tự sửa dần các lỗi sai, biết từng cây, từng loại giống khác nhau có cách chăm khác nhau. Làm nhà lưới cũng là giải pháp triệt để giúp vườn của anh Minh tươi tốt, tránh sâu bọ, giúp tỷ lệ đậu trái cao.

Khi trồng cây, anh cũng lưu ý tới vụ mùa của từng loại. Lúc gần Tết, gió Bắc về, anh mới trồng bắp cải, còn bình thường sẽ trồng rau muống, mồng tơi, rau dền, cây dây leo chịu nhiệt phù hợp thời tiết Vĩnh Long. 'Nói chung phải trồng thử vì có thất bại mới có thành công. Bạn cứ trồng thử, nếu có thất bại, bạn mới rút ra được kinh nghiệm về cách trồng, đất, cách tưới. Khi tưới nhiều loại cây, bạn phải đỡ nó dậy chứ không để nó nằm, nếu không cây sẽ chết', anh nói.

Anh và mẹ thường chọn chăm vườn vào xế chiều khi trời mát. 'Tôi không chăm vườn mỗi ngày mà khoảng hai ba hôm mới làm một lần. Ví dụ khi cuốc đất, gieo giống, tưới nước xong, mình cần đợi cây lớn nên sẽ chăm sóc cây chỗ này, chỗ kia thay phiên', anh nói. Vì không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học nên anh Minh thường bắt sâu bọ bằng tay. Nhiều khi anh rọi đèn để bắt sâu vào buổi tối.

Với đất trồng, anh gợi ý bạn mua mụn dừa, tro về xử lý, rửa, ngâm cho bớt chất chua. Sau đó trộn tro, trấu, ít đất thịt, phân và ủ cho tốt. Khi đất có nhiều dinh dưỡng rồi mới trồng cây. 'Trồng cây gì cũng vậy, đất phải tơi xốp, bạn không nên trồng cây trực tiếp trên đất thịt vì khiến cây không cứng cáp, không phát triển được', anh cho hay.

Về khoản chi phí, chàng trai 31 tuổi cho biết vườn không đòi hỏi đầu tư lớn. 'Tôi chỉ tốn tiền mua hạt giống, còn nước tưới là nước sông. Ngoài ra tôi tốn chút tiền điện để cho máy bơm nước tưới nước. Còn công bỏ ra để chăm vườn mới nhiều', anh bổ sung.

Nhờ vườn rau nhỏ của gia đình nên mẹ con anh Minh nhiều năm không cần mua rau ngoài chợ và còn dư để cho họ hàng, bà con lối xóm. 'Nhiều lúc, tôi gieo cây từ hạt giống như bầu, bí, thấy nó lớn lên, phát triển và ngày càng to hơn, tôi nhìn mà trong lòng rất phấn khởi, cứ lòng vòng xung quanh để ngắm. Còn có những loại cây trái tôi không nỡ ăn, để nó lớn tới già vì cứ thích ngắm. Và khi tự thưởng thức rau, trái mình trồng, tôi có thể ăn ngon, nhiệt tình, thoải mái hơn khi ăn rau ngoài chợ vì biết nó sạch 100 %, không lớn lên bởi phân thuốc nguy hại', anh Minh nói.
Hằng Trần
Ảnh: Facebook Phan Vũ Minh